Thái Bình là cái nôi của hát chèo, chèo Thái Bình có màu sắc riêng mà không nơi nào có được. Bạn có biết điều gì làm nên sự đặc sắc của chèo Thái Bình và chèo Thái Bình tại sao lại nổi danh đến thế?
‘Chất’ riêng của chèo Thái Bình
Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian của dân tộc. Chèo là sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa các yếu tố như: hát, múa, nhạc, kịch.
Mỗi bài hát chèo, mỗi vở chèo đều lấy cảm hứng, cảm xúc từ tâm trạng, từ cuộc sống sinh hoạt bình dị của người dân nông thôn. Khi xưa, những vở chèo cổ được lấy từ các truyện Nôm, truyện cổ tích thể hiện khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc của người dân nghèo.
Ngày nay, bên cạnh nhiều vở chèo cổ vẫn được gìn giữ, biểu diễn như: Quan Âm Thị Kính, Lưu Bình Dương Lễ, Kim Nham, Súy Vân… nhiều bài hát chèo, nhiều vở chèo được viết lời mới ca ngợi quê hương, đất nước, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
Không giống như chèo ở những địa phương khác, chèo Thái Bình có chất riêng đó là sự mộc mạc, giản dị, chân chất song không kém phần duyên dáng, biểu cảm trong cách hát lối diễn, giữ nguyên được nhiều yếu tố của chèo cổ. Chính vì chất riêng này mà chèo Thái Bình nổi danh trong làng chèo cả nước, được nhiều người thích chèo, yêu văn hóa truyền thống say mê.
Chèo Thái Bình có gì mà nổi danh đến vậy?
Bên cạnh chất riêng không nơi nào có được, có rất nhiều yếu tố khiến Thái Bình được mệnh danh là quê hương của hát chèo, cái nôi của hát chèo.
Hát chèo tại lễ hội chùa Keo – Thái Bình
Theo nhiều nghiên cứu văn hóa cho thấy, hát chèo từng là nghề kiếm sống của một số người dân Thái Bình trước cách mạng tháng Tám. Khi đó, ở Thái Bình có 3 làng chèo nổi tiếng là làng Khuốc (Ðông Hưng) và Sáo Ðền (Vũ Thư), Hà Xá (Hưng Hà). Mỗi làng thường có những phường, hội, gánh chèo do các ông trùm đứng ra thành lập và duy trì thường xuyên đi hát trong và ngoài tỉnh để sinh sống bằng nghề chèo.
Nghệ nhân Vũ Văn Đối ở làng Khuốc đã từng diễn cho vua Bảo Ðại xem. Bảo Ðại đã thán phục tài nghệ của cụ Trùm Ðối và phong cho danh hiệu Ðệ nhất chánh quản ca hạng Bắc Kỳ.
Sau này, khi miền Bắc được giải phóng (1954), Ban nghiên cứu chèo Trung ương mời 50 nghệ nhân chèo lên để ghi âm ghi hình có tới 20 nghệ nhân chèo quê ở Thái Bình. Trong danh sách nghệ nhân chèo Thái Bình ngày ấy có những người được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ nhân Dân gian…
Diễn chèo tại lễ hội đền Tiên La – Thái Bình
Cùng với các nghệ sĩ Trung ương, ở quê hương Thái Bình, Đoàn chèo chuyên nghiệp của tỉnh Thái Bình cũng được thành lập trong năm 1959. Với nhiều lớp nghệ sĩ tài năng thường xuyên đi biểu diễn tại khắp các thôn làng trong tỉnh gieo tình yêu chèo, mê chèo đến người dân khiến phong trào đi xem hát chèo, ca hát chèo lúc đó luôn sôi nổi trong lòng quần chúng nhân dân khiến Thái Bình được mệnh danh là “đất chèo”.
Hát chèo ở Thái Bình được đời nối đời gìn giữ
Chèo hay là thế, độc đáo là thế, là bộ môn nghệ thuật truyền thống được lưu truyền bằng cách truyền nghề trực tiếp, bắt tay chỉ ngón, dạy từng cách diễn, cách hát.
Mặc dù công nghệ phát triển, thị trường âm nhạc sôi động nhưng ở Thái Bình, bên cạnh người già nhiều trẻ nhỏ vẫn mê hát chèo. Ở làng Khuốc, một trong những nơi nổi tiếng nhất về hát chèo, các thế hệ từ người già đến rất nhiều trẻ em có thể hát chèo, biết những làn điệu của những tích chèo truyền thống, những âm điệu, lời ca, hoạt cảnh, cách đánh trống, ngắt nhịp...
Chèo vẫn được người dân yêu thích và học theo
Việc dạy hát chèo, diễn chèo được các địa phương trong tỉnh coi như một hoạt động trong công tác xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới. Các lớp dạy hát chèo thường được nhiều xã, tỉnh mở vào dịp nông nhàn được đông đảo các lứa tuổi hào hứng tham gia. Câu lạc bộ chèo được thành lập ở nhiều thôn làng.
Muốn nghe quan họ thì về Bắc Ninh, muốn nghe hát then tìm tới Cao Bằng, thử một lần nghe hò sông Mã thì qua Thanh Hóa, nhưng muốn nghe hát chèo thì về Thái Bình tìm đến làng chèo Khuốc. Nếu bạn là người yêu chèo, thích văn hóa truyền thống thì hãy đến Thái Bình để được nghe, được cảm nhận nhé!