Bánh Ngõa - trước đây là một đặc sản không thể thiếu trong ngày mừng thọ các bậc cao niên ở Lũng Ngoại, Vĩnh Phúc.
Ngày xưa các cụ thượng thọ mới được làm một mâm bánh xếp theo hình nón cụt (khoảng một yến bánh) trên mâm đồng để rước ra đình kính thần. Muốn có mâm bánh đó, gia đình phải mổ một con lợn để mời con cháu trong gia tộc đến phục vụ làm bánh.
Để làm ra những chiếc
Bánh Ngõa thơm ngon hấp dẫn cần có 2 nguyên liệu chính là gạo nếp và đậu xanh. Gạo nếp vo đãi sạch, đề ráo nước, chờ gạo khô nghiền thành bột nhỏ mịn. Đậu xanh xay vỡ đôi ngâm qua nước để vỏ đỗ bong ra, đãi sạch vỏ rồi để đỗ khô, lấy 300g đề riêng dùng nấu nhân. Số đỗ còn lại đem sao trên lửa đến khi hạt đỗ có màu vàng hạt dẻ, giòn là được; để nguội đem nghiền thành bột nhỏ mịn. 300g đỗ kia cho vào nấu với 200g mật thành chè kho. Trộn nước với bột gạo nếp nhào dẻo thành một cục, chia ra thành hai chục viên nhỏ, rồi dàn mỏng từng cục như cái đĩa con, cho chè kho vào giữa làm nhân rồi vê kín bánh.
Đun nồi nước cho sôi sẵn ở nhiệt độ cao rồi thả tất cả hai chục bánh vào luộc; khi thấy bánh nổi lên là đã chín; vớt nhẹ từng cái, chờ ráo nước se mặt, cho bánh vào mâm đã rắc bột đậu làm áo, giở đều hai mặt bánh cho ngấm nhiều bột áo là tốt, cứ lăn chiếc bánh trên mâm bột cho tới khi bánh không dính bột đậu nữa, cầm bánh thấy không dính tay là được…
Thứ
đặc sản của Vĩnh Phúc này có vị thanh thơm nhẹ, dai của nếp, ngọt của nhân chè kho, càng nhai càng thấy béo ngậy như bánh được xoa mỡ, đó là nhờ có tinh dầu bột đậu xanh làm áo bánh. Ngày nông nhàn mà thư thái thưởng trà, có đĩa
Bánh Ngõa cạnh bên thì thật đúng hưởng trọn thú vui tao nhã của các bậc hiền nhân thuở trước.