Wroclaw nhỏ bé nép mình giữa một Châu Âu hoa lệ. Du khách đến nơi đây đầu tiên là bỡ ngỡ, sau đó là ngạc nhiên và chìm đắm trong muôn vàn cảm xúc. Một thành phố Wroclaw cổ kính đầy mộng mơ như phim hoạt hình Disney, thừa sức đốn tim bất kỳ ai lỡ bước ghé sang.
Nằm ở Ba Lan, thành phố Wroclaw dịu dàng, thanh thoát như một cơn mơ. Anh du khách Châu Á lỡ hẹn đủ đường, một phần do thay đổi múi giờ, một phần do mệt mỏi sau chuyến bay đêm, mà hành lý lạc trôi đâu cũng không nhớ. Cuối cùng thì cũng kéo được vali ra khỏi phi trường.
Cảm giác đầu tiên là thấy bản thân như zombie. Nắng dịu dàng chiếu vào đôi mắt còn ngái ngủ, chưa thích nghi kịp. Tới khi nhận ra thì đã thấy thành phố Wroclaw trước mặt. Từng mảng hình khối, góc cạnh của vài block nhà cổ cứ thế hiện dần dưới mỗi bước chân. Đẹp đến ngỡ ngàng. Bất chợt tôi đưa tay nhéo má xem có phải mình còn mê ngủ hay chăng. Đâu phải tự nhiên mà Wroclaw ẵm giải điểm đến best nhất Châu Âu năm 2018.
Một góc phố Wroclaw bình yên
Bụng tôi cứ réo như chuông báo thức. Vậy là đành ghé ngang qua quán Di Dinette. Nơi đây chuyên phục vụ bữa sáng và nước ép trái cây. Điểm trừ duy nhất là khó tìm quá vì quán nằm trong một trung tâm mua sắm. Quán cực kỳ thân thiện, nụ cười luôn nở trên môi mọi người. Thật ra một người bạn là tín đồ ẩm thực Ba Lan đã chỉ tôi đến đây. Còn gì tuyệt hơn một buổi sáng với bánh mì nóng hổi, do chính quán làm vừa ra lò với trái cây tươi thơm ngát.
Thành phố Wroclaw có tên phiên âm tiếng Việt là Vrot-slap, thủ phủ của tỉnh Dolnośląskie ở Tây-Nam Ba Lan, nằm bên sông Odra. Đây là một trong những thành phố đáng sống nhất Châu Âu. Kiến trúc ở thành phố Wroclaw cũng vô cùng độc đáo. Nơi này dung hòa di sản cả ba nền văn hóa từng chiếm đóng và lụi tàn là người Bohemia, người Áo và người Phổ.
Vậy nên anh bạn người Ba Lan của tôi luôn tự hào thành phố Wroclaw, quê anh là độc nhất vô nhị. Anh ta hay đùa rằng: “Mày xem có nơi nào mà bị chiếm đóng xong là dung hòa hết nhưng không đánh mất chất riêng, ẩm thực cũng thế, mày ăn thử đảm bảo ghiền luôn.”
Mà thật, không khí vào thu ở Wroclaw khiến người ta buồn ngủ quá. Sau bữa sáng một chút, tôi phải dừng ở một siêu thị 24h làm tiếp một lon Illy Issimo, café đóng lon theo kiểu Ý. Loại này vừa thơm, vừa dễ uống. Uống vào phát tỉnh táo ngay và trực chỉ các thắng cảnh còn đợi tôi ghé qua khám phá.
Cây cầu Tumski dẫn vào đảo
Và nơi tôi ghé qua đầu tiên chính là Ostrów Tumski dịch thoáng ra là Đảo Nhà thờ. Đây là phần lâu đời nhất của thành phố Wrocław nằm ở phía tây nam Ba Lan. Ostrów trong ngôn ngữ Ba Lan cổ cũng ám chỉ hòn đảo và nơi này nằm giữa các nhánh của sông Oder.
Các công trình đầu tiên trên Ostrów Tumski được xây dựng vào thế kỷ thứ 10 bởi triều đại Piast, và được làm từ gỗ. Tòa nhà khang trang đầu tiên ở đây chính là nhà thờ Thánh Martin, được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ mười một bởi các nhà sư dòng Benedictine.
Từ năm 1315, Ostrów Tumski được bán cho nhà thờ. Kể từ đó hòn đảo chấm dứt đời thế tục, và trở thành một điểm đến tôn nghiêm. Hòn đảo có kha khá luật lệ ngược đời thú vị, như luật cấm đàn ông đeo mũ, thậm chí luật có hiệu quả ngay cả trên cây cầu Tumski, nằm ngoài ranh giới của "quốc gia giáo hội nhỏ" này.
Cung thế kỷ niềm tự hào của người dân Wroclaw
Ngoài ra bạn cũng nên ghé qua Cung thế kỷ. Điểm đến này là một tòa nhà lịch sử của thành phố Wrocław. Tòa nhà này được xây dựng theo đồ án của kiến trúc sư người Đức Max Berg từ năm 1911 tới năm 1913, khi thành phố này còn thuộc Đế chế Đức. Năm 2006, Cung Thế kỷ đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Bạn có thể cảm nhận sự hào hùng trong từng đường nét thiết kế của công trình cũng như sự cao ngạo đặc trưng của người Đức, dù nơi đây giờ là một phần của đất nước Ba Lan xinh tươi.