Banner Movi

Làng nghề Lũng Rì: Làng nghề làm ngói âm dương của Cao Bằng

Thứ ba, 19/03/2024, 08:00 GMT+7
Khám phá các làng nghề để tìm hiểu về văn hóa là một trong những nét đặc sắc khi du lịch Cao Bằng. Trong đó, làng nghề Lũng Rì có lịch sử hàng trăm năm tuổi, đang chờ các du khách tới khám phá.
quảng cáo

Ở Cao Bằng có làng nghề rèn Phúc Sen, có làng nghề đan lát mây tre xã Phong Châu... và chắc chắn không thể không kể đến làng nghề Lũng Rì – một làng nghề làm ngói âm dương nổi tiếng. 


1. Làng nghề Lũng Rì hàng trăm năm tuổi của Cao Bằng 


1.1. Làng nghề Lũng Rì ở đâu? 

Làng nghề Lũng Rì ở đâu hay địa chỉ làng nghề Lũng Rì là điều mà nhiều người quan tâm khi đang lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới của mình. Cụ thể, làng nghề này nằm ở xóm Lũng Rì, xã Tự Do, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Đây là làng nghề làm ngói âm dương thủ công có tiếng ở Cao Bằng từ nhiều đời nay. 

 

Làng nghề Lũng Rì cách trung tâm TP Cao Bằng 40kmLàng nghề Lũng Rì cách trung tâm TP Cao Bằng 40km. Ảnh: Lao động

Như vậy, sau khi đã biết làng nghề Lũng Rì ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không rủ ngay hội chị em bạn dì tới đây khám phá thôi nào. Đảm bảo làng nghề Lũng Rì sẽ giúp bạn hiểu hơn về văn hóa, về truyền thống lâu đời đầy thú vị của tỉnh miền núi Đông Bắc này đấy. 
 

1.2. Hướng dẫn di chuyển 

Làng nghề làm ngói Lũng Rì cách trung tâm TP Hà Nội hơn 280km, thời gian di chuyển tầm 6 tiếng đồng hồ. Khách du lịch đi theo cao tốc Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn rồi vào Quốc lộ 1A => Quốc lộ 4A => Quốc lộ 3 là tới làng Lũng Rì. Đường đi xa, có nhiều khúc cua tay áo, đòi hỏi bạn cần có tay lái chắc. 

 

Bạn có thể tới làng nghề Lũng Rì bằng nhiều phương tiện khác nhauBạn có thể tới làng nghề Lũng Rì bằng nhiều phương tiện khác nhau. Ảnh: nhiepanhdoisong

Làng nghề Lũng Rì cách trung tâm TP Cao Bằng tầm 40km. Bạn có thể đi xe khách tới thành phố rồi thuê xe máy để tiếp tục hành trình vi vu làng nghề cũng như các điểm du lịch khác của Cao Bằng. Một số nhà xe gợi ý cho bạn như Thanh Ly, Khánh Hoàn, 42... Giá vé từ 200.000 – 300.000 đồng/người/lượt. Giá thuê xe máy tại TP. Cao Bằng dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/người. 

 

Đường vào làng nghề Lũng Rì không quá khó, tương đối dễ tìmĐường vào làng nghề Lũng Rì không quá khó, tương đối dễ tìm. Ảnh: Dân Việt

Từ TP. Cao Bằng, du khách cứ đi theo Quốc lộ 3, tới ngã ba hỏi đường vào xóm Lũng Rì là ra. Nhìn chung, các điểm du lịch ở Cao Bằng cách khá xa nhau, nhiều đoạn đường đèo nguy hiểm. Nếu không tự tin tay lái, bạn có thể thuê xe ôm, xe taxi hoặc thuê người dân địa phương dẫn đường. 
 

1.3. Khám phá làng nghề làm ngói âm dương Lũng Rì 

Làng nghề Lũng Rì không phải cái tên xa lạ với những ai thích tìm hiểu về nét đẹp truyền thống của Cao Bằng. Đây vốn là làng nghề làm ngói âm dương hay còn gọi là ngói máng từ thủ công bao đời nay. Xóm Lũng Rì nằm nép bên triền núi cao, là nơi sinh sống chủ yếu của người Nùng An. Ngay từ khi đặt chân tới xóm, khách du lịch sẽ thấy dáng vẻ cổ kính, mang đầy dấu vết thời gian trên từng con ngõ, từng căn nhà. Xen lẫn những ngôi nhà mái ngói âm dương là cây cối, là ruộng nương, là núi đồi xanh rì. 

 

Ngay từ khi đặt chân vào làng nghề Lũng Rì, bạn sẽ thấy những căn nhà mái ngói âm dương đặc trưngNgay từ khi đặt chân vào làng nghề Lũng Rì, bạn sẽ thấy những căn nhà mái ngói âm dương đặc trưng. Ảnh: nhiepanhdoisong

Ngày nay, người dân vẫn duy trì nghề truyền thống dù đang đứng trước nguy cơ mai một. Nhìn lại thời hoàng kim của làng ngói vào khoảng những năm 1979 - 2000, khi cả xã có tới 150 hộ làm ngói. Đây cũng là ngành nghề chính tạo thu nhập cho bà con. 

Trong các xóm của xã Tự Do lúc bấy giờ, xóm Kéo Rỏn, Lũng Rì và Lũng Các (nay sáp nhập thành Lũng Rì) chính là "thủ phủ" của làng ngói âm dương người Nùng An. Cái tên ngói âm dương của làng nghề Lũng Rì khiến không ít người tò mò. Sở dĩ có tên ngói âm dương bởi loại ngói này luôn đi một cặp gồm 2 viên với nhau, một viên ngói máng (âm) dùng để lợp sẽ ngửa lên trên còn viên ngói bò (dương) để úp xuống.

 

Nghề làm ngói âm dương giúp bà con làng nghề Lũng Rì ổn định đời sốngNghề làm ngói âm dương giúp bà con Lũng Rì ổn định đời sống. Ảnh: VOV

Thời hưng thịnh của làng nghề, cung chẳng đủ cầu, mỗi hộ dân làm từ 2 - 4 vạn viên ngói cho một năm, xuất xưởng tới đâu bán hết vèo tới đó. Ngày nay, khi các loại ngói hiện đại hơn ra đời cộng thêm nguồn nguyên liệu khan hiếm khiến nghề làm ngói âm dương Lũng Rì rơi vào tình trạng khó khăn. Dẫu vậy, bà con nơi đây vẫn cố gắng bám nghề, bảo tồn làng nghề truyền thống. 

 

Để làm ngói máng chất lượng ở làng nghề Lũng Rì phải trải qua nhiều công đoạnĐể làm ngói máng chất lượng phải trải qua nhiều công đoạn. Ảnh: Đàm Anh

Để làm ngói âm dương theo cách truyền thống, người ta phải trải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ. Bởi vậy, ngói máng làng nghề Lũng Rì được đánh giá cao về chất lượng. Ngói được làm thủ công, màu sắc đẹp, lợp mái nhà thoáng mát vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. 

Riêng khâu chọn nguyên liệu đất để làm ngói cũng khó khăn. Người dân ở Lũng Rì chọn đất sét mịn, dẻo để làm ngói. Đất được mua từ xã Độc Lập, rồi được đập ra cho mềm, đem trộn nước, cho trâu dẫm cho nhuyễn. 

 

Đất để làm ngói ở làng nghề Lũng Rì là đất sét có độ mịn và dẻo nhất địnhĐất để làm ngói là đất sét có độ mịn và dẻo nhất định. Ảnh: nhiepanhdoisong

Công đoạn u đất cũng tốn nhiều thời gian, lên tới 5-6 ngày rồi mới lấy lên để sàng lọc, bỏ đi những tạp chất như đá, sỏi. Theo đánh giá của nhiều người trong nghề làm ngói âm dương Lũng Rì, đây là công đoạn vất vả và tỉ mỉ nhất, phải dùng dụng cụ căng một đoạn dây xẻ từng lớp đất đặc ra rồi tiến hành lọc nhặt tạp chất. Sau khi lọc xong, đất chia thành khối, phủ ni lông kín nhằm giữ độ ẩm.

 

Người dân làng nghề Lũng Rì đều tham gia vào làm ngóiNgười dân làng nghề Lũng Rì đều tham gia vào làm ngói. Ảnh: Báo Tiếng nói Việt Nam

Tiếp đến sẽ là công đoạn tạo khối hình chữ nhật. Độ dày và dài của viên ngói vừa phải, thông thường, những người thợ lành nghề sẽ tự ước lượng được mà không cần đo đạc gì. Sau đó, ngói được đưa vào khuôn gỗ, miết cho đều. Họ có thể bôi thêm một chút nước cho những lớp đất sét chưa hoàn chỉnh được bằng phẳng hơn. 

 

Mỗi công đoạn làm ngói tại làng nghề Lũng Rì đều đòi hỏi sự tỉ mỉ.Mỗi công đoạn làm ngói tại làng nghề Lũng Rì đều đòi hỏi sự tỉ mỉ. Ảnh: Đàm Anh

Tại làng nghề Lũng Rì, khuôn làm ngói âm dương có hình tròn, đường kính tầm 25cm, được đặt trên một bệ xoay. Phần thân khuôn được thiết kế có 4 điểm gờ đều nhau, mỗi lần đưa đất vào khuôn làm được 4 viên ngói. Khi cho đất vào khuôn, người thợ sẽ vừa xoay vừa nén đất sao cho thật đều và chặt, rồi mới đưa thước vào cắt gọt.

 

Công đoạn nung ở làng nghề Lũng Rì đòi hỏi nhiều ngày đêm, thay phiên nhau túc trựcCông đoạn nung đòi hỏi nhiều ngày đêm, thay phiên nhau túc trực. Ảnh: nhiepanhdoisong

Tiếp theo, ngói được đem phơi. Nền đất phơi được phủ một lớp trấu, để ngói chưa khô không bị dính xuống bề mặt đất, đảm độ khô ráo. Bước cuối cùng là xếp ngói vào lò nung chừng bảy ngày đêm. Người thợ sẽ phải thay nhau túc trực, giữ nhiệt độ đủ để đảm bảo chất lượng ngói. Mỗi lò nung sẽ cho ra lò 15 nghìn đến 18 nghìn viên ngói.

Nghề làm ngói âm dương ở Lũng Rì tuy vất vả nhưng lại đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con và trên hết là tâm huyết với nghề, là niềm đam mê giữ lửa nghề truyến thống. Trong dòng chảy của xã hội hiện đại, người ta lại thích tìm đến những thứ xưa cũ, truyền thống. Nhiều nơi như Hà Giang đặt ngói với lên đến hàng trăm triệu đồng để làm khu du lịch. Đây là dấu hiệu đáng mừng cho bà con Lũng Rì. 

 

Dù vất vả nhưng người dân làng nghề Lũng Rì vẫn luôn nở nụ cười bám nghềDù vất vả nhưng người dân làng nghề Lũng Rì vẫn luôn nở nụ cười bám nghề. Ảnh: VOV

Tới làng nghề Lũng Rì, khách du lịch sẽ bắt gặp hình ảnh người dân đang cần cù ngày đêm để tạo nên những viên ngói âm dương sấp ngửa. Bạn có thể trò chuyện, lắng nghe những chia sẻ rất đời của người dân gắn bó với nghề này để hiểu hơn và thêm yêu các giá trị truyền thống. 
 

2. Các điểm du lịch Cao Bằng gần làng nghề Lũng Rì

Trong hành trình ghé thăm làng nghề làm ngói âm dương Lũng Rì, bạn đừng quên ghé thăm những điểm du lịch khác để chuyến đi thêm trọn vẹn. 
 

2.1. Núi Mắt Thần 

Núi Mắt Thần tọa lạc tại bản Danh, xã Quốc Toản, huyện Trà Lĩnh, sâu trong khu vực rừng núi, cách đường quốc lộ khá xa. Ngọn núi cao 100m, có một lỗ thủng xuyên thẳng lòng núi tạo thành điểm nhấn, nhìn từ xa chẳng khác nào một chiếc mắt thần giữa thiên nhiên. Cái tên Mắt Thần cũng ra đời từ đó.

 

Núi Mắt Thần – tọa độ camping không thể bỏ qua tại Cao Bằng khi tới làng nghề Lũng RìNúi Mắt Thần – tọa độ camping không thể bỏ qua tại Cao Bằng. Ảnh: Check in Vietnam

Tới núi Mắt Thần, trải nghiệm lý tưởng nhất của nhiều bạn trẻ là cắm trại qua đêm. Bạn có thể sử dụng dịch vụ camping ở đây với giá từ 750.000 đồng bao gồm set up lều trại, loa, ăn bữa tối và bữa sáng. Khung cảnh thiên nhiên hoang sơ của nơi đây chinh phục mọi du khách. Sau khi thăm quan làng nghề Lũng Rì, khách du lịch Cao Bằng có thể ghé qua đây để trải nghiệm, khám phá thiên nhiên hoang sơ.  
 

2.2. Làng nghề rèn Phúc Sen

Làng nghề rèn Phúc Sen là một làng nghề truyền thống của Cao Bằng, cách làng ngói âm dương Lũng Rù chỉ tầm 10km, nằm tại xã Phúc Sen, huyện Quảng Uyên. Với khoảng 150 lò rèn ngày đêm đỏ rực, người làng Phúc Sen từ xa xưa tới nay đã cho ra đời những nông cụ bền đẹp có tiếng xa gần. 

 

Làng nghề rèn Phúc Sen cách làng nghề Lũng Rì không xaLàng nghề rèn Phúc Sen cách làng nghề Lũng Rì không xa. Ảnh: doanhnghiepkinhtexanh

Theo tài liệu lịch sử ghi chép lại, làng nghề Phúc Sen đã ra đời từ thời nhà Mạc. Các sản phẩm những người thợ rèn ở đây làm nên là nông cụ, dao, kéo… được ưa chuộng khắp miền Bắc và các địa phương khác. Tới làng nghề này, bạn sẽ thấy hầu như nhà nào cũng có lò rèn và bí kíp riêng trong việc lựa chọn vật liệu cũng như kỹ nghệ tôi luyện thép. Trong tất cả gia đoạn, việc cho nguyên liệu vào lò nung để làm hình sản phẩm là quan trọng và khó nhất, chỉ những người thợ cả lành nghề mới có thể làm được. 

Trên đây là thông tin về làng nghề Lũng Rì cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé. 

Yến Yến 

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)