Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa cổ tồn tại hàng trăm năm nay tại làng Giắng xã Đông Tân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Có một thời, điệu múa cổ độc đáo này đã được xuất ngoại.
Nguồn gốc điệu múa giáo cờ giáo quạt
Nói về nguồn gốc của điệu múa giáo cờ giáo quạt, theo lời kể của các cụ cao niên trong làng Giắng, công chúa nhà Trần tên là Trần Thị Quý Minh, con gái vua Trần Duệ Tông vì làm trái ý vua cha, không chịu kết hôn nội tộc nên bị lưu đày về phủ Long Hưng.
Tại đây, công chúa đã giúp dân khai phá đất đai, trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm. Để giúp nhân dân vơi đi nỗi cực nhọc trong những ngày đầu lập ấp, đồng thời làm vơi bớt nỗi nhớ kinh thành, dựa theo tích Chiêu quân đi cống nước Hồ, công chúa đã sáng tạo ra điệu múa giáo cờ giáo quạt và dạy cho dân làng.
Các cô lèn múa giáo cờ giáo quạt
Múa giáo cờ giáo quạt múa như thế nào?
Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa vừa đậm chất dân gian, vừa có tính nghi lễ, mang tính tập thể rất cao. Điệu múa có 36 cấp múa, trong đó có nhiều cấp múa độc, lạ như cấp múa đi sứ, cấp múa má, cấp múa chèo đò… trong đó cấp múa nhất quấn lân, nhị quấn lân là cấp múa khó nhất, đòi hỏi thời gian tập luyện nhiều nhất.
Đạo cụ dùng để múa giáo cờ giáo quạt chính là cờ và quạt. Cờ biểu tượng cho anh hùng nữ đi đánh giặc, bảo vệ đất nước. Quạt tượng trưng cho vẻ đẹp an nhàn, yêu đời của người phụ nữ khi ở nhà chăm sóc gia đình.
Theo thông lệ từ xa xưa, người biểu diễn điệu múa giáo cờ giáo quạt là 40 cô lèn, cô lèn là những cô gái đồng trinh từ 8-15 tuổi. Trước ngày hội một năm, dân làng sẽ tiến hành bầu chọn hai người phụ nữ cao tuổi mẫu mực nhất trong làng làm hai bà thợ để dạy các cô lèn múa giáo cờ giáo quạt.
Hai bà thợ sẽ được nuôi ăn, nuôi ở miễn phí, được dân làng trích ra một suất ruộng để các bà thợ cày cấy nhưng chỉ được giữ chức trong một năm.
Múa giáo cờ giáo quạt khai sinh và được duy trì biểu diễn thường xuyên từ thời nhà Trần, được biểu diễn trong ngày ngày hội làng (11, 12 tháng Giêng) và ngày giỗ Đức Thánh Trần Thị Quý Minh vào tháng 4 âm lịch.
Múa giáo cờ giáo quạt xuất ngoại
Năm 1947, đất nước có chiến tranh, điệu múa không được tiếp tục duy trì. Hòa bình lập lại, nhân dân trong làng mới phục dựng điệu múa. Lớp người già từng múa dạy lại cho lớp người trẻ trong làng. Các cấp múa có giảm đi từ 36 xuống gần 20 cấp, nhưng về cơ bản vẫn giữ được nội dung nguyên bản của điệu múa cổ từ xa xưa.
Người múa giáo cờ giáo quạt được mở rộng không chỉ là những cô gái chưa chồng mà còn cả những người già, phụ nữ đã có chồng. Tiêu chuẩn chọn bà thợ cũng không quá kĩ càng như trước, có thể là người nơi khác đến sinh sống tại làng và không phải nuôi bà thợ như trước nữa.
Múa giáo cờ giáo quạt là điệu múa đời nối đời, được người dân làng Giắng vô cùng tự hào. “Hễ là con gái làng Giắng là phải biết múa giáo cờ giáo quạt” là câu cửa miệng được người dân nơi đây nhắc đến với tình yêu quê hương và niềm vinh dự lớn lao.
Những năm cuối thế kỷ XX, múa giáo cờ quạt ở làng Giắng được đi biểu diễn ở nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Bỉ, Bồ Đào Nha và được nhân dân thế giới đón nhận nồng nhiệt. Năm 2016, với múa giáo cờ giáo quạt, đã có 5 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú.
Bên cạnh chèo làng Khuốc, múa rối nước nước Nguyên Xá, múa giáo cờ giáo quạt ở làng Giắng góp phần đa dạng hóa các nét văn hóa truyền thống đặc sắc của quê hương Thái Bình. Nếu bạn có dịp ghé qua Thái Bình vào những ngày đầu xuân, nhớ đến với làng Giắng xem múa giáo cờ giáo quạt nhé, chắc chắn bạn sẽ thấy được một ký ức xa xưa vẫn luôn hiển hiện rất rõ trong cuộc sống hiện đại ngày nay đấy.