Ngoài bản Ba Phách, bản Tân Lập hay khu vực Thị trấn Nông trường... huyện Mộc Châu còn có một bản làng dường như tách biệt với thế giới bên ngoài là bản Tà Số. Nếu bạn đang tìm kiếm một địa chỉ du lịch mới mẻ, thú vị, đừng quên ghé thăm bản Tà Số Sơn La.
Tà Số ở đâu hay địa chỉ chính xác của bản Tà Số là thắc mắc của nhiều người khi đang chuẩn bị lên kế hoạch cho chuyến đi sắp tới. Cụ thể, bản này nằm tại xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La.
Tà Số được chia thành hai bản nhỏ hơn là Tà Số 1 và Tà Số 2. Đây là nơi sinh sống chủ yếu của Mông với hơn 300 hộ gia đình. Bản làng nhỏ Tà Số Sơn La này có phong tục tập quán đầy thú vị, thu hút nhiều du khách ghé thăm, đặc biệt vào dịp cuối năm âm lịch. Như vậy, sau khi đã biết rõ Tà Số ở đâu, còn chần chờ gì nữa mà không ghé thăm ngay nơi này thôi nào.
Cách trung tâm huyện Mộc Châu gần 50km, có thể nói cung đường di chuyển tới Tà Số khá xa xôi so với các điểm đến khác. Từ trung tâm thị trấn, bạn đi theo Quốc Lộ 43 khoảng 44km sau đó đến ngã 3 thì rẽ phải hướng vào Quốc Lộ 6.
Từ trục Quốc lộ 6 rẽ lên Tà Số, con dốc đưa lên bản dài gần 10km có phần quanh co hơn so với đường quốc lộ. Tuy nhiên, nhờ việc đã được trải bê tông nên việc đi lại cũng thoải mái, thuận tiện hơn. Tuy nhiên, khách du lịch cũng cần đảm bảo là người có tay lái chắc khi tới bản Tà Số Sơn La để chuyến đi được an toàn.
Sau vài cây số, bạn sẽ nhìn thấy tấm biển “Welcome to Tà Số” làm bằng đá. Đây chính là cổng chào mừng du khách tới với bản làng vùng cao Tây Bắc, mở ra hành trình khám phá đầy thú vị cho chuyến đi của bạn.
Đường lên Tà Số phù hợp với cả xe máy và xe ô tô. Tùy theo nhu cầu, bạn lựa chọn phương tiện phù hợp nhưng nhiều bạn trẻ thích phượt xe máy để thuận tiện khám phá hơn.
>>Xem thêm: Khu du lịch Quốc gia Mộc Châu Sơn La: Điểm đến quyến rũ suốt bốn mùa
Thoạt nghe, người ta có thể e ngại khi tới bản Tà Số Sơn La bởi khoảng cách xa xôi. Tuy nhiên, chính vì nằm tách biệt so với thị trấn nên đến nay bản vẫn còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ của mình. Do vậy, dù cung đường dài, tốn thời gian nhưng nó vẫn không ngăn được bước chân của những kẻ ham đi.
Trong tiếng Mông, Tà Số nghĩa là ngải cứu. Bởi trước đây, khi mới được khám phá vào năm 1964, vùng đất này trồng rất nhiều cây ngải cứu. Theo năm tháng, bản Tà Số Mộc Châu dần đổi thay, đường xá được phủ bê tông, nhiều loài hoa đẹp như hoa mận, hoa mơ... được trồng, tạo cảnh quan tươi đẹp cho cả làng.
Ngay cổng làng, tấm biển chào nằm lưng chừng núi là điểm ấn tượng với nhiều người. Hầu như ai tới đây cũng đều không quên check in tại đây. Từ biển chào, du khách cũng có thể ngắm nhìn cảnh vật phía dưới, đâu đâu cũng là núi đồi trập trùng, hùng vỹ.
Tiến vào bản, những ngôi nhà gỗ tập tập trung thành từng cụm đang chờ du khách khám phá. Người Mông tại bản Tà Số Sơn La vẫn lưu giữ kiến trúc truyền thống đặc sắc, trong đó, đặc trưng là nhà trình tường có ba gian hai trái thống nhất theo một khuôn mẫu kiểu truyền thống. Mái lợp rơm bên ngoài. Xung quanh nhà dân là những vườn cây ăn trái, núi đồi, nương ngô.... bình dị, thân thương.
Có thể nói, khung cảnh thiên nhiên nơi bản Tà Số Mộc Châu này đẹp hoang sơ mà hùng vỹ, mộc mạc mà lại chẳng kém phần thơ mộng. Tất cả đều hiếm có khó tìm ở chốn thành thị xô bồ. Với những ai thích cảnh sắc thiên nhiên bình dị, thích khám phá cái mới thì bản Tà Số sẽ là điểm đến lý tưởng.
Trước đây, người Mông ở bản Tà Số Sơn La chủ yếu sinh sống bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi. Ngày nay, người dân đã tham gia vào việc làm du lịch, góp phần tạo thêm thu nhập cho cuộc sống thường ngày. Tà Số được huyện Mộc Châu lựa chọn làm điểm đến phát triển du lịch cộng đồng dân tộc Mông.
Khách du lịch Sơn La có thể thử ghé thăm gia đình anh Mùa A Phà, cũng là một trong những hộ làm du lịch cộng đồng ở Tà Số. Ngôi nhà gỗ 5 gian được truyền lại từ ông nội vẫn còn lưu giữ nét cổ kính, bài trí nhiều vật dụng sinh hoạt quen thuộc của người Mông như gùi tre, quần áo dân tộc, cố giã gạo, khung dệt vải....
Ngoài việc thăm quan kiến trúc nhà tường trình, phong thục tập quán, lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống tại bản Tà Số vẫn được giữ gìn. Điệu múa khèn của người Mông đến nay vẫn được truyền dạy lại cho lớp trẻ để phục vụ biểu diễn cho du khách. Nghề làm giấy, dệt vải, rèn dao, in hoa văn bằng sáp ong… cũng còn lưu truyền đến ngày nay.
Một trong những nét đẹp cổ truyền rất đáng để bạn trải nghiệm chính là Tết của người Mông tại bản du lịch cộng đồng Tà Số. Nếu như dân tộc Kinh đón Tết Nguyên đán từ ngày 1/1 âm lịch thì người Mông ở bản Tà Số Sơn La lại ăn Tết trong suốt một tháng từ ngày 30/11 âm lịch. Đây cũng là thời điểm để bạn vi vu Sơn La, ăn Tết sớm với người dân bản địa đấy.
Người Mông có câu: "30 tết lợn, mùng 1 tết gà". Bởi vậy, từ ngày 25 Tết, người dân bắt đầu mổ lợn làm lễ tạ ơn trời đất, tổ tiên. Một phần thịt lợn còn lại sẽ làm lạp sườn, thịt lợn gác bếp, ba chỉ hun khói mời họ hàng, khách khứa.
Ngoài ra, bánh dày cũng là món ăn nhất định phải có trong ngày Tết ở đây. Họ quan niệm chúng tượng trưng cho Mặt Trăng, Mặt Trời, là nguồn gốc của muôn loài trên Trái đất nên bánh càng to sẽ càng no đủ, sung túc. Ở vùng này, bánh dày được làm từ gạo nếp dẻo thơm, gói lá chuối bên ngoài khá giống với bánh chưng của người Kinh. Người ta có thể nướng hoặc rán lên để ăn.
Ghé thăm bản Tà Số Sơn La, du khách đừng quên thưởng thức món ăn đặc trưng ngày Tết này. Hương vị vừa quen thuộc mà vừa mới lạ, dẻo, thơm, ngọt bùi, phảng phất mùi lá dong rừng đặc trưng Tây Bắc.
Từ ngày mùng 5, lễ hội, trò chơi dân gian như đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, ném pao... được tổ chức tăng tình đoàn kết. Bên cạnh đó còn là các môn thể thao hiện đại như bóng chuyền, cầu lông, bóng đá... Đây còn là dịp để se duyên cho các cặp đôi người Mông trong bản.
Những ngày Tết, người dân chọn các trang phục truyền thống đẹp nhất, đồ trang sức rực rỡ nhất để đi lễ hội. Hòa mình vào không khí vui tươi của năm mới, bạn sẽ thấy đâu đâu cũng là nam thanh nữ tú, cũng là điệu cười, tiếng hát, những lời chúc tụng năm mới... Tất cả như đánh bay ưu tư muộn phiền của cuộc sống.
Vượt qua cung đường hiểm trở, bạn có thể tiến sâu vào vùng đất được mệnh danh là làng nguyên thủy Hang Táu, thuộc bản Tà Số 1. Ở đây không có sóng điện thoại, không có internet, không có cả đèn điện, nằm ngoài xu thế đô thị hóa ngày nay.
Dù không hiện đại như các điểm đến chuyên nghiệp khác, cơ sở vật chất có thể thiếu thốn nhưng tình người, cảnh đẹp của bản Tà Số Sơn La thì chẳng bao giờ thiếu. Nơi đây quả thực là viên ngọc thô của Mộc Châu, đang chờ bạn thăm quan.
Trong hành trình về với thiên nhiên, con người tại bản Tà Số, bạn đừng quên ghé thăm những điểm đến dưới đây để chuyến đi thêm trọn vẹn.
Thác Dải Yếm không còn là cái tên xa lạ trên bản đồ du lịch Mộc Châu. Con thác hùng vĩ cao hơn 100m, chia làm hai tầng ngăn cách bởi một bãi đất phẳng, thuận tiện cho du khách vui chơi.
Thác Dải Yếm gắn liền với câu chuyện về đôi nam nữ người Thái yêu nhau nhưng không vẹn toàn cách đây 700 năm. Do đó, thác được người dân xem như biểu tượng về một tình yêu son sắt, chung thủy.
Cách bản Tà Số Sơn La không xa là thung lũng mận Nà Ka. Cứ vào dịp đầu hè, nơi này lại đón một lượng khách lớn tới thăm quan, check in với hoa mận. Thời điểm từ tháng 1 tới tháng 3 dương lịch, mận trái mùa cũng ra quả nhiều. Bạn có thể tìm mua ngay tại vườn, vừa ngon vừa sạch.
Thung lũng mận Nà Ka là thiên đường check in cho các tín đồ sống ảo. Ở đây, góc nào lên ảnh cũng đẹp, tràn ngập thiên nhiên. Xung quanh còn là núi non hùng vỹ, nên thơ, khiến ai cũng phải ngẩn ngơ ngắm nhìn.
Trên đây là thông tin về bản Tà Số Sơn La cho bạn và gia đình. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến