Banner Movi

Ai về trẩy hội chùa Keo

Thứ tư, 16/01/2019, 15:42 GMT+7
Chùa Keo là một trong hai di tích Quốc gia đặc biệt của tỉnh Thái Bình. Lễ hội chùa Keo mùa xuân vào ngày mùng 4 Tết hàng năm luôn thu hút rất đông nhân dân trong tỉnh cùng du khách thập phương. Có điều gì đặc biệt trong lễ hội chùa Keo khiến người đi trẩy hội đông đến thế?
 

1. Trẩy hội chùa Keo ngắm Gác Chuông cổ kính


Tựa như tháp Rùa của hồ Hoàn Kiếm, Gác Chuông chùa Keo là điểm nổi bật nhất trong khu di tích chùa Keo. Gác Chuông chùa Keo được đánh giá là một trong những kiệt tác kiến trúc cổ xưa bằng gỗ lớn nhất của người Việt còn tồn tại đến ngày hôm nay, là tinh hoa của nghệ thuật kiến trúc điêu khắc Việt Nam thế kỷ XVII.  
 
Ai về trẩy hội chùa Keo…
Gác chuông Chùa Keo 
 
Trải qua gần 400 năm với sự biến thiên của thời gian, sự thay đổi của không gian, Gác Chuông chùa Keo vẫn tồn tại khá nguyên vẹn so với kiến trúc ban đầu với 3 tầng 12 mái dựng theo kiểu chồng diêm cổ, kết cấu gần 100 đầu voi, các đường nét chạm khắc uốn lượn mềm mại, tinh xảo và chính xác đến từng chi tiết. 
 
Gác Chuông chùa Keo cổ kính, trầm mặc, minh chứng rõ nét tài hoa của người Việt trong nghệ thuật điêu khắc chùa chiền. Trẩy hội chùa Keo mùa xuân, bạn sẽ được chiêm ngưỡng công trình kiến trúc điêu khắc độc đáo này.
 

2. Trẩy hội chùa Keo xem nổi lửa nấu cơm 
 

Các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian ở Thái Bình nhận định rằng trò thi nổi lửa nấu cơm có trong lễ hội chùa Keo mùa xuân cách đây mấy trăm năm, thời gian đất nước có chiến tranh, trò thi không được tổ chức và mới được phục dựng trong lễ hội chùa Keo những năm gần đây.
 
Ai về trẩy hội chùa Keo…
Thi nổi lửa nấu cơm trong lễ hội chùa Keo mùa xuân 

Xem thêm: Tour du lịch miền Bắc giá rẻ

Nổi lửa nấu cơm bắt nguồn từ thực tế ứng biến nhanh, hành quân thần tốc trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Không chỉ là một trò chơi, nổi lửa nấu cơm thực sự còn là trò diễn mang yếu tố nghi lễ tưởng nhớ công lao của cha ông ta ngày trước.
 
Thời gian cuộc thi khống chế trong vòng 3 hồi trống hoặc một trổ hát bắt đầu từ khi nổi lửa đến lúc hoàn thiện một nồi cơm chín. Sau hồi lệnh kết thúc cuộc thi, cơm của đội nào chín đều, mềm dẻo, thơm ngon thì đội đó thắng cuộc và nồi cơm của đội đó được lựa chọn là phẩm vật trình Thánh.
 
Ai về trẩy hội chùa Keo…
Ban Giám khảo chấm điểm trò thi nổi lửa nấu cơm tại lễ hội chùa Keo
 
Nổi lửa nấu cơm luôn là phần thi được trông đợi nhiều nhất trong lễ hội chùa Keo mùa xuân ở chùa Keo. Trẩy hội chùa Keo mùa xuân chắc chắn bạn sẽ được xem trò thi đậm màu sắc văn hóa cổ truyền này.
 

3. Du thuyền hát giao duyên
 

Thái Bình nổi tiếng là cái nôi của hát chèo. Hát chèo Thái Bình mộc mạc, giản dị mà chất chứa ân tình. Trẩy hội chùa Keo mùa xuân du khách sẽ được thưởng thức món “đặc sản tinh thần” của người Thái Bình. 
 
Những điệu chèo mượt mà được vang lên từ những nghệ sĩ chèo quê lúa chắc chắn là một trải nghiệm tuyệt vời với những người yêu thích văn hóa dân gian cổ truyền của dân tộc. 
 
Ai về trẩy hội chùa Keo…
Du thuyền hát giao duyên tại lễ hội chùa Keo mùa xuân 
 
Thái Bình không phải là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhưng là vùng đất chứa đựng nhiều nét văn hóa đặc sắc của đồng bằng Bắc Bộ. Các lễ hội ở Thái Bình luôn thu hút rất đông du khách thập phương. Xuân này, bạn nhớ trẩy hội chùa Keo để được mắt thay tai nghe những điều đặc biệt trong lễ hội này nhé!
Ảnh: Quỳnh Thanh
Quỳnh Thanh