Banner Movi

Biển Hồ và loạt điểm đến ở Gia Lai đẹp ‘khó cưỡng’ 

Thứ sáu, 13/03/2020, 09:00 GMT+7
Gia Lai - phố núi của Tây Nguyên không chỉ hấp dẫn du khách gần xa với những hồ nước tuyệt đẹp mà nơi đây còn có hàng loạt điểm đến đẹp khó cưỡng khiến bạn phải ngỡ ngàng.
quảng cáo

1. Núi lửa Chư Đăng Ya 

Địa danh đầu tiên trong loạt điểm đến ở Gia Lai có vẻ đẹp khó cưỡng là ngọn núi lửa huyền thoại Chư Đăng Ya. Núi lửa Chư Đăng Ya nằm cách trung tâm phố núi Gia Lai khoảng 30 km về hướng Đông Bắc, thuộc địa phận làng Ploi lagri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah. 
 

Núi lửa Chư Đăng Ya, Gia Lai. Ảnh: dulich.vn

Nằm ẩn mình giữa rừng xanh hùng vĩ, mỗi mùa, Chư Đăng Ya lại quyến rũ du khách bằng một nét riêng. Vào mùa mưa, ngọn núi được bao phủ bởi màu xanh của những ruộng khoai lang, khoai môn hay cây dong riềng, còn đến mùa khô, hàng vạn đóa hoa dã quỳ bung nở khắp sườn núi tạo một khung cảnh thơ mộng.

 
Mùa hoa dã quỳ về trên núi lửa Chư Đăng Ya. Ảnh: eventnhatrang

Cách di chuyển để khám phá núi lửa Chư Đăng Ya: Chọn ngã tư Biển Hồ là điểm xuất phát và đi về hướng Kon Tum khoảng 30km, sau đó rẻ phải vào đường Lê Văn Sỹ, sau đó tiếp tục di chuyển tới ngã 3 đường liên xã Nghĩa Hưng - Chư Jôr, sau đó rẽ trái đi khoảng 5km sẽ đến núi lửa Chư Đăng Ya.
 

Núi lửa Chư Đăng Ya nhìn từ trên cao. Ảnh: Hoa Carol

Thời điểm lý tưởng nhất để đến núi lửa Chư Đăng Ya: Thời điểm đẹp nhất để đến Pleiku ghé thăm núi lửa Chư Đăng Ya từ tháng 10 tới tháng 2 năm sau, đặc biệt là tháng 11, đây là thời điểm hàng trăm ngàn hoa dã quỳ đua nhau khoe sắc trên khắp các nẻo đường và đồi núi, phủ vàng cả một góc trời.


2. Biển hồ Pleiku 

Được mệnh danh là “đôi mắt Pleiku”, Biển Hồ là một hồ nước ngọt nằm ở phía Tây Bắc thành phố Pleiku, cách trung tâm thành phố khoảng 7 km theo quốc lộ 14. Đây là một trong loạt điểm đến ở Gia Lai có vẻ đẹp khó cưỡng mà bạn nhất định không nên bỏ lỡ khi du lịch Gia Lai.

Biển Hồ được xem là một trong những hồ nước có vẻ đẹp tự nhiên và thơ mộng nhất ở khu vực Tây Nguyên. Vào những ngày đẹp trời, nhìn từ xa, Biển Hồ mê hoặc du khách với màu xanh của nước biển và nghe thoảng trong gió là tiếng thông reo.
 

Biển Hồ được mệnh danh là “đôi mắt Pleiku”. Ảnh: vgotravel

Ngoài tên gọi Biển Hồ, hồ nước ngọt này còn được gọi với tên khác là Hồ T'Nưng. Biển Hồ gồm 2 hồ chứa nước thông nhau, rộng gần 300 ha, nước trong xanh màu ngọc bích, nằm giữa một vùng núi cao, có một dải đất chạy dài ra giữa lòng hồ tạo cho khách tham quan có thể nhìn được toàn cảnh Biển Hồ.
 

Hồ nước ngọt này còn được gọi với tên khác là Hồ T'Nưng. Ảnh: amazonaws

Con đường xuống Biển Hồ uốn lượn đẹp như tranh vẽ, hai bên ngút ngàn thông xanh mát mắt. Nơi cuối đường là các bậc tam cấp bằng đá dẫn khách tham quan chiêm ngưỡng sự thơ mộng của Biển Hồ. Nơi đây trước kia là đài vọng để du khách ngắm Biển Hồ.


3. Con đường Hàn Quốc

Đây là một trong những điểm check-in nổi tiếng nhất ở Gia Lai, cách trung tâm Pleiku khoảng 10 km, nằm trong Biển Hồ Chè. Nhờ khung cảnh xanh mướt của hai hàng cây lá kim giống bối cảnh nhiều bộ phim Hàn Quốc, con đường này hấp dẫn những người yêu thích chụp ảnh. Sáng sớm là lúc bạn có thể bắt gặp hình ảnh sương phủ mờ ảo ở con đường.
 

Con đường Hàn Quốc là một trong những điểm check-in nổi tiếng nhất ở Gia Lai. Ảnh: laodong

Điều đặc biệt của hàng thông nơi đây là khi có cơn gió đi qua mọi người sẽ nghe được tiếng rì rào, du dương như âm thanh của cả dàn nhạc được tấu lên, người dân địa phương vẫn thường gọi là tiếng “thông reo”. Thời gian đẹp nhất để chụp ảnh ở đây là khi bình minh lên, lúc sương sớm vẫn chưa tan hẳn, những tia nắng đầu tiên xen qua từng nhánh cây.
 

Khung cảnh lãng mạn như trong phim Hàn. Ảnh: cattour

Có 2 hướng đi Con đường Hàn Quốc:

Hướng quốc lộ: Từ ngã ba Phù Đổng, bạn đi theo đường QL14 qua khỏi sân bay Pleiku. Đến ngã ba, bạn rẽ phải vào đường Phó Đức Chính chạy một đoạn, sau đó rẽ trái băng qua đập tràn Nghĩa Hưng rồi đi thẳng cho đến khi thấy hàng thông trăm tuổi trước mắt. Đường rộng đi nhanh nhưng quốc lộ có nhiều xe lớn. Đoạn đường dài khoảng 14km.
 

Bình yên trong sương sớm. Ảnh: Ốc

Hướng Biển Hồ: Từ ngã ba Phù Đổng bạn đi theo đường Lê Duẩn, rẽ trái vào đường Tôn Thất Tùng, Trần Văn Bình, Ngô Quyền, Phó Đức Chính ôm dọc Biển Hồ. Qua cầu treo Biển Hồ, bạn rẽ phải qua đập tràn Nghĩa Hưng rồi đi thẳng là đến. Đoạn đường Biển Hồ hơi nhỏ, vắng, dài khoảng 17km.

 


4. Rừng cao su Chư Sê

Huyện Chư Sê thuộc tỉnh Gia Lai, cách trung tâm thành phố Pleiku chừng 40km, đường đi được bao phủ bởi một màu xanh dịu dàng, bạn sẽ như được lạc vào một miền cổ tích ngoài đời thực, yên bình và nhẹ nhàng.
 

Rừng cao su Chư Sê mùa thay lá đẹp như trong cổ tích. Ảnh: cuocthianh

Bước vào những tháng mùa khô của Pleiku, suốt từ tháng 12 cho đến tháng 3 năm sau, những cánh rừng cao su ở Gia Lai lại chuyển sang màu đỏ và dần dần đổ lá cho đến khi chỉ còn lại những cành cây khẳng khiu. Mùa lá đỏ này là đặc trưng của nhiều loại cây khộp có ở núi rừng Tây Nguyên.

Vì sự phân hóa của khí hậu chia thành 2 mùa mưa và khô rõ rệt trong một năm, nên vào khoảng tháng 6 mùa khô, trời nắng hạn kéo dài nên cao su thường trút hết lá và chỉ trở lại xanh tốt trong mùa mưa.
 

Cánh rừng cao su ở Gia Lai lại chuyển sang màu đỏ và dần dần đổ lá cho đến khi chỉ còn lại những cành cây khẳng khiu. Ảnh: reatimes

Cách để đến rừng cao su Chư Păh: Để tìm được đến đây, bạn nên hỏi người dân để tìm được lối rẽ cách thị trấn Chư Sê chừng 3km, chạy men theo con đường nhỏ đó là đến được địa điểm cần tìm – con đường trải dài hun hút với những cánh rừng cao su bạt ngàn.
 

Đây cũng là điểm đến được nhiều bạn trẻ check in, hẹn hò. Ảnh: kenhhomestay

Vì cũng không phải địa điểm tham quan du lịch, không có hàng quán nào cả nên các bạn nhớ dự trù nước uống và đồ ăn nhẹ trước khi đi. Từ trung tâm thành phố Pleiku, các bạn có thể khởi hành vào sáng sớm và trở về khi đã gần trưa. Đường xá cũng không phải là vấn đề quá lo lắng vì hầu như toàn là đường nhựa rồi, chỉ cần chắc tay lái và đi từ từ thôi.


5. Chùa Minh Thành

Chùa Minh Thành là một trong những loạt điểm đến ở Gia Lai có vẻ đẹp "khó cưỡng. Ngôi chùa này cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2km, toạ lạc trên một ngọn đồi thoai thoải trong lòng phố núi sương mờ ảo, chùa Minh Thành nổi bật với quần thể kiến trúc độc đáo có vẻ đẹp huyền ảo và cổ kính hút hồn biết bao du khách.
 

Chùa Minh Thành cách trung tâm thành phố Pleiku khoảng 2km. Ảnh: baomoi

Được xây dựng vào vào 1964, trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử khiến nhiều phần bị hư hại, đến năm 1997 chùa được trùng tu và xây mới.

Sau quá trình trùng tu và tôn tạo kéo dài hơn 10 năm, chùa Minh Thành như được khoác lên chiếc áo hoàn toàn mới với vẻ đẹp phương Đông đặc trưng độc đáo mang ảnh hưởng của kiến trúc Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan. Đến nay, chùa không chỉ là nơi các Phật tử đến để chiêm bái, lễ phật mà còn thu hút nhiều du khách tìm đến tham quan và vãn cảnh.
 

Chùa Minh Thành mang vẻ đẹp trầm mặc. Ảnh: chudu24

Những công trình kiến trúc độc đáo và uy nghi của chùa Minh Thành như: chánh điện chùa cao 16m, trần nhà làm bằng gỗ pơ mu (loại gỗ nổi tiếng trong các cánh rừng ở Tây Nguyên). Đặc biệt, bộ cửa chùa làm bằng gỗ gõ với những đường nét chạm nổi bốn vị Tứ Đại Thiên Vương rất tinh xảo. Với chiều cao 6m, bề dày 4 tấc, đây được xem như là bộ cửa lớn nhất nhì ở Việt Nam.
 

Bộ cửa gỗ của chùa được xem như là bộ cửa lớn nhất nhì ở Việt Nam. Ảnh: luxstay

Du lịch Gia Lai, ngoài chiêm ngưỡng những cảnh đẹp trong veo khiến tâm hồn được tắm mát thì bạn còn có thể thưởng thức ẩm thực độc đáo của phố núi. Những đặc sản ẩm thực Gia Lai bạn bạn đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức như: phở khô Gia Lai, cơm lam nướng, bò một nắng, gỏi lá rừng, bún mắm cua, bún mắm nêm...

Hương Dương

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)