Bạn đang tìm một địa chỉ du xuân gần trung tâm Hà Nội? Bạn đang muốn hòa mình vào không gian thanh bình, trong lành của miền tâm linh? Lễ hội chùa Hương Hà Nội sẽ là dịp để thỏa mãn tất cả nhu cầu của bạn và gia đình đấy.
Lễ hội chùa Hương diễn ra ngày nào hay thời gian tổ chức Lễ hội chùa Hương (Hương Sơn) là điều mà nhiều người đang thắc mắc khi lên kế hoạch cho chuyến đi. Lễ hội này thường tổ chức vào dịp đầu năm Âm lịch, từ tháng Giêng và kéo dài tới tháng 4.
Năm 2024, Lễ hội chùa Hương diễn ra ngày nào? Cụ thể, lễ hội đã chính thức khai hội vào ngày 15/2 Dương lịch (Tức ngày mùng 6 Tết). Lễ hội chùa Hương Hà Nội năm 2024 diễn ra tới hết tháng 4 Âm lịch. Như vậy, thời gian lễ hội khá lâu với nhiều hoạt động hấp dẫn, thu hút hàng nghìn người tham gia mỗi năm.
Địa điểm diễn ra lễ hội này tại Khu di tích và thắng cảnh chùa Hương (Xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội). Đây là một quần thể chùa linh thiêng, cổ xưa, được nhiều du khách gần xa biết đến. Như vậy, sau khi đã nắm rõ thời gian cũng như địa điểm diễn ra Lễ hội chùa Hương, còn chần chờ gì nữa mà không lên lịch ngay cho chuyến đi của mình thôi nào.
Với khoảng cách hơn 60km, để tham gia Lễ hội chùa Hương Hà Nội, bạn sẽ mất khoảng 1 tiếng 15 phút di chuyển bằng ô tô. Nhìn chung với khoảng cách không quá xa như vậy, du khách có thể đi về trong ngày hoặc dành 2 ngày 1 đêm để khám phá trọn vẹn vùng đất Mỹ Đức – ngoại thành Hà Nội.
Từ trung tâm TP. Hà Nội, khách du lịch đi theo tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ đến nút giao Đồng Văn - Quốc lộ 38 tiếp tục rẽ vào ĐT74 là tới Chùa Hương. Vào những ngày cao điểm, tình trạng giao thông có thể khá tắc nên bạn cần chú ý sắp xếp thời gian khởi hành sao cho phù hợp.
Nếu đi xe bus tới chùa Hương, quan khách có 3 tuyến xe bus là 211, 78 và 75 để tha hồ lựa chọn. Tùy từng điểm xuất phát mà bạn lựa chọn xe bus thích hợp. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm đi Lễ hội chùa Hương Hà Nội, vào những ngày đầu xuân, các tuyến xe bus khá đông đúc nên bạn cần chú ý bảo vệ tài sản cá nhân. Việc di chuyển bằng xe bus cũng sẽ mất thời gian hơn so với phương tiện ô tô hay xe máy.
Trong trường hợp đi xe máy, bạn mất khoảng 1,5 tiếng đi lại. Đến khu vực ngoại thành, cảnh vật bình yên, dễ chịu, cho bạn tha hồ ngắm cảnh. Trên hành trình di chuyển, đường xá đẹp, không khó đi nhưng du khách cần chú ý các phương tiện khác để bảo đảm an toàn cho bản thân là được.
Giá vé thăm quan chùa Hương cụ thể:
+ Giá vé thuyền đò tuyến Hương Tích: 85.000 đồng/người cho 2 lượt
+ Giá vé tuyến Long Vân giá 65.000 đồng/người 2 lượt
+ Giá vé tuyến Tuyết Sơn giá 65.000 đồng/người 2 lượt
+ Giá vé thắng cảnh là 120.000/người/lượt; vé ưu tiên: 60.000/người/lượt (giá vé trên đã có 2.000 đồng bảo hiểm).
+ Giá vé cáp treo khứ hồi: 220.000 đồng/người lớn, 150.000 đồng/trẻ em. Giá vé một lượt: 150.000 đồng/người lớn, 100.000 đồng/trẻ em.
+ Giá vé vận chuyển khách bằng xe điện: 20.000 đồng/người/lượt.
- Với giá vé thăm quan chùa Hương như trên, thời gian vận chuyển thuyền đò là:
Từ 05h00 đến 20h00 các ngày từ thứ 2 đến thứ 6; từ 4h đến 20h ngày thứ 7 và Chủ nhật. Như vậy, để tham gia Lễ hội chùa Hương Hà Nội, giá vé như trên là vô cùng phù hợp, lý tưởng cho cả những ai đang muốn vi vu đầu năm một cách tiết kiệm.
>>Xem thêm: Gợi ý điểm du xuân tại Hà Nội nạp năng lượng cho năm mới
Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, từ năm 1770 khi Chúa Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cùng quân thần du ngoạn Trấn Sơn Nam đã đặt chân tới động Hương Tích vãn cảnh. Chúa viết lên tường trước cửa hang động dòng chữ “Nam Thiên Đệ Nhất Động”. Sau này, nơi đây trở thành điểm đến linh thiêng và nổi tiếng, được nhiều người dân lui tới.
Tuy nhiên, đến năm 1896, vào niên hiệu Thành Thái năm thứ 8, lễ hội chùa Hương Hà Nội mới được chính thức tổ chức sau ngày lễ hội khai sơn của làng Yến Vỹ (mùng 6 tháng Giêng).
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân sang, chùa Hương đón hàng trăm nghìn lượt khách về thăm quan, trẩy hội. Đặc biệt, các du khách quốc tế rất yêu thích nét đẹp văn hóa độc đáo này trên mảnh đất phía Bắc Việt Nam. Lễ hội là sự giao thoa giữa văn hóa dân tộc và vẻ đẹp thiên nhiên.
Khi đến đây, người ta không chỉ được ngắm nhìn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp mà còn cảm nhận sâu sắc sự đoàn kết của người dân. Phần lễ thiêng liêng mang đầy đủ nghi thức tôn giáo là Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo. Phần hội sôi động với nhiều hoạt động vui chơi giải trí lành mạnh.
Ai đến tham gia Lễ hội chùa Hương Hà Nội cũng mang theo thiện ý, mong muốn một năm may mắn, mùa màng bội thu, bình an tới bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, ban cô, ban cậu cũng là nơi những người hiếm muộn ghé thăm cầu tự, mong được ban phước lộc cho đường con cái.
Lễ hội chùa Hương có gì? Hội chùa Hương trải dài trên cả 3 tuyến:
Tuyến Hương Tích là tuyến chính, tập trung nhiều hoạt động đặc sắc nhất. Đa phần khách du lịch chọn đi tuyến này. Bạn sẽ ngồi đò xuất phát từ bến Yến ghé lễ đền Trình, qua cầu Hội, hang Sơn Thủy Hữu Tình, đến núi Dổi Chèo, núi Con Voi, rồi thăm núi Mâm Xôi, núi Con Gà… cuối cùng sẽ cập bến Thiên Trù. Từ đây, du khách đi chùa Tiên, chùa Giải Oan, đền Cửa Võng và đền Đệ Nhất Động Hương Tích. Cũng từ vị trí Thiên Trù sẽ có một lối rẽ qua rừng mơ lên chùa Hinh Bồng.
Tuyến Tuyết Sơn: Xuất phát từ bến Đục rẽ vào làng Phú Yên gặp suối Tuyết ra bến đò của làng gọi tiếp tục vào trình đền Mẫu Hạ gần đó, ngồi đò qua núi Thuyền Rồng, núi Con Phượng, cả hòn Đầu Sư Tử và vách đá Kỳ Sơn Tú Thủy đến bến Tuyết Sơn, vào chùa Bảo Đài, Bạch Tuyết Môn, vào điện Cô, tới chùa Tuyết Sơn.
Tuyến Long Vân: Đò tuyến này trong Lễ hội chùa Hương Hà Nội cũng xuất phát từ bến Yến dừng ở đền Trình, rẽ vào một nhánh của dòng suối Yến, đi qua núi Ông Sư Bà Vãi, cập bến Long Vân, vào chùa Long Vân, thăm động cùng tên, chùa Cây Khế và cách đó không xa là hang Sũng Sàm.
Lễ hội chùa Hương có gì? Cứ đến ngày mùng 6 tháng Giêng là khai hội, thu hút rất đông tín đồ du lịch. Trong ngày hội diễn ra lễ dâng hương tưởng nhớ các vị tướng của vua Hùng trong không khí thiêng liêng, do các nhà lãnh đạo địa phương đảm nhiệm.
Ở khu vực sân đền Trình còn diễn ra múa rồng hoành tráng, điêu luyện, bơi thuyền trên dòng suối Yến. Sau lễ, du khách trảy hội trên 3 tuyến như trên. Thời điểm đông khách nhất là ngày 19 tháng hai Âm lịch bởi đây là ngày khánh đản Đức Quan Thế Âm, tức ngày sinh của bà chúa Ba ở chùa Hương.
Đến tháng 3 Âm lịch, hội bắt đầu vãn dần. Dù vậy nhưng mồng một, ngày rằm và các ngày cuối tuần trong suốt cả năm, khách du lịch vẫn thường lui tới danh thắng Hương Sơn này.
Lễ hội chùa Hương Hà Nội còn có phần hội sôi động, nhộn nhịp với các trò chơi dân gian truyền thống như hát chầu văn, chèo thuyền, leo núi, các làn điệu dân ca, hát xẩm, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, đấu vật... Tới đây, bạn có cơ hội hòa mình vào không khí tấp nập, nạp năng lượng tích cực cho cả năm mới.
Tới quần thể chùa Hương, ngoài việc trải nghiệm văn hóa đặc sắc, khách du lịch Hà Nội đừng quên ngắm cảnh đẹp tại một số điểm đến dưới dây:
+ Suối Yến: Đây là con đường duy nhất đưa bạn vào Chùa Hương theo đường thủy. Trên hành trình ngồi thuyền lênh đênh trên sông, du khách vừa được ngắm núi non hùng vỹ, cảnh vật nên thơ vừa được trò chuyện với những người chèo thuyền thân thiện.
+ Động Tiên Sơn: Bên trong động Tiên Sơn có hệ thống thạch nhũ với nhiều hình dạng khác nhau, nào là hình ngà voi trắng, bàn tay Phật, hình trái tim... cho khách tham gia Lễ hội chùa Hương Hà Nội tha hồ ngắm nghía. Trong động không khí mát lành, giúp bạn đánh bay mệt mỏi sau một hành trình dài.
+ Làng Yến Vỹ: Làng Yến Vỹ mang đặc trưng của một làng quê Bắc Bộ ngày xưa, bình dị và mộng mơ bên dòng suối Yến, xa xa là núi non trập trùng. Tới đây, bạn như được sống lại những năm tháng tuổi thơ bên mái nhà, mái hiên của vùng quê thân thương thuở nào.
+ Chùa Thiên Trù: Chùa Thiên Trù có địa thế lưng tựa vào núi trông vô cùng huyền bí và hùng vỹ. Ngôi chùa cổ kính, lâu đời với mái ngói gạch đã nhuốm màu rêu phong. Vào những ngày đầu xuân khi mùa hoa gạo đến, xung quanh chùa được điểm xuyến thêm sắc đỏ rực rỡ trông càng nên thơ và bắt mắt.
Trên đây là thông tin về Lễ hội chùa Hương Hà Nội cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi tiếp theo của mình nhé.
Yến Yến