Nhiều người tò mò đến tham quan ngọn núi cầu vồng đẹp như tranh ở Peru đã không khỏi thất vọng khi nhận ra thực tế khác xa với ảnh trên mạng.
Vốn dĩ, ngọn núi này có tên là "Vinicunca", nằm trong vùng núi Ausangate, thuộc dãy Andes, Peru. Tuy nhiên, vì màu sắc đặc biệt, nơi đây dần được biết nhiều hơn với cái tên "núi Cầu Vồng". Ảnh: Getty.
Không có chuyến bay thẳng nên du khách phải đến thủ đô Lima của Peru rồi bay nối chuyến tới thành phố Cusco. Từ đây, du khách sẽ mất khoảng 3 tiếng đồng hồ để đi xe bus, hoặc tự lái xe đến một con đường mòn dẫn lên đỉnh núi. Để chinh phục nơi cao nhất của "núi Cầu Vồng", bạn cần trải qua quãng đường đi bộ dài tới 6 dặm (khoảng 9,6 km). Ảnh: Getty.
Để chinh phục "núi Cầu Vồng", bạn có thể tự đi bộ hoặc thuê ngựa từ người bản xứ. Theo thống kê chưa chính xác, đã có khoảng 500 người dân bỏ nghề để chuyển về vùng đất này, làm hướng dẫn viên du lịch cho khách. Giá trung bình họ đưa ra vào khoảng 3 USD/người, đem về khoản lợi nhuận 400.000 USD/năm. Ảnh: The New York Times.
Nếu bạn thắc mắc vì sao ngọn núi này có màu sắc kỳ lạ đến thế, thì đây là hai nguyên nhân chính: Thứ nhất là do công nghệ chỉnh ảnh và thứ hai là bởi điều kiện tự nhiên. Ảnh: Citta Nuova.
Với hashtag #rainbowmoutain, không khó để bạn tìm thấy những bức ảnh sặc sỡ như thế này. Tuy nhiên, đây chỉ là sản phẩm của việc chỉnh sửa ảnh, tăng sắc độ màu lên mạnh hơn so với thực tế. Điều này đã khiến không ít du khách khi đến "Vinicunca" cảm thấy thất vọng vì ngọn núi không đẹp giống ảnh mạng. Ảnh: @oktagon, @planetary_eye.
Hiện chưa có lý giải khoa học chính thức nào về nguyên nhân ngọn núi này mang nhiều màu sắc đến thế. Tuy nhiên, theo một giả thuyết được nhiều người công nhận thì xưa kia, "Vinicunca" từng bị bao phủ dưới lớp băng dày. Nhiệt độ ngày một ấm dần lên, băng tan chảy hòa lẫn với những khoáng thạch có sẵn trong đất đã tạo nên màu sắc như cầu vồng của ngọn núi. Ảnh: Getty.
Tạm thời bỏ qua những yếu tố liên quan đến chỉnh sửa ảnh, nhiều người từng đến "núi Cầu Vồng" đã rút ra kết luận điều kiện thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến vẻ đẹp của nó. Bạn không nên tới đây vào những ngày mưa. Thời điểm thích hợp nhất để tới đây chụp ảnh là ngay khi bình minh lên hoặc trước lúc mặt trời lặn. Ảnh: Kitchen Decor.
"Núi Cầu Vồng" đem đến một khoản thu nhập tương đối cho dân bản địa nhưng đồng thời, cách làm du lịch thiếu bài bản của họ lại đang tự giết chết "con gà đẻ trứng vàng" mình có. Ảnh: Getty.
John Widmer, một du khách người Mỹ từng đến đây vào năm 2017, đã có những kỷ niệm đáng quên. "Nơi đó giống như một bãi chiến trường của những người tò mò đến vì vài bức ảnh lung linh. Nhưng đó đều là những tấm hình đã qua chỉnh sửa chán chê rồi. Thậm chí, họ còn dùng cả hình một ngọn núi khác cũng như thế này ở Trung Quốc". Ảnh: UDN.
Cảnh quan thiên nhiên ngày càng bị hủy hoại nghiêm trọng do lượt du khách tăng đột biến nhưng chính quyền địa phương chưa có phương án xử lý. Theo New York Times, một đầm lầy từng là nơi ở của lũ vịt di cư nay đã bị san lấp để biến thành bãi đậu xe khổng lồ phục vụ khách tham quan. Ảnh: Travel The Whole World.