Hình dáng bánh không giống loại bánh nào. Bánh có hình nón, đáy vuông, sắc cạnh, nhọn lên tới đỉnh. Dân gian Bình Định cũng đã lấy hình ảnh chiếc bánh ít để đặt tên cho tháp Bánh Ít (niên đại cuối thế kỉ XI đầu thế kỉ XII).
Bánh ít có nguồn gốc từ Bình Định, sau phát triển rộng khắp vùng ven biển miền Trung. Tuy nhiên bánh ít lá gai Bình Định vẫn mang một nét rất riêng khó có thể nhầm lẫn, xét về độ ngon, sự nổi tiếng, cách làm bánh đa dạng và phổ biến trong dân chúng thì bánh ít lá gai Bình Định phải đứng đầu.
Việc trồng cây gai rất phổ biến ở các làng quê Bình Định. Người phụ nữ quê trước đây, thường ai cũng biết làm bánh ít lá gai, món bánh bắt buộc phải có và sử dụng rất nhiều trong đám giỗ, hiếu hỷ. Khách ăn giỗ xong khi ra về đều được chủ nhà tặng vài chiếc bánh ít làm quà. Để cho ra đời một mẻ bánh ít lá gai ngon phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo và tỉ mỉ.
Để làm bánh cần phải có đủ các nguyên liệu cần thiết: lá gai, lá chuối, gạo nếp, đường, đậu, dừa. Thành phần làm nên đặc trưng của bánh là lá gai, đầu tiên là phải tìm được lá gai hơi sần, xốp, khô, ngắt bỏ cuống lá, rửa sạch, luộc chín, để thật ráo nước, giã bằng cối, rồi vắt lấy nước để trộn với bột nếp. Công đoạn giã mất nhiều thời gian, phải giã lâu và nhuyễn như bột. Lá gai giúp cho bánh có màu xanh đen và mang lại hương vị chát rất đặc trưng.
Nguyên liệu quan trọng là gạo nếp, muốn có loại bột nếp dẻo, thơm, phải chọn loại gạo nếp mới ngon, nguyên, không gãy và còn thơm hương lúa mới thì bánh mới dẻo mới ngon. Vo gạo thật sạch, ngâm trong nước vài giờ cho hạt gạo nếp mềm, vớt ra và xay nhuyễn cùng với lá gai và một ít muối. Sau khi xay xong thì đăng khô bột bằng cách cho bột nếp vào trong một chiếc túi vải, buộc chặt lại dùng một phiến đá nhỏ đè lên bên trên để nước trong thoát ra ngoài, chỉ còn lại phần bột nếp. Khi bột vừa đủ ráo, lấy ra, ngào bột nhiều lần cho thật dẻo rồi chia thành từng khóm nhỏ vừa đủ làm một cái bánh.
Ông bà thường căn dặn con cháu: Con gái Bình Định không biết làm bánh ít lá gai thì chưa thể làm dâu nhà chồng. Làm nên chiếc bánh phải kỳ công, vất vả cùng với sự khéo léo, thành thục. Và trong ca dao Bình Định từ xa xưa cũng đã lưu truyền:
‘‘Muốn ăn bánh ít lá gai
Lấy chồng Bình Định cho dài đường đi”.
Nghề làm bánh ít lá gai vẫn duy trì được cho đến ngày nay là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực Bình Định, bởi không chỉ đơn thuần là một nghề, bánh ít lá gai còn thể hiện vẻ đẹp tình cảm của người dân nơi đây dành tặng cho nhau, sự khéo léo của bàn tay con người, hương vị ngon ngọt của bánh mang đậm biểu trưng cho đặc sản của vùng đất võ trời văn.