Xứ Bảy Núi có rất nhiều công trình tâm linh nổi tiếng thu hút du khách và những ngôi chùa thiêng ở An Giang như Miếu Bà Chúa Xứ hay Chùa Hang đã trở thành điểm đến quen thuộc trong những ngày đầu năm mới.
An Giang được biết đến là một xứ sở tuyệt đẹp, ẩn chứa những điều huyền bí và những nét đẹp văn hóa độc đáo, đến từ các dân tộc và tín ngưỡng đa dạng. Cũng chính vì vậy, những ngôi chùa thiêng ở An Giang đã trở thành điểm đến tâm linh nổi tiếng, đặc biệt là những đền chùa miếu gắn liền với những nét đẹp lịch sử văn hóa có từ thời hồng hoang mở đất.
Du lịch An Giang những ngày đầu năm mới, ngoài khám phá những nét đặc trưng văn hóa độc đáo hay những danh lam thắng cảnh đẹp, thì ghé những ngôi chùa thiêng ở An Giang vãn cảnh tận hưởng sự bình yên hay cầu mong may mắn cho năm mới sẽ là trải nghiệm tuyệt vời.
Miếu Bà Chúa Xứ An Giang nằm ở núi Sam, thuộc dãy Thất Sơn, thuộc phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Theo các tích xưa truyền lại thì ở dãy núi này cách đây khoảng 200 năm đã phát hiện sự linh thiêng của bức tượng Bà trên đỉnh núi, người dân địa phương đã thỉnh tượng xuống dưới chân núi để thờ cúng. Trong quá trình rước Tượng Bà, thì khi đến vị trí lập miếu hiện tại, bức tượng trở nên nặng trĩu và không thể di chuyển được, người dân cho rằng bà đã chọn vị trí này để an vị nên đã xây dựng miếu tại đó.
Miếu Bà Chúa Xứ cũng là một trong những ngôi chùa thiêng ở An Giang nổi tiếng bởi kiến trúc ấn tượng. Khuôn viên của miếu được xây dựng theo hình chữ quốc và các tháp thì có hình hoa sen đang nở, trên cánh cổng được chạm trổ rất nhiều những họa tiết cầu kỳ với hoành phi, liễn đối…. Ngoài ra, mái tam cấp của các tầng lầu tại miếu được thiết kế theo kiểu uốn cong, lợp ngói màu xanh ngọc bích, mang đến cảm giác cổ kính, đậm chất Đông Phương.
Du xuân ở miếu Bà Chúa Xứ An Giang, du khách có thể đi cáp treo và ngắm nhìn cảnh sắc từ trên cao. Với cách di chuyển này du khách sẽ được chiêm bái bức tượng Phật ngọc song sinh hòa bình thế giới có nguồn gốc từ Vancouver Canada.
Cũng nằm trên đỉnh núi Sam, Chùa Hang ở thành phố Châu Đốc cũng là một trong những công trình tâm linh rất nổi tiếng của An Giang. Ngôi chùa này cũng là điểm du xuân tuyệt đẹp mà du khách khó lòng bỏ lỡ bởi không gian tuyệt đẹp, được bao bọc bởi khung cảnh núi non hùng vĩ, muôn hoa khoe sắc. Du ngoạn tại chùa Hang An Giang, du khách sẽ được tham quan rất nhiều địa điểm với kiến trúc ấn tượng như chánh điện, hồ liên trì hải hội... Kiến trúc chùa ở đây gây ấn tượng bởi thiết kế vô cùng hài hòa, mang đậm dấu ấn chùa truyền thống với các cột mái được chạm khắc tinh xảo, lợp ngói ống ,những lối đi được lát đá.
Cảnh sắc ở chùa Hang sẽ khiến cho du khách có cảm tưởng như đang bước vào một chốn tiên cảnh linh thiêng và huyền bí. Tham quan khuôn viên của chùa Hang, du khách sẽ bắt gặp điện thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, Phật Di Lặc và bốn vị Hộ Pháp. Theo tương truyền bên cạnh chùa còn có một hang núi sâu và người ta đặt tượng Phật ở bên vách đá để phật tử đến thăm quan, chiêm bái. Đi sâu vào bên trong hang, du khách sẽ bắt gặp bức tượng đôi rắn linh vật mang đến cảm giác vô cùng huyền bí.
>> Xem thêm: Chán phố thị ồn ã, sao không thử về An Giang thăm rừng tràm Trà Sư bình dị?
Huỳnh Đạo cũng là một trong những ngôi chùa thiêng ở An Giang rất nổi tiếng, thuộc quần thể các công trình kiến trúc tâm linh tọa lạc trên núi Sam, thành phố Châu Đốc. Ngôi chùa này có khuôn viên rộng đến 12 ha với kiến trúc vô cùng độc đáo, nhiều cây xanh, nơi đây cũng được biết đến là một trong những ngôi chùa có nhiều tượng rồng bậc nhất.
Chùa Huỳnh Đạo ở An Giang được xây dựng từ năm 1928, sau đó năm 1996 được di dời và xây mới, đến năm 2018 thì ngôi chùa mới hoàn thành việc xây dựng. Chùa Huỳnh Đạo An Giang có lối kiến trúc đặc trưng theo kiểu Trung Hoa với khuôn viên bên ngoài rất lớn, thờ các vị thần bốn phương, bên trong là hai gian thờ chính.
Ghé thăm chùa Huỳnh Đạo, du khách không chỉ được ngắm nhìn kiến trúc độc đáo nằm trong một khuôn viên rộng rãi, nhiều cây xanh tạo cảm giác bình yên, thanh tịnh mà còn có thể ngắm nhìn hồ sen rộng lớn với điện thờ Phật Di Lặc trên mái, có thiết kế chính con rồng uốn lượn vô cùng độc đáo. Ngoài ra, dạo bước trong khuôn viên chùa du khách còn có thể ngắm nhìn tượng Phật Bà Quan Âm toạ trên đài sen hay hàng chục bức tượng Phật bằng đá trắng độc đáo.
Tọa lạc ở dưới chân núi Sam, thành phố Châu Đốc, chùa Tây An cũng là điểm đến tâm linh rất hấp dẫn du khách có thể kết hợp check in trong hành trình về với miếu Bà Chúa Xứ. Chùa Tây An được hình thành từ năm 1847 bởi tổng đốc vùng An - Hà xưa, tên gọi Tây An cũng có nghĩa là trấn an bờ cõi phía Tây.
Kiến trúc của chùa Tây An có sự giao thoa đặc biệt giữa phong cách kiến trúc chùa chiền Ấn Độ và Việt Nam. Cổng chùa có ba cửa với cửa chính giữa thờ Phật Quan Âm Thị Kính, hai bên ghi tên Tây An cổ tự, ngay sau cổng tam quan có một cột cờ lớn cao 16 m, hai bên là bức tượng voi trắng 6 ngà và voi đen 2 ngà.
Điểm nhấn kiến trúc ấn tượng nhất chính là khu vực chính điện có mái nóc tròn hình củ hành, một trong những đặc trưng của kiến trúc chùa ở Ấn Độ. Bên trong chánh điện của chùa Tây An còn có 150 pho tượng được làm rất kỳ công, thể hiện đặc trưng của nghệ thuật điêu khắc ở Việt Nam thế kỷ 19.
Đây là ngôi chùa thiêng ở An Giang rất được các bạn trẻ yêu thích. Chùa nằm ở xã An Phú, thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên. Vì tọa lạc giữa một rừng cây xanh biếc với núi non trập trùng nên khung cảnh của ngôi chùa này được ví như chốn bồng lai tiên cảnh, kết hợp với đó là kiến trúc vô cùng tráng lệ, lộng lẫy nhưng lại không kém phần thanh tịnh.
Ngay từ khu vực cổng chào vào chùa, du khách sẽ được ngắm nhìn nét đẹp kiến trúc độc đáo với hoa văn rồng phượng uốn lượn. Trên đường đến Niệm Phật Đường, du khách sẽ bắt gặp quần tượng Tam Thánh Tây Phương, ở trên nóc chùa còn có bức tượng Phật A Si Đà khổng lồ với chiều cao 24m được tạc tạo vô cùng trang nghiêm.
Khuôn viên của chùa Kim Tiên còn có rất nhiều các họa tiết điêu khắc vô cùng tỉ mỉ, vòm mái chánh điện hay các bức tượng Phật cũng được dát vàng lộng lẫy… Tất cả tạo nên một không gian check in hấp dẫn mỗi mùa tết ở An Giang.
Ngôi chùa này còn được biết đến với tên gọi khác là Phước Lâm Tự, đây cũng là ngôi chùa thiêng ở An Giang được nhiều du khách biết tới. Kiến trúc của chùa Lầu mang hơi hướng phong cách Nhật Bản với hai tông màu chính là gạch đỏ, mái ngói cong vút màu xanh, kết hợp với những lan can được thiết kế chất chồng lên nhau và những chiếc lồng đèn đỏ, tạo hình ảnh rất đẹp và thường được ví von như một góc Nhật Bản xinh xắn ở An Giang.
Mặc dù không gian bên ngoài mang đậm chất Nhật Bản, nhưng ở bên trong chính điện ở chùa Lầu thì lại duy trì một lối kiến trúc đặc trưng của những ngôi chùa Việt với các chi tiết long, ly, quy, phụng.
Một trong những điểm nhấn thú vị của chùa Lầu đó chính là chiếc cầu treo được bắc ở trên cao, từ đây du khách có thể ngắm nhìn những cánh đồng xanh mướt với những cây thốt nốt xa xăm, một khung cảnh rất đặc trưng ở An Giang.
Đây là điểm nhấn kiến trúc Khmer rất đặc trưng ở An Giang, ngôi chùa nằm ở trên đồi Tà Pạ của huyện Tri Tôn. Một điều rất thú vị ở chùa Pà Tạ đó chính là được xây dựng ở trên những cột chống đỡ cao hàng chục mét, chứ không được xây trên nền đất phẳng. Cũng chính vì thế mà nếu như nhìn từ xa, người ta thường có cảm tưởng là chùa Pà Tạ đang bay lơ lửng giữa núi rừng hoang sơ.
Ngôi chùa thiêng ở An Giang này có kiến trúc Khmer rất rất điển hình với những họa tiết cầu kỳ, quy mô đồ sộ và mang vẻ uy nghi, tráng lệ. Đa số các chi tiết trang trí là những chi tiết chạm trổ, điêu khắc hoặc đắp nổi với các bức phù điêu hình tượng chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Cây No… quen thuộc trong văn hóa Khmer. Ngoài không gian tuyệt đẹp thì ở chùa Pà Tạ, du khách còn được tận hưởng view ngắm trọn cảnh quan ở thị trấn Tri Tôn, ngắm những cánh đồng xanh mướt trải dài hay những ngọn núi nổi tiếng như núi Cấm, núi Cô Tô, núi Dài.
Chùa Vạn Linh nằm ở trên núi Cấm, nổi tiếng có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp và gắn liền với những giai thoại linh thiêng, huyền bí. Ngôi chùa này còn được gọi là chùa Lá, được xây dựng lần đầu từ năm 1927 sau đó được trùng tu lại vào năm 1976, hiện tại khuôn viên chùa có diện tích khoảng 6 hecta với rất nhiều hạng mục.
Chùa Vạn Linh sở hữu địa thế rất đẹp khi nằm bên đồi Bồ Hong, mặt hướng về hồ Thủy Liêm. Khuôn viên của ngôi chùa rất thơ mộng với nhiều cây xanh, vườn hoa rực rỡ, bầu không khí trong lành. Điểm nhấn kiến trúc của chùa là chánh điện, nơi có bức tượng Phật Thích Ca bằng đá nguyên khối nặng 2 tấn, trước Phật điện là những bức phù điêu Hộ Pháp và Tiêu Diện cũng được làm bằng đá.
Dạo quanh sân trước của chùa Vạn Linh, du khách sẽ bắt gặp rất nhiều các tòa tháp. Trong đó, phải kể đến tháp Hòa Thượng Khai Sơn Thích Thiện Quang cao 3 tầng, bảo tháp Quan Âm 7 tầng hay tháp Chuông hai tầng. Đặc biệt là Bảo Tháp Quan Âm cao 40m với lối kiến trúc Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ rất đẹp là điểm check-in ưa thích của du khách. Khuôn viên của ngôi chùa này còn rất nhiều các hạng mục khác như nhà tu học, giảng đường, trai đường, vườn Lâm Tỳ Ni, Niệm Phật Đường…
Đây không chỉ là ngôi chùa thiêng ở An Giang rất nổi tiếng, mà còn là địa chỉ check in sống ảo quen thuộc đối với các bạn trẻ đam mê xê dịch. Ngôi chùa này thể hiện màu sắc văn hóa Khmer đậm nét, kết hợp với đó là phong cách Phật Giáo Nam Tông.
Điểm nhấn kiến trúc nổi bật của ngôi chùa chính là trước cổng với kiến trúc độc đáo, được chạm khắc và trang trí cầu kỳ, tọa lạc ngay giữa một cánh đồng rộng lớn, tạo cảm giác bình yên nhẹ nhàng.
Cổng của chùa nằm rất xa nên du khách sẽ cần di chuyển một đoạn dài để đến với ngôi chùa nằm ẩn hiện giữa cánh đồng lúa. Khuôn viên của ngôi chùa không quá rộng lớn, nhưng lại vô cùng đẹp bởi sắc xanh mướt của cây lá, hoa cỏ. Kiến trúc chùa mang đậm màu sắc của Phật Giáo Nam Tông với những đường nét tinh xảo và bắt mắt.
>> Xem thêm: Tổng hợp các tour du lịch miền Tây hấp dẫn
Ngôi chùa này đã nổi tiếng từ rất lâu và cũng là điểm dừng chân quen thuộc của du khách khi có dịp về với vùng đất Thất Sơn, Bảy Núi. Sở dĩ có tên gọi là chùa Bánh Xèo bởi ở đây người ta phục vụ bánh xèo hoàn toàn miễn phí cho du khách thập phương.
Không gian của chùa Bánh Xèo rất thanh tịnh và bình yên, du khách đến đây có thể dạo bước quanh khuôn viên chùa, ghé thăm chánh điện, lễ bàn thờ Tam Thế Phật, ngắm nhìn những bức tượng được bài trí vừa lộng lẫy vừa uy nghiêm. Hai bên chánh điện có Đài Quan Âm với bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát tọa trên đài sen.
Ngôi chùa thiêng ở An Giang này đã được ghi nhận kỷ lục Việt Nam là công trình quần thể tượng Phật Tổ A Di Đà và 48 vị Bồ Tát Thánh Chúng lớn bậc nhất. Chùa tọa lạc ở khu vực xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, được xây dựng từ những năm 1872. Trong hai cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc thì chùa Phước Thành là một trong những nơi để các chiến sĩ cách mạng hoạt động và ẩn náu.
Ngôi chùa cũng đã trải qua một số lần trùng tu năm 2012, chùa chính thức khởi công xây dựng bức tượng Phật Tổ A Di Đà khổng lồ với chiều cao lên đến 39 m và 48 vị Bồ Tát thánh cao 5m. Năm 2016, công trình hoàn thành và trở thành một trong những điểm nhấn tạo nên vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của ngôi chùa.
Những ngôi chùa thiêng ở An Giang không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là màu sắc văn hóa tạo cho vùng đất Bảy Núi một vẻ đẹp vừa ấn tượng, vừa linh thiêng độc đáo. Nếu như chọn An Giang là điểm đến trong chuyến du hành dịp Tết, bạn đừng bỏ lỡ những ngôi chùa nổi tiếng ở đây để được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc và cảnh quan ấn tượng và có thêm thật nhiều trải nghiệm đặc sắc nhé.
Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn
Ảnh: Internet