Là dân Thủ Đô hay bất kể nơi nào trên đất Việt Nam, ta không khỏi tự hào về một Hà Nội hôm nay đang vươn lên sánh ngang tầm thời đại. Song, thành phố ngàn tuổi này vẫn giữ nét cổ kính nơi những ngôi làng cổ Hà Nội cách trung tâm không xa. Bài viết này xin được đưa chân các bạn đến với 5 ngôi làng cổ nổi tiếng của kinh đô văn vật.
Ngôi làng gần trung tâm nhất trong số các ngôi làng cổ Hà Nội tôi muốn giới thiệu với các bạn. Làng có tên Nôm là làng Vẽ hay Kẻ Vẽ, nằm ở bên bờ sông Hồng, sát chân cầu Thăng Long, Hà Nội . Quần thể các công trình kiến trúc có niên đại hàng trăm năm vẫn còn hiện diện cho đến ngày nay.
Nơi đây có vẻ đẹp cổ kính của các ngõ xóm lát gạch nghiêng. Làng Đông Ngạc nay là phường Đông Ngạc thuộc quận Bắc Từ Liêm, TP. Hà Nội, có nghề truyền thống là làm nem “giò Chèm, nem Vẽ”, làm quang gánh, nặn nồi đất.
Nhiều du khách hết sức ngỡ ngàng khi đến đây vì chỉ cách trung tâm thủ đô chừng 10 km mà làng cổ Hà Nội vẫn giữ được những nét đẹp truyền thống của làng quê Việt. Nhiều nhà xây theo lối hoài cổ, xây dựng rất cầu kì, khéo léo.
Đến thăm Đông Ngạc, du khách sẽ được giới thiệu đến các ngôi nhà thờ tổ của dòng họ Phan, Phạm, Hoàng, Đỗ, Nguyễn vẫn được con cháu giữ gìn những di vật có giá trị. Ngoài ra vào các dịp nghỉ lễ, du khách có thể chụp những bức ảnh lưu niệm với trang phục cổ xưa với khăn đống, áo tứ thân, đi guốc gỗ, đội khăn mỏ quạ…
Làng cổ Đường Lâm chỉ cách trung tâm Hà Nội khoảng hơn 40km, thuộc thị xã Sơn Tây. Nơi đây còn nguyên dấu ấn của những ngôi nhà cổ truyền thống Bắc Bộ mái ngói đỏ tươi, những con đường lát gạch và những bức tường đá ong độc đáo. Đặc biệt là du khách được dịp quay về sống trong những căn nhà có thâm niên 300 năm tuổi.
Không chỉ có vậy, làng Đường Lâm - làng cổ Hà Nội tiêu biểu, còn hấp dẫn du khách bởi giếng nước sân đình, những ngôi chùa uy nghi. Hơn thế nữa, đây còn là mảnh đất 2 Vua, với 2 ngôi đền thờ Phùng Hưng và Ngô Quyền.
Du khách có thể đi tour làng cổ Đường Lâm vào mọi thời điểm trong năm, nhưng nếu đến đây vào mùa lúa chín tháng 9 hoặc tháng 5, bạn sẽ được chiêm ngưỡng thêm những con đường làng trải đầy rơm rạ, ăn những món ăn đặc sản, cho bạn tha hồ chụp ảnh và tận hưởng. Đây là một điểm đến ở Hà Nội được nhiều du khách yêu thích.
>> Xem thêm: Team mê sống ảo note ngay những điểm check-in siêu chất, siêu nghệ thuật ở Hà Nội
Trước làn sóng đô thị hóa bùng nổ những năm qua, Cự Đà, giống như nhiều ngôi làng cổ Hà Nội khác, vẫn giữ được cho riêng mình vẻ đẹp yên bình, cổ kính của ngôi làng ven sông quen thuộc vùng Bắc bộ trước thách thức của đô thị hóa.
Làng cổ Cự Đà thuộc xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, Cách Hà Nội 20 km về phía Tây, là điểm thu hút khách du lịch vào dịp cuối tuần. Mặc dù không còn nhiều nhà cổ như Đường Lâm, nhưng Cự Đà vẫn còn những ngôi nhà ba gian, năm gian, hay những ngôi nhà hai tầng mang phong cách Pháp được xây dựng cách đây cả trăm năm.
Làng cũng vẫn còn những cây cổ thụ, mái đình, chùa, cổng làng… được xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia, khiến người tới thăm có cảm giác như đi ngược lại thời gian.
Đặc biệt làng còn một số nghệ nhân giữ nghề tổ làm tương truyền thống bằng nếp cái hoa vàng, theo công nghệ cũ là lấy lá nhãn ủ bằng niêu. Sản phẩm độc đáo, ít ỏi này chỉ đủ bán cho người dân làng và những người sành ăn.
Ngoài ra, Cự Đà còn là thiên đường của miến dong. Những ngày nắng đẹp trời, đến Cự Đà, du khách sẽ bắt gặp khắp nơi, đâu đâu trong đường thôn ngõ xóm cũng thấy các xe chở miến tấp nập mang đi phân phối rộng rãi các quán ăn lớn nhỏ của Thủ đô.
Hi vọng trong tương lai, Cự Đà sẽ tiếp tục kiên cường giữ nét làng cổ Hà Nội để đẹp lòng du khách ưa tìm về cội nguồn đất Việt.
Nằm tại xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội, là một trong những ngôi làng cổ Hà Nội nổi tiếng. Ngôi làng ấy khiến bao người tự hào bởi những kiến trúc đặc trưng của làng cổ Việt. Cổng làng “tường cao hào sâu”, những ngôi nhà, mái đình, khu chợ còn giữ vẹn nguyên dáng dấp từ hàng trăm năm trước,vẫn giữ được hồn Việt trong kiến trúc.
Làng cổ Ước Lễ xưa nay nức tiếng xa gần bởi nghề làm giò chả truyền thống từ xa xưa. Món giò chả Ước Lễ nổi tiếng đã trở thành một thương hiệu đặc trưng cho vùng đất ấy. Nó không chỉ làm một món ăn ngon, nó còn chứa đựng cái văn hóa làng và gắn liền với những câu chuyện lịch sử của người dân nơi đây.
Đến Ước Lễ, khách du lịch Hà Nội vừa được thưởng thức sản vật giò chả, có cơ hội tìm hiểu về nghề truyền thống của làng cổ Hà Nội, vừa được được thăm quan, ngắm ngôi làng cổ kính, trầm tích và đậm hồn cốt Việt. Các bạn cũng sẽ được dịp ghi lại những bức hình đẹp không tưởng, độc đáo cạnh giếng cổ, bên gốc đa hay cổng làng…
Đó là ngôi làng cổ Hà Nội ít ai biết đến với những biệt thự pha lẫn kiến trúc Việt cổ và Pháp rất độc đáo, kích thích sự tò mò của du khách. Làng Cựu thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
Bất cứ ai vào làng Cựu đều như lạc vào một ngôi làng nào lạ lẫm lắm. Bởi ngôi làng này có một kiến trúc toàn cảnh làng và kiến trúc nhà đẹp và vô cùng độc đáo. Cổng làng từng được đánh giá “đẹp nhất Việt Nam”. Những ngõ nhỏ lát đá xanh, những tảng đá lớn, dày, mát lạnh, rất phù hợp với không gian cổ kính của làng vẫn còn tồn tại bên cạnh những con đường bê tông mới được trải.
Xen kẽ giữ những ngôi nhà ống, biệt thự kiểu mới thì cũng vẫn còn vài chục ngôi biệt thự có người vẫn còn người ở hoặc bỏ hoang. Cổng ngõ, tường gạch, mái ngói trầm mặc im lìm như thách thức thời gian.
Đến với làng Cựu làng cổ Hà Nội, chắc chắn cảm giác căng thẳng của du khách vừa trải khi đi trên đường 1A vào làng sẽ tan biến. Và tiếp theo đó sẽ là cảm giác bất ngờ, ngạc nhiên, để rồi tâm hồn trở nên bình yên, thư thái.
Từ con đường thẳng như kẻ chỉ, giữa hai bên là mênh mông những cánh đồng lúa đến sự tĩnh mịch của không gian; từ màu sắc phủ đầy rêu phong đến những bức tường gạch bong tróc, rơi rụng… tất làm cho cảnh vật như thước phim kéo ta ngược trở lại quá khứ.
Hi vọng qua vài nét giới thiệu tản mạn trong bài viết này, du khách đến Hà Nội sẽ không bỏ qua 5 ngôi làng cổ Hà Nội trên. Hãy đến và trải nghiệm! Hãy đến để lưu giữ nét đẹp truyền thống dân tộc! Hãy đến và chung tay giữ lấy những giá trị phi vật thể quí báu có nguy cơ bị làn sóng đô thị hóa lấp đi!
Xuân Phương 18
(Theo Báo Thể Thao Việt Nam)