Để làm ra món bánh
đặc sản của Vĩnh Phúc này, trước tiên phải kén gạo ngon, không những thế còn giã lại cho bớt cùi, gạo thêm trắng. Ngâm gạo từ sáng đến chiều, để gạo thấm đủ nước, đạt độ mềm thì đổ ra rá cho ráo nước. Đem đi xay. Muốn cho bánh dẻo, dai thì phải “sống bột” nghĩa là định mồng 10 ăn thì đã xay bột từ sáng mồng 7, mồng 8 rồi. Xay xong để bột lắng xuống, chắt hết nước chua đi, pha nước khác vào. Sáng hôm sau, lại chắt hết nước cũ, thay nước mới. Cứ như thế đến sáng hôm làm bánh thì chắt kiệt nước cũ, pha nước mới vừa đủ mức rồi đem đi “ráo bột”. Trước khi ráo bột, phải “lấy giọt”; đây là khâu rất quan trọng để thử xem đã pha đủ mức nước hay chưa. Lấy tay khoắng đều nồi bột lên, dúng đũa cả vào bột lỏng, nhấc lên cho chảy vào lòng bàn tay; nếu bột dón cục là bánh sẽ bị cứng, đôi khi lổn nhổn, phải chế thêm nước; nếu bột chảy toẹt ra là bánh sẽ bị nhão; bột rỏ xuống mà thu gọn, tròn như đồng tiền trong lòng bàn tay là được.
Lấy giọt xong, bắc nồi bột lên để ráo bột, vừa đun vưa quấy đến khi bột đặc lại, không dính tay thì bắc xuống. Bột đang nóng, người làm bánh vẫn lấy từng nắm bột ra, nháo đi nháo lại, lăn lăn trong lòng bàn tay cho thành từng thỏi rồi véo từng miếng nhỏ như quả táo ta, ấn bẹt ra, đặt nhân vào, túm lại cho kín rồi lăn trong lòng bàn tay cho tròn, cho nhẵn. Nhân bánh có thể là lạc giã nhỏ hoặc thịt băm, lá hành băm sào chín tới, tuỳ khẩu vị. Đun sẵn nồi nước sôi, nặn bánh đến đâu thì thả vào nồi luộc, bánh nổi đến đâu vớt bánh ra rá chờ cho bánh ráo rồi bày ra đĩa.
Khi thưởng thức những chiếc
Bánh Hòn thơm ngon, vị dẻo của nếp, đậm đà béo ngậy của nhân, ta mới cảm nhận được cái tâm huyết của người làng Hội Hợp truyền vào từng chiếc bánh nhỏ xinh. Điều này khiến những người con Hội Hợp khi đi xa vẫn luôn nhớ về món bánh truyền thống quê hương. Nếu có dịp
đi du lịch Vĩnh Phúc du khách đừng quên thưởng thức món bánh thơm ngon này một lầm nhé.