Đồng Nai là mảnh đất có hơn 300 năm hình thành và phát triển. Trải qua bao thăng trầm, ngày nay nơi đây vẫn gìn giữ được những nét văn hóa tiêu biểu, đặc sắc thể hiện rõ nét thông qua những lễ hội lớn.
Nếu bạn có dự định ghé thăm tỉnh thành Đông Nam bộ này trong tương lai thì đừng quên tham khảo thông tin về các lễ hội truyền thống ở Đồng Nai để sắp xếp thời gian phù hợp nhé.
Kỳ Yên là một trong những lễ hội truyền thống ở Đồng Nai quan trọng nhất trong văn hóa tâm linh của người dân bản địa xứ này.
Lễ thường diễn ra vào hai mùa xuân và thu hoặc gắn liền với những ngày liên quan tới đối tượng được thờ tự. Người dân vào mùa lễ hội sẽ cùng nhau đóng góp lễ vật để dâng lên vị thành hoàng bổn cảnh với mong ước cầu xin mưa gió thuận hòa (phong điều vũ thuận), mùa màng tốt tươi (phong đăng hòa cốc) và quê hương đất nước bình yên (quốc thái dân an). Lễ hội Kỳ Yên trải qua bao thăng trầm ngày nay đã trở thành tín ngưỡng linh thiêng, hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Lễ hội truyền thống ở Đồng Nai được tổ chức long trọng với những nghi thức cúng tế thiêng thiêng nhằm thể hiện lòng cung kính đối với thần linh và các thế hệ có công mở mang, khai phá, phát triển làng xã. Trong đại lễ Kỳ Yên có sự phối hợp giữa các nghi thức cúng tế và hình thức diễn xướng, trong đó đặc biệt nhất là lễ xây chầu – đại bội và hát tuồng diễn ra sau khi nghi thức Đàn cả hoàn tất.
Xuyên suốt thời gian lễ Kỳ Yên diễn ra, du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng nhiều nghi thức ấn tượng như Túc yết, Đoàn cả, Tế tiền hiền, hậu hiền, Thỉnh sắc, Tỉnh sanh, Hồi sắc, Tống ôn…và hòa mình vào bầu không khí sôi động, náo nhiệt đến từ các hoạt động hát bộ, múa lân, đua thuyền, đầu võ, xô giàn.
Ăn nhang là lễ hội truyền thống ở Đồng Nai có nguồn gốc từ đồng bào dân tộc Châu ro. Ngày hôi này hiện nay chỉ còn tồn tại ở ấp Bầu Trâm (xã Bàu Trâm, TP. Long Khánh) do ông Thổ Đực làm chủ lễ.
Lễ ăn nhang thường được tổ chức vào rằm tháng hai âm lịch trong phạm vi một cụm dân cư, do trưởng họ hoặc già làng làm chủ lễ. Giai đoạn này người dân đã thu hoạch xong và đang chuẩn bị cho mùa lúa mới nên tiến hành làm lễ cúng thần lúa, cúng Yàng để cầu mong mùa màng năm sau ấm no hơn.
Nghi lễ của lễ hội ăn nhang gồm cúng cầu nguyện các thần linh, thỉnh nguyện các thần linh về nhận lễ vật cúng và nguyện xin ngài phù hộ độ trì cho cả xóm làng, gia đình hạnh phúc, sum vầy; cầu cho mưa thuận gió hòa, làm lúa trúng mùa, hoa quả tốt tươi. Lễ vật trước ngày hội được người dân cùng nhau chuẩn bị, có rượu cần, lúa gạo, thức ăn…
Trong thời gian diễn ra lễ hội truyền thống ở Đồng Nai, dân làng vừa cúng, vừa hát Ladưng rồi ăn thịt, uống rượu cần, đánh cồng, chiêng, nhảy múa thâu đêm đến tận sáng hôm sau.
>>Xem thêm: Tổng hợp cẩm nang du lịch Biên Hòa Đồng Nai
Du lịch Đồng Nai, chắc hẳn nhiều du khách đã từng nghe nói đến lễ hội Tài Phán của cộng đồng người Hoa sinh sống trên đất Long Khánh. Tả Tài Phán hay còn gọi là Vạn Nhân Duyên là ngày hội mang ý nghĩa nguyện cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, xua đi mọi ưu tư, phiền muộn và mang đến những điều tốt lành cho cả cộng đồng.
Cứ 3 năm lễ hội truyền thống ở Đồng Nai lại diễn ra một lần vào tháng 12 và kéo dài từ 3 – 4 ngày. Trong đó, ngày đầu cúng phong sơn định vị và hồi đàn an vị phật, rước các bàn thờ các họ tộc; ngày thứ hai khai kinh, cầu an cho mọi người; ngày thứ ba dựng nêu, lập đoàn hành hương viếng các chùa, đình, miếu, mạo ở địa phương và ngày thứ tư lễ hội mới chính thức diễn ra.
Lễ hội sẽ được tổ chức xoay phòng tại các ngôi chùa nằm ở xã, phường trên địa bàn Long Khánh. Mỗi dịp ngày hội tổ chức lại thu hút rất đông đồng bào người Hoa ngoại tỉnh và du khách tham dự, vừa để xem lễ hội, vừa ủng hộ quỹ giúp đỡ người nghèo, xây dựng trường học.
Trong danh sách lễ hội truyền thống ở Đồng Nai thu hút sự chú ý của nhiều du khách chắc chắn không thể không nhắc đến lễ Chùa Ông linh thiêng.
Lễ hội Chùa Ông diễn ra từ ngày mùng 10 đến 13 tháng Giêng âm lịch với rất nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc như lễ nghinh các vị thần; khai lễ, mở hội; lễ cúng trời và thả phúc khí cầu; lễ cầu an và thả hoa đăng trên sông Ðồng Nai…Riêng trong phần hội, các chương trình ấn tượng gồm biểu diễn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ, biểu diễn tuồng cổ lân – sư – rồng, trò chơi dân gian, giao lưu thư pháp…thu hút nhiều vị khách yêu mến văn hóa bản địa tham gia khám phá.
Đặc biệt, song song với phần rước thần trong lễ hội truyền thống ở Đồng Nai, rất nhiều hoạt động như biểu diễn tạp kĩ, phát bao lì xì cho người dân, biểu diễn nhạc cổ truyền trên đường phố…cũng góp phần giúp bầu không khí thêm phần rộn ràng, náo nhiệt.
Lễ cúng thần Lúa SaYangva hay OpYangva là lễ hội lớn nhất trong năm của người Chơ ro – một trong những tộc người bản địa sinh sống ở vùng núi rừng Đồng Nai. Trước đây, lễ hội cúng thần Lúa kéo dài nhiều ngày đêm, thu hút đông đảo cộng đồng tham gia. Hiện nay tại một số nơi, người Chơ ro vẫn duy trì lễ hội SaYangva nhưng không còn kéo dài như xưa.
Trong thời điểm diễn ra lễ hội truyền thống ở Đồng Nai, người Chơro dựng một cây nêu trước sân nhà và tiến hành chuẩn bị heo, gà, rượu cần làm lễ vật cúng tế đặt dưới chân cây nêu. Sau đó, người phụ nữ trong gia đình sẽ đi rước hồn lúa – chùm lúa rẫy được bó để dành sau mùa thu hoạch trên nương trang trí trên bàn thờ. Sau khi cúng thần nhà, người Chơro đem lễ vật ra kho lúa và tại đây diễn ra những nghi tế riêng cho thần lúa.
Bầu không khí của ngày hội cúng thần Lúa diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa độc đáo như tấu cồng chiêng, ca hát, uống rượu cần…Tham gia tour du lịch TP Hồ Chí Minh – Đồng Nai, nếu bạn kỳ vọng được tìm hiểu văn hóa bản địa đặc sắc thì đừng bỏ qua lễ hội lớn này nhé.
>>Xem thêm: Trốn phố, tìm bình yên tại 5 khu glamping ở Đồng Nai ‘cực chất’
Khám phá nét văn hóa bản địa đặc sắc thông qua các lễ hội truyền thống ở Đồng Nai là trải nghiệm du lịch độc đáo, thú vị được nhiều du khách săn đón khám phá.
Đỗ Hằng