Bạn đang không biết dành những ngày năm mới vui chơi ở đâu? Hãy thử tham khảo danh sách điểm du xuân tại Hà Nội dưới đây và cùng nạp năng lượng thật vui vẻ nhé.
Địa chỉ: Số 58, phố Quốc Tử Giám, Quận Đống Đa, TP. Hà Nội
Đầu xuân, nhiều người chọn tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám như vừa để thể hiện niềm tôn sư trọng đạo với cái nôi quốc học của nước ta, vừa để thăm quan, xin chữ cầu may trong học tập, thi cử.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám là quần thể kiến trúc lâu đời và cũng là di tích Nho học lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Nơi này được xem như biểu tượng của văn hóa, của trí tuệ Việt Nam, mang nhiều giá trị về văn hóa, kiến trúc, lịch sử, nghệ thuật và đời sống đương đại.
Năm 2013, Văn Miếu – Quốc Tử Giám được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, trong đó, vườn 82 bia Tiến sĩ trong quần thể này được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới từ năm 2009.
Cả quần thể di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám gồm hồ Văn, khu Văn Miếu, Quốc Tử Giám, vườn Giám... bao bọc bên ngoài bởi bức tường gạch đỏ cổ kính đặc trưng. Bởi vậy, nếu đang tìm kiếm điểm du xuân tại Hà Nội, bạn đừng bỏ qua địa chỉ này. Nằm giữa trung tâm thành phố sầm uất nhưng khi đặt chân tới Văn Miếu, du khách lại cảm nhận được vẻ bình yên, giản dị, như thể được trở về một miền ký ức xa xưa thời ông cha.
Không chỉ vậy, vào những dịp đầu xuân, Văn Miếu – Quốc Tử Giám thường diễn ra các sự kiện như xin chữ, bày bán mặt hàng thủ công mỹ nghệ, thẻ cầu may... thu hút rất đông các bạn trẻ và gia đình tham gia.
Địa chỉ: Phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Mỗi khi dịp Tết đến xuân về, vườn đào Nhật Tân lại rộn ràng chào đón một lượng khách đông đảo ghé thăm quan, sắm đào và chụp ảnh check in. Đào ở Nhật Tân nổi tiếng có cánh hoa đẹp, to và dày mà hiếm vùng nào có được.
Vài năm trở lại đây, diện tích trồng đào ở Nhật Tân được mở rộng tới sát mép sông Hồng, phía dưới đoạn cầu Nhật Tân, mang đến hình ảnh xuân Hà thành vừa hiện đại vừa xưa cũ. Những cây đào được người dân chăm bón kỹ lưỡng, tỉ mỉ cả năm trời chỉ trực chờ vào dịp Tết đến xuân sang để bung nơ rực rỡ. Những cánh hồng nhỏ bé khi chụm lại với nhau lại mang một sắc màu lung linh, nổi bật.
Vườn đào Nhật Tân - điểm du xuân tại Hà Nội – từ bao năm nay, rất thích hợp với team sống ảo. Tới đây, xung quanh toàn đào là đào, từng cây đào được trồng thành hàng thẳng tắp lên ảnh cực đẹp. Du khách có thể chọn ngày nắng ấm áp để có được những bức ảnh đẹp hơn. Giá vé vào vườn đào dao động từ 40.000 - 50.000 đồng/người, có cả dịch vụ trang điểm, thuê áo dài cho khách tới vui chơi, check in.
Địa chỉ: Thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội
Làng cổ Đường Lâm cách trung tâm TP. Hà Nội hơn 40km, thời gian di chuyển tầm 45 phút. Là một làng cổ lâu đời, khác hẳn với vẻ hiện đại, nhộn nhịp của Hà thành, Đường Lâm mang đến dáng vẻ cũ kỹ, cổ kính, bình dị như một làng quê thân quen của Bắc bộ.
Hiện tại, giá vé thăm quan làng cổ Đường Lâm là 20.000 đồng/người. Các bạn có thể thuê xe đạp từ 30.000 -50.000 đồng/giờ hoặc 80.000 -100.000 đồng/ngày để thuận tiện thăm quan. Một điểm ấn tượng đặc trưng của nơi đây chính là những ngôi nhà được xây dựng bằng đá ong vàng sậm, đường đi lát gạch gập gềnh, giếng nước, gốc đa, sân đình... Tất cả đều in hằn dấu vết thời gian.
Làng cổ Đường Lâm là điểm du xuân tại Hà Nội, thích hợp cho những ai đang muốn thư giãn, tận hưởng vẻ đẹp gần gũi mà lại không quá xa trung tâm thành phố. Ở làng có món đặc sản chè lam, nước vối rất đáng để bạn thưởng thức.
Trong tiết trời xuân ấm áp, cảm giác vừa được nhâm nhi món ăn đặc sản vừa được trò chuyện với những người cao tuổi trong làng, nhớ về một ký ức xa xưa, hít thở bầu không khí trong lành mới nhẹ nhõm, khoan khoái làm sao.
Tới làng cổ Đường Lâm, du khách có thể thăm quan nhà cổ bà Điền, đình làng Mông Phụ, nhà cổ ông Hùng, nhà cổ ông Thể, cafe Làng... Ở đây, thời gian dường như trôi rất chậm, êm đềm. Sau chuyến đi du xuân, bạn đừng quên mua chút đặc sản địa phương về làm quà nhé.
>>Xem thêm: Du lịch phố cổ Hà Nội: Những điểm đến, quán ăn ngon cần lưu gấp
Địa chỉ: Xã Hương Sơn, Huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội
Một điểm du xuân tại Hà Nội thu hút hàng nghìn khách thăm quan mỗi năm nhất định phải kể đến chùa Hương. Chùa Hương được xây dựng từ thế kỷ 15 nhưng bị tàn phá bởi chiến tranh sau đó được phục dựng lại từ năm 1989. Tháng 12/2017, nơi này đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt.
Cả quần thể danh thắng chùa Hương trải rộng trên một diện tích gần 4.000 ha. Không chỉ có giá trị lịch sử, kiến trúc to lớn, khung cảnh thiên nhiên hài hòa xung quanh cũng chính là nét độc đáo hút khách du xuân chùa Hương. Sự hài hòa giữa di tích lịch sử với thiên nhiên đã tạo nên nét độc đáo của danh thắng này. Dòng suối Yến quanh năm dồi dào, xanh ngắt cùng nhiều động đá đẹp, kỳ ảo, cây cối tươi tốt, hoa nở suốt bốn mùa tạo nên cảnh quan tươi đẹp, rực rỡ.
Du xuân chùa Hương, ngồi trên con thuyền gỗ nhỏ lênh đênh trên dòng nước, bạn sẽ được ngắm nhìn các loài hoa khác nhau, lúc thì màu đỏ của hoa gạo, lúc lại hồng tím mộng mơ của hoa súng, sắc trắng tinh khôi của hoa mận, hoa ban...
Điểm du xuân tại Hà Nội này còn tổ chức lễ hội lớn đều đặn hàng năm, hút hút hàng nghìn Phật tử cả nước. Lễ hội diễn ra vào tháng 3 âm lịch nhưng ngay từ khi cuối năm âm lịch cho tới hết xuân, chùa Hương lúc nào cũng nườm nượp du khách. Người ta tới đây để chiêm bái, mong một năm bình an, may mắn cho bản thân và gia đình. Trong lễ hội chùa Hương, ngoài phần lễ trang trọng còn có phần hội với nhiều trò chơi dân gian như bơi thuyền, leo núi, hát chèo... đầy sôi động.
Địa chỉ: Số 46, đường Thanh Niên, Quận Tây Hồ, TP. Hà Nội
Chùa Trấn Quốc Hà Nội cũng là điểm đến tâm linh lý tưởng cho bạn và gia đình vào dịp năm mới. Chùa Trấn Quốc nằm bên bờ Hồ Tây, được xây dựng từ năm 541 dưới thời Tiền Lý. Bên trong chùa thờ các phật A Di Đà, Phật Quan Âm Bồ Tát, Phật Thích Ca Mâu Ni.
Đến nay, chùa Trấn Quốc vẫn còn lưu giữ nhiều pho tượng Bồ Tát, tượng Phật có giá trị lớn, bia đá và tư liệu quý. Trong chùa Trấn Quốc – điểm du xuân tại Hà Nội – có tòa Bảo Tháp cao 15m, gồm 11 tầng, mỗi tầng lại có tượng Phật A Di Đà làm bằng đá quý.
Không chỉ thu hút các tăng ni, Phật tử tới chiêm bái, mong cầu sức khỏe dịp đầu năm, người ta còn tới chùa Trấn Quốc Hà Nội để ngắm cảnh và chụp ảnh. Cổ tự này được rất nhiều khách du lịch Hà Nội chọn làm điểm đến khám phá, thăm quan.
Quần thể chùa rộng lớn, nằm bình yên bên con đường Thanh niên rợp bóng cây xanh, cùng làn nước trong veo bao bọc hai bên tạo nên cảnh quan trong lành, bình yên. Trải qua hàng nghìn năm biến cố, thăng trầm, chùa Trấn Quốc vẫn tồn tại đầy uy nghi, mang đến nét yên bình giữa lòng Hà Nội phồn hoa.
Địa chỉ: Chân núi Sài Sơn, Xã Sài Sơn, Huyện Quốc Oai, TP. Hà Nội
Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự) cũng là ngôi chùa có lịch sử hơn 1000 năm, là điểm du xuân tại Hà Nội được nhiều người yêu thích. Nằm nagy núi Phật Tích, chùa Thầy là một quần thể di tích và danh thắng mang lối kiến trúc độc đáo. Ba tòa Tiền đường - Điện Phật - Điện Thánh trong chùa được xếp khéo léo thành chữ Tam tạo nên sự đồ sộ, tinh tế. Chùa còn có quần thể hang động kỳ thú, thú hút khách du xuân chùa Thầy.
Ngôi chùa nằm ở ngoại thành Hà Nội này mang dáng vẻ cổ kính, rêu phong theo thời gian. Khác hẳn với vẻ hiện đại của trung tâm thành phố, tới chùa Thầy bạn như lạc về một vùng quê yên ả, trữ tình. Đặc biệt, vào mùa xuân, người ta kéo nhau về chùa Thầy rất đông để tham dự lễ hội đầu năm cũng như chào đón mùa hoa gạo.
Du xuân chùa Thầy là cơ hội để bạn chiêm ngưỡng những bông hoa gạo đỏ rực nở rộ trong khuôn viên chùa. Hoa gạo nở bên hồ nước, in bóng xuống mặt hồ, thỉnh thoảng lại có những bông hoa rụng xuống tạo nên cảnh sắc rất đỗi nên thơ, lãng mạn.
Trên đây là gợi ý điểm du xuân tại Hà Nội cho bạn và gia đình. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến