Nếu bạn là một fan “ruột” của phim cổ trang Trung Quốc, chắc hẳn bạn đã từng nghe qua núi Võ Đang. Thật vậy, đây chính là nơi sản sinh ra những cao thủ Thái Cực Quyền Trung Quốc và nó cũng có ý nghĩa rất lớn về mặt tâm linh trong tín ngưỡng Đạo giáo của người Trung Quốc.
Thái Cực là một môn võ được nhiều người tu luyện
Chỉ cần lái xe khoảng 5 giờ từ đường cao tốc ở Vũ Hán là bạn đã có thể nhìn thấy dải núi Võ Đang từ đằng xa qua cửa kính ô tô. Núi Võ Đang tọa lạc tại thành phố Thập Yển, thuộc tỉnh Hồ Bắc. Ngọn núi này có chiều cao là 1.612 m và chu vi hơn 800 dặm. Tọa lạc tại độ cao như vậy, những ngôi chùa trên núi luôn được bao phủ bởi mây trắng, tạo ra khung cảnh huyền diệu và linh thiêng. Ngọn núi này đón 3 - 4 triệu lượt khách du lịch nội địa và quốc tế hàng năm.
Đây chính là nơi luyện võ của các đạo sĩ Đạo giáo và cũng là nơi khai sinh của Thái Cực Thần Công do Trương Tam Phong sáng lập. Thái Cực Thần Công là một môn võ lấy nhu khắc cương, lấy tĩnh khắc động, lấy yếu thắng mạnh được chia ra làm hai loại là Thái Cực Quyền và Thái Cực Kiếm.
Trương Tam Phong là một kỳ tài võ thuật thực sự
Võ Đang có 72 đỉnh núi nằm liền kề nhau. Ngay từ những năm đầu tiên của nhà Hán, ngọn núi này đã được xem là ngọn núi của Đạo giáo. Rất nhiều Đạo sĩ của Đạo giáo đã chọn núi Võ Đang để làm nơi học tập và tu luyện võ thuật. Tương truyền, Trương Tam Phong đã từng tu luyện trên núi Võ Đang, từ đó đó khai sinh ra Võ Đang quyền pháp, là một trong những môn phái võ thuật nổi tiếng nhất Trung Hoa. Vì thế, dân gian còn có câu lưu truyền cho đến tận ngày nay "Bắc tôn Thiếu Lâm, Nam sùng Võ Đang".
Ngày nay, quần thể công trình tại núi Võ Đang vẫn được gìn giữ khá nguyên vẹn. Đoạn đường dài 70 km từ chân núi đến đỉnh núi có đến 32 đền thờ Đạo giáo. Những đền thờ này chủ yếu được xây dựng theo kiến trúc thời nhà Nguyên, Minh, Thanh. Mỗi đền thờ đều ẩn chứa những nét đẹp riêng và chúng có thể được coi là sự kết hợp hài hòa giữa con người với thiên nhiên.
Nằm ở trên đỉnh cao nhất của núi Võ Đang, chính là Trúc Kim Điện. Công trình này được xây dựng vào năm 1416. Toàn bộ ngôi đền này được làm bằng đồng mạ vàng và nặng đến 405 tấn. Trải qua rất nhiều triều đại, với nhiều thăng trầm khác nhau, ngôi đền vẫn toát lên vẻ cổ kính và trầm mặc.
Trúc Kim Điện là một ngôi chùa cực kỳ nổi tiếng và lộng lẫy
Nằm ở gần đỉnh núi là Thái Hòa Điện. Đây là một đền thờ khổng lồ với rất nhiều căn phòng được lợp bằng ngói xanh liền kề nhau. Công trình này được mô phỏng theo Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh.
Thái Hòa Điện có cấu trúc rất giống với Tử Cấm Thành
Tử Tiêu Cung được xây dựng từ thời nhà Minh và được coi là trung tâm của Đạo giáo. Núi Võ Đang đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh, loạn lạc. Những đền thờ và chùa được xây dựng trên núi đã bị hư hỏng rất nhiều. Hoàng đế Vĩnh Lạc của thời nhà Minh đã bỏ ra một nguồn kinh phí khổng lồ để trùng tu và xây dựng tất cả những công trình tôn giáo của núi Võ Đang, trong đó có Tử Tiêu Cung. Ông còn thu hút rất nhiều tín đồ Đạo giáo từ Bắc Kinh cũng như những tỉnh thành khác ở Trung Quốc đến núi Võ Đang để tu luyện.
Cung Thiên Ất Chân Khánh được cho là nơi Huyền Thiên Thượng Đế tu luyện và thăng thiên. Ở phía bên ngoài, có rất nhiều tảng đá được khắc hình những con rồng dũng mãnh. Chúng được dùng làm nơi thắp hương, còn gọi là Long đầu hương. Khi đến đây, những du khách và tín đồ Đạo giáo thường thắp hương để tỏ lòng thành kính của mình đến các vị tiên của Đạo giáo.
Huyền Thiên Thượng Đế là một vị thần trong thần thoại Trung Quốc
Khi đến đây đến tham quan, những du khách không nên chỉ trỏ vào những bức tượng, cũng như không hỏi thăm về những thông tin cá nhân như tuổi, hay quê quán của những vị đạo sĩ. Nơi đây, người ta xây dựng rất nhiều những lối đi nhỏ, bạn nên tránh xa những lối đi này vì chúng không an toàn. Du khách cũng phải lưu ý nên mang theo áo khoác, bởi vì buổi tối ở đây nhiệt độ hạ xuống rất thấp. Du khách cũng không nên hút thuốc trong khu vực núi Võ Đang để giữ gìn sự tôn nghiêm cho khu vực này.