Sở hữu khí hậu ôn hòa, thiên nhiên ưu ái và bản sắc văn hóa thú vị, Đắk Nông xứng đáng là điểm đến tiếp theo của mọi dân phượt. Check ngay cẩm nang du lịch Đắk Nông trước khi lên đường nhé!
Đắk Nông có rừng nguyên sinh hùng vĩ, những thác nước chảy dài, 40 dân tộc anh em và nền văn hóa đặc sắc. Vẻ đẹp của Đắk Nông có thể đưa bạn từ bất ngờ tới ngỡ ngàng, vậy nên đừng bỏ lỡ cơ hội theo chân Du Lịch Việt Nam khám phá cẩm nang du lịch Đắk Nông ngay sau đây nhé!
Tọa lạc ở cửa ngõ phía Tây Nam của Tây Nguyên, Đắk Nông là điểm cuối của dãy Trường Sơn và nằm trong tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia. Với độ cao trung bình 600 - 800 m so với mực nước biển, địa hình nơi đây đa dạng từ cao nguyên, thung lũng đến núi cao, tạo nên một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và thơ mộng. Đắk Nông cách TP. Hồ Chí Minh khoảng 250km và chỉ mất vài giờ di chuyển là bạn đã có thể đặt chân đến vùng đất tràn ngập sắc xanh này.
Thiên nhiên ưu đãi cho Đắk Nông không chỉ về khí hậu ôn hòa, mát mẻ mà còn là hệ thống rừng nguyên sinh, thác nước kỳ vĩ và hệ sinh thái đa dạng. Cẩm nang du lịch Đắk Nông là sự kết hợp giữa khám phá và trải nghiệm văn hóa độc đáo, với không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận, những pho sử thi truyền miệng như Đam San hay những ngôi nhà sàn, nhà rông mang đậm bản sắc. Từ cảnh sắc đến văn hóa, Đắk Nông đều là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm về với thiên nhiên nguyên sơ và văn hóa truyền thống Tây Nguyên sâu sắc.
Nằm tại xã Đắk Plao và Đắk Som, huyện Đắk Glong, cách TP. Gia Nghĩa khoảng 45km, Vườn quốc gia Tà Đùng là điểm đến nổi bật nhất trong cẩm nang du lịch Đắk Nông nhờ vào cảnh quan tuyệt đẹp với hàng chục hòn đảo lớn nhỏ nhấp nhô giữa lòng hồ rộng lớn. Nơi đây sở hữu hệ sinh thái rừng nguyên sinh phong phú với hơn 1.000 loài động, thực vật, trong đó nhiều loài quý hiếm đã được ghi danh trong sách đỏ Việt Nam và thế giới. Đến với Tà Đùng, du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên hùng vĩ mà còn có cơ hội khám phá một hệ sinh thái đặc trưng của đại ngàn Tây Nguyên.
Hồ Tà Đùng còn gọi là hồ thủy điện Đồng Nai 3, đây là công trình trữ nước quan trọng cho hệ thống thủy điện và cũng là điểm đến du lịch nổi bật của Tây Nguyên. Với diện tích rộng lớn, kéo dài sang cả địa phận Lâm Đồng, hồ Tà Đùng hiện ra như một bức tranh thủy mặc sống động với khung cảnh non nước hữu tình và khí hậu mát mẻ quanh năm. Bao quanh hồ là các buôn làng của người Mạ, Mông và Kinh, nơi du khách có thể khám phá đời sống bản địa mộc mạc, trải nghiệm văn hóa dân tộc và thưởng thức những món đặc sản như cơm lam, gà nướng hay rượu cần đậm chất núi rừng.
Cẩm nang du lịch Đắk Nông sẽ bớt phần thú vị nếu thiếu mất điểm đến quan trọng là khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung. Cách trung tâm Gia Nghĩa khoảng 45km, Nâm Nung sẽ là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thiên nhiên và muốn khám phá vùng đất Tây Nguyên hoang sơ. Với diện tích hơn 12.000 ha, nơi đây nổi bật bởi rừng nguyên sinh, cảnh quan hùng vĩ và hệ sinh thái đa dạng. Thậm chí đỉnh Nâm Nung cao 1.500 m không chỉ là điểm cao nhất của khu bảo tồn mà còn được mệnh danh là "nóc nhà của Đắk Nông", nơi chia dòng cho hai con sông lớn là Sêrêpốk và Đồng Nai.
Tới đây, bạn không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên trong lành, xanh mát mà còn có cơ hội tìm hiểu về văn hóa, lịch sử gắn liền với vùng đất này. Những cánh rừng già với hệ thực vật cổ thụ, những lối mòn xuyên rừng, và không gian yên tĩnh tạo nên một trải nghiệm du lịch sinh thái thư giãn đúng nghĩa.
Thác Đắk P’lao nằm sâu trong Vườn Quốc gia Tà Đùng, là một điểm đến hấp dẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ tại Đắk Nông. Để đến được đây, bạn phải băng qua đoạn rừng rậm rạp với cây cối và thảm thực vật cao ngang người rất khó đi, đó là lý do thường cần có người bản địa dẫn đường. Tuy nhiên hành trình vất vả này vô cùng đáng giá, khi bạn được chiêm ngưỡng dòng suối ở thác trong vắt, len lỏi qua những tảng đá lớn, hai bên là rừng lồ ô xanh mướt đan vào nhau như tấm lưới tự nhiên.
Thác Lưu Ly tọa lạc trong khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, rất thích hợp cho những ai thích không gian hùng vĩ lãng mạn như những bộ phim kỳ ảo. Từ quốc lộ 14 vào thác, bạn sẽ đi qua những cánh rừng xanh thẳm và rẫy cây công nghiệp trải dài trên nền đất đỏ bazan đặc trưng của Tây Nguyên. Thác cao hơn 20 mét, nước đổ qua từng tầng đá phủ rêu xanh mát, xung quanh là cây cổ thụ tỏa bóng râm tạo nên khung cảnh yên bình và đầy chất thơ.
Cũng nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, thiền viện Trúc Lâm Đạo Nguyên là nơi trốn thanh tịnh lý tưởng trong cẩm nang du lịch Đắk Nông, nơi bạn có thể nghỉ mệt thư giãn sau chặng đường khám phá. Thiền viện được xây dựng tách biệt với khu dân cư, tựa lưng vào dãy Nâm Nung cao 1.500m nên khí hậu mát mẻ quanh năm, không gian đậm chất thiền tịnh. Ngoài vẻ đẹp thanh tịnh, nơi đây còn mang đậm nét văn hóa truyền thống của Bu P’râng – một bản văn hóa đặc trưng của người bản địa. Nếu bạn yêu thích sự nhẹ nhàng và muốn kết nối với thiên nhiên thì đừng bỏ qua điểm đến này nhé!
Quần thể hang động Chư Blúk ở Đắk Nông là hệ thống hang động núi lửa dài nhất Đông Nam Á với hơn 100 hang lớn nhỏ trải dài qua vùng đất bazan hoang sơ. Những hang động này được hình thành từ các dòng dung nham phun trào hàng triệu năm trước, tạo nên khung cảnh thiên nhiên kỳ vĩ và độc đáo mà đến nay vẫn chưa bị khai phá, giữ nguyên nét nguyên sơ ban đầu.
Nếu bạn đang tìm kiếm điểm đến hoàn toàn hoang sơ trong cẩm nang du lịch Đắk Nông, đây chắc chắn sẽ là trải nghiệm khó quên. Quãng đường đến hang còn khá khó khăn, vì vậy bạn nên đi theo nhóm và nhờ người dân địa phương dẫn đường để đảm bảo an toàn. Mỗi hang động trong quần thể Chư Blúk đều mang một vẻ đẹp riêng biệt, dẫn bạn từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác giữa lòng đất Tây Nguyên.
Dưới tán rừng xanh mướt ở buôn N’Jriêng, xã Đắk Nia, TP. Gia Nghĩa, thác Liêng Nung (hay còn gọi là thác Diệu Thanh) hiện lên như một dải lụa trắng mềm mại đổ từ độ cao khoảng 30m xuống thung lũng đá. Thác bắt nguồn từ hồ Đắk Nia rộng chừng 12ha cũng chính là nơi được dẫn nước từ sông Đắk Tit - 1 nhánh của sông Đồng Nai. Khung cảnh nơi đây hoang sơ và thanh bình với tiếng nước rì rào hòa trong tiếng gió và tiếng chim rừng. Bao quanh là những buôn làng lâu đời của đồng bào dân tộc M’nông và Mạ – những người giữ gìn nếp sống truyền thống gắn bó với núi rừng.
Chỉ cách đường biên giới Campuchia hơn 40km, thác Đắk G’lun nổi bật với những khối đá lớn, bằng phẳng tạo nên cảnh quan ấn tượng. Sau mỗi cơn mưa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cầu vồng rực rỡ xuất hiện bên cạnh dòng thác, biến nơi đây như một nàng tiên kiều diễm giữa núi rừng.
Thác còn được bao quanh bởi cánh rừng đặc dụng với hệ sinh thái phong phú, đa dạng, chắc chắn sẽ làm bạn thích thú khi khám phá vẻ đẹp hoang sơ và tự nhiên của Đắk G’lun.
Hồ Ea Snô khá nổi tiếng trong cẩm nang du lịch Đắk Nông, lý do là bởi không gian rộng lớn và nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên. Được biết hồ nước này được hình thành từ hoạt động núi lửa, xung quanh hồ là cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và thảm thực vật phong phú, đa dạng.
Bạn nên đi xe máy và nhờ người dân chỉ đường để không bị lạc khi đến điểm du lịch này. Tuy đường đi không dễ nhưng hồ Ea Snô vẫn thu hút rất đông khách du lịch nhờ lại cảm giác yên bình, trong lành với riêng mặt hồ rộng 80ha, nước trong xanh soi bóng trời, xung quanh là hàng cây cổ thụ hùng vĩ tạo nên một bức tranh thiên nhiên quyến rũ khiến lòng bạn dịu lại mỗi khi ngắm nhìn.
Thác Liêng Rơm không phải là điểm du lịch nổi tiếng nhưng vẫn xứng đáng được gọi tên trong cẩm nang du lịch Đắk Nông bởi độ hoang sơ kích thích sự chinh phục. Người dân địa phương gọi điểm đến này là thác Rậm, tọa lạc tại bon Phi Mur, xã Quảng Khê. Trước đây, để đến được thác, bạn phải vượt qua những cánh rừng rậm rạp và vách đá dựng đứng hiểm trở. Hiện nay, đường đi đã thông thoáng hơn nhưng vẫn giữ được sự thử thách, đòi hỏi bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng khi khám phá vẻ đẹp hoang sơ của nơi này.
Chùa Pháp Hoa tọa lạc trên ngọn đồi trung tâm thị xã Gia Nghĩa, Đắk Nông, được xây dựng từ năm 1957 theo kiến trúc nhà sàn Tây Nguyên kết hợp phong cách Phật giáo Bắc Tông. Chùa nổi bật với khuôn viên rộng khoảng 800m² gồm chính điện và tháp 5 tầng, mang đến không gian thanh tịnh, yên bình cùng tầm nhìn bao quát cảnh quan phố núi.
Chùa là trung tâm sinh hoạt tôn giáo và văn hóa quan trọng của cộng đồng Phật tử địa phương. Bạn có thể tới đây vào dịp lễ hội hoặc tham gia những khóa tu thường niên. Chùa cũng là nơi lý tưởng để bạn tìm về sự tĩnh lặng, khám phá nét văn hóa tâm linh đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên.
Suối khoáng Đắk Mol nằm tại thôn Đắk Sơn 1, xã Đắk Mol, có diện tích khoảng 8ha. Nước suối giàu các khoáng chất như Bicacbonat Natri và Cacbonat Natri, được khai thác từ độ sâu 180m dưới lòng đất với nhiệt độ ổn định từ 37 - 40ºC. Với nguồn nước khoáng quý giá này, suối khoáng Đắk Mol đang rất có tiềm năng trở thành điểm du lịch sinh thái được săn đón trong cẩm nang du lịch Đắk Nông, vậy nên hãy đến đây sớm để trải nghiệm trước những dịch vụ chăm sóc sức khỏe hoàn toàn từ thiên nhiên nhé!
Nằm tại xã Buôn Choáh, đây là khu di tích ghi dấu phần mộ của thủ lĩnh N’Trang Gưh cùng buôn làng, cũng như toàn bộ căn cứ địa nghĩa quân do ông lãnh đạo trong cuộc kháng chiến chống quân Xiêm (1884–1887) và thực dân Pháp (1900–1914). Nơi này lưu giữ những chiến tích oai hùng trong các trận đánh lịch sử, đồng thời là nơi người dân tôn thờ và tưởng nhớ công lao của N’Trang Gưh – vị anh hùng đã kiên cường đứng lên bảo vệ quê hương Đắk Nông.
Thác Dray Sap, hay còn gọi là thác Chồng, được đặt tên theo tiếng Ê Đê với nghĩa là “thác khói” vì khi nước đổ mạnh từ trên cao xuống, hơi nước bốc lên tạo thành một lớp mù mờ như làn khói trắng lan tỏa trên không trung. Nơi đây không chỉ thu hút bởi vẻ đẹp hùng vĩ của dòng thác mà còn là điểm giao thoa văn hóa đặc sắc của các dân tộc bản địa Tây Nguyên.
Xung quanh thác có nhiều ghềnh đá tự nhiên, tạo nên những cảnh quan độc đáo và là nơi lý tưởng cho các hoạt động khám phá thiên nhiên, chụp ảnh và dã ngoại. Đặc biệt, thác Dray Sap còn được liên kết với thác Dray Nur gần đó, tạo thành một hệ thống thác nước ấn tượng, góp phần làm phong phú thêm du lịch sinh thái vùng Tây Nguyên.
Thác Gia Long nằm ở thượng nguồn sông Sêrêpôk, thuộc xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô, Đắk Nông, cách cụm thác Dray Sap – Dray Nur chừng 5km. Dòng nước đổ xuống vách đá bazan rộng khoảng 100m, cao chừng 30m, tạo thành màn mưa bụi mát lạnh giữa rừng già rậm bóng cổ thụ. Tương truyền, vua Gia Long từng dừng chân thư nhàn tại đây nên thác được đặt theo niên hiệu của ông. Ngoài ra di tích thời Pháp như cầu treo bằng thép và đường hầm dẫn nước xây từ thập niên 1930 vẫn còn hiện diện, in đậm dấu ấn lịch sử tại thác.
Đi men theo lối mòn xuống chân thác, bạn sẽ gặp những bậc đá tự nhiên dẫn tới các “hồ bơi” đá, chính xác là những vũng nước trong vắt, cạn và phẳng lặng, lý tưởng để ngâm mình thư giãn trong mùa khô. Với khí hậu mát mẻ, cảnh quan vừa hoang sơ vừa trang nghiêm, cùng hệ động thực vật phong phú của khu bảo tồn Nâm Nung, Gia Long là điểm dừng chân hoàn hảo cho chuyến khám phá trọn bộ “tam thác” Sêrêpôk của Tây Nguyên.
Ẩn mình bên dòng sông Krông Nô, thác Trinh Nữ không mang dáng vẻ hùng vĩ như nhiều ngọn thác khác ở Tây Nguyên mà gây ấn tượng bởi nét duyên thầm từ hàng trăm tảng đá lớn nhỏ xếp chồng tự nhiên tạo nên những ghềnh nước mềm mại. Gắn liền với thác là câu chuyện cảm động về một thiếu nữ bản địa, vì tình yêu không thành mà đã chọn cách hóa thân vào dòng nước để giữ trọn lời thề chung thủy. Chính từ câu chuyện ấy, người dân đã đặt tên thác là “Trinh Nữ” như một biểu tượng của tình yêu son sắt và lòng thủy chung.
Cẩm nang du lịch Đắk Nông không thiếu thác nước hùng vĩ và hồ nước đẹp, và hồ Trúc chính 1 trong những món quà đẹp nhất mà ông trời ban tặng cho vùng đất này. Nằm ngay trung tâm thị trấn Ea T’ling, hồ Trúc là điểm nhấn xanh mát với diện tích khoảng 25 ha, trong đó 15 ha là mặt nước trong veo và yên bình. Phần còn lại là bán đảo phủ đầy cây rừng như sao đen, bằng lăng tím, thông và trúc, tạo nên không gian sinh thái vừa gần gũi vừa thư giãn.
Nhờ cảnh quan hài hòa và khí hậu mát mẻ, nơi đây được ví như “lá phổi xanh” của khu vực, góp phần điều tiết không khí và mang đến cảm giác dễ chịu cho người ghé thăm. Với vẻ đẹp tự nhiên và không gian tĩnh lặng, hồ Trúc là điểm đến lý tưởng cho những ai muốn tìm sự bình yên giữa lòng thị trấn.
Hồ Tây Đắk Mil là một hồ bán nhân tạo được hình thành từ năm 1940 do người Pháp xây dựng để phục vụ dự án trồng cà phê. Với diện tích khoảng 40ha và chiều dài gần 2km, hồ chia thành hai nhánh uốn lượn bao quanh những đồi cà phê xanh mướt, tạo nên khung cảnh tựa ốc đảo giữa cao nguyên. Không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp nên thơ, hồ còn sở hữu hệ sinh thái phong phú với hơn 500 loài thủy sinh được ghi nhận. Ngày nay, khu vực quanh hồ đã được quy hoạch thành khu sinh thái với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, là điểm dừng chân lý tưởng cho du khách khi đến Đắk Nông.
Ngục Đắk Mil nằm ở thôn 9A, xã Đắk Lao, là một di tích lịch sử đặc biệt gắn liền với phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân Tây Nguyên. Được xây dựng trong một khu rừng già gần trung tâm Đắk Mil, nhà tù này từng là nơi giam giữ những người dân bản địa kiên cường dám đứng lên chống lại thực dân. Cấu trúc đơn sơ gồm 9 gian, bao quanh bởi hàng rào gỗ và dây thép gai nhưng lại là minh chứng sống động cho tinh thần bất khuất của dân tộc. Ngày nay, Ngục Đắk Mil không chỉ là nơi ghi dấu ký ức đau thương mà còn là điểm đến giúp bạn hiểu thêm về lòng yêu nước và khí phách của người Đắk Nông xưa.
Đắk Nông nằm ở vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, mang đặc trưng khí hậu cao nguyên nhiệt đới ẩm với ảnh hưởng rõ rệt của gió mùa Tây Nam khô nóng. Thời tiết nơi đây chia thành hai mùa rõ rệt: mùa khô (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) và mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10).
Trong đó mùa khô là thời điểm lý tưởng để bạn ghé thăm, bởi thời tiết dễ chịu thuận tiện cho việc di chuyển và khám phá. Nếu bạn là người lãng mạn yêu thiên nhiên, cẩm nang du lịch Đắk Nông khuyên bạn ghé chơi vào tháng 12 là mùa hoa dã quỳ, hay tháng 3 là thời điểm hoa cà phê nở trắng trời Tây Nguyên. Nếu bạn yêu thích văn hóa bản địa, sau Tết âm lịch là dịp vui chơi thích hợp bởi Đắk Nông sẽ diễn ra nhiều lễ hội truyền thống như lễ cúng lúa mới, lễ hội cồng chiêng hay lễ đâm trâu đặc sắc.
Cá lăng - món quà tinh túy từ sông Sêrêpôk là một trải nghiệm ẩm thực bạn nhất định phải thử khi đến Đắk Nông. Trong số những cách chế biến, lẩu cá lăng luôn để lại ấn tượng sâu đậm nhất với vị ngọt thanh của cá tươi quyện cùng hương chua dịu và chút cay nồng, tạo nên một “bản giao hưởng” đậm đà của núi rừng Tây Nguyên.
Khi cá được thả vào nồi lẩu sôi sùng sục, hương thơm lan tỏa, quyện cùng thì là, rau đắng, bạc hà, cải xanh... khiến người ta chỉ cần ngửi thôi cũng thấy nao lòng. Và nếu bạn muốn một hương vị đậm chất đại ngàn, hãy thử cá lăng nướng lá rừng thơm lừng, ăn cùng cơm lam và gà nướng để trải nghiệm một bữa ăn vừa dân dã, vừa mê hoặc đến khó quên.
Muối kiến vàng là món chỉ có tại vùng đất cao nguyên nên chắc chắn bạn không thể bỏ qua khi khám phá cẩm nang du lịch Đắk Nông. Món chấm này không chỉ mang đậm hương vị bản địa mà còn là “gia vị” gợi nhớ về đời sống mộc mạc của đồng bào M’nông, Mạ, Ê Đê. Mùi thơm ngậy, vị mặn cay hòa quyện từ kiến vàng rang giòn, muối hạt và ớt xiêm khiến bất cứ ai thử qua cũng phải xuýt xoa. Món muối này đặc biệt ngon khi ăn kèm với cơm lam, thịt nướng hay hoa quả xanh.
Người dân Đắk Nông thường tự tay trồng cà đắng để dùng trong bữa ăn hàng ngày. Cà đắng sau khi được rửa sạch, thái lát mỏng rồi trộn cùng các gia vị tạo thành món gỏi thơm ngon, độc đáo. Gỏi cà đắng vừa giữ được vị đắng nhẹ đặc trưng, vừa mang hương thơm đặc biệt khiến ai thử qua cũng muốn ăn thêm. Món này ăn cùng cơm hay nhấm nháp với rượu đều rất hợp, làm tăng thêm hương vị đậm đà cho bữa ăn thường nhật.
Canh thụt là món ăn dân dã đặc trưng của đồng bào Tây Nguyên, không chỉ có hương vị độc đáo mà còn sở hữu cả một nghệ thuật nấu ăn trong ống lồ ô. Vị đắng nhẹ của đọt mây, vị béo bùi từ lá bép, chút chua của cà đắng và vị ngọt thơm của cá suối hay thịt hòa quyện trong hương khói bếp lửa, tạo nên một món canh vừa mộc mạc vừa đậm đà. Cái tên “canh thụt” cũng bắt nguồn từ thao tác “thụt” đều tay trong khi nấu, giúp các nguyên liệu quyện lại, dẻo sánh và ngấm gia vị. Mỗi muỗng canh đầy đủ cay, bùi, béo, đắng rất đặc biệt, có thể coi là linh hồn của những buôn làng Tây Nguyên.
Khâu nhục là món ăn quen thuộc với người dân miền núi và cũng là nét văn hóa không thể thiếu trong mọi cẩm nang du lịch Đắk Nông. Được chế biến từ thịt ba chỉ heo ướp kỹ với các loại gia vị truyền thống như ngũ vị hương, tàu xì, mật ong rồi hấp cách thủy cho đến khi mềm rục, khâu nhục có màu nâu óng và mùi thơm đậm đà khó cưỡng. Miếng thịt mềm, béo mà không ngấy, ngấm đều gia vị khiến ai thử qua một lần cũng khó quên. Khâu nhục không chỉ là món ăn mà còn là hương vị gắn bó với ký ức của bao thế hệ. Vậy nên đã ghé Đắk Nông thì đừng quên thưởng thức món ngon đậm chất Đông Bắc giữa lòng Tây Nguyên này nhé!
Thịt khô gác bếp không chỉ là cách bảo quản thực phẩm thông minh của đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Nông mà còn là một phần tinh túy của văn hóa ẩm thực nơi đây. Những miếng thịt được ướp gia vị đậm đà, treo lên gác bếp và hun khói trong nhiều ngày, tạo nên hương vị đặc trưng, vừa thơm, vừa đậm đà, lại dai dai thú vị. Hương khói bếp len vào từng thớ thịt như lưu giữ hơi thở của núi rừng. Ngày nay, món ăn này không chỉ xuất hiện trong các bữa cơm của người dân bản địa mà còn được nhiều du khách yêu thích, tìm mua làm quà.
Bánh cuốn Tày ở Đắk Nông là món ăn dân dã nhưng đậm đà bản sắc, gắn liền với đời sống của cộng đồng người Tày ở Cư Jút và Krông Nô. Khác với bánh cuốn của người Kinh, bánh cuốn Tày thường được làm từ gạo hoặc đỗ tương xay nhuyễn, tráng mỏng rồi cuộn lại, không ăn kèm hành phi mà chỉ nhẹ nhàng láng qua một lớp mỡ để dậy hương vị. Món ăn thường được làm vào những ngày mưa gió hay lúc nông nhàn, khi cả gia đình có dịp quây quần bên nhau. Bánh cuốn Tày không cầu kỳ nhưng lại mang theo hồn cốt của núi rừng và tình cảm ấm áp của người làm bánh.
Bánh giầy cũng là món ăn truyền thống mang đậm bản sắc của người Tày ở Đắk Nông, thường xuất hiện trong các dịp lễ, Tết, lễ cưới hay mừng vụ mùa bội thu. Bánh được làm từ xôi nếp dẻo thơm, giã nhuyễn đến khi thật mịn rồi nặn thành hình tròn, dẹt với lớp nhân mằn mặn, béo ngậy bên trong. Mỗi chiếc bánh là sự kết tinh giữa công sức, sự khéo léo và lòng hiếu khách của gia chủ, thể hiện sự trân trọng dành cho những vị khách quý ghé thăm.
Pẻng tải lại là món bánh truyền thống độc đáo của người Nùng ở Đắk Nông. Bánh được làm từ bột gạo nếp dẻo thơm, bên trong là lớp nhân đậu xanh ngọt bùi, gói trong lá chuối khô rồi hấp chín trong khoảng 30 phút. Sau khi chín, bánh thường được xâu đôi bằng tăm tre và treo trên sào nứa trong nhà để bảo quản, có thể giữ được từ 3 đến 5 ngày mà không lo mốc hay hỏng. Vị ngọt thanh, dẻo mềm của bánh khiến bất kỳ ai một lần nếm thử cũng nhớ mãi không quên. Nếu có ý định khám phá sự đa dạng văn hóa trong cẩm nang du lịch Đắk Nông thì bạn đừng bỏ qua Pẻng tải nhé!
Hồ Tây Đắk Mil là nơi lý tưởng để cá bống cơm sinh sôi mạnh mẽ, và món cá bống kho tộ từ đây trở thành đặc sản không thể bỏ qua. Cá bống được ướp kỹ với các loại gia vị đặc trưng, ướp trong khoảng 30-40 phút để thấm đều hương vị, sau đó kho trong nồi đất đến khi nước cạn, tạo lớp sốt sền sệt bám quanh con cá, ánh lên màu hổ phách bắt mắt. Thịt cá mềm thơm, đậm đà, hấp dẫn đến từng miếng, khiến bất cứ thực khách nào cũng khó lòng chối từ. Món ăn này đã trở thành “bảo chứng” ẩm thực của nhiều quán cơm và nhà hàng tại thị trấn Đắk Mil, níu chân du khách thương nhớ vùng đất này.
Lẩu lá rừng là nét văn hóa đáng trải nghiệm trong mọi cẩm nang du lịch Đắk Nông. Sự thú vị của món lẩu này nằm ở chỗ thay vì ăn cùng các loại rau xanh, người dân sẽ gom đủ 10 loại lá khác nhau, phần lớn được khám phá trong những chuyến đi rừng. Tất cả hòa quyện trong nồi lẩu, kèm với những gia vị vùng cao cay tê đậm đà, mang đến cho thực khách trải nghiệm trọn vẹn và chân thật nhất về vị đại ngàn xanh mát và tinh túy.
Món canh chua kiến vàng là tinh hoa ẩm thực truyền thống của người Ê đê mà bạn rất nên thử khi tìm hiểu cẩm nang du lịch Đắk Nông. Từ những tổ kiến vàng béo ngậy, kết hợp cùng tôm, cá, cua sông tươi rói và hoa “djam tang” đặc trưng, món canh tạo nên vị chua thanh thanh khó quên, kích thích mọi giác quan. Mùi thơm nồng ấm của ngò gai, nén hòa quyện với hương đồng nội, khiến mỗi thìa canh vừa béo ngậy, vừa dịu ngọt, đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên.
Quả núc nác là một nguyên liệu đặc biệt với vị hơi đắng và cay nồng không phải ai cũng dễ dàng thưởng thức. Những ngọn non của cây thường được luộc chấm cùng nước cốt chanh tươi mát, còn quả non núc nác có màu xanh nhạt, vừa chín tới được đồng bào chế biến thành nhiều món như xào, luộc, nấu canh. Trong đó món gỏi từ núc nác vẫn được xem là hấp dẫn nhất. Sự kết hợp tinh tế giữa vị đắng nhẹ và hương chua thanh của gỏi tạo nên hương vị độc đáo, khiến ai từng thử cũng khó quên.
Từ lâu, đồng bào Mạ ở Đắk Nông đã sáng tạo nên món cơm lam độc đáo – gạo được cho vào ống tre hoặc ống lồ ô rồi dùng nước suối trong vắt, đun ngay tại rừng. Cách nấu kín giữ trọn hương thơm tự nhiên và dưỡng chất trong từng hạt gạo, tạo nên vị cơm dẻo thơm khó quên. Cơm lam không chỉ là món ăn quen thuộc trong đời sống thường ngày mà còn là phần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, mang đậm tinh thần của núi rừng Tây Nguyên.
Cẩm nang du lịch Đắk Nông khuyên bạn nhất định nên mang về làm quà những đặc sản đặc trưng của vùng đất cao nguyên. Ví dụ như cà phê với hương thơm nồng nàn và vị đậm đà khó quên, bơ sáp béo ngậy nổi tiếng được trồng trên đất đỏ bazan, hạt mắc ca giàu dinh dưỡng từ huyện Tuy Đức. Nếu bạn muốn tìm quà tặng tinh tế và đậm đà bản sắc dành cho người lớn tuổi, hãy chọn rượu cần truyền thống được làm thủ công từ gạo nếp và men lá rừng mang đậm nét văn hóa đồng bào dân tộc, hoặc nấm mối rừng giòn dai, ngọt tự nhiên chỉ có tại Đắk Nông. Không thiếu những những món quà vừa thơm ngon vừa giàu bản sắc vùng miền, rất thích hợp để làm quà biếu hoặc lưu giữ kỷ niệm chuyến đi.
Đắk Nông là vùng đất có khả năng thổi bùng ngọn lửa khám phá trong lòng bạn và thắp thêm tình yêu thiên nhiên, văn hóa, con người. Hy vọng cẩm nang du lịch Đắk Nông đã cho bạn có thêm góc nhìn mới thú vị về khung trời Tây Nguyên kỳ vĩ này.
Linh Meo