Bến Tre nơi mà khi nhắc đến người ta nhớ ngay đến những hàng dừa xanh rợp bóng, những con sông dài đầy ắp cá tôm. Nơi đây nổi tiếng là vùng nhiều dừa và những sản phẩm được làm từ dừa cũng được khách thập phương quan tâm. Một trong những làng nghề làm bánh nổi tiếng của Bến Tre là Làng nghề bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc.
Bánh tráng, bánh phồng là loại bánh gắn liền với người dân Nam Bộ đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán, nhà nào cũng có ít nhất vài chục bánh phồng, và bánh tráng các loại để tiếp đãi khách khi đến nhà. Vậy loại bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc có thật sự ngon? Cùng tìm hiểu nhé!
Một góc vườn dừa ở Bến Tre
Nguồn gốc
Nguồn gốc Mỹ Lồng và Sơn Đốc là hai xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, tuy hai xã cách nhau khá xa tầm 30km nhưng luôn gắn liền với nhau khi nhắc đến. Hai địa điểm này còn được đưa vào thơ ca của các thi sĩ.Hai làng nghề này đã có từ rất lâu đời, nhưng không biết chính xác là khi nào, năm mấy. Có người nói đã hơn 100 năm khi nó bắt đầu là một nghề địa phương và phát triển dần sau này.
Bánh tráng được phơi trên phên khi vừa tráng xong
Bánh tráng Mỹ Lồng khi bắt đầu, nó nổi tiếng với loại bánh tráng dừa, ban đầu chỉ có khoảng vài hộ với cơ sở tại nhà sản xuất. Lúc bấy giờ, lò bánh ở đây chỉ sản xuất cho hộ gia đình, đề ăn, biếu và hoạt động chủ yếu và các dịp cuối năm, là dịp Tết. Nếu ai có nhu cầu làm bánh thì phải mang gạo, dừa khô, mè, đường, muối… đến lò để chủ lò làm, tiền công trả chủ lò tính theo số lít gạo chứ không bán theo chục bánh như bây giờ.
Bánh tráng được để trên phên dừa và phơi nắng
Nếu Mỹ Lồng nổi tiếng với bánh tráng thì Sơn Đốc lại nổi tiếng với món bánh phồng thơm ngon đậm vị của nước cốt dừa hòa quyện với vị của nếp. Các lò bánh phồng trước đây đều phải làm thủ công là dùng cối quết bánh bằng chân và cán bánh bằng tay, làm được mẻ bánh ngon hầu như người làm bánh phải thức cả đêm cho kịp phơi buổi sáng.
Cách làm bánh
Cách làm bánh ngon của người Bến Tre Bánh tráng Mỹ Lồng ngon nhờ khâu chọn nguyên liệu. Theo nhiều người thợ lành nghề kể lại loại gạo để làm bánh là gạo sỏi một giống gạo đặc biệt ở Trà Vinh. Nguyên liệu phụ như đường, muối, mè phải được cân theo đúng định lượng mới làm được mẻ bánh ngon. Phần bánh tráng Mỹ Lồng có được thương hiệu như ngày hôm nay được cho là bí quyết ở phần nước cốt dừa béo ngậy của quê hương xứ Dừa. Dừa trồng trên đất Mỹ Lồng nước rất ngọt, thịt cơm dừa đặc, nhiều chất béo hơn dừa ở vùng khác. Nước cốt dừa sau khi ép, cho vào nồi đun sôi, để lửa liu riu cho thật sệt, tiếp theo trộn cùng gạo rồi cho vào máy xay xay thành bột.
Ngày xưa thì xay bằng cối đá truyền thống cối này rất nặng nhưng gạo xay ra rất mịn, bây giờ có thể cho vào máy xay để nước cốt dừa ngấm đều cùng với bột với nước. Công đoạn tráng bánh rất quan trọng phụ thuộc nhiều vào tay nghề của người thợ, đa phần công đoạn này do phụ nữ làm vì sự khéo léo của phụ nữ Miền Tây. Bánh tráng xong được trải đều lên phên dừa, sau đó đem phơi nắng. Nếu đến tận lò du khách có thể thưởng thức món bánh vừa tráng xong vị béo thơm ngậy khó nơi nào có được.
Người Thợ đang tráng bánh
Bánh phồng Sơn Đốc được làm từ nếp, loại nếp thơm dẻo của vùng Bến Tre và dừa dùng để lấy nước cốt là dừa mới khô. Nếp mua về phải ngâm trong nước vài tiếng đồng hồ để nếp mềm, vo sạch rồi hấp cách thủy cho đến khi nếp chín. Khi nếp vừa chín tới thì bỏ nếp vào cối xay cho hòa quyện chung lại với nhau. Sau khi bột được trộn đều và nhuyễn với nước cốt dừa thì bắt đầu khâu cán bánh. Đây là khâu quan trọng phải thật khéo léo để bánh tròn đều và mỏng khi nướng sẽ ngon hơn. Cán xong bánh sẽ được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, nếu được nắng bánh phồng phơi khoảng nửa ngày đã khô.
Bánh phồng cũng được phơi nắng cho khô
Ăn bánh như thế nào?
Cách ăn truyền thống của bánh tráng và bánh phồng đó là nướng, nhưng ít ai biết bánh tráng có thể ăn sống, người Bến Tre hay nhúng bánh tráng vào nước cho bánh mền rồi ăn sống. Một số loại bánh phồng ngày nay có thể ăn sống như: bánh phồng mì, bánh phồng sữa. Đối với bánh nướng đòi hỏi người nướng phải tỉ mỉ, khéo tay trở đều bánh vì bánh mỏng nếu không trở bánh dễ bị khét khi nướng.
Bánh phồng mì nướng
Khi nướng bánh còn nóng người ta hay bẻ bánh gấp đôi lại để dễ bỏ vào túi mà bảo quản. Nếu giữ bánh không kỹ bánh sẽ rất dễ bị mềm. Ngày Tết, có nhiều loại bánh mứt, một trong những món mứt ăn kèm bánh tráng đó là mứt đu đủ gừng. Cái giòn, béo của bánh tráng hòa quyện vào vị ngọt và cay của đu đủ, gừng sẽ làm thực khách ăn đến không thể dừng lại.
Bánh tráng nướng thơm ngon
Bến Tre vùng đất nhỏ của Đồng bằng Sông Cửu Long nhưng chất chứa biết bao hương vị ngọt bùi của đất, của dừa làm người đi nhớ mãi. Làng nghề bánh Tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc ở Bến Tre là nơi lưu giữ và phát huy nét đẹp về con người về cây dừa của quê hương Bến Tre. Nếu có dịp hãy đến Bến Tre và nếm thử món bánh béo thơm nổi tiếng này nhé!