Nếu bạn đang lên kế hoạch ghé thăm thành phố được mệnh danh là “nàng thơ” của núi rừng Tây Nguyên thì đừng quên tham khảo những thông tin hữu ích được đề cập trong kinh nghiệm du lịch Pleiku nhé.
Pleiku từ xưa đến nay vẫn luôn là một trong những điểm dừng du lịch nổi tiếng nhất, nhì tại khu vực Tây Nguyên. Đến với thành phố thơ mộng này, bạn sẽ có cơ hội được đắm mình khung cảnh thiên nhiên non nước hoang sơ, hữu tình và trải nghiệm vô vàn hoạt động vui chơi, khám phá mới mẻ, hấp dẫn.
Trước hành trình, nhớ bỏ túi kinh nghiệm du lịch Pleiku với những bí kíp tuyệt vời giúp bạn khám phá “nàng thơ đại ngàn” trọn vẹn, đáng nhớ nhé.
Pleiku là “trái tim” của tỉnh Gia Lai, thành phố lớn thứ 3 tại khu vực Tây Nguyên (sau Đà Lạt và Buôn Ma Thuột). Nơi đây sở hữu phong cảnh hữu tình với những ngọn núi hùng vĩ, các cánh rừng bạt ngàn và hồ nước trong lành, êm đềm khiến bao du khách say mê, quyến luyến.
Du lịch Pleiku - Gia Lai, bạn còn có cơ hội tìm hiểu nét văn hóa lâu đời của các đồng bào dân tộc thiểu số như Bahnar và Jrai thông qua các hoạt động đặc sắc như tham quan nhà rông, nhà mồ hay tham gia vào các lễ hội truyền thống, trong đó ấn tượng nhất là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – kiệt tác phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
Thời tiết Pleiku được chia thành mùa mưa và mùa khô rõ rệt; mùa mưa bắt đầu từ tháng 5, kết thúc vào khoảng tháng 10 và mùa khô kéo dài từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
Theo kinh nghiệm du lịch Pleiku, thời điểm lý tưởng nhất để bạn lên kế hoạch ghé thăm là vào mùa khô khi nhiệt độ giảm ở mức dễ chịu, có nắng chan hòa nên vô cùng lý tưởng để bạn tham gia vào các hoạt động tham quan, vui chơi.
Du khách ghé thăm Pleiku dịp cuối năm sẽ có cơ hội “đón đầu” và check-in cháy máy với mùa hoa dã quỳ nở rộ khắp núi rừng. Ngoài ra, cuối năm cũng là giai đoạn du lịch lý tưởng dành cho những ai thích tham gia các lễ hội truyền thống ở phố núi như lễ mừng lúa mới, lễ ăn cơm mới, liên hoan cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ hội cúng làng…
Tháng 3 mùa hoa cà phê cũng là thời điểm Pleiku thu hút nhiều du khách ghé thăm tham quan, săn ảnh.
Kinh nghiệm du lịch Pleiku tự túc cho biết, nếu bạn xuất phát từ các tỉnh thành xa thì nên lựa chọn phương tiện máy bay, xe khách để di chuyển an toàn.
Hiện tất cả các hãng hàng không trong nước đều đã khai thác các chuyến bay thẳng tới Pleiku với giá vé chỉ từ 450.000 VND/chiều. Bên cạnh đó, nhiều du khách cũng lựa chọn di chuyển đến Pleiku bằng xe khách để đảm bảo an toàn và tiết kiệm chi phí. Các tỉnh thành như Đà Nẵng, Đà Lạt, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nha Trang…đều có tuyến xe chạy thẳng đến phố núi.
Du lịch Pleiku, nhiều du khách cũng không ngần ngại lựa chọn tự di chuyển bằng phương tiện cá nhân để trải nghiệm cảm giác phượt thú vị. Nếu xuất phát từ TP. Hồ Chí Minh, bạn đi theo QL14 qua Bình Phước, Đắk Nông, ghé thăm Buôn Ma Thuột rồi tới Pleiku. Còn từ Hà Nội và Đà Nẵng, bạn di chuyển dọc theo tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, đi qua thành phố Kon Tum để tới Pleiku.
>>Xem thêm: Tổng hợp cẩm nang du lịch Pleiku Gia Lai
Biển Hồ hay hồ T’nưng có lẽ là điểm dừng du lịch không còn xa lạ với du khách thập phương. Hình ảnh hồ nước trong xanh, thơ mộng tọa lạc giữa phố núi hoang sơ đã đi vào trong nhiều tác phẩm văn học, âm nhạc nổi tiếng.
Hồ T’nưng vốn là một miệng núi lửa đã ngừng hoạt động từ hàng trăm triệu trước, khi gió to thường có sóng lớn nổi lên bề mặt nên được được người dân địa phương gọi là Biển Hồ. Hồ nước thơ mộng được bao bọc giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, thanh bình với những cánh rừng xanh ngắt cùng các dãy núi trùng điệp hùng vĩ khiến bất cứ ai chiêm ngưỡng cũng phải trầm trồ, cảm thán.
Theo kinh nghiệm du lịch Pleiku, những vị khách yêu thích các hoạt động vui chơi dã ngoại như đạp xe vãn cảnh bên bờ hồ, chèo thuyền kayak/SUP, du ngoạn ngắm cảnh bằng thuyền, câu cá, cắm trại…thì có thể trải nghiệm ngay tại Biển Hồ.
Tham gia tour du lịch Gia Lai, nếu bạn đang tìm kiếm một địa điểm ngắm cảnh đẹp thì nhất định đừng bỏ lỡ núi đá Pleiku. Nơi đây còn có tên gọi khác là “đồi pháo binh 37” do trước đây từng là căn cứ quân sự quan trọng trong thời kỳ kháng chiến.
Núi đá Pleiku nằm giáp ranh giữa phường Diên Hồng (TP. Pleiku) và xã Ia Dêr (huyện La Grai), tỉnh Gia Lai. Ngọn núi trước đây vốn là một khu mỏ khai thác đá, hiện nay hồ nước thơ mộng phía trên lưng chừng núi được xem là dấu tích còn sót lại của mỏ đá trước đây.
Ngọn núi có độ cao khoảng 900m, dưới chân núi là khu rừng thông ba lá, nương rẫy, ruộng vườn xanh mướt; lưng chừng núi là hồ nước trong xanh quanh năm được bao bọc bởi cây cối mọc tự nhiên và trên núi có những khu đất rộng, bằng phẳng nên rất thích hợp để du khách tổ chức các hoạt động vui chơi, cắm trại dã ngoại.
Chùa Minh Thành có lẽ là địa điểm du lịch Pleiku đã quá quen mặt với nhiều du khách. Ngôi chùa từng “gây sốt” trên Instagram, Facebook nhờ sở hữu vẻ đẹp cổ kính, tráng lệ, được ví von là “Nhật Bản thu nhỏ” giữa lòng phố núi.
Ngôi chùa được xây dựng từ năm 1964, sở hữu những đường nét kiến trúc tương tự với các công trình tâm linh tại Nhật Bản. Không gian chùa rộng và được trang trí nhiều tiểu cảnh, phù hợp để du khách tham quan vãn cảnh và sống ảo sau khi chiêm bái.
Quảng trường Đại Đoàn Kết hay quảng trường lớn tọa lạc ở trung tâm TP. Pleiku là điểm đến thu hút người dân, du khách ghé thăm tham quan, vui chơi và sống ảo.
Điếm nhấn ấn tượng nhất tại quảng trường là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được đúc bằng đồng nguyên khối nặng 16 tấn. Tượng cao gần 11m, đặt trên một bệ bê tông cốt thép ốp đá xanh cao 4.5m. Ngoài ra, tại quảng trường còn trưng bày một tác phẩm không kém phần đặc sắc là bức phù điêu được xếp lại bằng 54 trụ đá bazan, thể hiện hình ảnh 54 dân tộc anh em sinh sống trên đất nước Việt Nam.
Với những vị khách đang tìm kiếm một điểm dừng thư giãn, dã ngoại giữa thiên nhiên thanh bình, thơ mộng thì theo kinh nghiệm du lịch Pleiku, khu vực bãi bồi Tiên Sơn chắc chắn là “tọa độ vàng” không thể bỏ qua.
Bãi bồi Tiên Sơn là vùng đất được hình thành giữa Biển Hồ nước và hồ La Nâm, do vậy mà nơi đây còn được biết đến với tên gọi Biển Hồ Cạn. Du lịch Pleiku vào mùa khô, bạn sẽ có cơ hội được chiêm ngưỡng khung cảnh cánh đồng cỏ xanh bát ngát với một bên là hồ nước trong vắt, một bên là những dãy núi trùng điệp hùng vĩ.
Làng dân tộc Plei Ốp được thành lập từ năm 1927 tại trung tâm thành phố Pleiku. Ngôi làng hiện nay là nơi sinh sống của 100 hộ dân người Jrai bản địa.
Ghé thăm làng, bạn sẽ được trải nghiệm tìm hiểu những nét đẹp văn hóa địa phương thú vị thông qua các cuộc trò chuyện cùng người dân, hòa mình vào nếp sống thường nhật của đồng bào Jrai hay ngắm nhìn các căn nhà Krong, tượng gỗ…
Nhà tù Pleiku tọa lạc trên một đồi đất đỏ cao thuộc phường Diên Hồng. Nơi đây được người Pháp xây dựng vào năm 1925 để giam giữ các chiến sĩ cộng sản và những người dân yêu nước.
Nhà tù hiện nay mở cửa miễn phí mỗi ngày để du khách có thể ghé thăm tham quan và tìm hiểu những câu chuyện lịch sử đau thương của dân tộc thông qua tiểu cảnh, hình ảnh tái hiện lại khung cảnh “địa ngục trần gian” một thời.
Danh sách các khách sạn chất lượng theo kinh nghiệm du lịch Pleiku mà bạn có thể note lại tham khảo:
- Khách sạn Mường Thanh Grand Gia Lai: 01 Phù Đổng, TP. Pleiku.
- Khách sạn Pleiku: 03 Nguyễn Tất Thành, TP. Pleiku.
- Khách sạn Khánh Linh: 232 Nguyễn Tất Thành, phường Phù Đổng, TP. Pleiku.
- Khách sạn La Mia Pleiku: Lô 25A3 - 25A4, đường Nguyễn Lương Bằng, phường Phù Đổng, TP. Pleiku.
- Khách sạn Pleiku & Em: 86 Nguyễn Văn Trỗi, phường Hội Thương, TP. Pleiku.
- Khách sạn Tre Xanh Pleiku: 18 Lê Lai, TP. Pleiku.
Kinh nghiệm du lịch Pleiku giới thiệu các đặc sản nổi tiếng mà tín đồ thực thần nhất định phải thử khi ghé thăm phố núi:
- Phở khô: Phở khô là đặc sản trứ danh được nhiều người săn đón thưởng thức trong chuyến du lịch Pleiku. Một tô phở “chuẩn chỉnh” sẽ bao gồm sợi bánh phở dai dai, thịt băm, gà xé sợi, hành phi và có kèm theo một chén nước lèo ngọt thanh được ninh từ gà, heo hoặc bò.
- Bún mắm cua: Đây là món ăn độc đáo được chế biến từ nhiều nguyên liệu khác nhau như măng chua, da heo chiên, cua đồng, thịt ba chỉ và rau. Bún mắm cua tuy kén người ăn nhưng nếu đã “phải vị” thì chắc chắn sẽ khiến bạn thương nhớ đấy.
- Gỏi lá: Đúng như tên gọi của mình, đây là món gỏi được tạo nên từ rất nhiều loại lá đặc trưng của Gia Lai như cải, đinh lăng…Khi ăn, bạn có thể dùng kèm với thịt ba chỉ, tôm…để tăng thêm hương vị hấp dẫn cho món ăn.
- Gà nướng mọi: Đây là một trong những món ăn dân dã nổi tiếng nhất tại phố núi. Để làm được món gà nướng mọi “đúng điệu”, người dân sẽ lựa chọn con gà chắc thịt, mọng nước, ngọt thịt và sau đó nướng trực tiếp trên than hồng.
>>Xem thêm: Kinh nghiệm đi lễ hội dã quỳ Chư Đăng Ya đón sắc vàng đại ngàn
Kinh nghiệm du lịch Pleiku cung cấp các thông tin hữu ích liên quan đến phương tiện đi lại, địa điểm tham quan, đặc sản hấp dẫn…chắc chắn sẽ giúp hành trình vi vu phố núi của bạn trọn vẹn, đáng nhớ.
Đỗ Hằng