Những ngày cuối năm, Thủ đô Hà Nội lại trở nên rộn ràng bởi rất nhiều phiên chợ đặc biệt như chợ hoa, chợ đồ cổ, chợ sinh vật cảnh… Đi chợ phiên ngày Tết cũng là một trong những nét văn hoá rất đặc sắc của người Hà thành. Bởi vậy, dù có bận rộn đến mấy, bạn cũng nên dành chút thời gian để ghé qua những khu chợ phiên cuối năm đặc biệt ở Hà Nội này để hoà mình vào không khí sôi nổi, nhộn nhịp tiễn năm cũ, đón năm mới.
Chợ hoa Quảng Bá là khi chợ phiên cuối năm ở Hà Nội có giờ họp chợ vô cùng đặc biệt: bắt đầu từ khoảng nửa đêm đến 3-4h sáng. Đây là chợ hoa bán buôn, nơi cung cấp hoa chính cho cả Thủ đô và các vùng miền lân cận. Vào những ngày cận Tết, chợ hoa Quảng Bá sẽ đông vui suốt cả ngày.
Chợ chỉ bán một mặt hàng chuyên biệt là hoa, nhưng lại vô cùng đông vui, tấp nập. Các loài hoa ở đây được mang đến từ mọi vùng trồng hoa trên cả nước với rất nhiều giống hoa từ quen thuộc đến lạ mắt, tạo nên dáng vẻ tươi vui và sắc màu rực rỡ cho khu chợ.
Những ngày cuối năm, chợ hoa này là nơi hội họp của các giống hoa bản địa được trồng ở Hà Nội, Đà Lạt, các loài hoa mang hương sắc núi rừng được mang về từ Hoà Bình, Mộc Châu… cho tới các giống hoa nhập khẩu từ Trung Quốc, Hà Lan…
Chợ hoa Quảng Bá chuyên bán buôn, bán lẻ hoa với giá nhập từ vườn, bởi vậy mà vào bất kể giờ nào, chợ hoa Quảng Bá cũng rất sôi động.
Bạn chỉ có thể đến khu chợ phiên đặc biệt ở Hà Nội này vào một lần duy nhất trong năm, đó là từ ngày 23 tháng Chạp tới chiều ngày 30 Tết Âm lịch. Chợ được họp ngay trong lòng phố cổ, kéo dài suốt từ phố Hàng Lược qua các tuyến phố lân cận như Hàng Chai, Hàng Rươi, Hàng Đồng…
Chợ hoa Hàng Lược họp từ sáng sớm tới tối muộn và lúc nào cũng rộn ràng, náo nức bởi sắc màu ấm áp của hàng ngàn cánh đào bung nở hồng rực, làm bừng sáng cả những góc phố cổ vốn nâu trầm màu thời gian.
Không chỉ là một phiên chợ, chợ hoa Hàng Lược còn là điểm du lịch ngày Tết ở Hà Nội không thể bỏ qua với người dân và khách du lịch. Đến hẹn lại lên, cuối năm, người Hà thành phải đi chơi chợ hoa Hàng Lược mới đủ “thủ tục” để đón một cái Tết ấm cúng, trọn vẹn.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH HÀ NỘI KHUYẾN MÃI
>> HCM - Hà Nội - Sapa - Lào Cai - Bái Đính - Hạ Long 5N4Đ giá từ 6.190.000VNĐ >> HCM - Hà Nội - Vịnh Hạ Long - Tràng An - Bái Đính 4N3Đ giá từ 8.490.000VNĐ |
Cứ vào khoảng ngày 20 tháng Chạp đến chiều 30 Tết Âm lịch, chợ đồ cổ trên phố Hàng Mã lại trở thành điểm hẹn của những người có thú vui sưu tầm đồ cổ và du khách. Từ lâu, khu chợ phiên đặc biệt ở Hà Nội này đã trở thành nét đẹp trong văn hoá truyền thống ở Hà thành mỗi dịp xuân về.
Tại đây, bạn có thể tìm thấy rất nhiều món hàng lạ mắt với tuổi đời lên tới hàng chục hay trăm năm, từ những đồ thờ, tượng Phật cho đến đồ gia dụng. Các món đồ ở đây chủ yếu đều là đồ cũ, đồ giả cổ hoặc có niên đại lâu năm.
Du khách tới chợ đồ cổ phố Hàng Mã có thể thoải mái tham quan và chọn lựa cho mình một món đồ ưng ý với hy vọng sẽ có một năm mới tràn ngập may mắn, niềm vui và thịnh vượng.
Là một trong những khu chợ lớn và lâu đời bậc nhất ở Thủ đô, chợ Bưởi là chợ phiên hiếm hoi còn tồn tại tới ngày nay.
Phiên chợ được tổ chức vào các ngày 4,9, 14,19,24,29 Âm lịch hàng tháng. Các mặt hàng chủ yếu được bày bán ở đây là cây cảnh, các giống rau, hoa, vật dụng nông nghiệp và cả các loại sinh vật cảnh như chó, mèo, chim, cá…
Phiên chợ Bưởi cuối cùng trong năm họp vào ngày 29 tháng Chạp Âm lịch. Nếu đến khu chợ Tết Hà Nội vào ngày này, bạn sẽ choáng ngợp trước vô số loài hoa, cây cảnh khoe sắc, từ cành đào, cây quất truyền thống cho tới các loại hoa lạ nhập khẩu.
Không chỉ là nơi để sắm sửa cây cảnh, vật nuôi trang hoàng trong gia đình trong ngày Tết, chợ Bưởi còn là một điểm tham quan thú vị của du khách mỗi khi tới thăm Thủ đô.
Cách trung tâm thành phố hơn 20km, chợ Nủa họp tại xã Phú Bình, huyện Thạch Thất là phiên chợ còn lưu giữ nhiều nét truyền thống đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ.
Chợ họp vào các ngày 2, 7, 12, 17, 22, 27 âm lịch hàng tháng, riêng những phiên chợ cuối cùng họp vào ngày 22 và 27 tháng Chạp Âm lịch là đông vui, náo nhiệt và đặc biệt hơn cả.
Từ lâu, người dân trong vùng đã lưu truyền câu “Gái 22, trai 27” để ghi nhớ về tục lệ của phiên chợ Nủa. Theo đó, chợ họp vào ngày 22 chỉ dành riêng cho phụ nữ, còn phiên chợ ngày 27 là của các đấng mày râu.
Đến khu chợ phiên cuối năm ở Hà Nội này, bạn sẽ vô cùng ngạc nhiên trước những nét quê kiểng, mộc mạc còn được lưu giữ nguyên vẹn ở đây. Chợ Nủa họp trên một bãi đất trống với những lều quán dựng tạm bằng tre nứa, lợp lá cọ.
Các mặt hàng chủ yếu được bày bán ở đây là nông sản địa phương, vật nuôi, đồ dùng gia đình đậm chất thôn quê như chiếu cói, chổi tre, nón lá, đũa tre và nhiều món quà quê giản dị mà ngon lành như bánh rán, kẹo bột, bỏng gạo, bánh đúc…
Bởi vậy, nhiều người tìm đến với chợ phiên xứ Đoài không chỉ để mua những nông sản đậm chất “organic” mà còn để dạo chơi cho thoả nỗi nhớ thương về hương vị Tết xưa ở những làng quê Việt.
Những ngày cuối năm, nếu có dịp du lịch Hà Nội, bạn đừng quên dành thời gian đến với những khu chợ phiên đặc sắc này để thưởng thức dư vị rộn ràng, náo nức của phố phường ngày xuân; để hiểu và yêu hơn nét đẹp văn hoá truyền thống của dân tộc.
Trang Đào