Banner Movi
Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Đà Nẵng

Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng  - Hội thiêng độc đáo trên núi Ngũ Hành

Thứ tư, 20/03/2024, 08:45 GMT+7

Là một trong những lễ hội dân gian mang yếu tố tâm linh và tín ngưỡng tôn giáo đặc biệt, lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng gắn liền với danh thắng Ngũ Hành Sơn là hoạt động tâm linh độc đáo thu hút du khách. Tham gia lễ hội Quán Thế Âm là trải nghiệm độc đáo để du khách trải nghiệm văn hóa tâm linh của đồng bào bản địa. 

test

Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng là hoạt động được tổ chức thường niên, đây là sự kiện dân gian mang tín ngưỡng Phật giáo quan trọng đối với phật tử, người dân cũng như du khách với ý nghĩa mong cầu cho quốc thái, dân an và tưởng nhớ mẹ Quan Âm. Tham gia lễ hội này, ngoài khám phá các hoạt động tín ngưỡng độc đáo, du khách còn có cơ hội tìm hiểu về những giá trị tinh thần, lịch sử văn hóa của Phật giáo. Cùng với đó là các hoạt động vui chơi, trải nghiệm văn hóa và các loại hình nghệ thuật độc đáo. 

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng là sự kiện rất lớn thu hút du khách vàotháng 2 âm lịch hằng năm. Ảnh: kênh 14

 

Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng diễn ra khi nào?

Lễ hội Quan Thế Âm Đà Nẵng thường diễn ra vào giữa tháng 2 Âm lịch hàng năm. Theo đó, lễ hội này thường kéo dài trong 3 ngày từ 17/2 Âm lịch cho đến 19/2 Âm lịch. Trong đó, ngày lễ vía Quan Âm chính thức sẽ diễn ra vào ngày 19/2 Âm lịch. 

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Ngày chính của lễ hội diễn ra vào 19/2 Âm lịch. Ảnh: ST

Địa địa điểm diễn ra lễ hội là khuôn viên của chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng, thuộc quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm khoảng 10km. Du khách từ khu vực trung tâm thành phố, có thể di chuyển đến địa điểm diễn ra lễ hội rất dễ dàng bằng nhiều phương tiện. Nếu xuất phát từ khu vực cầu Rồng của Đà Nẵng, du khách có thể di chuyển sang đường Lê Văn Hiến và đi thẳng đến đường Sư Vạn Hạnh, để đến chùa Quán Thế Âm tham gia lễ hội. 
 

Lịch sử của lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng 

Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng bắt nguồn từ việc hòa thượng Thích Pháp Nhãn (người khai sinh ra ngôi chùa Quan Thế Âm Đà Nẵng) đã phát hiện một pho tượng Quán Thế Âm bằng thạch nhũ với phần tay cầm bình Cam Lồ được thiên tạo hoàn toàn với hình thái vô cùng hoàn chỉnh, tượng có vóc dáng cao bằng gần người thật ở trong một hang động của núi Kim Sơn. Sau đó hòa thượng đã đặt tên động phát hiện bức tượng là động Quan Âm đồng thời cho lập một ngôi chùa ngay sát hang động, lưng tựa vào núi Kim Sơn và đặt tên là chùa Quán Thế Âm nhằm xưng tụng quả vị Đức Mẹ Quan Âm. 

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Lễ hội Quán Thế Âm lần đầu tổ chức từ năm 1956. Ảnh: bảo tàng Đà Nẵng

Từ sự kiện đó, vào các ngày lễ vía của Quán Thế Âm thì người dân địa phương cũng như các phật tử từ khắp nơi, về đây lễ bái rất đông đúc. Để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của các Phật tử, các chư vị Tôn Đức Phật giáo lúc bấy giờ đã thống nhất lựa chọn ngày 19/2 Âm lịch hàng năm. tức là ngày Đản sanh của ngài để tổ chức lễ vía đức Phật Quán Thế Âm và coi nơi đây tựa như một chốn tổ để thờ tự ngài. 

Lễ Hội Quán Thế Âm Đà Nẵng được tổ chức lần đầu vào ngày 19/2/1956 nhân sự kiện lễ khánh thành của chùa Quán Thế Âm,  tạo một dấu mốc đặc biệt cho sự phát triển Hoàng Dương chánh pháp. Giáo hội Phật giáo Việt Nam lúc này đã thành lập hội phổ Quan Âm tổ chức của ngày lễ Vía Quan Âm tại chùa với sự chủ trì của hòa thượng Thích Pháp Nhãn. Lễ hội được lấy tên gọi là ngày hội Quan Âm thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn chư tăng, phật tử và nhân dân địa phương. Từ lễ hội đầu tiên đến nay, lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng vẫn được tổ chức đều đặn hàng năm, như một sự kiện tâm linh quen thuộc với đồng bào và phật tử khắp nơi. 

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Lễ hội thu hút rất động các Phật tử và người dân, du khách về dự hội. Ảnh: bảo tàng Đà Nẵng

>> Xem thêm: Tour du lịch Đà Nẵng trọn gói 

Ý nghĩa tâm linh của lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng 

Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng thể hiện tín ngưỡng tôn giáo phật giáo đặc biệt, cũng là sự kết tinh của những giá trị văn hóa Phật giáo với truyền thống của dân tộc. Lễ hội này được tổ chức có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với đời sống tâm linh của cộng đồng phật tử, hướng con người đến điều thiện, cùng nhau đoàn kết xây dựng cuộc sống an lành hạnh phúc. 

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Lễ hội mang ý nghĩa tâm linh vô cùng to lớn. Ảnh: bảo tàng Đà Nẵng

Những nghi lễ ở lễ hội này đều thể hiện đạo lý tưởng nhớ tri ân người có công, uống nước nhớ nguồn và thể hiện những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn cũng như phát huy các giá trị truyền thống của dân tộc từ xưa đến nay. 

Ngoài ra, lễ hội Quan Thế Âm Đà Nẵng còn là sự tôn vinh, biểu dương những giá trị văn hóa, nuôi dưỡng ý thức sống hướng thiện, tinh thần yêu quê hương đất nước, nâng cao nhận thức của người dân đối với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. 

Sự kết hợp hài hòa giữa thế giới tâm linh và cuộc sống thực tại, mang đến cho đồng bào đời sống phong phú, góp phần phát huy và làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là một sự kiện đặc biệt, tạo cầu nối nhằm quảng bá hình ảnh của thành phố Đà Nẵng với bạn bè quốc tế. 

Với những giá trị vô cùng thiết thực, lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng đã được đưa vào danh mục các Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia từ năm 2021. 
 

Khám phá lễ hội Quán Thế Âm với nét văn hoá độc đáo 

Tương tự như các lễ hội lớn khác ở Đà Nẵng, lễ hội Quán Thế Âm cũng thể hiện nét văn hóa tâm linh đặc sắc, với các nghi thức độc đáo và hoạt động vui chơi giải trí phục vụ cộng đồng. Theo đó lễ hội này bao gồm 2 phần chính là phần các nghi lễ và phần hội. 

Lễ Hội Quán Thế Âm Đà Nẵng có rất nhiều nghi lễ quan trọng trong đó bao gồm Lễ khai kinh, thượng phan - thượng kỳ; Lễ rước ánh sáng; Lễ pháp đàn Quán Thế Âm, thuyết giảng Đạo pháp và tổ chức các khóa tu tập; Chính lễ (Lễ vía Đức Phật Quán Thế Âm Bồ Tát; Lễ rước tôn tượng Quán Thế Âm Bồ Tát; Lễ hóa trang Quán Thế Âm Bồ Tát và cuối cùng Lễ tạ pháp đàn hoa đăng).

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng có rất nhiều nghi lễ quan trọng. Ảnh: bảo tàng Đà Nẵng
 
 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Các nghi thức được thực hiện trang trọng. Ảnh: ST

Ngoài các nghi lễ phật giáo thì đan xen trong thời gian diễn ra lễ hội, còn có các nghi lễ truyền thống đặc trưng của địa phương như lễ Tế Xuân, lễ tế Thạch nghệ tổ sư của nghề điêu khắc đá non nước ở Ngũ Hành Sơn, lễ dâng hương tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa. 

Phần hội của lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng cũng được tổ chức vô cùng sôi nổi, mang đến cho người dân và du khách sân chơi hấp dẫn với rất nhiều hoạt động phong phú. Theo đó du khách đến đây có thể tham gia các sự kiện như hội hóa trang,  xem hát bội, xem cuộc thi các môn như thư pháp, tranh thủy mặc, hoạt động thả hoa đăng trên sông Cổ Cò, hoạt động đưa thuyền, kéo co, bơi chải, lắc thúng chai, cuộc thi nấu ăn, xem hát bài chòi, xem triển lãm tượng đá và hội khi điêu khắc đá của làng đá Non Nước…

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Lễ tế Quốc thái dân An trong khuôn khổ lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng . Ảnh: bảo tàng Đà Nẵng
 
 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Hoạt động thả hoa đăng trên sông Cổ Cò. Ảnh: ST

Các sự kiện sẽ được tổ chức đan xen trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, địa điểm chính là ở khuôn viên của chùa Quan Thế Âm núi Kim Sơn và khu vực bờ sông Cổ Cò.
 

Gợi ý các điểm du lịch nên kết hợp khi về dự Lễ hội Quán Thế Âm

Khi về tham dự lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng, du khách cũng có thể kết hợp tham quan nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn trong khu vực . 
 

Động Quan Âm 

Đây chắc chắn là một trong những địa điểm hấp dẫn, để du khách tham quan khám phá khi tham gia lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng. Động Quan Âm là hang động vô cùng khó phát hiện so với các hang động khác, miệng hang quay về hướng Tây Nam và phía ngoài có một vách đá được che kín tựa như đang cố tình ngụy trang để con người khó phát hiện.

 Miệng hang rất nhỏ hướng đi xuống càng đi vào sâu càng có cảm giác mát lạnh, hình thù tự hạt giống khổng lồ đang nảy mầm. Chiều cao của hang 7 mét, độ rộng từ 5 đến 7 m và chiều dài 64 m.

Động Quan Âm có rất nhiều thạch nhũ với màu sắc và hình thù đa dạng, đường nét rõ ràng, tựa như có một bàn tay tạo tác của các nghệ nhân. Điểm nhấn chính là bức tượng ngài Bồ Tát Quan Thế Âm kích thước như người thật với lớp áo kim tuyến lấp lánh, tay cầm bình Cam Lồ, mắt nhìn về phía cuối động. Ngoài ra, ở đây còn có bức tượng của hình một con rồng tự nhiên uốn lượn hay phía sau còn có chim khổng tước… 

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Tượng Quan Thế Âm bên trong động Quan Âm. Ảnh: @umcantoprofundo.

 

Chùa Linh Ứng Non Nước 

Đã du lịch Ngũ Hành Sơn thì chắc chắn du khách không thể bỏ qua chùa Linh Ứng Non Nước, tọa lạc trên ngọn Thủy Sơn. Ngôi chùa này có không gian bình yên nhưng cũng vô cùng trang nghiêm, bề thế nơi có bức tượng Phật Thích Ca cao 10 m và các bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát, Bồ Tát Địa Tạng vô cùng linh thiêng. Đây là nơi chốn bình yên để du khách tận hưởng những giây phút thanh tịnh, nhẹ nhàng đắm mình nơi chốn Phật tránh xa chốn thành thị ồn ào. 
 

Chùa Tam Thai

Đây cũng là một trong những ngôi chùa thuộc hệ thống các ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn được nhiều du khách biết đến, chùa có ba cổng rất độc đáo. Trong văn hóa đạo Phật thì cổng chính sẽ do các sư thầy đi, cổng bên phải của nữ qua và cửa bên trái là của nam qua. Theo thời gian, dưới tác động của chiến tranh thì ngôi chùa đã nhiều lần bị tàn phá, dù vậy đến nay đã được tu sửa và vẫn giữ lại được những nét kiến trúc phật giáo cổ kính độc đáo.

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Chùa Tam Thai có không gian rất thanh tịnh. Ảnh: @congchua_270520.

 

Động Huyền Không

Tham dự lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng, bạn cũng đừng bỏ qua động Huyền Không, một trong những địa điểm du lịch có phong cảnh đẹp nhất trong các hang động của Ngũ Hành Sơn. Động Huyền Không nằm lộ thiên với vẻ đẹp vô cùng độc đáo, cấu trúc vòm hình tròn thông ra bên ngoài, nên không gian luôn tràn ngập ánh sáng. Du khách đến đây có thể tận hưởng một không gian linh thiêng, bình yên để cảm thấy thật tịnh tâm thư thái đồng thời ở đây cũng là một trong những địa điểm sống ảo vô cùng đẹp thu hút các tín đồ du lịch. 

 

 lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng
Khung cảnh hnuyền bí của động Huyền Không. Ảnh:@rkrkrk

Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng là một sự kiện vô cùng đặc biệt, là điểm đến của các phật tử, du khách trong nước cũng như quốc tế. Đến đây ngoài tham dự và trải nghiệm các hoạt động văn hóa tâm linh, tìm hiểu về những giá trị tinh thần đậm nét lịch sử và văn hóa của phật giáo Việt, thì du khách còn có thể tham gia những hoạt động văn hóa và các loại hình nghệ thuật độc đáo. 

Hồng Thọ - Dulichvietnam.com.vn 

quảng cáo
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc