Xã Hải Minh (Hải Hậu, Nam Định) từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm kèn hơi (kèn Tây). Kèn ở đây xuất hiện mọi nơi, trong đời sống tôn giáo, sinh hoạt xã hội. Người dân vừa sản xuất kèn, sửa kèn, cũng biết thổi kèn.
Du khách tham quan vương quốc kèn của ông Nguyễn Văn Cường
Nghề làm kèn hơi ở Nam Định xuất phát đầu tiên ở làng Phạm Pháo (xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) kể từ sau khi đạo công giáo du nhập vào đây. Ban đầu là lập đội kèn phục vụ cho sinh hoạt tôn giáo; kèn được nhập khẩu từ các nước phương Tây về để trang bị cho đội kèn. Theo thời gian, đạo công giáo được mở rộng cùng với những đội kèn, những chiếc kèn dần có sự hư hỏng, và nghề làm kèn, sửa kèn manh nha ra đời phục vụ cho nhu cầu sửa và thay thế những chiếc kèn hỏng. Dần dần, nghề làm và sửa kèn trở thành nghề mưu sinh; các cửa hàng sửa chữa, trao đổi, mua bán kèn được hình thành ở nhiều nơi; mỗi cửa hàng trở thành “vương quốc” của kèn hơi với hàng trăm, hàng ngàn chiếc kèn đủ loại, kích cỡ được trưng bày, trang trí dày đặc trong cửa hàng.
Ông Nguyễn Văn Cường – một người làm kèn nổi tiếng ở xã Hải Minh chia sẻ: Thời điểm kinh tế chưa mở cửa, việc mua kèn từ nước ngoài khó khăn hơn, giá cả lại cao, nên nghề làm kèn ở làng phát triển mạnh. Ban đầu làm kèn chỉ phục vụ cho nhu cầu các đội kèn của nhà thờ, về sau tiếng lành đồn xa, những người đam mê kèn và những người chơi nhạc khắp nơi đều về mua kèn. Giờ đây, kèn Trung Quốc tràn ngập thị trường, giá lại rẻ, nên việc sản xuất kèn không được thuận lợi vì không cạnh tranh nổi trên thị trường. “Gia đình tôi làm kèn đã có 4 đời cha truyền con nối, con tôi cũng theo nghề nhưng giờ chỉ làm những loại kèn lớn, các loại kèn nhỏ chủ yếu là sửa chữa. Giờ chỉ còn vài nhà sản xuất kèn, còn lại chủ yếu là làm nghề sửa chữa” – ông Cường cho biết thêm.
Thăm “vương quốc” kèn của ông Cường, phóng viên thật sự choáng ngợp trước dàn kèn trưng bày ở nhà ông. Nơi đây vừa để trưng bày, bán, trao đổi, sửa chữa. Kèn xếp dọc lối đi, kèn treo trên tường, kèn để trong góc; kèn lớn, kèn nhỏ, kèn có nút bấm, kèn ống suông; kèn đang sửa chữa, kèn chế lại làm loa… Bản thân ông Cường vừa là thợ sửa kèn, làm kèn nổi tiếng, lại biết thổi kèn. Đặc biệt, ông còn sử dụng cả mạng xã hội để bán kèn; ông vừa dùng chiếc kèn không có nút bấm thổi một điệu đơn giản rồi khoe với phóng viên vừa bán được một chiếc kèn thông qua mạng xã hội facebook với giá 47 triệu đồng. Tò mò, phóng viên hỏi về giá trị của những chiếc kèn đang trưng bày ở nhà ông thì được biết, chiếc thấp nhất giá chừng vài trăm ngàn đồng, chiếc cao nhất giá khoảng 150 triệu đồng. Thế mới biết, giá trị “vương quốc” kèn của ông Cường cũng là một khối tài sản kha khá.
Nghề làm kèn thì vậy, nhưng những người thổi kèn thì phát triển mạnh. Từ người già đến người trẻ, từ nam giới đến phụ nữ đều có thể thổi kèn. Lễ nhà thờ - thổi kèn, đám hiếu – thổi kèn, đám hỷ - thổi kèn… mọi sinh hoạt tôn giáo, đời sống xã hội đều có sự xuất hiện của kèn. Ban ngày, người dân tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh để mưu sinh; tối đến thỉnh thoảng lại tụ tập thành nhóm luyện kèn. Các ngày lễ thánh, ngày hội của đạo công giáo, cả làng luôn rộn ràng tiếng kèn. Tiếng kèn đã trở thành một nét sinh hoạt gắn liền với cuộc sống người dân địa phương. Nói về tiếng kèn trong cuộc sống người dân địa phương, ông Cường hồ hởi: “Tôi không biết khi xa quê, người làng tôi có nhớ tiếng kèn ở làng không. Nhưng tôi có một người khách ở Thanh Hóa, thỉnh thoảng lại từ Thanh Hóa ra, ghé nhà tôi chỉ để nghe tôi thổi kèn. Họ bảo lâu không nghe lại thấy nhớ”.