“Về xơi mắm cáy Hoành Nha – Hương thơm níu giữ người xa, người gần” . Đó là câu thơ về món mắm cáy ngon nức tiếng ở xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.
Cáy là một loài giáp sát chỉ có ở những vùng nước nhiễm mặn ven biển. Mỗi độ tháng ba về, khi lúa chiêm trổ đòng, mùa cáy rộ mẩy, bà con Hoành Nha gọi nhau đi câu. Mỗi người sắm lấy một cần câu bằng nứa dài chừng 2m, đoạn dây gai và vài ba con sâu khoai béo ngậy. Người câu cáy phải thật tỉ mẩn. Không được mặc đồ trắng, không được mang nón mũ, không câu được khi mặt trời lên cao, không được chạy rầm rập hoặc râm ran chuyện trò. Cứ lẳng lặng dò từng bước, thả mồi nhử trước cửa hang, chờ cho đến khi cáy quặp mồi thì nhấc cần, túm chặt, bỏ nhanh vào giỏ.
Loại cáy dùng để làm mắm cáy Hoành Nha
Loại cáy đỏ còng làm mắm là hợp nhất. Phần càng, đem giã nấu canh riêu chua, thức canh tẩm bổ cho người ốm mệt. Phần thân, bỏ yếm, để ráo, giã nhuyễn đến khi đặc quánh. Ước lượng ba cân cáy đi với một cân muối, trộn đều, cho vào vại sành và ủ kín lại. Độ mươi ngày sau, chọn ngày nắng trong, bưng hũ mắm ra phơi. Càng được nắng, mắm chín càng nhanh và thơm ngon. Trong thời gian chờ cho mắm ngấu, tiết chế thêm thính gạo và men rượu. Mùi thơm của thính, hương nồng của men rượu làm át đi mùi hôi của cáy, tạo hương thơm cho mắm khi thành phẩm.
Đặc sản mắm cáy Hoành Nha
Theo kinh nghiệm của các gia đình làm mắm lâu năm, để mắm thêm ngọt và óng ả màu cánh gián, hũ mắm sau khi chôn xuống đất chừng hai tháng phải đào lên, đem nấu sôi bùng, đảo liền tay, đổ ngay ra rá có lót lớp vải thưa để lọc xác cáy. Sau cùng, hạ thổ thêm lần nữa, để càng lâu mắm càng đậm đà.
Mắm cáy là thức chấm cho nhiều món ăn nhưng đặc biệt ngon với rau lang luộc. Những ngọn rau khoai lang mập mạp, xanh mướt được luộc chín tới chấm với mắm cáy pha chút tỏi, chút ớt tươi thì không gì thú vị bằng. Cái thức chấm dân dã, tinh nguyên là một phần ký ức, ám ảnh người xa quê.