Trải qua những thăng trầm, Hoàng thành Thăng Long mang nhiều giá trị lớn lao về khảo cổ, nghệ thuật cũng như lịch sử. Hiếm ai thăm quan Thủ đô mà bỏ qua việc khám phá di tích này.
Hoàng thành Thăng Long ở đâu? Địa chỉ chính xác của Hoàng thành Thăng Long chắc hẳn là thắc mắc của nhiều người khi lên kế hoạch ghé thăm nơi đây. Di tích này nằm ở vị trí trung tâm của quận Ba Đình, thuộc địa phận phường Điện Biên và phường Quán Thánh. Để tiện cho việc tìm đường, bạn có thể đến địa chỉ số 19C, Phố Hoàng Diệu, Phường Điện Biên, Quận Ba Đình, TP. Hà Nội. Thời gian mở cửa từ 8h – 17h hàng ngày.
Hoàng thành Thăng Long nằm rất gần các địa danh, cơ quan đầu não khác của thành phố, chỉ cách Lăng Bác hơn 1km, cách Nhà Quốc hội Việt Nam hơn 800m, cách Văn Miếu – Quốc Tử Giám tầm 1,4km...
Như vậy, Hoàng thành Thăng Long ở đâu? Có thể thấy, di tích này có một vị trí đắc địa, rất dễ tìm đến. Sau khi đã biết vị trí cụ thể của Hoàng thành Thăng Long, hãy lập kèo ngay với hội bạn thân tới đây khám phá thôi nào.
Do nằm ở vị trí trung tâm nên việc di chuyển tới Hoàng thành cực thuận lợi. Tùy theo điểm xuất phát mà bạn lựa chọn cung đường sao cho hợp lý. Nếu từ khu vực Hồ Gươm, du khách đi theo hướng Tràng Thi => Điện Biên Phủ => Hoàng Diệu => Hoàng thành Thăng Long.
Các tuyến xe bus qua Hoàng thành là 09A, 143, 22A, 23, 41, 50, E09. Giá vé xe bus rất rẻ tuy nhiên sẽ mất thời gian chờ đợi và sẽ lâu hơn so với đi phương tiện cá nhân. Do đó, tùy theo nhu cầu, sở thích mà bạn lựa chọn phương tiện di chuyển sao cho phù hợp.
>>Xem thêm: Ăn chơi, check in cháy máy tại Mega Grand World Hà Nội
Lịch sử Hoàng thành Thăng Long là một dấu son chói lọi, đến nay vẫn còn nguyên giá trị của nó. Vào năm 1009, khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua, đã sáng lập ra vương triều nhà Lý. Năm 1010, kinh đô được rời từ Hoa Lư về Đại La, kinh đô mới bắt đầu được xây dựng với tên gọi Thăng Long. Tên gọi này xuất phát từ việc vua nhìn thấy hình ảnh rồng vàng bay lên trời khi đặt chân tới đất Đại La.
Có thể thấy, Thành Thăng Long đã là kinh đô của nước Đại Việt ta suốt từ thế kỷ 11 cho tới thế kỷ 18, trải qua các triều đại Lý – Trần – Lê. Cũng bởi lẽ đó mà năm 1010 trở thành mốc thời gian để người Hà Nội dùng để tính tuổi cho Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Đến Thăng Long, nhờ thiên thời địa lợi nhân hòa, nên chỉ từ mùa thu 1010 tới đầu năm 1011, nhiều công trình cơ bản của Hoàng thành Thăng Long được hoàn thiện. Kinh thành được xây dựng theo mô hình tam trùng thành quách kiên cố và khoa học. Vòng ngoài cùng bao bọc toàn bộ kinh đô, là nơi ở của nhân dân và quan lại, gọi là Kinh thành. Vòng tiếp theo ở giữa bao bọc nơi làm việc của vua và triều đình, gọi là Hoàng thành. Vòng trong cùng là nơi ở của vua, gọi là Tử Cấm thành.
Vào thời Trần, thế kỷ 13 tới thế kỷ 14, các vua Trần cho xây dựng, sửa sang thêm nhiều công trình mới với quy mô hoành tráng, kỹ thuật cao hơn. Năm 1368, vua Trần Dụ Tông xây dựng đường hành lang dài nối từ gác Nguyên Huyền tới cửa Đại Triều ở phía Tây, giúp quan văn bá võ tránh nắng tránh mưa khi tiến triều yết kiến nhà vua.
Cũng dưới thời Trần, thành Thăng Long nhiều lần bị tàn phá bởi giặc Nguyên Mông, hỏa hoạn, lũ lụt. Do đó, đây là thời kỳ mà triều đình phải tiêu tốn nhiều nguồn lực cho việc tôn tạo Hoàng thành.
Năm 1400, Hồ Quý Ly lập ra nhà Hồ, đóng đô tại Thanh Hóa, lấy quốc hiệu là Đại Ngu, đổi tên Thăng Long là Đông Đô. Đến khi giặc Minh xâm lược, Đông Đô bị đổi thành Đông Quan, ý chỉ nước ta là một phần lãnh thổ của chúng.
Sau khi đánh bại quân Minh, Lê Lợi mở ra triều đại nhà Lê. Lê Thái Tổ vẫn đóng đô tại thành Thăng Long cũ, đổi tên Đông Quan thành Đông Kinh, ý chỉ đây là kinh đô của một nhà nước độc lập, chứ không phải phủ quan của nhà Minh. Hoàng thành Thăng Long dưới thời Lê được mở rộng hơn nhiều so với thời nhà Lý, Trần.
Năm 1428, Lê Thái Tổ cho xây dựng một loạt cung điện làm nơi làm việc cũng như nơi ở của vua. Trong số đó có điện Kính Thiên, Vạn Thọ, Cần Chính... Vào thời kỳ Lê Tương Dực, vị vua thứ 8 của triều đại Lê Sơ, cung điện tại Hoàng thành bị đốt phá nhiều.
Vào thế kỷ 16 nhà Mạc sửa sang thành trì, đắp thêm 3 lần lũy đất ngoài thành Đại La, bắt đầu từ phường Nhật Chiêu, vòng qua Hồ Tây, tới khu ô Chợ Dừa và ô Cầu Dền, kéo dài đến tận Thanh Trì. Tuy nhiên, sau khi chiếm Thăng Long, Trịnh Tùng lại cho san phẳng mọi thành lũy, cung điện có liên quan đến nhà Mạc.
Vào thời Tây Sơn, Quang Trung đóng đô ở Huế, Thăng Long trở thành thủ phủ của trấn Bắc Thành. Hoàng thành Thăng Long bị đổ nát nhưng được tu sửa. Sau khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, Thăng Long được đổi thành tổng trấn Bắc Thành có 11 trấn trực thuộc. Lúc này, vua Gia Long cho lệnh phá dỡ Cấm thành Thăng Long, xây dựng một tòa thành mới hình vuông. Phía trước Hoàng thành Thăng Long cũ, vua xây cột cờ, gọi là Kỳ đài. Từ năm 1873, Thực dân Pháp thay đổi kiến trúc của thành phục vụ cho mục đích quân sự, diện mạo của một hoàng thành nguy nga trong quá khứ dần chấm dứt.
Có thể thấy, trải qua hơn 1000 năm cùng nhiều biến động lịch sử, Hoàng thành Thăng Long là một công trình đồ sộ, chứng kiến nhiều thay đổi của các triều đại phong kiến và luôn giữ vai trò quyền lực trọng yếu ở Hà Nội và cả nước.
Với những giá trị của mình, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2009, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đúng dịp lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Chiến tranh phá hủy, chôn vùi nhiều công trình kiến trúc nhưng dấu tích khu Hoàng thành Thăng Long vẫn còn đó. Ngày nay, đây là điểm du lịch Hà Nội không thể bỏ qua cho lữ khách thập phương.
Với kiến trúc tam trùng thành quách, Đoan Môn chính là cửa trong cùng, từ đây dẫn vào Cấm thành. Cổng Đoan Môn còn đến hiện tại là do nhà Lê sơ xây dựng những năm thế kỷ 15 và được tu bổ dưới thời Nguyễn thế kỷ 19.
Đoan Môn được xây dựng bằng đá và gạch vồ, từ Đông sang Tây dài 46,5m, 5 cửa vòm cuốn, cửa giữa dành riêng cho vua, cao 4 m, rộng 2,7m. Đây là cổng có vị trí quan trọng trong các hoạt động nghi lễ của Hoàng Thành thời bấy giờ.
Điện Kính Thiên là nơi diễn ra các nghi lễ, đón tiếp sứ giả và thiết triều bàn việc quốc gia đại sự. Đây là điểm di tích quan trọng còn sót lại của Hoàng thành Thăng Long, tuy nhiên, chỉ còn nền cũ và hai bậc thềm rồng đá.
Đôi rồng đá được dựng năm 1467, có 9 bậc đá, mỗi bậc cao 20cm, rộng 40cm, tạo thành 3 đi, lối chính giữa dành riêng cho vua và hai bên dành cho quần thần. Rồng đá đến nay đã có tuổi đời hơn 550 năm tuổi, phần đầu nhô cao, sừng dài có nhánh, bờm lượn ra phía sau, thân uốn lượn mềm mại. Đây là hiện vật quý giá, biểu tượng cho sự uy quyền và sức sống mãnh liệt của văn hóa.
Kỳ đài còn gọi là Cột cờ Hà Nội, may mắn thoát khỏi sự tàn phá của chiến tranh và thời gian. Công trình cao 33,4m, có ba tầng đế và một thân cột. Trong thân cột cờ có 54 bậc cầu thang xoáy trôn ốc dẫn lên tới đỉnh cùng 39 cửa nhỏ hình hoa thị, 6 cửa hình dẻ quạt để lấy ánh sáng, thông hơi. Ngày 10/10/1954, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu tiên tung bay trên đỉnh Cột cờ Hà Nội.
Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long nằm trên đường Phan Đình Phùng, còn gọi là Chính Bắc Môn, được xây dựng năm 1805. Phía trên vòm cửa chính có tấm biển đá khắc ba chữ Hán “Chính Bắc Môn”, bên cạnh là 2 vết đạn đại bác - một dấu tích trong cuộc chiến với Thực dân Pháp.
Dù Cửa Bắc Hoàng thành Thăng Long là công trình xây dựng dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên, dưới chân cổng thành là tầng tầng lớp lớp di chỉ thành quách của các triều đại trước đó, như một lời khẳng định về sự liên tục trong lịch sử nghìn năm của Hoàng thành Thăng Long.
Hậu Lâu còn gọi là Lầu Công chúa rộng gần 2.400 m2, là nơi ở của Hoàng hậu và Công chúa. Tới thế kỷ 19, công trình bị hư hỏng nặng, được người Pháp cải tạo lại như hiện nay. Qua các cuộc khai quật tại Hậu Lâu, nhiều hiện vật từ thế kỷ 9 đến đầu thế kỷ 20 đã được phát hiện. Trong số đó có đồ gốm sứ thời Lê Sơ, dấu tích bến nước thời Lê Sơ và đá chân tảng hoa sen thời Lý, Trần.
Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu chỉ cách nền điện Kính Thiên khoảng 100m về hướng Tây. Từ tháng 12/2002, cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam đã được thực hiện tại 18 Hoàng Diệu.
Những khám phá quan trọng tại 18 Hoàng Diệu đã làm phát lộ một quần thể di tích kiến trúc đa dạng cùng hàng triệu di vật bắt đầu từ thời Đại La, thời Đinh, Tiền Lê, thời Lý, Trần... đến thời nhà Nguyễn.
Tính đến tháng 12/2009, bước đầu xác định được 168 di tích gồm: 95 dấu tích nền móng kiến trúc, 24 giếng nước, 16 di tích móng tường bao và 33 cống nước. Các dấu tích ao hồ, dòng chảy, dấu tích hồ sen của Cấm thành cũng được xác định. Đó là minh chứng về sự gắn kết hài hòa trong việc quy hoạch, tạo dựng cảnh quan xung quanh của Thăng Long xưa.
Khu di tích còn phát lộ vô số di vật, trong đó, vật liệu kiến trúc, gốm sứ, đồ kim loại chiếm số lượng lớn. Nhiều hiện vật có nguồn gốc từ Trung Hoa, Nhật Bản và Tây Á, cho thấy sự trao đổi, giao thoa văn hóa tại Hoàng thành Thăng Long thời bấy giờ.
Tour đêm Hoàng thành Thăng Long mang đến những trải nghiệm thú vị, khác biệt hẳn so với việc thăm quan vào ban ngày. Tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long đặc biệt phù hợp với những ai thích giải đố, thích trải nghiệm bí ẩn, ly kỳ.
Tour này diễn ra vào buổi tối 19h Thứ sáu, Thứ bảy hàng tuần, kéo dài trong 90 phút với giá vé là 200.000 đồng/người. Trong không gian thiêng liêng lưu dấu lịch sử nghìn năm của Hoàng thành, khách du lịch sẽ được giải các câu đố xoay quanh di tích, cổ vật từ thời kỳ Lý, Trần, Lê.
Tham gia Tour đêm Hoàng thành Thăng Long, bạn như được đưa ngược về không gian xưa, xem các nghệ sĩ biểu diễn ngay tại di tích, tận mắt chiêm ngưỡng các hiện vật, cổ vật quý, cũng như dâng hương tưởng nhớ tiên đế...
Điểm nhấn của tour này chính là việc giải mã hiện vật dành cho tất cả du khách. Những chi tiết thú vị lần lượt được tiết lộ và ai giải mã đúng sẽ nhận được quà lưu niệm đầy ý nghĩa. Điểm bắt đầu là Đoan Môn và điểm thăm quan cuối cùng trong hành trình về đêm là Khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu.
Trên đây là thông tin về Hoàng thành Thăng Long cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm các điểm đến mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi tiếp theo của mình nhé.
Yến Yến