TP Hồ Chí Minh – nơi hội tụ của vẻ đẹp hiện đại, đầy năng động nhưng vẫn còn đó những biểu tượng mang tính lịch sử, văn hóa. Những ngày cuối tháng 4, ai nấy cũng đều hướng về Dinh Độc Lập với trái tim bồi hồi xúc động. Bởi đó là tháng năm Bắc Nam trên dọc dải đất chữ S hòa chung một cõi.
Dinh Độc Lập có địa chỉ chính xác tại số 135 Đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường Bến Thành, Quận 1, TP Hồ Chí Minh. Nằm ngay trung tâm thành phố, bạn có thể dễ dàng tới đây thăm quan.
Năm 2009, Dinh Độc Lập đã được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam. Bởi vậy, đây là một công trình, một điểm du lịch không thể bỏ qua khi ghé thăm Sài Gòn.
Với khắp non sông Việt Nam, Dinh Độc Lập không phải cái tên xa lạ. Bởi dù chưa từng tới thành phố mang tên Bác, ai nấy cũng từng nghe đến nơi này. Bởi lịch sử Dinh Độc Lập gắn liền với sự kiện Thống nhất đất nước ngày 30/4, gắn liền với lịch sử đầy vẻ vang, hào hùng của dân tộc ta.
Năm 1868, thực dân Pháp bắt đầu cho xây dựng dinh thự làm nơi ở của Thống đốc Nam Kỳ ngay giữa trung tâm Sài Gòn. Lúc bấy giờ, công trình có tên gọi là Dinh Norodom. Dinh thự chính thức hoàn thành vào năm 1871. Từ năm 1887-1945, Dinh Norodom là nơi làm việc cũng như nơi ở của chính quyền Pháp trong suốt thời kỳ xâm lược xứ Đông Dương.
Lịch sử Dinh Độc Lập trải qua nhiều thăng trầm. Tháng 5/1954, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, Mỹ tìm cách nhảy vào xâm chiếm miền Nam. Lúc này, Việt Nam bị chia cắt hai miền Nam Bắc. Dinh Norodom cũng được bàn giao cho đại diện chính quyền Sài Gòn – Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ.
Ngày 8/9/1954, Ngô Đình Diệm đổi tên từ Dinh Norodom thành Dinh Độc Lập. Nơi này cũng trở thành địa điểm làm việc, nơi ở của gia đình Ngô Đình Diệm.
Đến năm 1962, dinh bị đánh bom bởi phe đảo chính và khó thể khôi phục lại. Do đó, Ngô Đình Diệm đã cho san bằng tất cả, xây lại dinh thự mới ngay trên nền đất cũ theo thiết kế của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ. Trong thời gian xây dựng, gia đình Ngô Đình Diệm ở tại Dinh Gia Long, ngày nay là Bảo tàng TP Hồ Chí Minh.
Dinh Độc Lập mới khởi công xây dựng vào ngày 1/7/1962. Tuy nhiên, Ngô Đình Diệm bị ám sát và qua đời ngày 2/11/1963. Chính quyền Ngô Đình Diệm bị sụp đổ. Dinh vẫn tiếp tục được xây dựng, khánh thành ngày 31/10/1966 do Nguyễn Văn Thiệu làm chủ tọa.
Thế hệ sau này đều biết rằng Dinh Độc Lập là chứng nhân lịch sử và là biểu tượng cho sự toàn vẹn lãnh thổ thống nhất đất nước. Đúng 10 giờ 45 phút ngày 30/4/1975, xe tăng số hiệu 843 của Quân giải phóng thuộc Ðại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 230, Quân đoàn 2 húc nghiêng cổng phụ Dinh Ðộc Lập. Ngay sau đó, xe tăng số hiệu 390 húc tung cổng chính tiến thẳng vào dinh.
Người đầu tiên cắm lá cờ sao vàng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam trên nóc Dinh Độc Lập là đại tá Bùi Quang Thận (sinh năm 1948, quê Thái Bình) vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975. Cũng chính giờ phút này, chính quyền Sài Gòn – chế độ Việt Nam Cộng hòa tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Cờ tung bay phấp phới trong gió ngày cuối cùng của tháng 4 trên nóc Dinh Độc Lập chính thức khép lại 30 năm chiến tranh gian khổ, đầy anh dũng của ông cha ta. Hai miền Bắc – Nam chính thức sum họp, thống nhất một cõi.
>>Xem thêm: Đi chơi 30/4 ở Sài Gòn không lo thiếu chỗ ăn-chơi-quẩy thú vị với check-list được hội cuồng chân săn đón
Trong suốt 30 năm chiến tranh, không biết bao nhiêu anh hùng đã ngã xuống, không biết bao nhiêu mồ hôi, xương máu đã rơi... để cho chúng ta – những thế hệ mai sau có cuộc sống hòa bình, ấm no như ngày nay.
Cứ mỗi dịp tháng 4 đến, trái tim các thế hệ dù già trẻ gái trai lại rạo rực hướng về ngày Thống nhất đất nước 30/4. Không chỉ là niềm vui hân hoan, niềm tự hào về dấu mốc vàng son mà cũng là dịp để tri ân những người đi trước.
Hình ảnh Dinh Độc Lập gắn liền với ngày toàn thắng của dân tộc ta đã đi vào không biết bao áng văn thơ như một niềm tự hào, niềm vui hân hoan.
“Bỏ lại đằng sau bao trận đánh
Kịp vào thành phố sáng tên Người
Độc Lập theo tăng vào cổng chính
Cờ treo trên đỉnh nước non ơi”
(Nhà thơ Hữu Thỉnh/Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập)
Nếu có dịp tới thăm thành phố mang tên Người, ai nấy cũng đều muốn ghé qua Dinh Độc Lập. Sau hàng chục năm, dinh vẫn còn đó, lá cờ đỏ sao vàng vẫn tung bay phấp phới trên nóc dinh, giữa bầu trời hòa bình xanh biếc.
TP Hồ Chí Minh đổi thay từng ngày, trẻ trung và hiện đại. Ấy vậy mà, bước tới Dinh Độc Lập, cảm xúc lịch sử như hiện rõ mồn một trong tâm trí ta.
Thăm quan Dinh Độc Lập, cảm xúc bồi hồi khó tả như trào dâng trong lồng ngực. Những anh hùng đi trước, mỗi người ngã xuống đều với mong muốn duy trì là bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Trong họ, tình yêu nước luôn sục sùng, vượt lên trên tất cả hiểm nguy.
“Đố ai tìm được khắp chân trời góc bể
Một thành phố trẻ măng nhưng lịch sử rất lạ lùng!”
TP Hồ Chí Minh là thành phố trẻ nhưng giàu lịch sử. Những năm tháng kháng chiến đã đi qua nhưng chứng tích thì vẫn còn mãi. Đặt chân tới Dinh Độc Lập vào ngày tháng 4, là tìm về với nguồn cội của thành phố đầy thăng trầm.
Dinh Độc Lập mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả Lễ Tết. Đặc biệt, ngày cuối tuần và ngày 30/4 thường khá đông khách thăm quan.
+ Giờ bán vé: Từ 8h - 15h30
+ Giờ thăm quan:
Tòa nhà chính Di tích lịch sử Dinh Độc Lập: Từ 8h - 16h30
Nhà trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966”: Từ 8h30 - 16h30
Giá vé Dinh Độc Lập cụ thể như sau:
+ Vé tham quan dinh có bao gồm Trưng bày “Từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966”
Người lớn: 65.000đ/người
Sinh viên: 45.000đ/người
Trẻ em: 15.000đ/người
+ Vé chỉ thăm quan dinh
Người lớn: 40.000đ/ người
Sinh viên: 20.000đ/người
Trẻ em: 10.000đ/người
Như vậy giá vé Dinh Độc Lập rất phải chăng, phù hợp túi tiền của nhiều người. Hãy thu xếp thời gian để ghé thăm biểu tượng thành phố này trong chuyến du lịch TP Hồ Chí Minh của mình nhé.
TP Hồ Chí Minh là thành phố lớn với hệ thống giao thông vô cùng thuận tiện. Từ Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc, phương tiện di chuyển nhanh và thuận lợi nhất vẫn là máy bay. Giá vé máy bay Hà Nội – TP Hồ Chí Minh dao động từ 1,3 triệu đồng/người/lượt.
Sân bay Tân Sơn Nhất nằm ở Quận Tân Bình, chỉ cách Dinh Độc Lập tầm 7km. Từ đây, bạn có thể chọn taxi, xe ôm, xe bus... đều được. Nếu thuê xe máy để vi vu thành phố, du khách có thể tra google maps nhanh chóng để tìm tới Dinh Độc Lập. Nhìn chung, việc di chuyển trong thành phố không có gì khó khăn. Với xe bus, khách du lịch có thể chọn tuyến 001, 002, 03, 04, 05 đều có đi qua dinh.
Tới Dinh Độc Lập, du khách có thể chọn xe điện để thăm quan toàn dinh hoặc tự do thăm quan, tùy theo nhu cầu, sở thích. Đối với khách nước ngoài, hệ thống audio tour (thuyết minh tự động qua tai nghe) với 10 ngôn ngữ quốc tế giúp chuyến đi dễ dàng, thoải mái hơn.
Về kiến trúc, Dinh Độc Lập được thiết kế bởi kiến trúc sư Ngô Viết Thụ tài ba, đầy ý nghĩa văn hóa phương Đông mà không kém phần hiện đại. Toàn thể dinh thự có hình dáng chữ Cát, biểu tượng cho sự tốt lành.
Ngay khi bước qua cổng dinh, ấn tượng đầu tiên chính là thảm cỏ oval xanh ngát rộng lớn, tạo không gian thoáng đãng, mát mẻ. Trong khuôn viên Dinh Độc Lập TP Hồ Chí Minh còn có hồ bán nguyệt trồng hoa súng, hoa sen, loài hoa biểu tượng của nước ta. Dinh là sự kết hợp hài hòa giữa cổ điển và hiện đại, không chỉ là điểm thăm quan, nơi tìm hiểu về lịch sử mà còn là điểm check in không thể bỏ qua ở TP Hồ Chí Minh.
Dinh Độc Lập được chia thành các phân khu: Khu cố định, khu chuyên đề và khu bổ sung.
Khu cố định là nơi ở và làm việc của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa khi xưa. Khu này có tới 100 phòng với 3 tầng chính, 1 sân thượng, 2 gác lửng, tầng nền, 2 tầng hầm và sân thượng cho trực thăng đáp xuống.
Khu cố định gồm các phòng khác nhau, nội thất trang trí khác nhau tùy theo mục đích sử dụng như phòng nội các, phòng giải trí, phòng tranh, phòng tiếp đón khách, phòng ngủ của gia đình Tổng thống, thư viện... Ở mỗi phòng đều có bảng thông tin để du khách tìm hiểu về lịch sử. Tới đây, bạn sẽ hiểu hơn về chế độ Việt Nam Cộng Hòa ngày đó.
Khu chuyên đề trong Dinh Độc Lập TP Hồ Chí Minh là nơi trưng bày những khoảnh khắc lịch sử lớn lúc bấy giờ như Hiệp định Paris, Đường Hồ Chí Minh, chiến dịch Hồ Chí Minh; các cuộc triển lãm ảnh,… Các hình ảnh đều rất sống động, như đưa ta trở lại một giai đoạn lịch sử đầy khốc liệt.
Theo kinh nghiệm đi Hồ Chí Minh, việc thuê hướng dẫn viên thuyết minh về các hình ảnh tại đây sẽ giúp bạn có buổi khám phá trọn vẹn và chân thật hơn, những điều mà trong sách báo hiếm có.
Đặc biệt, khu trưng bày có tên “từ Dinh Norodom đến Dinh Độc Lập 1868 – 1966” là nơi mô phỏng chân thực nhất quá trình hình thành, xây dựng cùng các mốc thời gian diễn ra ở dinh.
Khu bổ sung để trưng bày hình ảnh, bộ sưu tập được tìm thấy sau này. Thông qua đây, bạn sẽ hiểu hơn về thời kỳ giữ nước, thống nhất đất nước đầy oai hùng và gian khổ của ông cha ta, những người không ngại hy sinh thân minh đề có nền độc lập, hòa bình hôm nay.
Một số lưu ý khi thăm quan Dinh Độc Lập cho du khách:
+ Chọn trang phục lịch sự
+ Giữ gìn vệ sinh khuôn viên dinh, tuân thủ quy tắc trong dinh
+ Không mang đồ ăn, vật nuôi vào trong dinh
+ Có thể mua sơ đồ dinh để thuận tiện cho việc thăm quan
Ngoài Dinh Độc Lập, tới với TP Hồ Chí Minh, bạn chớ bỏ qua các điểm đến nổi tiếng khác như Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, Nhà thờ Đức Bà, địa đạo Củ Chi, Nhà hát TP Hồ Chí Minh, Thảo Cầm Viên...
Dinh Độc Lập là một biểu tượng của chiến thắng, của hòa bình, gắn liền với dấu ấn lịch sử của nhân dân ta. Chuyến thăm TP Hồ Chí Minh sẽ thật thiếu sót nếu như bỏ qua điểm đến này. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều thông tin và kinh nghiệm vi vu hữu ích cho chuyến đi sắp tới của mình nhé.
Yến Yến
Theo Báo Thể Thao Việt Nam