Chuyến tàu cao tốc bắt đầu rời cảng Sa Kỳ (Quảng Ngãi) lúc 9 giờ 30 phút thì 35 phút sau tôi đã đặt bước chân đầu tiên lên cầu cảng Lý Sơn. Cái cảm giác lâng lâng sung sướng khi lần đầu tiên được ra đảo với tư cách là du khách, làm tôi thấy mọi thứ ở đây đều lung linh huyền ảo. Mặc dù dưới cái nắng cháy sém của miền Trung một chút bộn bề của bến cảng xen lẫn cuộc sống của cư dân, nhưng với tôi, Lý Sơn vẫn đẹp vô cùng.
Đảo Lý Sơn có 2 đảo, đảo lớn và đảo nhỏ, cách đất liền khoảng 15 hải lý về phía Đông Bắc của tỉnh Quảng Ngãi. Đảo nhỏ diện tích bằng 1/3 đảo lớn, nằm cách đảo lớn chừng 3 hải lý. Có thể nói mọi hoạt động của Lý Sơn đều tập trung vào đảo lớn. Đảo lớn có 5 ngọn núi nhấp nhô trùng điệp giữa đại dương mênh mông, trong đó ngọn Thới Lới là cao nhất. Lý Sơn ghi nhiều dấu tích hào hùng của người Việt bảo vệ biển đảo của đất nước và đậm đặc di tích lịch sử.
Chỉ khoảng 10km2 mà có tới cả trăm di tích, trong đó có nhiều di tích văn hóa, lịch sử quốc gia. Hiện nay, đảo Lý Sơn còn bảo lưu hơn 50 di tích lịch sử là dấu ấn của nền văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chămpa và văn hóa Đại Việt, nhất là những di tích liên quan đến Hải đội Hoàng Sa, trong đó có 4 di tích cấp quốc gia, 1 di tích phi vật thể cấp quốc gia và 14 di tích lịch sử cấp tỉnh. Rồi những danh thắng, thắng tích vào hạng độc nhất vô nhị của đất nước như: Chùa Hang, chùa Đục, hang Câu, Nhà trưng bày đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, khu mộ gió cai đội Phạm Quang Ảnh và các dân binh. Bên cạnh đó, đảo Lý Sơn còn có văn hóa ẩm thực đặc sắc với những đặc sản nổi tiếng như: tỏi, hành, hải sâm, rong biển…
Theo tài liệu khảo sát mà chúng tôi sơ bộ có được thì Lý Sơn đang là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. Nếu năm 2014 khách du lịch ra Lý Sơn chưa được 10.000 lượt người, thì đến năm 2018 đã đạt 230.000 lượt người, năm 2019 sẽ vượt mốc trên 300.000 lượt người. Hiện huyện đảo có 121 cơ sở lưu trú đang hoạt động với gần 700 phòng (trong đó có 7 khách sạn, 52 nhà nghỉ và 59 hộ gia đình kinh doanh dịch vụ homestay).
Các cơ sở kinh doanh lưu trú đã được đầu tư ngày càng hoàn thiện đáp ứng tốt hơn cho nhu cầu của khách du lịch. Đặc biệt khách sạn Mường Thanh Lý Sơn là khách sạn hiện đại có quy mô lớn nhất đảo được công nhận chuẩn 4 sao. Hệ thống tàu thuyền, nhà chờ tại hai đầu bến cảng đã được đầu tư đảm bảo chất lượng; phương tiện phục vụ việc đi lại cho du khách trên đảo đa dạng… Du lịch đảo Lý Sơn đang là niềm đam mê, thích thú của bạn trẻ và du khách quốc tế ưa tìm tòi khám phá và tôi tin rằng một ngày không xa, Lý Sơn sẽ là tâm điểm của du lịch Quảng Ngãi, cũng như du lịch của cả vùng Trung Trung bộ…
Đến Lý Sơn ngoài cái thú khám phá và trải nghiệm biển đảo hoang sơ, du khách còn một lần được chiêm nghiệm, tưởng nhớ những hùng binh thủa trước đã vì nước quên thân, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Hàng trăm năm sau hồn vía họ như vẫn còn lưu lại nơi đây trong những đền miếu, những ngôi mộ gió… Đó còn là Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa hàng năm vẫn tổ chức vào sau Tết Nguyên đán rất lớn ở đây. Khi tôi đên thăm Nhà lưu niệm Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải được biết cái tên Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải này có từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX, do chúa Nguyễn lập ra và hoạt động ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...
Đội Hoàng Sa và đội Bắc Hải có nhiệm vụ thu lượm các sản vật từ các tàu đắm, các hải sản quý từ vùng biển quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Ngoài ra, về sau còn đảm trách đi xem xét, đo đạc thủy trình vùng Hoàng Sa. Đội Hoàng Sa còn được giao nhiệm vụ kiêm quản đội Bắc Hải, một tổ chức được lập ra để thực tế nhiệm vụ trên khu vực quần đảo Trường Sa. Đội Bắc Hải được thành lập sau đội Hoàng Sa vào khoảng trước năm 1776. Địa bàn hoạt động của đội Bắc Hải chủ yếu là ở khu vực quần đảo Trường Sa, khu vực biển Côn Sơn, Hà Tiên...
Theo tài liệu ghi lại thì, Chúa Nguyễn tổ chức "đội Hoàng Sa" lấy người từ xã An Vĩnh huyện Bình Sơn, phủ Quảng Ngãi làm nhiệm vụ quản lý, khai thác Hoàng Sa, thu lượm hàng hóa của các tàu mắc cạn, đánh bắt hải sản quý hiếm mang về dâng nộp và còn đo vẽ, trồng cây và dựng mốc trên hai quần đảo. Trước khi những người lính Hoàng Sa chuẩn bị xuống thuyền, các tộc họ trên đảo Lý Sơn tổ chức lễ Khao lề thế lính. Lễ này được tổ chức vào ngày 20 tháng 2 âm lịch hằng năm để cầu cho người ra đi được bình an trên dặm dài sóng nước.
Ngày nay, cũng vào tháng 2, tháng 3 âm lịch hằng năm, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi và nhân dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đều tổ chức Lề Khao lề thế lính Hoàng Sa tại đình làng An Vĩnh, xã An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Buổi lễ diễn ra với các nghi thức cúng tế như: thổi kèn ốc, tái hiện hình ảnh các hùng binh ra khơi, thả thuyền nan và hình nhân xuống biển hướng tới quần đảo Hoàng Sa... đã trở thành một nghi lễ truyền thống nhằm giữ gìn bản sắc quê hương, tri ân đến những người con đất Việt qua các thế hệ đã không quản khó khăn, thậm chí hy sinh cả tính mạng để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, đồng thời giáo dục con cháu lòng yêu nước, tự hào dân tộc cũng như ý thức sâu sắc về chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Ở đảo Lý Sơn có những ngôi mộ đất cũ kỹ được đắp cao, người dân ở đây gọi là mộ gió. Theo cô hướng dân viên xinh đẹp tên Quyên làm việc ở đảo Lý Sơn cho biết: mộ gió là ngôi mộ thật, nhưng chôn cất là hình nhân thế mạng. Đặc biệt là các hình nhân này được nặn từ đất sét trên núi Thới Lới (núi cao nhất đảo Lý Sơn), mỗi hình nhân đều đầy đủ, các bộ phận trên cơ thể, kể cả lục phủ, ngũ tạng.
Theo cô Quyên thì những người lính khi xưa làm nhiệm vụ trên biển ròng rã 6 tháng trời, phải đối mặt với bao hiểm nguy, cho nên hành trang của họ trước khi rời đảo ra khơi, bao giờ cũng có: 1đôi chiếu, 7 nẹp tre, 7 sợi dây mây, 1 thẻ bài khắc tên họ, quê quán, phiên hiệu… Đó là hậu sự của họ, nếu chẳng may trên hải trình họ gặp nạn thì đồng đội của họ sẽ dùng chiếu đó bó họ lại cùng với chiếc thẻ khắc tên và nẹp dọc 7 thanh tre rồi buộc chặt bằng 7 sợi dây mây. Sau một vài nghi thức đưa tiễn giản đơn, thi hài sẽ được đem thả xuống biển. Còn những ngôi mộ gió tôi nhìn thấy hôm nay là những ngôi mộ gió đầu tiên của Cai đội Phạm Quang Ảnh cùng với 24 người lính của hải đội Hoàng Sa do ông chỉ huy mất cách đây hơn 2 thế kỷ.
Chuyện rằng: trong một lần ra khơi, hải đội của ông gặp bão và mất tích giữa biển. Xót thương những con người vì nước quên thân, triều đình sai phái quan quân ra tận đảo làm lễ chiêu hồn cho các tử sĩ. Một vị pháp sư nổi tiếng đến đảo để cầu siêu đã sai người lên núi Giếng Tiên lấy đất sét nặn thành hình nhân 25 người đã chết, rồi làm lễ chôn cất họ… Cai đội Phạm Quang Ảnh được chôn đầu tiên, sau đó là 24 người lính, xếp thành một hàng gồm 25 nấm mộ, ngày nay vẫn còn di tích trước ngôi miếu Âm Linh tự ở đảo Lý Sơn…
Đảo Lý Sơn còn nhiều điều mà tôi khám phá được, tuy nhiên chưa thể một lúc giãi bày được hết ở đây. Chỉ biết rằng đến Lý Sơn ta có cảm giác thời gian cho một hành trình khám phá và trải nghiệm quả là ít ỏi… Chắc rằng một dịp nào đấy tôi lại sẽ đến Lý Sơn để tận hưởng những gì thiên nhiên ưu đã cho hòn đảo bé nhỏ này và cùng thêm một lần nữa khám phá những địa danh, văn hóa bản địa ở đây cho thỏa chí tò mò…