Banner Chuyến Bay Hồi Hương
Banner Movi
Campuchia

Trốn nóng trong “Thành phố ma"

Thứ bảy, 22/06/2019, 10:15 GMT+7
Cứ tưởng chạy ra khỏi TP.HCM là thoát được cái nóng đang ở mức trên 350 C rất “ kinh hoàng” đầu Hè này; ai dè, trên đất nước Campuchia láng giềng, nắng còn nóng dữ dội hơn. Lật quyển cẩm nang hướng dẫn du lịch Campuchia ra xem, càng… tá hỏa: Tháng 3- 4 là thời điểm nóng nực nhất ở đất nước Chùa Tháp - một xứ sở được xem là… không có mùa Đông

 Lối vào “Thành phố ma”
 Lối vào “Thành phố ma” 
 
Vậy mà thật lạ “mùa Hạ vàng” này, du khách từ nhiều nơi trên thế giới vẫn cứ đổ đến “xứ không có mùa Đông”. Nghe đâu, chỉ riêng từ TP.HCM mỗi ngày có đến hàng chục chuyến xe qua Phnom Penh, chưa kể các đoàn khách du lịch của các hãng lữ hành đi theo tour. Có dư luận cho rằng người ta ào ạt sang Campuchia là để thoả mãn máu “đỏ đen” trong các khu casino lộng lẫy, hoạt động công khai và chiều chuộng “thượng đế” đến hết mình. Nhưng chắc không chỉ vậy, vì ngoài kỳ quan thế giới Angkor Wat, Angkor Thom (mà người Việt mình hay gọi là Đế Thiên, Đế Thích) ở Siem Reap là “điểm đến số 1” trên đất nước Campuchia, những bãi biển xanh mát với cách phục vụ thân thiện, cởi mở ở Sihanuokville lôi cuốn, hấp dẫn du khách như là... “điểm đến thứ 2”. Và gần đây hơn, lại có thêm Cao nguyên Bokor là một điểm đến mới được chào mời rất rôm rả trên nhiều trang quảng bá các tour du lịch đến Vương quốc Campuchia.
 
Nhà thờ hoang phế tường bám rong đỏ
Nhà thờ hoang phế tường bám rong đỏ
 

“Động” tu luyện bùa phép

 
Nằm trên độ cao 1080m so với mực nước biển, Cao nguyên Bokor (nay là công viên quốc gia Bokor Monivong) có diện tích trên 1.500km2 thuộcKampot, một tỉnh vùng biển nhưng đồng thời cũng là vùng đất trồng các loại cây ăn trái nổi tiếng nhất Campuchia. Kampot được mệnh danh là “vương quốc trái cây” của xứ Chùa Tháp. Trong đó sầu riêng Kampot ngon ăn đứt sầu riêng Thái Lan. Giữa trung tâm tỉnh lỵ Kampot có hẳn tượng đài biểu tượng mâm trái cây, trong đó có trái sầu riêng to chần dần. Thực ra từ rất lâu đời, Bokor đã được người dân Nam kỳ lục tỉnh biết đến với tên gọi Tà Lơn. Núi Tà Lơn với những hang động thâm u, kỳ bí đã tạo dựng nên vô số truyền thuyết hoang đường về những nhân vật hảo hán, giang hồ, đạo giáo của Việt Nam đã lặn lội sang tận đây để luyện bùa chú, học võ gồng… Ngoài tướng cướp khét tiếng Đơn Hùng Tín, nhiều võ sư, thầy pháp nổi tiếng một thời ở miền Tây cũng hay vỗ ngực tự xưng là đã có 10, 20 năm “tu luyện trên núi Tà Lơn”. Do đó trong tâm tưởng nhiều người, Tà Lơn là một địa danh xa xôi, bí hiểm.
 
Thực ra Tà Lơn cách Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang của Việt Nam chỉ khoảng 100km. Mấy năm nay, các công ty du lịch An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang cùng các tổ chức du lịch hành hương ở TP. HCM thiết kế tour Cao nguyên Bokor bao giờ cũng có chương trình đưa khách đến viếng chùa Sampow Pram (tức chùa 5 thuyền). Ngôi chùa linh thiêng trên núi Tà Lơn hiện do một nhà sư gốc Việt chủ trì được Vua Sisowath Monivong cho khởi dựng vào năm 1924 nhưng lại gắn với truyền thuyết lịch sử Bokor. Theo đó : “Thuở xưa, hoàng tử Preak Thong chán nản cảnh lục đục trong hoàng gia bèn bỏ cung đình…đi bụi. Một sáng, đang dạo chơi trên bờ biển, hoàng tử bất ngờ gặp công chúa Thủy Cung Nagagi xinh đẹp làm chàng… chết mê chết mệt, nên xin với Long Vương được cưới nàng làm vợ. Của hồi môn là 5 chiếc thuyền khổng lồ chở đầy bạc vàng, châu báu cùng 500 gia nhân. Sau lễ cưới đôi tân lang và tân giai nhân này quyết định neo thuyền và chọn Bokor làm vương quốc riêng. Bất ngờ một trận sóng thần vươn cao và khi nước biển rút đi, 5 chiếc thuyền vẫn ở lại và hóa thành đá, giống như hình dáng hiện nay để mọi người đến chiêm bái”.
 
Người Việt mình gọi Sampow Pram là chùa Năm Thuyền và gọi Bokor là Tà Lơn là như vậy. Theo tiếng Khmer, Bokor là… bướu bò. Quả thật nhìn từ xa ngọn núi này nổi lên một cục u giống y chang cái bướu của con bò đang hăng máu chạy đua.
 
Các ngôi nhà phế tích
Các ngôi nhà phế tích
 

“Thành phố ma” hồi sinh

 
Trời ngoài quốc lộ đang nóng hầm hập, vậy mà rẽ vào con đường tráng nhựa phẳng phiu giữa những thảm hoa rực rỡ để vào cổng Công viên quốc gia Bokor thời tiết gần như thay đổi hẳn. Mát mẻ đến khó ngờ. Ngồi xe chạy theo con đường ngoằn ngoèo toàn dốc ngược dài đến 30km lên tận…”bướu bò” mà lâng lâng cảm giác sảng khoái vì cảnh vật hai bên đường quá đỗi xanh tươi, thỉnh thoảng còn lấp lửng, chờn vờn những làn mây trắng. Càng lên cao trên Cao nguyên Bokor càng nghĩ và thán phục các nhà thám hiểm Pháp đã bỏ bao công sức để khám phá ra những Đà Lạt, Sa Pa, Tam Đảo, Bà Nà, Bạch Mã…ở Việt Nam, Boloven, Pắcson…ở Lào và Bokor này ở Campuchia.Tuy rằng mục đích của việc làm này chỉ nhằm tạo ra nơi nghỉ mát, du hí cho tầng lớp thống trị. Bokor với khí hậu mát mẻ quanh năm và chỉ nằm cách biển 12km cũng đã được Toàn quyền Pháp ở Đông Dương và Vua Sisowath Monivong của Cao Miên cho xây dựng thành khu vui chơi, nghỉ dưỡng của Hoàng gia và quan chức thượng lưu Pháp vào năm 1917. Từ cái “bướu bò” hoang vu với hơn 900 phu phen, thầy thợ bỏ xác, 8 năm sau Thansur Bokor đã hình thành đầy đủ một quần thể kiến trúc tân kỳ như : khách sạn, nhà hàng, bưu điện, trường học, nhà thờ... đặc biệt là French Palace Casino vô cùng lộng lẫy.

Thế nhưng sau đó, số phận của Bokor dù có được Mỹ hoá thành Bokor Hill Station cũng giống như Đế Thiên, Đế Thích (Angkor Wat, Angkor Thom) bị chìm vào quên lãng, do chiến tranh rồi tiếp đó là nạn diệt chủng. Cả một khu biệt điện sang trọng và quý phái không còn một bóng người. Họa hoằn lắm nhắc đến Bokor, người ta gọi đó là “Thành phố ma”. Bước vào đầu thế kỷ 21, mà cụ thể là vào năm 2002, “Thành phố ma” được các nhà làm phim chọn làm bối cảnh cho bộ phim City of Ghosts và 2 năm sau là bộ phim RPoint. Qua đó thiên hạ bắt đầu chú ý tới Bokor, nhưng phải đến năm 2012 Bokor mới thực sự được hồi sinh bằng việc xuất hiện một khu phức hợp nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp do Tập đoàn Sokimex của Oknha Sokung, người Khmer gốc Việt làm chủ đầu tư với nỗ lực cho… tái hiện French Palace Casino Resort và khách sạn Thansur Bokor 4 sao nằm cạnh các phế tích hoang tàn chỉ mới 88 năm mà tưởng chừng rất cổ xưa. Có lẽ một phần do khí hậu, thời tiết và ánh sáng ở Bokor luôn thay đổi bất thường. Nắng vàng đang rực rỡ đó bỗng trong phút chốc vần vũ mây bay. Đen thui và vươn cao nhất là tháp nước thế mà rất ít khi lộ rõ hình hài, nếu không bị mây che mất thì cũng nhập nhòa, lãng đãng trong màn sương trắng. Du khách bước vào “Thành phố ma” tức là đi trong mây khói mà dưới chân và những bức tường đá chung quanh thì khô, ướt thật bất thường. Không hiểu sao cổ thành ở nhiều nơi thường bị bao phủ bởi lớp rêu xanh, còn tường những lâu đài phế tích ở trên đỉnh Tà Lơn này phủ đầy loài rêu đỏ nhìn thật ma quái.
 
Nếu không mê cờ bạc mà cũng không có máu hoài cổ, du khách cũng cứ đến Cao nguyên Bokor. Trời nắng nóng mà lượn lờ giữa ngàn mây và“bơi lội“, thậm chí… “tắm mây” là một trải nghiệm nhớ đời.
Hạ Quyên
Theo Báo Du Lịch