Banner Movi

7 điểm du lịch bụi Đà Nẵng nhất định các phượt thủ không nên bỏ qua

Thứ bảy, 06/06/2020, 07:30 GMT+7

Đổ đèo Hải Vân mục sở thị “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, cắm trại qua đêm nghe sóng vỗ ở Ghềnh Bàng, hay trekking đến Giếng Trời ngắm cảnh thiên nhiên hùng vỹ… Đà Nẵng còn có nhiều hơn thế để bạn khám phá.

quảng cáo

Người ta quen thuộc với mỹ danh “Thành phố bên sông Hàn”, “Thánh địa nghỉ dưỡng”, nhưng Đà Nẵng nào chỉ có thế. Nếu bạn có dư dả thời gian và muốn có một chuyến du lịch khác biệt, hãy đến Đà Nẵng với một tâm thế sẵn sàng đi khắp mọi nơi, một ít hành trang, xe máy và người đồng hành. 


1. Đèo Hải Vân - Thiên hạ đệ nhất hùng quan

Đèo Hải Vân nằm trên dãy núi Bạch Mã, là ranh giới ngăn cách giữa tỉnh Thừa Thiên Huế với thành phố Đà Nẵng. Đèo có chiều dài 21 km, đỉnh cao nhất cao 500 m, là cung đèo nổi tiếng hiểm trở bậc nhất Việt Nam với góc cua 45 độ thách thức mọi phượt thủ. 
 

du_lich_bui_da_nang
Đèo Hải Vân - cung đường tuyệt tác. Ảnh: lagunalangco.com

Du khách từ xa đến Đà Nẵng có thể thuê xe máy và bắt đầu hành trình khám phá đèo Hải Vân. Trên đèo có các điểm dừng chân nổi bật. Hải Vân Quan - công trình kiến trúc cổ gắn liền với nhiều dấu ấn lịch sử tọa lạc trên đèo Hải Vân. Nơi này cung cấp tầm nhìn ra cảnh quan thiên nhiên sơn thủy hữu tình.
 

du_lich_bui_da_nang
Hải Vân Quan kiêu hùng. Ảnh: petrotimes.vn

Nếu nhìn về phía nam, bạn có thể nhìn thấy thành phố Đà Nẵng với biển cả mênh mông đẹp như tranh vẽ. Còn nhìn về hướng Bắc, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cả vịnh Lăng Cô và đầm Lập An xanh mát bình yên. Nếu đến Hải Vân Quan vào đúng lúc hoàng hôn buông, bạn sẽ có dịp ngắm bầu trời chuyển dần từ màu xanh sang hồng cam rực rỡ, vẻ đẹp lãng mạn và lặng yên hiếm có khó tìm. Đừng quên dừng chân check-in với Hòn Cụ Rùa và Cây thông cô đơn trên đèo Hải Vân. 
 

du_lich_bui_da_nangCheck-in hòn Cụ Rùa trên đèo Hải Vân. Ảnh: zingnews.vn

Lưu ý: Đèo Hải Vân là cung đường hiểm trở nhất Việt Nam với độ dốc cao, vị trí cua gấp đầy thách thức, nên bạn cần phải cẩn trọng khi muốn chinh phục nó. Nếu chạy xe máy lên đèo theo hướng từ Đà Nẵng ra Huế, bạn phải đi thật chậm rãi, không giành đường với xe container. Người cầm lái phải vững vàng, có khả năng xử lý các khúc cua uốn lượn và ứng phó nhanh nhạy nếu gặp tình huống nguy hiểm bất ngờ. Bạn có thể vừa đi vừa ngắm cảnh hoặc quay chụp nhưng phải đảm bảo an toàn. 
 

du_lich_bui_da_nang
Cây thông cô đơn trên đèo Hải Vân. Ảnh: dichoidanang.com


2. Cung đường du lịch bụi khám phá Bán đảo Sơn Trà

Bán đảo Sơn Trà cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 8 km, là một dải rừng nguyên sinh có khí hậu mát mẻ quanh năm với cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp. Đây cũng là một trong những điểm đến Đà Nẵng gần như miễn phí cho du khách gần xa. Dọc theo cung đường phượt này có ít nhất 12 điểm tham quan độc đáo mà bạn có thể dừng chân, đó là đỉnh Bàn Cờ, Cây đa ngàn năm, Hải đăng mắt thần Đông Dương…
 

du_lich_bui_da_nang
Đường lên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: ivivu.com.vn

Đỉnh Bàn Cờ có một bàn cờ không hồi kết và một vị tiên ông, thu hút rất đông du khách đến check-in. Đường đi lên đỉnh rất hiểm trở, bạn phải vượt qua khúc cua tưởng như ôm sát vào vách núi và không thể di chuyển với tốc độ cao. Bù lại, cảnh quan ở đây rất đẹp, đứng từ điểm cao nhất có thể nhìn thấy toàn bộ thành phố Đà Nẵng với mây trời, núi sông thơ mộng. Những ngày nóng bức, lên đỉnh Bàn Cờ hóng gió là một lựa chọn tuyệt vời. 
 

du_lich_bui_da_nang
Ván cờ không hồi kết với tiên ông. Ảnh: sites.google.com

Cây đa ngàn năm nằm ở rìa phía đông của bán đảo Sơn Trà, thuộc khu bảo tồn 63, cao hơn 700 m so với mực nước biển. Đường dẫn đến cây đa uốn lượn quanh co, một bên là núi đá ngút ngàn, một bên là biển cả mênh mông.

Cây đa có thân hình khá đồ sộ, cao khoảng 20 m, xung quanh có 26 rễ phụ mọc ra, tạo nên hình thú kỳ quái. Những tán cây cổ thụ tầng tầng, lớp lớp đan xen nhau, ẩn hiện trong làn sương mờ ảo tạo nên không khí rất kỳ bí. 
 

du_lich_bui_da_nang
Cây đa ngàn năm trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: flickr.com

Hải đăng mắt thần Đông Dương hay còn gọi là trạm radar Sơn Trà, được xây dựng từ những năm 60 bởi người Mỹ. Hải đăng nằm ở độ cao hơn 621 m so với mực nước biển trên đỉnh núi Sơn Trà, có bán kính quan sát lên đến 300 km.

Trước năm 1975, người Mỹ dùng trạm này để theo dõi toàn bộ khu vực rộng lớn từ đảo Guam phủ qua đảo Hải Nam, qua Thái Lan và bao trùm toàn bộ Đông Dương. Nên biệt danh mắt thần Đông Dương có từ thời đó. Ngày nay, hải đăng Sơn Trà là một trong những điểm dừng chân nổi bật trong những chuyến du lịch bụi lên bán đảo Sơn Trà
 

du_lich_bui_da_nang
Hải đăng mắt thần Đông Dương. Ảnh: taidanang.com

 

3. Về thăm Sơn Trà Tịnh Viên Đà Nẵng

Những người thích không gian yên tĩnh, thanh bình có thể đến Sơn Trà Tịnh Viên - Đà Nẵng. Nơi này có tên khác là Khu bảo tồn tre Đà Nẵng, nằm sâu trong thung lũng Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà. 
 

du_lich_bui_da_nang
Sơn Trà Tịnh Viên là một trong 3 khu bảo tồn tre lớn của Việt Nam. Ảnh: place.vn

Sơn Trà Tịnh Viên Đà Nẵng là tâm huyết cả đời của sư thầy Đại đức Thích Thế Tường. Thầy dựng am nhỏ trên mảnh đất được phật tử quyên tặng để tu hành, đồng thời biến không gian xung quanh thành khu vườn tre, trúc, tạo ra môi trường sinh thái xanh mát. Thầy đi nhiều nơi để tìm kiếm, khảo cứu, nhân giống các loại tre, từ trúc ở Hóa Long, tre đen ở Bắc Kạn, tre, lồ ô Làng Ngà, trúc quân tử ở Đà Lạt đến trúc đen núi Yên Tử trong sách Đỏ đều được đưa về nơi đây bảo tồn. 
 

du_lich_bui_da_nang
Vườn tre trúc hơn trăm loài của sư thầy Đại đức Thích Thế Tường. Ảnh: Báo Đà Nẵng

Hiện tại, Sơn Trà Tịnh Viên đã có  hơn 100 trên 300 loài tre trúc Việt Nam. Bên cạnh rừng tre xanh ngắt, khu vườn còn có hồ nước trồng hoa sen, nuôi cá. Quanh vườn tre có nhiều võng và ghế đá được bố trí để du khách có thể nghỉ chân, lặng ngắm và đắm mình trong khung cảnh thơ mộng.
 

du_lich_bui_da_nang
Một góc thanh bình trong Sơn Trà Tịnh Viên. Ảnh: Báo Đà Nẵng
 


4. Đến tham quan Khu vườn ký ức 

Bảo tàng Đồng Đình còn có tên khác là Khu vườn ký ức, có không gian xanh mát, bình yên, là nơi cất giữ nhiều văn vật liên quan đến nghề đánh cá truyền thống của người Đà Nẵng xưa kia. Bảo tàng Đồng Đình cũng nằm trên cung đường với chùa Linh Ứng bãi Bụt, đường đi lên không quá khó khăn. Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, bạn chỉ cần chạy xe máy khoảng 20 phút là đến được bảo tàng. 
 

du_lich_bui_da_nang
Bảo tàng Đồng Đình còn có tên khác là Khu vườn ký ức. Ảnh: Báo Dân Trí

Bảo tàng là một quần thể nhà rường của xứ Quảng, có ba hồ nước tự tạo cùng với dòng suối Bụt róc rách nước chảy tạo nên cảnh quan sơn thủy hài hòa. Không gian kiến trúc vừa có chiều sâu văn hoá, vừa đượm chất cổ kính, nghệ thuật, lại phảng phất hơi thở của thiên nhiên khoáng đạt.

Có 4 khu trưng bày chính là khu trưng bày cổ vật, khu trưng bày tác phẩm mỹ thuật, nhà ký ức làng chài, nhà trưng bày dân tộc học. Mỗi khu có những nét đặc trưng riêng mang đến những nét ấn tượng sâu sắc cho du khách khi đến đây. 
 

du_lich_bui_da_nang
Bên trong bảo tàng trưng bày nhiều hiện vật cổ có giá trị văn hóa và lịch sử. Ảnh: taidanang.com

Sau khi mua vé tham quan giá 20.000 đồng/người để vào cổng, du khách có thể tự do tham quan, tìm hiểu các văn vật và thỏa thích chụp ảnh với cảnh quan thơ mộng tại bảo tàng.

Do nằm xa trung tâm và tách biệt với ồn ào phố thị nên nơi đây đặc biệt vắng vẻ, thanh bình. Du khách có thể nghe thấy cả tiếng chim hót và tiếng nước chảy róc rách, không khí thì trong lành, dịu mát, là một nơi xứng đáng được biết đến nhiều hơn. 
 

du_lich_bui_da_nang
Bảo tàng có nhiều góc sống ảo được giới trẻ Đà Nẵng yêu thích. Ảnh: Lê Anh


5. Cắm trại qua đêm ở Ghềnh Bàng

Ghềnh Bàng cách trung tâm thành phố Đà Nẵng khoảng 20 km, nằm trên bán đảo Sơn Trà. Đây là một bãi hẹp, nối sang eo biển ghềnh Rạng. Đường đi xuống bãi biển khá dốc và phải băng qua những đồi dây leo có lá xanh um, hình trái tim mọc khá um tùm. Ghềnh Bàng có phong cảnh yên bình, đường bờ biển dài khoảng 2 km, đẹp hoang sơ do chưa được khai thác du lịch. 
 

du_lich_bui_da_nang
Vẻ đẹp lịm tim của Ghềnh Bàng Đà Nẵng. Ảnh: taidanang.com

Phía sau những rặng đá gồ ghề, muôn hình vạn trạng là một bãi biển dài với làn nước xanh ngắt, cát trắng tinh và hàng dừa ngả bóng. Xa xa trong bờ là một vài hàng quán lụp xụp, nơi bày bán mồi câu, cho thuê áo phao và kính lặn phục vụ du khách ghé chơi. 
 

du_lich_bui_da_nang
Ghềnh Bàng còn khá hoang sơ. Ảnh: celeb.vn

Ngoài một số du khách du lịch bụi Đà Nẵng thích tìm đến để tắm biển, ăn uống kiểu tự túc, vui chơi ca hát và cắm trại qua đêm ra thì không gian nơi này tương đối vắng vẻ và yên tĩnh. Đến đây, bạn có thể trải nghiệm lặn biển ngắm san hô, tuy nhiên phải cẩn thận vì nước khá sâu. Nếu sợ nguy hiểm, bạn cũng có thể thư giãn bằng việc câu cá ở ghềnh Bàng. Hoàng hôn và bình minh ở ghềnh cũng là khoảnh khắc tuyệt đẹp mà du khách không thể bỏ qua.
 

du_lich_bui_da_nang
Hoàng hôn và bình minh ở ghềnh cũng là khoảnh khắc tuyệt đẹp mà du khách không thể bỏ qua. Ảnh: @duy86

Lưu ý: Nếu muốn cắm trại ngủ qua đêm, bạn phải tự chuẩn bị đầy đủ lều trại, than củi, đồ ăn thức uống khác. Buổi tối khá lạnh nên hãy mang theo áo khoác và thuốc xịt chống côn trùng. 
 

du_lich_bui_da_nang
Cắm trại qua đêm ở Ghềnh Bàng. Ảnh: nguoidanang.vn


6. Về thăm làng cổ Phong Nam

Làng cổ Phong Nam thuộc huyện Hòa Vang, cách trung tâm thành phố khoảng 10 km về phía Tây Nam. Làng có từ thời Champa, là quê hương của cụ Ông Ích Khiêm - nhân tài trong lịch sử Việt Nam.
 

du_lich_bui_da_nang
Làng cổ Phong Nam. Ảnh: taidanang.com

Làng cổ Phong Nam Đà Nẵng chào đón du khách với khung cảnh yên bình của đồng lúa mênh mông, những lũy trên xanh mướt, đường mòn nhỏ hẹp. Đầu tiên, bạn sẽ bắt gặp một cổng làng được xây dựng kiên cố với gam màu vàng quen thuộc, bên cạnh là một cây đa cổ thụ đã có từ lâu.

Tiến sâu vào bên trong, bạn sẽ nhìn thấy hàng loạt ngôi nhà, đình, miếu, chùa, nhà thờ tộc họ với cách xây dựng truyền thống. Ngoài ra còn có bến nước Đông Hòa của xóm hến, nơi nổi tiếng với nghề làm hến từ bao đời nay. 
 

du_lich_bui_da_nang
Giếng nước ở làng cổ Phong Nam. Ảnh: taidanang.com

Tại làng vẫn còn một số hộ dân sinh sống. Họ đều rất thân thiện và mến khách nên nếu muốn, bạn có thể xin trú lại trong nhà họ để tìm hiểu về nếp sống sinh hoạt mộc mạc của vùng quê này. 
 

du_lich_bui_da_nang
Nếp sinh hoạt mộc mạc của người địa phương. Anhr: nguoidanang.vn

Làng cổ Phong Nam cũng là điểm check-in cực chất được giới trẻ Đà thành vô cùng yêu thích. Những góc quen thuộc như sân đình, giếng nước, nếp nhà rêu phong khi lên hình đều rất tuyệt vời. 
 

du_lich_bui_da_nang
Khách du lịch ghé thăm làng cổ Phong Nam. Ảnh: nguoidanang.vn


7. Trekking đến Giếng Trời, hòa mình vào thiên nhiên

Giếng Trời giống như một món quà mà thiên nhiên ban tặng cho những người thích khám phá, mạo hiểm và muốn chinh phục thử thách. Khu vực này thuộc huyện Hòa Vang, nằm giữa vùng rừng núi xanh ngắt, còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ đầy hấp dẫn. 
 

du_lich_bui_da_nang
Giếng Trời hoang sơ là một trong những điểm đến thu hút nhiều phượt thủ. Ảnh: nguoidanang.vn

Muốn đến được khu vực Giếng Trời Đà Nẵng, bạn chỉ có thể đi xe máy hoặc đi bộ qua một đoạn rừng núi dài hơn 15 km gập ghềnh. Đường đi chủ yếu là lối mòn do những người đi trước tạo thành, với nhiều dốc thẳng đứng đòi hỏi phải là một tay lái cừ khôi thì mới có thể chinh phục được chúng. Dưới mặt đất phủ đầy lá rừng ẩm mốc, đá phủ rêu xanh trơn trượt, trở thành thách thức cho bất kì ai. 
 

du_lich_bui_da_nang
Check-in Giếng Trời. Ảnh: taidanang.com

Giếng Trời tựa như một bể bơi nằm trên gần đỉnh núi. Nước ở đây lúc nào cũng mát lạnh, xung quanh là rừng núi xanh biếc, dường như ánh nắng mặt trời vào những ngày nóng nhất cũng sẽ trở nên dịu dàng hơn khi chiếu thẳng xuống nơi này.

Sau một quãng đường dài mệt nhọc, được đắm mình trong làn nước mát lành thì quả thật là chẳng còn gì tuyệt hơn. Nếu khéo tay, bạn có thể tự chặt chuối rừng, kết làm bè bơi ra giữa suối, thả hồn vào khung cảnh hoang sơ. Du khách có thể cắm trại qua đêm tại đây, bắt cá và ăn uống kiểu tự túc tại đây. 
 

du_lich_bui_da_nang
Giếng Trời tựa như một bể bơi nằm trên gần đỉnh núi. Ảnh: taidanang.com

Lưu ý: Vì đoạn đường đi quá dài và mệt mỏi nên nếu bạn muốn đến Giếng Trời, phải dành ra ít nhất 2 ngày, có 1 đêm nghỉ lại để dưỡng sức. Nơi này chẳng có gì cả nên bạn phải tự trang bị mọi thứ từ lều trại, than củi, đồ ăn, đồ chơi, trang phục và cả thuốc chống côn trùng. Vùng nước tuy không quá sâu nhưng chảy xiết, nếu bạn không biết bơi thì cần phải cẩn thận hơn, mang theo áo phao để dùng khi cần. 
 

du_lich_bui_da_nang
Cắm trại tại Giếng Trời. Ảnh: nguoidanang.vn

Nếu đã quá quen thuộc với cảnh đẹp Đà Nẵng và những điểm đến nổi tiếng như Bà Nà Hills, biển Mỹ Khê…, bạn có thể “đổi gió” tới những điểm du lịch bụi này để hòa mình vào thiên nhiên và khám phá ra khả năng của chính mình. 
 

Xem thêm: Top 10 điểm đến ở Đà Nẵng nhất định không thể bỏ qua khi du lịch sau mùa dịch


Cẩm Luyến
Theo Báo Thể thao Việt Nam

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)