Khai hội vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm và kéo dài trong 5 ngày, lễ hội đền Trần Thái Bình sôi động với phần hội gồm nhiều cuộc thi độc đáo khiến du khách tham dự như được sống lại văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ xa xưa.
1. Thi kéo lửa nấu cơm
Xa xưa, khi các phương tiện đi lại còn thô sơ, trong quá trình chiến đấu chóng giặc xâm lăng, bắt nguồn từ thực tế phải phản ứng nhanh, hành quân thần tốc, quân và dân ta nhiều lần vừa hành quân vừa nấu cơm để rút ngắn thời gian di chuyển.
Thi kéo lửa nấu cơm tái hiện sinh động phương thức nấu cơm của quân dân ta thời phong kiến chống xâm lược. Tại lễ hội đền Trần Thái Bình, thi kéo lửa nấu cơm thu hút các đội đến từ các thôn, làng trong xã Tiến Đức, nơi diễn ra lễ hội đền Trần, mỗi đội 4 thành viên (2 nam, 2 nữ) tham gia hội thi.
Trong thời gian 30 phút, từ những nguyên vật liệu được chuẩn bị trước, các đội tiến hành buộc quang tre, đổ gạo vào niêu đất cho nước rồi vừa gánh vừa đốt các thanh tre nứa nấu cơm. Căn cứ vào thời gian nấu cơm, chất lượng cơm và cách trang trí, Ban giám khảo sẽ chọn ra đội thắng cuộc để trao giải.
2. Thi gói bánh chưng
Thi gói bánh chưng cũng là một trong những trò chơi đậm màu sắc văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ diễn ra trong lễ hội đền Trần Thái Bình. Các đội tham gia thường có 3 thành viên là phụ nữ, mặc áo nâu, quần lanh đen, áo nâu, thắt khăn mỏ quạ.
Các thôn tự chuẩn bị, trang trí nguyên liệu trong thời gian 20 phút, một người cắt lá, một người chẻ lạt, một người gói bánh, các đội dùng tay để gói bánh (không dùng khuôn) theo kích thước 22x22x7cm.
Kết thúc thời gian thi, các đội bày biện bánh chưng trên mâm để ban giám khảo chấm điểm. Đội nào gói được số lượng nhiều nhất, bánh chưng có kích thước chuẩn nhất, lạt đều nhất sẽ được trao giải nhất.
Không chỉ làm sống lại một phong tục đẹp có từ xa xưa của dân tộc, thi gói bánh chưng ở lễ hội đền Trần làm sống lại không khí đón Tết Nguyên đán cổ truyền, giáo dục người dân địa phương tinh thần hướng về nguồn cội của dân tộc.
3. Thi kéo co
Kéo co là trò thi không mất nhiều công chuẩn bị đạo cụ, nguyên liệu, nhiều người có thể tham gia và là trò chơi dân gian rất vui nhộn, gắn kết mọi người với nhau nên được tổ chức trong rất nhiều lễ hội từ cấp thôn làng đến cấp xã huyện.
Thi kéo co ở lễ hội đền Trần có lẽ là cuộc thi được nhiều người trông đợi nhất. Tham gia thi kéo co thường gồm tất cả các xã trong huyện Hưng Hà. Các đội bốc thăm chia nhóm (giống hình thức bốc thăm chia bảng trong bóng đá) rồi thi đấu loại chọn ra 2 đội vào chung kết, 2 đội tranh giải ba.
Không chỉ là một hoạt động giải trí, mang đến niềm vui cho mọi người tham gia trò chơi, tham gia lễ hội, hội thi kéo co tại lễ hội đền Trần luôn tạo đem đến không khí tưng bừng cho lễ hội, là dịp giao lưu, củng cố tinh thần đoàn kết của nhân dân trong huyện.
Ở Thái Bình, mỗi khi nhắc đến huyện Hưng Hà, người dân nghĩ ngay đến một vùng địa linh nhân kiệt, nơi sinh ra những nhân tài kiệt xuất trong lịch sử như thái sư Trần Thủ Độ, hoàng hậu Trần Thị Dung, nhà bác học Lê Qúy Đôn…Lễ hội đền Trần Thái Bình không chỉ là dịp giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần uống nước nhớ nguồn cho người dân địa phương mà thông qua các phần hội còn là dịp tái hiện lại những sắc màu văn hóa truyền thống đồng bằng Bắc Bộ cho lớp trẻ địa phương giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu có dịp bạn nhớ đến Hưng Hà Thái Bình hãy đến lễ hội đền Trần Thái Bình để tận mắt trải nghiệm những trò thi thú vị ấy nhé.