Bánh gai Tứ Trụ khởi đầu là do người làng Mía trong vùng làm ra để cúng giỗ Lê Lợi, Lê Lai, cúng ông bà Tổ tiên trong Tết Nguyên đán và lễ hội trong năm. Dần dần, nghề làm bánh gai được phổ biến ở các làng vùng Tứ Trụ, xã Thọ Diên và trở thành đặc sản của xứ Thanh nổi tiếng cả nước.
Nguyên liệu làm dễ tìm kiếm, nhưng lại hơi cầu kỳ. Gạo nếp cái hoa vàng xay lọc lấy tinh bột, mật mía loại ngon nhất vùng, thịt lợn nạc làm thành ruốc bông, đậu xanh đãi vỏ, đồ chín giã nhỏ, dừa già nạo thành sợi trắng như sợi cước, vừng rang vàng thơm, lá gai (cây gai mọc trên đồi, củ gai thường làm thuốc an thai) tước gân, luộc lên giã nhỏ lấy tinh bột, lá chuối khô để gói bánh.
Cách làm bánh: Đem tinh bột nếp trộn với bột lá gai và mật mía rồi cho vào cối đá giã kỹ. Càng giã kỹ càng dẻo, bánh càng dai, càng ngon. Công đoạn này quan trọng nhất, vất vả nhất gọi là luyện bột.
Bột luyện xong nặn thành bánh. Đậu xanh trộn với mật mía, với ruốc thịt cấy vào làm nhân. Bánh màu đen, ngoài vỏ cấy dừa sợi và vừng đã rang vàng. Sau đó dùng lá chuối khô, gói bánh (khoảng 10 lớp lá) xếp 5 cái bánh xếp thành một cuộn tròn buộc lại bằng lạt giang nhuộm phẩm đỏ cho đẹp. Đặt bánh vào chõ, đồ cho đến lúc bánh chín. Bánh gai Tứ Trụ có hương vị ngon mà các loại bánh ngọt khác không có được.
Nếu có dịp ghé đến vùng đất Thanh Hóa, du khách hãy mua bánh gai Tứ Trụ về làm quà nhé.
Y.T
Theo Báo Du lịch