Mùa khai thác thích hợp từ tháng 3 đến tháng 7. Sá sùng màu nâu đỏ, nhìn qua có hình dạng giống như con trùng đất, trên mình có những sợi vân nhỏ li ti, nhưng kích thước lớn hơn và ruột chứa toàn cát do nó sống trong hang sâu dưới cát.
Chế biến sá sùng phải rất tỉ mỉ, bởi phải lộn nó ra và chà xát thật kỹ với muối cho ruột hết cát và hết mùi tanh, rửa nhiều lần đến khi sá sùng có màu trắng hồng mới thôi. Sau khi sá sùng được làm sạch sẽ được kết hợp với lá lốt tươi xanh, cùng gia vị gừng ớt, cùng hải sản để tạo thành một món ăn độc đáo.
Điểm đặc biệt so với những loại món ăn khác là không thêm nhiều gia vị để không bị mất hương vị sá sùng. Đầu tiên lấy nước dùng đã được hầm với xương gà, lá lốt được cắt nhỏ, cùng với ớt và gừng bỏ tất cả nguyên liệu vào đun sôi. Khi nước dùng sôi, sá sùng được bỏ nhanh và phải được lấy ra liền để không bị mất chất và độ giòn. Khác nấu với lá lốt, món cháo sá sùng nấu hạt sen lại được chế biến khá cầu kì và công phu, mang đậm chất dinh dưỡng.
Sá sùng khi nấu chính có mùi thơm, vị ngọt, hương vị hơi cay của gừng vừa là món ăn độc đáo vừa là một vị thuốc rất tốt cho sức khỏe.Sá sùng có nhiều giá trị dinh dưỡng như axít amin, glyxin, alanine, glutamin, succinic… và nhiều taurine, khoáng chất.
Khi được chế biến sá sùng có hương vị thơm ngon đặc trưng. Trong thịt của sá sùng có chứa 17 nguyên tố khoáng, 8 loại axít amin không thay thế và 10 loại axít amin thay thế rất cần thiết cho cơ thể con người. Sá sùng tươi có thể chế biến các món như xào chua ngọt, chiên, nướng. Để chế biến sá sùng tươi, sau khi rửa thật sạch, cho nguyên liệu vào chảo rang trên bếp cho khô rồi trút ra rổ, xoa cho hết những hạt cát còn bám vào. Tiếp đó, có thể nướng, làm gỏi bóp chanh, thêm ít bắp chuối, rau thơm, đậu phộng. Bản thân sá sùng có vị ngọt tự nhiên nên càng nhai lâu càng ngấm vị ngọt.
Những món chế biến từ sá sùng cũng trở thành thực đơn quan trọng trong nhiều nhà hàng hải sản tại Quảng Ninh.