Banner Movi
DÒNG SỰ KIỆNruộng bậc thang Y Tý

Bánh dày người Mông - món ăn cổ truyền của người miền núi phía Bắc

Thứ sáu, 23/02/2024, 15:00 GMT+7
Bánh dày người Mông là món ăn có từ lâu đời, được bà con vùng núi phía Bắc lưu truyền và giữ gìn tới tận ngày nay. Ghé thăm các tỉnh Tây Bắc dịp xuân sang, bạn sẽ có cơ hội thưởng thức thứ đặc sản dẻo thơm này. 
quảng cáo

Bánh dày không phải món ăn xa lạ với bất kỳ ai nhưng để thưởng thức vị chuẩn ngon thì phải ghé vùng Tây Bắc nước ta. Ở đây bánh dày người Mông chinh phục được cả những vị khách khó tính nhất. 
 

1. Bánh dày người Mông – đặc sản dịp lễ hội của người vùng núi cao


1.1. Xuân Tây Bắc không thể thiếu bánh dày 

Bánh dày trong tiếng Mông được gọi là “Pé- Plẩu”, không chỉ là món ăn quen thuộc trong đời sống thường ngày của người Mông mà còn có ý nghĩa tâm linh to lớn. Với người Mông, bánh dày tròn trịa tượng trưng cho Mặt trời, Mặt trăng, sinh sôi ra muôn loài cỏ cây và con người trên Trái Đất. 

 

Bánh dày người Mông là món ăn truyền thống từ bao đời này trên vùng núi Tây BắcBánh dày người Mông là món ăn truyền thống từ bao đời này trên vùng núi Tây Bắc. Ảnh: CafeF

Không chỉ vậy, bánh dày Tây Bắc còn là biểu tượng cho tình yêu son sắt, thủy chung của tình yêu đôi lứa. Bởi vậy, người Mông thường làm bánh dày trong các lễ hội ngày xuân, các dịp Tết quan trọng hoặc làm quà cho khách đến chơi nhà. 

Chẳng ai biết bánh dày người Mông có từ bao giờ, chỉ biết rằng, từ thế hệ này tới thế hệ khác đã lưu truyền món bánh này. Khi Tết đến xuân về, người Mông lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ và tất nhiên không thể thiếu bánh dày. Họ còn quan niệm rằng ngoài rượu và thịt, nếu nhà nào không có bánh dày thì năm đó không có Tết. Nhiều nhóm người Mông còn có phong tục làm bánh dày thật to để trên mâm hoặc mẹt để lên bàn thờ cúng tổ tiên.

 

Bánh dày người Mông có kích thước to, trắng tinh và dẻo thơmBánh dày người Mông có kích thước to, trắng tinh và dẻo thơm. Ảnh: VOV

Bánh dày được gia chủ dâng lên tổ tiên để mời tổ tiên về ăn tết cùng con cháu cũng như mong cầu sang năm mới phù hộ cho gia đình mùa màng bội thu, mạnh khỏe, bình yên. Bánh dày người Mông được nướng để dán giấy lên dụng cụ lao động bày tỏ lòng biết ơn một năm đã đồng hành cùng gia đình tạo nên của cải cũng như giúp gia chủ an toàn, tránh bị thương khi sử dụng dụng cụ.

 

Bánh dày người Mông thường được dùng vào dịp lễ, Tết, hội xuân...Bánh dày người Mông thường được dùng vào dịp lễ, Tết, hội xuân... Ảnh: Báo Dân tộc và Phát triển

Không chỉ vậy, họ còn cắt bánh dày để dán giấy mới thay thế những miếng giấy cũ trên thanh sà ngang của nhà, đồ dùng trong nhà, chuồng gia cầm, gia súc nhằm cầu dẹp bỏ những xui xẻo của năm cũ, mong muốn một mùa màng bội thu, công việc thuận lợi, sinh sôi nảy nở. 

Đến ngày nay, bánh dày Tây Bắc không chỉ trong khuôn khổ gia đình mà trên vùng cao phía Bắc còn có những cuộc thi giã bánh dày trong dịp xuân sang, tạo nên không khí vui tươi, sôi động dịp năm mới.  

 

Bánh dày người Mông tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời và tình yêu son sắtBánh dày người Mông tượng trưng cho Mặt trăng, Mặt trời và tình yêu son sắt. Ảnh: DulichLaocai

Bánh dày người Mông có hình tròn, to hơn bánh dày của miền xuôi, dẹt, mịn màng, màu trắng và không có nhân. Hương vị của loại bánh dày này không quá khác biệt với bánh dày người Kinh nhưng thực sự vẫn mang trong mình một đặc trưng quen thuộc của núi rừng. 

>>Xem thêm5 món ngon Việt Nam do Michelin gợi ý nhất định phải thử

1.2. Cách làm bánh dày của người Mông 

Cách làm bánh dày người Mông như thế nào? Các nguyên liệu chính cho món bánh dày này gồm: Gạo nếp, lá xôi tím, hạt vừng, lá dong hoặc lá chuối dùng gói bánh. Đây đều là những nguyên liệu quen thuộc với người Mông, họ có thể tìm trong núi rừng và tự chế biến. 

 

Các công đoạn làm bánh dày người Mông đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léoCác công đoạn làm bánh dày người Mông đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo. Ảnh: Vietnam+

Mọi công đoạn, từ chọn nguyên liệu tới khẩu giã bánh đều rất tỉ mỉ. Gạo nếp nương dẻo và thơm, sau khi được vo sạch sẽ ngâm nước ấm trong 12 giờ. Thông thường, người Mông sẽ ngâm gạo từ đêm hôm trước, sau đó, vớt gạo ra để ráo nước. Chỗ để gạo giống như chõ đồ xôi bình thường nhưng được làm bằng gỗ giúp gạo sau khi chín vẫn giữ được hương thơm và không bị nát. Trong cách làm bánh dày người Mông, công đoạn đồ xôi hết sức quan trọng. Họ phải đun trong nhỏ lửa và phải thật đều lửa trong vòng một tiếng. 

 

Gạo được cho vào chõ đồ xôi đun trên bếp than lửa nhỏ, hồng rực rồi mới thành bánh dày người MôngGạo được cho vào chõ đồ xôi đun trên bếp than lửa nhỏ, hồng rực. Ảnh: Dân Việt

Ngay khi vừa chín, bánh dày người Mông phải được giã luôn trên cối hình máng làm từ thân gỗ thớ mịn, rất chắc chắn, khoét rỗng phần ruột. Chày giã bánh làm từ gỗ nặng, cứng, khó gãy. Xôi được giã thật nhuyễn. Công việc này đòi hỏi sức khỏe và cả kỹ thuật cao. Giã bánh càng kỹ thì bánh sẽ càng dẻo, thơm ngon và để được lâu hơn. Bởi vậy, những người giã bánh thường là đàn ông, thanh niên trai tráng, lực lưỡng. 

 

Công đoạn giã bánh dày người Mông đòi hỏi đôi tay rắn chắc, sức khỏe tốt của người đàn ôngCông đoạn giã bánh dày người Mông đòi hỏi đôi tay rắn chắc, sức khỏe tốt của người đàn ông. Ảnh: TTXVN

Giã luân phiên, khi nào mệt sẽ có người khác thay thế. Bánh được giã đến khi mịn và dẻo quánh là xong. Sau đó, công đoạn nặn bánh lại đòi hỏi đôi bàn tay khéo léo, mềm mại của người phụ nữ. Bánh giã xong phải nặn ngay, nếu để nguội thì không nặn được nữa. 

 

Bánh dày người Mông được giã trên cối làm từ thân gỗ rắn chắcBánh được giã trên cối làm từ thân gỗ rắn chắc. Ảnh: TTXVN

Một mẹo dân gian được người Mông truyền tai nhau, khi nặn bánh, tránh cho bánh dính tay, người ta sử dụng lòng đỏ trứng gà xoa vào lòng bàn tay. Lá gói bánh hơ qua lửa cho bền, khỏi rách. 

 

Tiếp theo là công đoạn nặn bánh dày người Mông với đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữTiếp theo là công đoạn nặn bánh với đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ. Ảnh: TTXVN

Khi ăn bánh dày người Mông được nướng trên bếp than cháy hồng hoặc cắt thành miếng nhỏ cho vừa miệng rồi rán phồng. Bánh dày rất thơm, ngon nhất vẫn là khi ăn nóng, vừa dẻo vừa mềm, đặc biệt phảng phất hương thơm của lá dong rừng, một loại lá quen thuộc của vùng núi Tây Bắc. Bánh rán lên có thể chấm mật ong rừng, mật mía để tăng thêm hương vị. Người ta có thể ăn bánh dày hoài mà không biết chán. 
 

1.3. Thưởng thức bánh dày ở đâu?

Lên vùng núi phía Bắc dịp đầu năm, bạn có thể dễ dàng thưởng thức món bánh dày truyền thống này. Thậm chí, người dân Tây Bắc còn tổ chức cuộc thi giã bánh dày. Tiếng gỗ liên hoàn giã xuống vang lên xen lẫn với tiếng người cười nói, hân hoan, tạo không khí vui tươi của mùa xuân lan tỏa khắp núi đồi. 

 

Trong các lễ hội mùa xuân của Lai Châu có cuộc thi giã bánh dày người MôngTrong các lễ hội mùa xuân của Lai Châu có cuộc thi giã bánh dày người Mông. Ảnh: Báo Văn hóa 

Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) là điểm đến không thể bỏ qua nếu muốn ăn thử bánh dày người Mông. Người ta thường chỉ biết đến Mù Cang Chải vào mùa lúa chín, những thửa ruộng bậc thang thay lớp áo mới vàng óng ả. Ít ai biết rằng, để tìm hiểu nét văn hóa đặc trưng của người đồng bào, mùa xuân chính là thời gian lý tưởng. 

Mùa xuân ở Mù Cang Chải có hoa cải vàng ươm, hoa mai anh đào rừng hồng phấn lãng mạn cùng những lễ hội sôi động. Người dân nơi đây rất thân thiện và mến khách, khách du lịch Yên Bái có thể trò chuyện, nghe họ kể về ngày Lễ Tết, về món ăn truyền thống... 

 

Cứ lên vùng núi Tây Bắc dịp Tết đến xuân sang, bạn sẽ được thưởng thức bánh dày người MôngCứ lên vùng núi Tây Bắc dịp Tết đến xuân sang, bạn sẽ được thưởng thức bánh dày người Mông. Ảnh: Báo Văn hóa

Hội xuân chào đón năm mới của người Điện Biên cũng thu hút đông đảo khách du lịch thập phương. Tại huyện Điên Biên Đông, hội xuân được khai mạc từ ngày Mùng 1 Tết có rất nhiều cuộc thi như chọi bò, biểu diễn trang phục dân tộc, tiếng khèn Mông, giã bánh dày... Trong đó, thi giã bánh dày là một trong những nội dung chính, tập trung bà con dân tộc Mông ở khắp bản làng trong huyện tham gia. 

 

Bánh dày người Mông đặc sản để thiết đãi khách thăm nhàBánh dày người Mông đặc sản để thiết đãi khách thăm nhà. Ảnh: TTXVN

Sau khi hòa mình vào lễ hội xuân rộn ràng ở Điện Biên, thưởng thức món bánh dày người Mông ngon miệng, khách du lịch đừng quên ghé thăm rừng hoa ban – một loài hoa biểu tượng của vùng đất Điện Biên. Khu hầm Đờ Cát, chùa Linh Quang, xã Thanh Minh... ở TP Điện Biên Phủ hay cung đường di chuyển từ huyện Mường Chà sang huyện Mường Nhé... đều có hoa ban nở trắng trời. Vùng núi Lai Châu, Lào Cai... cũng là địa chỉ để du khách khám phá món ăn truyền thống và ngắm cảnh mùa xuân tuyệt đẹp. 
 

2. Đặc sản Tây Bắc nhất định phải thưởng thức


2.1. Bánh chưng đen 

Cùng với bánh dày, bánh chưng đen cũng là linh hồn ẩm thực của Tây Bắc, được bà con sử dụng trong các dịp lễ, Tết đến xuân sang hay Tết Thanh minh. Để làm ra bánh chưng đen ngon chuẩn vị chẳng phải điều dễ dàng. Người làm bánh cần hết sức khéo léo mới tạo nên được món bánh có màu đen lạ, mùi thơm gạo nếp đặc trưng kết hợp vị ngậy bùi của đậu xanh, thêm thịt mỡ và chút tiêu cay nồng. 

 

Bánh chưng đen cũng là món ăn lâu đời như bánh dày người MôngBánh chưng đen cũng là món ăn lâu đời như bánh dày người Mông. Ảnh: tasty

Nguyên liệu để làm bánh cũng khá giống với bánh chưng ở miền xuôi. Tuy nhiên, thay vì màu xanh lá cây, bánh chưng người Tây Bắc có màu đen bởi bột than núc nắc. Kích thước bánh to hay nhỏ tùy vào thói quen mỗi gia đình. Khác với bánh dày người Mông, bánh chưng đen thường được nấu từ 10 – 12 tiếng mới thành phẩm. 


2.2. Thịt trâu gác bếp

Thịt trâu gác bếp là đặc sản của bà con Tây Bắc, được làm từ phần thịt bắp, thịt thăn trâu bỏ gân, sau đó ướp các loại gia vị núi rừng như hạt dổi, mắc khén, ớt khô... Sau đó, thịt được đem phơi nắng cho héo khô trước khi gác bếp. Sức nóng của lửa và khói bếp giúp thịt trâu khô và cứng lại. Khi ăn, người ta thường chấm cùng một loại chẩm chéo độc đáo. 

 

Cùng với bánh dày người Mông, Thịt trâu gác bếp thơm ngon đặc trưng núi rừng Tây BắcThịt trâu gác bếp thơm ngon đặc trưng núi rừng Tây Bắc. Ảnh: Traveloka

Thịt trâu gác bếp có giá thành khá cao nhưng ăn cực ngon và chất lượng. Xé từng miếng thịt, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngon ngọt của thịt, vị cay nhè nhẹ của ớt và nước chấm... Ăn đến đâu gây thương nhớ đến đấy. Thịt trâu gác bếp bảo quản được khá lâu. Nếu có dịp lên Tây Bắc, bạn sẽ thấy trong góc bếp nhà nào cũng có món này.

Trên đây là thông tin về bánh dày người Mông cho bạn và gia đình tham khảo. Theo dõi Du lịch Việt Nam để cập nhật thêm nhiều món ăn mới cùng kinh nghiệm vi vu hữu ích trong chuyến đi tiếp theo của mình nhé. 

Yến Yến 

quảng cáo
Chia sẻ:
close
icom
Bình luận
Ý kiến bạn đọc (0)