Sapa luôn là điểm đến nổi tiếng khi du lịch Lào Cai. "Thị trấn trong sương", được biết đến là nơi hò hẹn của các đôi trai gái. Thế nhưng hình ảnh những em bé vất vả mưu sinh cũng để lại nhiều cảm xúc. Những ánh mắt trong veo, non trẻ ấy luôn khiến chúng ta có cảm giác khắc khoải và ám ảnh và xót xa.
"Mẹ ơi con muốn học chữ.
Em ước mơ làm hướng dẫn viên
Bố em là ai?"
2 ngày nay tôi cứ suy nghĩ mãi về những đứa trẻ mà không biết phải bắt đầu đặt tay viết như thế nào cho phải? Nên đặt tựa đề ra sao?
Mấy hôm trước có 1 người hỏi tôi :“Em ấn tượng về điều gì nhất ở Sapa”
Tôi chẳng ngần ngại mà nói: “Những đứa trẻ anh ạ”
Sapa với tôi luôn đặc biệt, nếu bạn đã đọc được phần 1 câu chuyện “ Sapa - Những trải nghiệm đầu đời” của tôi 1 năm về trước thì bạn sẽ hiểu lý do vì sao. 2 lần tôi bỏ Hà Nội lên Sapa với bao uất ức chất chứa trong lòng, với khát khao được tự do. Tôi lúc ấy giống như con ngựa sắp sửa giật đứt dây cương vậy. Đến giờ cũng không thay đổi là mấy nhưng có vẻ bình tâm hơn. Vì giờ tôi đi với 1 tâm hồn rộng mở và 1 chút ít kiến thức đọc được đâu đó trên Wikipedia.
Lần đầu, tôi được những đứa trẻ dẫn đi trekking. Tôi gặp chúng tình cờ khi đang lang thang dọc bờ suối. Thế là tôi bắt đoàn rồi đi. Chúng dẫn tôi đi mấy chỗ mà chỉ người dân bản địa mới biết được.
Chúng tôi cùng hát, cùng trò chuyện, cùng ăn, cùng học và cùng tắm suối. Chắc tâm hồn tôi đồng điệu được với chúng thì phải, nên tôi được nghe chúng kể nhiều chuyện lắm. Từ chuyện đi học, chuyện đi bán hàng, chuyện bị mắng vì không bán được gì, ti tỉ thứ chuyện…
Rồi tới lần thứ 2, tôi lại gặp mấy đứa khác. Mới đầu là chúng nài nỉ tôi mua vòng cho chúng, tôi nhất quyết nói không mua. Chúng nài nỉ dữ lắm, tới mức tôi cảm thấy thật tội lỗi nếu tiếp tục nói không. Cái gương mặt đáng thương, mặt mũi tèm lem, và cả mấy vệt nước mũi quyệt ngang, quyệt dọc trong cái thời tiết lạnh trông đến tội.
Nhưng sau khi tôi biết được nhiều chuyện, tôi đã nhất quyết không mua mà rủ chúng ra cửa hàng mua bánh kẹo. Thế rồi mấy chị em quyết định ra suối ngồi ăn. Giờ chúng được sống như chính bản thân chúng vậy, được làm trẻ con và vui khi được ăn kẹo. Từng đứa 1 bắt đầu kể tôi nghe về ước mơ của nó.
Có đứa nói “Em muốn được lên thị trấn học"
Có đứa nói “Em muốn đi Hà Nội, em muốn được đi biển, em xem trên tivi biển đẹp lắm”
Còn có 1 đứa nói: “Em muốn được sống ở đây làm tourguide để kiếm tiền”
Tôi tôn trọng ước mơ của chúng, đó là điều chúng mong ước thời điểm hiện tại. Tôi không có lý do hay đặc quyền gì mà phân tích hay thay đổi ý nghĩ của chúng.
May thay cho mấy đứa tôi gặp chúng được đi học tiểu học và biết chữ nên chắc thầy cô vẫn sẽ dạy điều hay lẽ phải. Nhưng gánh nặng kiếm tiền đè lên vai các em, biến các em thành những đứa trẻ không tốt và nhiều khi còn làm mất hình ảnh trong mắt khách du lịch.
Tôi biết có mấy chuyện như muốn chụp hình phải cho tiền (5.000đ/kiểu), không thì chúng sẽ che mặt quay đi. Mà dân ta lên miền núi thì thích checkin với mấy đứa trẻ vùng cao. Rồi chuyện mua vòng cho 1 đứa, những đứa kia thấy là xúm lại bảo phải mua cho hết cả đám vậy mới công bằng.
Nhưng thương nhất là chuyện có đứa mới mười mấy tuổi đã 2-3 đứa con nheo nhóc đằng sau và cả đứa 6,7 tuổi cõng em nó mới 2-3 tháng vẫn còn đang ngủ ngật cổ ra phía sau để đi kiếm tiền. Hỏi sao phải vậy ? Bố mẹ bắt phải vậy. Vì trẻ con là dễ làm ăn hơn cả, nhìn thế ai không thương, không xót chứ.
Tôi còn biết những đứa trẻ người Mông da trắng, tóc vàng. Nó nói “Em trông chẳng giống chị em em gì cả, rồi các bạn cười chê em”. Lý do vì sao bạn cũng biết rồi đó, sao bố mẹ người dân tộc lại đẻ ra những đứa “con lai” chứ ? Nhiều đứa lớn lên chưa 1 lần nhìn thấy mặt bố. Bố con là ai, ai là bố con, có khi mẹ nó còn không biết... Nói đi cũng phải nói lại thật ra có những người rất tử tế, họ vẫn gửi tiền từ nước ngoài về cho đứa bé. Nhưng con số đó thử hỏi có nhiều không ?
Sau từng ấy chuyện …
Tôi thực sự không biết chúng sẽ lớn lên như thế nào?
Câu chuyện này mình viết cũng được một thời gian rồi. Sau nhiều lần lên Sapa, được tiếp xúc với con người ở đây, mình đã quyết định ở lại lập nghiệp. May mắn thay vào thời điểm này thời tiết cũng dễ chịu hơn, mấy đứa đi bán hàng không phải chịu lạnh, mặt mũi đã đỡ tèm lem, chân tay không còn nứt nẻ nữa. Sapa cũng đã làm tốt hơn việc bán hàng rong nên tụi nhỏ đi học nhiều hơn rồi.
Tháng 9 sắp tới, lại một mùa khai trường sẽ qua đi, tôi chỉ có một mong ước nhỏ nhoi là những đứa trẻ được sống đúng với tuổi của chúng thôi!
Xem thêm: 1/6 - Đi tìm nụ cười, ánh mắt trẻ thơ |
Bài viết + ảnh: Nguyễn Quỳnh Nga
Biên tập: Mai Lộc