Bún qua cầu - hay món ăn đặc sản Vân Nam mây khói trên đầu lưỡi - là một trong những món ăn nổi tiếng nhất ở Vân Nam - Trung Quốc mà nếu có dịp ghé đến nơi này, bạn nhất định đừng bỏ qua. Cùng tìm hiểu xem vì sao món ăn lại có cái tên độc đáo là Bún qua cầu này nhé.
Món bún qua cầu có khác gì với những món bún khác của Việt Nam không?
Bún qua cầu được làm từ nhiều nguyên liệu và các bước sơ chế, chế biến rất công phu. Nguyên liệu chính bao gồm: thịt gà, thịt lợn, mực, đậu phụ, nấm, hành, hẹ, bún, trứng chim cút, hành tây, rau cải, đu đủ, cà rốt cùng các gia vị như nước tương, muối, gừng, tỏi…
Thoạt đầu, cách bày trí món ăn này giống như cách người ta bày mâm ăn lẩu. Các nguyên liệu khác nhau được sơ chế, bày ra trong từng bát, đĩa nho nhỏ khác nhau. Một phần Bún qua cầu sẽ bao gồm một bát nước dùng lớn đã được nấu kĩ trước đó, các đĩa đựng nguyên liệu tươi ngon khác như thịt, rau, nấm… và một phần bún.
Nước dùng được ninh từ ninh từ thịt gà già trong 5 - 6 tiếng nên vị ngọt thanh rất thơm ngon. Phía trên có một lớp mỡ béo ngậy. Kinh nghiệm từ những đầu bếp cho biết lớp mỡ này nhằm giữ cho nước dùng luôn nóng thật lâu. Nước dùng thường được nêm thêm chút vị chua, điều này có tác dụng làm cho nước không bị quá ngấy dù hơi nhiều dầu.
Bún trong món Bún qua cầu là sợi bún to, tròn, gần giống sợi bún bò Huế của Việt Nam. Nước dùng thường được nêm thêm chút vị chua, hơi nhiều dầu nhưng vẫn không quá ngấy. Món ăn rất thích hợp trong những ngày tiết trời se lạnh.
Câu chuyện phía sau món ăn Bún qua cầu
Người dân tỉnh Vân Nam kể về món ăn này qua một câu chuyện về nghĩa tình phu thê rất sâu sắc. Chuyện rằng tại huyện Mông Tự - tỉnh Vân Nam khi xưa có một chàng thư sinh thông minh nhưng mải mê chơi không chuyên chú học hành. Chàng ta có một người vợ xinh đẹp và một cậu con trai nhỏ. Cả gia đình sống trong một căn nhà bên bờ hồ. Người vợ thấy chàng thư sinh không chú tâm học hành thì sinh ra lo lắng. Một hôm nàng nói với chồng rằng, anh suốt ngày lo chơi bời, không chịu dùi mài kinh sử, không biết vợ con anh tủi hổ vì không bằng chị bằng em ư.
Người chồng nghe vậy liền tỉnh ngộ, quyết chí chuyên tâm đọc sách. Chàng chọn một hòn đảo nhỏ giữa hồ (có tích kể lại là một căn nhà nhỏ phía bên kia bờ hồ) làm nơi học hành cho yên tĩnh. Hằng ngày, người vợ đều nấu cơm mang đến cho chồng. Muốn qua được đến hòn đảo thì người vợ này phải băng qua một cây cầu rất dài nên cơm canh sau khi mang đến nơi thường đã nguội lạnh. Lâu ngày, vì ăn không ngon miệng nên anh chồng gầy đi không ít. Người vợ thấy vậy rất xót xa, tìm đủ mọi phương pháp để cải thiện bữa ăn cho chồng nhưng đều vô ích.
Về sau, có một hôm nàng mổ gà làm canh, thái thịt, chuẩn bị bún để đưa sang cho chồng. Đứa con nhỏ lỡ cho thịt vào bát canh, nàng vớt miếng thịt lên thấy đã chín, ăn thử thì thấy mùi vị rất thơm ngon. Nàng liền cho nước dùng vào ấm, thịt và bún vào làn đem đến phòng đọc sách cho chồng. Cả quá trình qua cầu nước dùng vẫn không bị nguội đi, đến nơi, người chồng cho nguyên liệu vào ăn thì rất thích thú. Sau nữa,trong quá trình chế biến người vợ cũng phát hiện ra rằng, nếu cho thêm một lớp váng mỡ lên trên bát nước dùng sẽ giúp bát nước dùng giữ độ nóng lâu hơn.
Người chồng gọi món ăn này là bún qua cầu. Nhờ sự chuyên tâm chăm sóc của người vợ nên đã đỗ được cử nhân, việc này được quần chúng truyền miệng thành một giai thoại. Từ đó, bún qua cầu được truyền đi thành món ăn nổi tiếng của Vân Nam.
Nếu đến Vân Nam, khi gọi món ăn này, bạn sẽ được no nê cả về vị giác lẫn thị giác. Người ta sẽ mang ra một mâm lớn, bên trên xếp những chiếc đĩa nhỏ chứa vài miếng thịt gà, vài lát thịt lợn tươi thái mỏng … và một chút rau, hành, một chút nấm đặc sản của Vân Nam. Tất cả được bầy thành hình tròn như một bông hoa tuyệt đẹp. Kèm theo một bát bún sợi to, được làm từ bột gạo.
Để thưởng thức Bún qua cầu là cả một nghệ thuật vì bạn phải làm theo trình tự. Trước tiên phải thả trứng vào bát nước dùng, chờ đợi một vài phút rồi mới cho thịt, rau, nấm… vào. Bún là nguyên liệu cuối cùng được cho vào bát. Sau khi chần qua nước dùng có thể vớt ra để ăn cùng các loại tương đặc trưng của vùng Vân Nam. Món ăn nóng ấm, thơm phức, cay nồng và đầy đủ dinh dưỡng, thích hợp cho những ngày lạnh.
Món Bún qua cầu được bán ở nhiều nhà hàng tại Vân Nam - Trung Quốc. Nếu bạn đi du lịch tuyến Côn Minh, Đại Lý, Lệ Giang, Shangrila thì sẽ được phục vụ món ăn vô cùng hấp dẫn này trong lịch trình tour.