Banner Movi

Mùa nhãn vi vu Hưng Yên, vừa tham quan, vừa thưởng thức

Thứ năm, 01/08/2019, 07:00 GMT+7

“Dù ai buôn Bắc bán Đông - Đố ai quên được nhãn lồng Hưng Yên”, đây là câu thơ vui mà người dân trong tỉnh Hưng Yên thường nói với nhau khi nhắc tới trái nhãn lồng- sản vật đặc trưng của vùng đất này. Qua đây có thể thấy được trái nhãn đã trở thành một biểu tượng của một vùng quê, gây thương nhớ cho những ai đã từng ghé thăm nơi đây. Tới Hưng Yên mùa này, vừa tham quan, vừa thưởng thức những trái nhãn lồng ngon nức tiếng.

 

Vì sao lại có cái tên nhãn lồng? Có nhiều cách giải thích nhưng  cách giải thích dễ hiểu nhất theo dân gian kể lại, vì trái nhãn là loại quả khi chín có mùi thơm nên thường bị chim, chuột và dơi… phá hoại, gây mất năng suất nên các vị thành hoàng cùng người dân trong làng đã nghĩ ra cách dùng tre tươi đan thành lồng và che chắn vào chùm nhãn để bảo vệ quả nên gọi là nhãn lồng”. Từ đó, nhãn lồng trở thành một cái tên quen thuộc với người dân Hưng Yên. Nhiều người chưa rõ hay gọi là “nhãn nồng” vì tưởng ý nghĩa chỉ dừng lại ở cái thơm nồng của quả.
 

Mùa nhãn vi vu Hưng Yên, vừa tham quan, vừa thưởng thức


Nhãn lồng Hưng Yên quả to tròn, vỏ có màu vàng nâu nhạt, cùi dày, ráo nước. Bóc một lớp vỏ mỏng láng, để lộ lớp cùi nhãn dày trắng ngà. Đưa vào miệng nếm thử có vị ngọt thơm, giòn dai. Bên trong là hạt nhỏ màu đen nháy. Mùi hương cũng rất đặc trưng, đó không phải là một mùi thơm nức mũi mà nhẹ nhàng, tinh khiết và dịu mát.

Mùa nhãn về những trái nhãn lúc lỉu trên cây đã chín mọng, trĩu xuống như chờ đợi những bàn tay người tới hái. Về Hưng Yên vào mùa này đâu đâu người ta cũng thấy nhãn, nhãn trên cây, nhãn trong những sọt hàng hay trên những chiếc xe, nhãn trong nhà, ngoài chợ. Tinh hoa của đất trời ưu ái cho mảnh đất này được gói trọn trong từng trái nhãn. Cây nhãn có thể trồng được ở khắp ba miền trên đất nước nhưng chẳng ở đâu nhãn ngon và ngọt cái ngọt đậm đà như nhãn được trồng trên đất Hưng Yên.

Mùa nhãn vi vu Hưng Yên, vừa tham quan, vừa thưởng thức 

Nhãn được trồng ở khắp nơi. Trong các vườn nhãn, người ta chăm bón tỉ mỉ cho từng cây nhãn dù cây đó là cây mới trồng hay cây lâu năm. Khi mùa nhãn tới, những trái nhãn đầu mùa to ngon đầu tiên sẽ được người dân hái về thắp hương dâng lên tổ tiên như một sự thể hiện lòng biết ơn về cội nguồn. Đây cũng là một nét văn hóa đặc sắc của những người dân nơi đây.

Mùa nhãn vi vu Hưng Yên, vừa tham quan, vừa thưởng thức


Mùa nhãn chín thường vào tháng 6 Âm lịch hàng năm. Tới thời điểm này (tháng 7 Âm lịch) nhãn đang chín rộ. Không chỉ là cây có ý nghĩa về kinh tế, giúp đời sống vật chất của người dân nơi đây khấm khá lên từng ngày, tới nay các ngành của tỉnh Vĩnh Phúc đang hướng phát triển cây nhãn theo hướng du lịch. Mô hình này cũng không có gì lạ, gần giống như những khu du lịch miệt vườn ở miền trong. Hiện mô hình này cũng đang có hiệu ứng tích cực, thu hút một lượng khách không nhỏ mỗi khi mùa nhãn về.

Mùa nhãn vi vu Hưng Yên, vừa tham quan, vừa thưởng thức


Đến Hưng Yên vào mùa nhãn du khách sẽ được tận mắt chứng kiến cái bạt ngàn của nhãn. Nhãn ở khắp nơi, đủ loại và đủ vị để lựa chọn. Nếu muốn tự mình mua về những trái nhãn chín mọng, to tròn mà ngọt đậm đà từ tận các vườn nhãn du khách nên tới thăm vườn nhãn của các ông chủ thân thiện ở Phố Hiến hay Khoái Châu…

Mùa nhãn vi vu Hưng Yên, vừa tham quan, vừa thưởng thức


Không chỉ được mang về những chùm nhãn ngon nhất, du khách thậm chí còn được trải nghiệm vào những buổi thu hoạch nhãn như những người thợ thực thụ, được tự chọn và thưởng thức những trái nhãn chín mọng ngay tại vườn. Vừa được ăn, vừa được chơi, vừa được thưởng thức, vừa lại có quà mang về cho gia đình và bạn bè, còn gì hơn mà không chọn một chuyến đi tới Hưng Yên vào thời điểm này.

Mùa nhãn vi vu Hưng Yên, vừa tham quan, vừa thưởng thức


Được biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố Hưng Yên đã có một số hộ mở rộng mô hình khách tham quan, thưởng thức, mua nhãn tại vườn. Gia đình chị Bùi Thị Bích Hằng thôn Nễ Châu, xã Hồng Nam là một điển hình. Cách đây vài năm, nhận thấy nhu cầu của khách muốn được đến thăm quan, mua nhãn tại vườn, gia đình chị nhận thấy đây là một kênh để quảng bá, tiêu thụ nhãn.

Mùa nhãn vi vu Hưng Yên, vừa tham quan, vừa thưởng thức


Hàng năm, vào mùa nhãn, bình quân mỗi ngày vườn nhãn nhà chị có 1 đoàn khách đến thăm quan, ngày cuối tuần có từ 3 - 5 đoàn đến. Đặc biệt, khi gia đình áp dụng thâm canh nhãn theo mô hình Vietgap thì lượng du khách đến tăng hơn, các du khách ở nhiều tình thành trong cả nước như: Hà Nội, thành phố Hải Phòng, Hải Dương,Thái Nguyên…Tất cả các du khách đến vườn đều thoải mái hưởng thức nhãn và không thu phí.

Một thông tin vô cùng thú vị, một chùm nhãn lồng cổ Hưng Yên vừa được định giá 100 triệu đồng tại phiên đấu giá nông sản Việt, tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh. Đây được coi là kỉ  lục về giá trị của trái nhãn lồng đất Hưng Yên từ trước tới nay.

Từ Hà Nội tới Hưng Yên theo đường chim bay chỉ mất có chưa tới 2 giờ đồng hồ, bạn có thể di chuyển thoải mái và an toàn bằng xe máy. Còn chần chừ gì nữa, hãy cùng bạn bè thưởng cho mình một chuyến du lịch vừa là để ngắm cảnh sắc nơi đây khi mùa nhãn tới, vừa có cơ hội được thưởng thức trái cây vô cùng thơm ngon, đặc sắc và rất “sạch” này nhé.

Huyền Lê
Theo Báo Thể Thao Việt Nam