Làng ngoại tôi ở Kim Long, xứ này ngày xưa trồng rất nhiều quả vả. Vả ra trái quanh năm, nhưng nhiều quả nhất là vào mùa hè. Vả mọc từng chùm quanh gốc cây. Nhớ ngày ấy, lũ trẻ trong làng sau mỗi buổi tan trường thường đi trộm vả, nhâm nhi cùng bịch muối ớt mà đứa nào đứa nấy khen lấy khen để.
Nhà ngoại tôi đông con cháu, mỗi lần tụ họp, ngoại thường làm món vả trộn xúc bánh tráng. Ngoại chọn những quả vả non, cho vào thau ngâm nước muối, rồi luộc trên bếp lửa rơm. Khi những quả vả chuyển sang mầu nâu vàng, vỏ đã mềm thì vớt ra, để nguội sau đó thái mỏng, vắt khô nước. Trên chiếc chảo lớn, ngoại phi thơm hành tỏi cùng ít tóp mỡ, cho vả vào trộn thêm ít gia vị, cùng ít lạc hoặc mè, thêm nắm rau quế mà vị ngon thật đậm đà. Ngày nay, tôi đã từng được thưởng thức món vả trộn ở nhà hàng, dù họ cho thêm tôm tươi, thịt ba chỉ luộc thái mỏng thì vị ngon của món ăn này cũng không mấy thay đổi.
Dạo tôi sinh con đầu lòng, từ trên Kim Long, ngoại tôi mang về một ca mèn đầy vả hầm móng giò. Ngoại bảo: “Con ăn đi cho vết thương nhanh lành, sữa nhanh về. Phụ nữ sau khi sinh xong, ai cũng ăn món này con à. Khi mô thấy ít sữa thì nói với mạ con, hầm cho ít vả với móng giò để gọi sữa về nhiều.”
Quả vả khi ăn sống có vị chát rất đặc trưng. Nhưng khi nấu chín, vị chát ấy không còn, hỏi ngoại bí quyết để làm biến mất vị chát ấy, ngoại lại cho tôi cả một kinh nghiệm sống quý báu: “Khi con nấu quả vả, con sẽ thấy cả cuộc đời của mình trong đó. Quả vả khi xanh, nhìn bề ngoài rất đẹp, nhưng bên trong vị chát bao trùm. Giống như khi con còn trẻ, sẽ có rất nhiều vất vả trong cuộc đời này. Con phải luôn cố gắng, phải luôn phấn đấu để khi về già con sẽ được hưởng thành quả ngọt ngào mà cả cuộc đời con cố gắng để có được. Đó sẽ giống như khi con nấu chín, quả vả màu nâu vàng, không còn chát nữa, mà có vị ngọt rất riêng con à.” Câu nói của ngoại đã trở thành niềm động viên cho tôi những lúc chùn chân mỏi gối trên đường đời.
Ngoài các món trộn, hầm, vả còn một cách chế biến rất ngon mà tôi được thưởng thức trong dịp tết ở nhà của một người bạn miền Nam. Gia đình bạn ở Sài Gòn, mẹ bạn ấy là người Huế. Dì ấy rất thích vả, nhưng vì quả vả không bảo quản được lâu, nên khi có người thân từ Huế mang vào cho ít vả, dì đã muối chua vả, sau đó cho thêm gia vị, thành món vả chua ngọt ăn rất ngon. Hôm đó tại Sài Gòn, chúng tôi đã có một buổi trò chuyện rất vui xung quanh dĩa vả chua ngọt. Dì bảo: “Chỉ cần nhìn thấy vả, dì đã thấy Huế, dì còn thấy cả tuổi thơ của mình bên gánh bún vả trộn của mẹ dì. Bây giờ cuộc sống đã khác, nhưng thỉnh thoảng, dì lại làm một ít vả trộn, thêm ít mắm nêm, bún để ăn kèm. Khi nào dì làm, dì sẽ gọi con đến để thưởng thức món bún độc đáo đó nghe con”.