Trung tâm Tây Nguyên gọi tên tỉnh Đắk Lắk - miền đất vừa thơ mộng vừa hùng vĩ. Check ngay cẩm nang du lịch Đắk Lắk để khám phá vẻ đẹp bí ẩn này nhé!
Đắk Lắk là vùng đất có nhiều “cái nhất” và vô vàn nét đẹp văn hóa đặc sắc xứng đáng để tự hào. Sông núi hùng vĩ, đất đai hoa màu, văn hóa ấn tượng và con người thân thiện, “thủ phủ” Tây Nguyên có thể khiến bạn càng khám phá càng ấn tượng. Cùng theo chân Du Lịch Việt Nam mở ngay cẩm nang du lịch Đắk Lắk để thêm yêu vùng đất nắng gió này nhé!
Ẩn mình giữa đại ngàn Tây Nguyên, Đắk Lắk là vùng đất khiến người ta mê mẩn ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi vẻ đẹp hoang sơ nhưng đầy cuốn hút. Không chỉ là thủ phủ cà phê của cả nước, nơi đây còn là “trái tim văn hóa” của Tây Nguyên với những bản trường ca Đam San vang vọng, tiếng cồng chiêng ngân xa giữa núi rừng và những ngôi nhà sàn truyền thống nép mình bên bến nước.
Lịch sử của Đắk Lắk cũng mang đậm dấu ấn thời gian – từ cái tên Darlac thời Pháp thuộc cho đến khi trở thành một trong những tỉnh lớn nhất Việt Nam, vùng đất này vẫn luôn giữ được bản sắc đậm đà của cộng đồng các dân tộc như Ê Đê, M’nông, J’rai… cùng nhau sinh sống, lao động và tạo nên một không gian văn hóa đa màu sắc.
Cẩm nang du lịch Đắk Lắk giống như chuyến phiêu lưu mở ra giữa thiên nhiên kỳ vĩ, nơi bạn có thể thả mình giữa rừng cà phê xanh ngát, khám phá vườn quốc gia Yok Đôn - nơi voi rừng vẫn còn hiện diện, hay trekking trong khu bảo tồn thiên nhiên Chư Yang Sin hùng vĩ. Đừng bỏ lỡ trải nghiệm cưỡi voi, uống rượu cần bên ché nếp nồng, thưởng thức ly cà phê đậm đà giữa làn sương sớm phố núi Buôn Ma Thuột. Nếu bạn đang tìm một điểm đến mới mẻ, chưa bị thương mại hóa quá nhiều, nơi vẫn còn giữ được hồn cốt Tây Nguyên mộc mạc, thì Đắk Lắk chính là “chân ái” cho hành trình khám phá sắp tới của bạn.
Buôn Đôn là điểm đến không thể bỏ qua trong mọi cẩm nang du lịch Đắk Lắk. Nơi đây nổi tiếng là “lãnh địa voi” của Tây Nguyên, gắn liền với truyền thống săn bắt, thuần hóa voi rừng và huyền thoại vua săn voi Ama Kông. Bạn có thể trải nghiệm cưỡi voi băng qua sông Sêrêpốk, tham quan nhà sàn cổ trăm tuổi, mộ đá độc đáo của Ama Kông hay thử rượu mang tên ông. Đặc biệt, việc đi qua cây cầu treo dài nhất Việt Nam và khám phá nét văn hóa của các dân tộc Ê Đê, M’nông, Gia Rai, Lào, Thái… chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những trải nghiệm mới mẻ và đậm chất Tây Nguyên.
Nằm trong khu du lịch Buôn Đôn, ngôi nhà sàn cổ hơn 130 năm tuổi này từng là nơi ở của Khun Yu Nốb - thợ săn voi huyền thoại được mệnh danh là "vua voi" Bản Đôn. Ngôi nhà được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của người Lào, làm hoàn toàn từ những loại gỗ quý như hương, căm xe, cà chít… đặc biệt cả mái ngói cũng được đẽo tay tỉ mỉ từ gỗ cà chít. Mất gần 3 năm và 10 con voi lớn để hoàn thành, ngôi nhà hiện vẫn lưu giữ nhiều kỷ vật, công cụ săn voi và câu chuyện đầy kỳ thú về cuộc đời của vị vua voi và những người kế tục ông.
Lăng mộ của “vua voi” Khun Yu Nốp nằm trong nghĩa địa buôn Yang Lành, được xây dựng theo kiến trúc đặc trưng của người M’nông và Lào, mang đậm dấu ấn văn hóa Tây Nguyên với những tượng nhà mồ trang trí độc đáo. Khun Yu Nốp, tên thật là N’Thu K’Nul, từng được vua Xiêm phong danh hiệu "vua voi" sau khi săn và thuần hóa thành công hàng trăm con voi, trong đó có cả voi trắng tặng cho vua Bảo Đại. Lăng mộ không chỉ là nơi an nghỉ của một nhân vật lịch sử mà còn là điểm đến giàu giá trị văn hóa, gợi mở bao câu chuyện kỳ thú về vùng đất Buôn Đôn huyền thoại.
Nếu muốn tìm điểm check in ấn tượng trong cẩm nang du lịch Đắk Lắk thì bạn nên ghé ngay cầu treo Buôn Đôn. Cầu treo được làm từ tre, nứa, mây và có gia cố thêm cáp sắt, tạo nên một công trình mộc mạc nhưng vững chãi. Điều đặc biệt là cây cầu này được xây dựng vắt qua một cây gừa cổ thụ hàng trăm năm tuổi với tán lá phủ kín hơn một hecta, tạo nên khung cảnh kỳ thú giữa đại ngàn. Với chiều dài khoảng 1km, cầu treo kết nối nhiều phân đoạn liền mạch, xen kẽ là các sàn nghỉ, nhà hàng bằng gỗ nằm hoàn toàn trên cây, mang lại cho du khách cảm giác như đang phiêu lưu giữa không trung và thiên nhiên hoang sơ của Tây Nguyên.
Nếu bạn đang tìm một không gian xanh mát giữa đại ngàn Tây Nguyên thì vườn cảnh Trohbư chính là điểm dừng chân lý tưởng. Nằm ở Buôn Niêng, xã Ea Nuôl, nơi đây được xem là trang trại du lịch sinh thái đầu tiên của Buôn Đôn. “Trohbư” trong tiếng Ê Đê có nghĩa là “lũng cá lóc suối”, đúng với cảnh quan hữu tình. Bạn có thể đi dạo quanh co uốn lượn theo bờ hồ, sườn dốc, ngắm những ngôi nhà gỗ nhỏ xinh giữa rừng cây và thưởng thức bộ sưu tập lan rừng, hoa dại phong phú tại đây.
Nhờ bài hát “Bóng cây Kơ-nia” vang bóng một thời, du khách khi nhắc đến cẩm nang du lịch Đắk Lắk thường mong được chiêm ngưỡng loài cây huyền thoại này. Ngay trung tâm thành phố có một cây Kơ-nia cổ thụ nằm lặng lẽ trong khuôn viên sân sau Nhà Văn hóa. Với chiều cao khoảng 15 - 30m, đường kính 60cm, cây Kơ-nia mang đậm ý nghĩa tâm linh đối với người dân bản địa. Họ tin rằng đây là nơi trú ngụ của các vị thần nên không ai dám chặt phá, và bóng cây ấy đã trở thành điểm tựa tinh thần cho biết bao thế hệ người Tây Nguyên.
Làng cà phê Trung Nguyên là điểm check-in nổi bật tại Buôn Ma Thuột, nơi bạn có thể thưởng thức cà phê nguyên chất ngay tại "thủ phủ cà phê" Việt Nam. Với kiến trúc đậm chất Tây Nguyên, không gian xanh mát cùng tiểu cảnh thác nước, suối, nhà sàn... nơi đây không chỉ là chốn thư giãn lý tưởng mà còn là điểm mua quà cà phê ý nghĩa dành tặng người thân, bạn bè.
Buôn AKô Đhông, hay còn gọi là Buôn Cô Thôn, là một buôn làng người Ê Đê nằm ngay tại thành phố Buôn Ma Thuột. Với nghĩa “suối đầu nguồn,” Buôn AKô Đhông tọa lạc bên con suối Ea Nuôl chính là nơi bắt đầu nguồn nước của buôn làng. Đây là điểm du lịch hấp dẫn với những ngôi nhà cổ được bảo tồn nguyên vẹn cùng lối đi trồng hoa thơ mộng. Đến đây, bạn còn có cơ hội trải nghiệm các lễ hội truyền thống đậm đà bản sắc Tây Nguyên mang ý nghĩa giữ gìn nét văn hóa đặc trưng của buôn làng.
Bảo tàng Đắk Lắk là điểm đến lịch sử và văn hóa hấp dẫn trong cẩm nang du lịch Đắk Lắk. Nằm trong khuôn viên biệt điện Bảo Đại cũ, bảo tàng gây ấn tượng với kiến trúc độc đáo kết hợp nhà rông, nhà dài Ê Đê và nhà trệt M’Nông. Bên trong, du khách sẽ được chiêm ngưỡng nhiều hiện vật đặc sắc được thuyết minh bằng bốn thứ tiếng: Việt, Anh, Pháp và Ê Đê và trải nghiệm sâu sắc về cuộc sống và truyền thống của đồng bào vùng cao.
Biệt Điện Bảo Đại ở Đắk Lắk có tuổi đời hơn 80 năm là một công trình kiến trúc cổ kính và độc đáo. Khuôn viên của biệt điện nổi bật với nhiều cây cổ thụ và cây nguyên sinh có tuổi đời hàng trăm năm, tạo nên không gian xanh mát hiếm có giữa lòng thành phố. Sau năm 1977, nơi đây được sử dụng làm nhà khách và đồng thời là trụ sở bảo tàng văn hóa các dân tộc Việt Nam tại Đắk Lắk, góp phần bảo tồn và giới thiệu di sản văn hóa đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên.
Thiền viện Trúc Lâm Từ Giác nằm trên núi Chư Kuin, xã Ea Yông, Krông Pắk, là một ngôi chùa thuộc hệ thống Thiền Tông nổi bật với vị trí tựa lưng vào núi, trước mặt là hồ nước rộng lớn tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp và thanh bình. Từ xa, thiền viện hiện lên như một điểm nhấn chính trong bức tranh sơn thủy hữu tình với thế “tiền thủy hậu sơn” đặc trưng, mang đến không gian yên tĩnh và thư thái cho du khách khi đến tham quan.
Chùa Sắc Tứ Khải Đoan là ngôi chùa lớn nhất trên toàn tỉnh Đắk Lắk, đồng thời là ngôi chùa đầu tiên được xây dựng trên cao nguyên này từ năm 1951. Đây cũng là ngôi chùa cuối cùng ở Việt Nam được phong sắc tứ dưới chế độ phong kiến. Tên chùa được ghép từ vua Khải Định và Hoàng thái hậu Đoan Huy - người đã cho khởi công xây dựng chùa với sự quản lý thi công của thứ phi Mộng Điệp. Qua nhiều lần trùng tu và bổ sung, chùa vẫn giữ nguyên vẹn chính điện cổ kính, trở thành điểm du lịch tâm linh quan trọng và không thể bỏ qua khi đến Buôn Ma Thuột.
Cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 12km, khu du lịch hồ Ea Kao sở hữu điều kiện thiên nhiên ưu đãi với đất đai rộng rãi, cảnh quan xanh mát, thảm thực vật phong phú cùng nguồn nước trong lành. Đây là điểm đến lý tưởng để bạn nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành và hòa mình vào vẻ đẹp thiên nhiên yên bình trong hành trình khám phá cẩm nang du lịch Đắk Lắk.
Hồ Lắk là hồ nước ngọt tự nhiên lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể, nằm giữa những dãy núi hùng vĩ được phủ rừng nguyên sinh xanh mướt. Đây không chỉ là điểm ngắm hoàng hôn tuyệt đẹp lúc xế chiều mà còn là nơi lưu giữ nét văn hóa độc đáo của người M’Nông bản địa. Điểm thú vị ở đây là bạn có thể chèo thuyền độc mộc dạo quanh hồ ngắm cảnh, khám phá buôn làng và thưởng thức ẩm thực địa phương.
Cách hồ Lắk chưa đầy 10km, xã Yang Tao là nơi duy nhất ở Tây Nguyên còn giữ nghề gốm cổ truyền của người M’nông Rlăm. Đến đây, bạn không chỉ được tận mắt chứng kiến nghệ thuật làm gốm thủ công tinh xảo mà còn có thể chọn mua những sản phẩm gốm độc đáo, mang đậm hồn văn hóa địa phương với giá rất hợp lý để làm quà.
Nằm yên bình bên hồ Lắk trong xanh, buôn Jun mang vẻ đẹp nguyên sơ và hiền hòa đặc trưng của vùng Tây Nguyên, nơi gìn giữ trọn vẹn những giá trị văn hóa truyền thống qua nhiều thế hệ. Đến đây, du khách còn được trải nghiệm thú vị như chèo thuyền trên hồ, thưởng thức cơm lam cùng những đặc sản đậm đà hương vị núi rừng như cá, lươn, ốc,..., những món ăn dân dã nhưng đầy hấp dẫn của cao nguyên.
Nhà đày Buôn Ma Thuột là nơi giam giữ và đày biệt xứ những người yêu nước, đảng viên cộng sản và những chiến sĩ tiên phong trong các phong trào đấu tranh như Xô Viết Nghệ Tĩnh. Được thực dân Pháp xây dựng vào những năm 1930 – 1931, nhà đày sau ngày giải phóng đã được giữ nguyên hiện trạng cải tạo thành điểm thăm quan văn hóa. Đây là một dấu tích lịch sử quan trọng, ghi lại sự kiên cường của những người đấu tranh cho độc lập và tự do.
Tọa lạc tại số 104 Phan Chu Trinh, tòa giám mục là một công trình kiến trúc cổ có quy mô lớn, được xây dựng chủ yếu bằng gỗ và lợp ngói vảy cá đặc trưng. Ngôi nhà dài mang đậm phong cách truyền thống của người Ê Đê, nằm giữa khuôn viên rộng với nhiều loài cây, hoa lá độc đáo. Được biết công trình được tạo nên bởi bàn tay tài hoa và khéo léo của các nghệ nhân Công giáo Ê Đê xưa, thể hiện sự tinh tế và công phu trong từng chi tiết.
Vườn Quốc gia Chư Yang Sin là điểm đến hàng đầu của dân phượt với thiên nhiên phong phú và cảnh quan hùng vĩ. Nơi đây có hơn 40 dãy núi cao thấp, nhiều thác ghềnh, suối rừng và thảm thực vật rộng lớn. Đỉnh Chư Yang Sin cao 2.442m, được xem như “nóc nhà thứ hai” của Tây Nguyên, là thử thách hấp dẫn cho những ai yêu thích leo núi với hành trình ít nhất 3 ngày 2 đêm. Vườn quốc gia rộng 589 km², cách Buôn Ma Thuột khoảng 60km, bạn có thể dễ dàng di chuyển bằng xe máy rồi đi bộ men theo đường mòn để khám phá.
Vườn Quốc gia Yok Đôn là khu bảo tồn thiên nhiên lớn nhất Việt Nam, với diện tích hơn 1.150 km² trải rộng trên hai tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Nơi đây có tới 90% diện tích là rừng nguyên sinh, chủ yếu là rừng khộp chỉ có ở Yok Đôn. Vườn bảo tồn nhiều loài động vật hoang dã quý hiếm như voi, bò tót, hổ, báo và nhiều loài chim đa dạng. Tại đây, bạn có thể trải nghiệm cưỡi voi, đi bộ khám phá rừng, đạp xe địa hình hay chèo thuyền độc mộc trên sông Serepok.
Đá Voi Yang-tao gồm hai hòn đá granit khổng lồ: Đá Voi Mẹ dài khoảng 200m, cao hơn 30m nằm sát chân núi trong vườn quốc gia Chư Yang Sin, Đá Voi Cha dài khoảng 70m, chu vi 180m cách đó 5km. Nằm cách trung tâm Buôn Ma Thuột khoảng 40km trên Quốc lộ 27, đây là điểm đến nổi tiếng với truyền thuyết “hòn đá biết đi”. Bạn có thể gửi xe và đi bộ vào chân Đá Voi Mẹ, rồi leo lên đỉnh để ngắm cảnh rộng lớn gồm hồ Yang Reh và dãy Chư Yang Sin hùng vĩ. Cảnh vật từ trên cao rất ấn tượng, tuy nhiên khi leo cần cẩn thận do gió mạnh và địa hình đá trơn.
Hồ Đá Xanh còn gọi là Hộc Cá Sấu, nằm trong khu vực thủy điện Sêrêpôk 3, cách Buôn Đôn khoảng 40km, là điểm check-in mới nổi trong cẩm nang du lịch Đắk Lắk. Đặc biệt, dãy đá quanh hồ nhìn từ trên cao giống hình con cá sấu đang trầm mình dưới nước.
Nơi đây khá hoang sơ, không mất phí tham quan, dễ tìm trên bản đồ hoặc hỏi người dân địa phương. Tuy nhiên do đá gập ghềnh và nước rất lạnh, bạn nên hạn chế tắm và leo trèo để đảm bảo an toàn.
Nhà máy điện gió Dlieyang không chỉ là công trình tạo ra điện sinh hoạt từ năng lượng gió mà còn là cánh đồng quạt gió rộng lớn, tạo nên cảnh quan ấn tượng giữa núi rừng Tây Nguyên. Từ Buôn Ma Thuột, bạn đi theo bản đồ đến huyện Ea H’leo, rồi tiếp tục tới xã Dlieyang. Trên đường đi, nhìn thấy trường THCS Y-Jut, rẽ vào con đường bên cạnh trường đi thêm 3-4km sẽ đến cánh đồng quạt gió. Đường vào đẹp nhưng có vài đoạn khó đi, nên nên hỏi người dân địa phương để được hướng dẫn nhé!
Cụm thác Đray Nur và Đray Sáp, thường được gọi là thác Vợ – thác Chồng, là hai ngọn thác nổi tiếng và hùng vĩ bậc nhất Tây Nguyên cách trung tâm Buôn Ma Thuột khoảng 30km. Đray Nur (thác Vợ) nằm bên tỉnh Đắk Lắk với dòng nước trắng xóa đổ từ độ cao hơn 30m, rộng khoảng 250m, tạo nên khung cảnh choáng ngợp giữa đại ngàn. Đray Sáp (thác Chồng) nằm ở phía Đắk Nông, nhỏ hơn nhưng lại thơ mộng với làn nước tung bọt như sương khói. Hai thác chỉ cách nhau vài cây cầu treo nên bạn có thể kết hợp tham quan cả ba ngọn thác gồm thêm thác Gia Long trong hành trình khám phá thiên nhiên Tây Nguyên kỳ vĩ.
Khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, là một trong những khu rừng đặc trưng của hệ sinh thái rừng nhiệt đới gió mùa với sự đa dạng sinh học cao. Khu vực này ghi nhận tới 709 loài thực vật thuộc 139 họ, cùng hệ động vật phong phú với 44 loài thú, 158 loài chim, 23 loài lưỡng cư và bò sát, trong đó nhiều loài quý hiếm được ghi trong Sách đỏ Việt Nam.
Đặc biệt, nơi đây còn được biết đến với truyền thuyết là khu vực duy nhất có thể còn tồn tại loài bò xám huyền thoại - một trong những biểu tượng của vùng đất Tây Nguyên. Nếu bạn yêu thiên nhiên hoang dã và muốn tìm hiểu về đa dạng sinh học, đừng bỏ qua điểm đến này trong cẩm nang du lịch Đắk Lắk.
Hồ Ea Súp Thượng là một trong những hồ nước nhân tạo lớn nhất Đắk Lắk, được hình thành từ việc chặn dòng suối Ea Súp từ năm 2004. Với diện tích mặt nước gần 1.500ha, hồ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong thủy lợi và nuôi trồng thủy sản mà còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái. Nơi đây nổi bật với mặt hồ rộng lớn, ổn định quanh năm, những bán đảo phủ rừng tự nhiên và cảnh quan xanh mát. Từ đập chính của hồ, bạn có thể phóng tầm mắt chiêm ngưỡng những cánh rừng bạt ngàn và hệ sinh thái phong phú, hoang sơ.
Tháp Chàm Yang Prong là công trình kiến trúc Chăm Pa độc đáo và là ngọn tháp Chàm duy nhất được phát hiện trên vùng đất Tây Nguyên. Tọa lạc giữa rừng già Ea Súp, tháp không được xây trên đồi cao như nhiều tháp Chàm miền Trung mà ẩn mình dưới những tán cây cổ thụ rậm rạp bên dòng sông Ea H’leo. Khung cảnh xung quanh tháp đầy vẻ huyền bí, hoang sơ với suối róc rách và sắc vàng của hoa dã quỳ mỗi độ cuối thu về.
Nếu bạn đang ấp ủ một chuyến đi để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp hoang sơ và hồn hậu của núi rừng Tây Nguyên thì rất nên du lịch Đắk Lắk vào mùa khô. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau, đặc biệt từ cuối tháng 11 trở đi, khi những cơn mưa đã lùi xa, trời trong xanh, khí hậu mát mẻ và những con thác vẫn đầy nước, khung cảnh Tây Nguyên hiện lên rực rỡ và thanh bình đến lạ.
Tháng 12, hoa dã quỳ nở vàng rực rỡ khắp các cung đường; cuối tháng 2 đầu tháng 3, cả cao nguyên lại bừng sáng trong sắc trắng tinh khôi của hoa cà phê. Tháng 4 là thời khắc hoa pơ lang đỏ thắm cháy lên giữa núi đồi. Khoảng cuối năm đến đầu xuân chính là lúc Đắk Lắk đẹp nhất, dễ đi lại nhất và cũng nhiều lễ hội, cảnh sắc ấn tượng nhất để bạn tận hưởng trọn vẹn hành trình khám phá đất đỏ bazan huyền thoại.
Gà nướng Bản Đôn là món đặc sản trứ danh có mặt trong mọi cẩm nang du lịch Đắk Lắk, bắt nguồn từ cách chế biến dân dã của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Gà được kẹp vào thanh tre, nướng trên lửa than rực đỏ cho đến khi lớp da chuyển vàng óng, tươm mỡ hấp dẫn. Điều đặc biệt làm nên hương vị khó quên chính là muối chấm - thường là muối ớt hoặc muối sả, được giã tay cùng ớt rừng xanh mọc hoang, thơm giòn đặc trưng. Thưởng thức gà nướng cùng cơm lam dẻo thơm càng làm trọn vẹn trải nghiệm ẩm thực Bản Đôn.
Bún đỏ là món ăn đặc sản của Buôn Ma Thuột, nổi bật với sắc đỏ đặc trưng của nước dùng được tạo nên từ hạt điều màu và cà chua xào. Tô bún hấp dẫn với gạch cua, trứng cút, riêu cua tôm béo ngậy, ăn kèm rau cần và cải luộc, tạo nên hương vị thanh ngọt nhưng đậm đà, khác biệt hẳn với các món bún ở vùng khác. Bạn có thể dễ dàng thưởng thức món ăn dân dã này tại các quán vỉa hè quanh khu chợ sắt Phan Đình Giót, góc đường Lê Duẩn giao Phan Đình Giót.
Cơm lam Bản Đôn ăn kèm gà nướng thả vườn chấm muối ớt sả là sự kết hợp hoàn hảo nhất. Cơm dẻo thơm nấu trong ống tre, thịt gà vàng ruộm nướng trên lửa than rừng, tất cả hòa quyện tạo nên cảm giác khó quên. Nếu muốn trọn vẹn hơn, bạn có thể nhâm nhi thêm rượu cần Y Miên, 1 loại rượu truyền thống đậm đà rất hợp với không khí đại ngàn.
Lẩu lá rừng hay còn gọi là canh lá của người Ê Đê là món ăn đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, được nấu từ khoảng 10 loại lá rừng chọn lọc kỹ lưỡng. Ban đầu xuất phát từ bữa ăn đạm bạc thời khó khăn, ngày nay món ăn này đã trở thành đặc sản độc đáo. Nước lẩu nấu cùng tôm khô hoặc thịt, mang vị đắng nhẹ, cay nồng và thơm mùi lá rừng rất lạ miệng và khó quên. Bạn có thể tìm thưởng thức món lẩu lá rừng này tại các nhà hàng đặc sản ở Buôn Ma Thuột.
Lẩu cá lăng là một trong những món đặc sản đậm chất Tây Nguyên mà bạn khó có thể bỏ qua trong cẩm nang du lịch Đắk Lắk. Cá lăng phải thật tươi, được thả vào nồi lẩu đang sôi cùng các loại rau như cần tây, cải xanh, rau đắng, bạc hà và đặc biệt là thì là để tạo nên hương vị thơm ngọt đặc trưng. Thịt cá béo bùi, kết hợp với vị chua thanh từ các loại gia vị, khiến từng miếng ăn đều đậm đà và thấm đẫm vị rừng núi. Đây là món ăn vừa ngon miệng vừa ấm lòng giữa không gian se lạnh của cao nguyên mà bạn nhất định phải thử.
Bún giò chìa là món ăn sẽ khiến bạn nhớ mãi. Dù có nước dùng khá giống bún bò Huế, nhưng điểm khác biệt nằm ở phần giò chìa - tảng thịt lớn từ chân sau của heo được ninh mềm, thơm ngọt. Khi có khách gọi, từng khúc giò được thả vào nồi nước sôi rồi mới chan vào tô bún nóng hổi. Bạn có thể thưởng thức món này tại các quán trên đường Nguyễn Tất Thành, Tản Đà, Y Jut Aleo hay góc Bà Triệu – Hùng Vương.
Cà đắng là loại rau quả đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên, thường mọc hoang trên nương rẫy và nay được trồng phổ biến trong vườn nhà. Quả cà có hình dáng giống cà pháo, vỏ xanh sọc trắng, có gai và vị đắng đặc trưng khó lẫn. Với người Ê Đê, cà đắng là nguyên liệu quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày, có thể chế biến linh hoạt như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt, đậu khuôn hay om cùng lươn, ếch… tạo nên những món ăn đậm đà khó quên.
Cẩm nang du lịch Đắk Lắk sẽ hoàn thiện hơn khi bạn được thưởng thức món canh thụt chỉ có tại vùng đất đỏ này. Canh thụt được nấu trong ống lồ ô với các nguyên liệu đặc trưng như lá bép, đọt mây, cà đắng, cá suối hoặc thịt, cùng mắm, ớt và gia vị. Món canh đặc biệt nhờ cách chế biến khi các nguyên liệu được cho vào ống lồ ô và "thụt" đều tay khi nướng trên lửa. Canh khi chín sánh đặc, mang hương vị đắng cay béo bùi hòa quyện, rất được yêu thích trong các dịp lễ hội hay bữa cơm truyền thống của đồng bào dân tộc.
Bò nhúng me có hương vị chua chua ngọt ngọt đặc trưng từ nước sốt me, kết hợp cùng thịt bò thái mỏng mềm thơm và tỏi phi dậy mùi. Món ăn này thường được phục vụ trên khay nóng gợi nhớ đến bánh mì chảo, và ngon nhất là khi ăn kèm bánh mì giòn rụm. Vị đậm đà, hài hòa của bò nhúng me không chỉ kích thích vị giác mà còn khiến bạn muốn ăn mãi không ngán.
Chả cá thát lát là đặc sản nổi bật của vùng Hồ Lắk, được chế biến hoàn toàn từ thịt cá thát lát - loài cá nhỏ giàu dinh dưỡng, có vị ngọt, tính bình và rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt với người suy nhược hay ăn uống kém. Nhờ làm 100% từ thịt cá, chả cá ở đây có độ béo, dẻo và mịn đặc trưng, rất thích hợp là món ăn bổ sung năng lượng cho bạn trong chuyến phiêu lưu ở Đắk Lắk.
Thịt nai là đặc sản hấp dẫn nổi tiếng với thịt mềm, ít mỡ và có hương vị thơm ngon vượt trội, thậm chí được đánh giá ngon hơn cả bê rừng. Từ thịt nai, người dân nơi đây chế biến ra nhiều món hấp dẫn như nai nướng, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, nai khô... chỉ nghe tên thôi cũng đủ khiến bạn thèm thuồng.
“Vêch” trong tiếng Ê Đê là phần đầu ruột non của động vật ăn cỏ, thường là bò. Việc lấy “vêch” được thực hiện nhanh chóng, khéo léo để giữ nguyên các thành phần bên trong nội tạng. Đoạn ruột non gần bao tử bò được buộc chặt rồi cắt ra, chần qua nước sôi để lấy dịch tiêu hóa, lọc và cô đặc lại. Các phần nội tạng khác cùng da, đuôi được luộc sơ, cắt miếng rồi nấu cùng nước “vêch” cô đặc với nhiều gia vị đặc trưng như ớt, củ nén, sả, riềng, tiêu rừng…
Rau tập tàng là sự kết hợp của nhiều loại rau dại trong rừng, thường mọc nhiều và tươi ngon nhất vào mùa mưa. Đến Đắk Lắk, bạn sẽ dễ dàng thưởng thức rau tập tàng qua nhiều món ăn đa dạng như rau tập tàng nấu cua, nấu canh tôm… mang hương vị đậm đà, mộc mạc đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.
Nộm mít hến Đắk Lắk là món ăn tinh tế, hòa quyện vị ngọt của sông Krông Ana và nắng gió cao nguyên trong từng sợi mít non giòn mềm. Mít non được luộc chín, băm nhỏ trộn cùng ruột hến om thấm vị, dầu hành phi thơm lừng, điểm xuyết hành ngò, húng quế xanh mướt. Ăn kèm nước mắm ớt tỏi cay nồng và bánh tráng nướng giòn rụm, món nộm này mang đến hương vị đặc trưng khó quên của Tây Nguyên, khiến ai đã thử một lần đều muốn quay lại.
Lõi chuối non sau khi lấy ra được chẻ hay thái khoanh, ngâm nước chanh để nhựa ra bớt, rồi rửa sạch cho hết vị chát. Nước sốt chua ngọt từ chanh, đường, muối, tỏi và ớt được trộn cùng lõi chuối, sau đó cho gà luộc xé nhỏ vào trộn đều. Rau răm và đậu phộng rang giã nhuyễn được rắc lên trên, tạo nên món gỏi chuối với sắc trắng nõn của chuối, màu xanh mướt của rau răm và vàng ươm của da gà, hòa quyện vị mềm thơm của gà và giòn ngọt của lõi chuối, làm ai ăn cũng nhớ mãi.
Lạp là món ăn mang ý nghĩa phúc lộc và may mắn, thể hiện tấm lòng gia chủ với gia đình và khách quý. Món này thường làm từ lòng heo luộc thái mỏng, trộn cùng thịt ba chỉ băm xào, ớt tươi, chanh, sả và thính gạo. Dù nguyên liệu đơn giản, nhưng nhờ cách pha trộn tinh tế, lạp có vị cay nồng của ớt, chua dịu của chanh và ngọt thơm của thịt, tạo nên hương vị đậm đà khó quên.
Đắk Lắk không chỉ cuốn hút bạn bởi núi rừng hùng vĩ và văn hóa cồng chiêng đặc sắc mà còn níu chân người đi bằng những món quà đặc sản đậm hồn Tây Nguyên. Bạn có thể chọn rượu A Ma Công – rượu thuốc ngâm từ lá và thân rễ cây Trơng mọc sâu trong rừng Buôn Đôn. Món quà tiếp theo là cà phê biểu tượng văn hóa đậm chất Đắk Lắk. Những hạt cà phê rang kỹ, đen sánh, thơm lừng là món quà mang theo cả hương núi gió ngàn. Và đừng quên bơ sáp Đắk Lắk mộc mạc mà mê hoặc bởi lớp thịt vàng ươm, béo ngậy, dẻo quánh. Vị bơ thanh mát tưởng chừng nhạt nhưng càng ăn càng “ghiền”, xứng đáng để bạn lựa chọn mang về sau chuyến đi Đắk Lắk.
Đắk Lắk nắng gió xứng đáng là điểm đến hấp dẫn trong hành trình khám phá thiên nhiên hoang sơ và văn hóa cội nguồn. Đừng ngại lưu ngay cẩm nang du lịch Đắk Lắk phía trên để sẵn sàng cho chuyến hành trình tới cao nguyên khi có dịp bạn nhé!
Linh Meo