Hang động núi Niệm gồm 3 di tích: di tích lịch sử văn hóa đền Niệm, di tích thắng cảnh động Thông Linh, di tích khảo cổ học mái đá Niệm.
Vị trí: thuộc địa phận Làng Chùa, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình.
Đặc điểm: Quần thể di tích hang động núi Niệm có đủ các loại hình bổ trợ cho nhau, từ tín ngưỡng đến văn hóa, khảo cổ và thắng cảnh.
Cuối tháng 2, huyện Lạc Thủy phấn khởi đón nhận bằng di tích cấp quốc gia do Bộ VH-TT&DL công nhận quần thể hang động núi Niệm tại xã Phú Thành. Quần thể
di tích ở Hòa Bình này có đủ các loại hình bổ trợ cho nhau, từ tín ngưỡng đến văn hóa, khảo cổ và thắng cảnh. Núi Niệm nằm trong dãy núi Ba Cô. Quần thể hang động núi Niệm gồm 3 di tích liền kề nhau: di tích lịch sử văn hóa đền Niệm, di tích thắng cảnh động Thông Linh, di tích khảo cổ học mái đá Niệm.
Núi Niệm - sông Bôi, vùng đất hẹp chồng chất các lớp di sản
Đền Niệm có từ lâu đời, khởi nguyên là một ngôi đền nhỏ dưới chân núi, trong hang đặt một ban thờ. Hiện nay, kiến trúc của đền đã hoàn thiện cơ bản, có tam quan, nhà sắp lễ ngăn nắp và phát triển diện tích nhà tiền tế rộng hơn để phục vụ du khách. Đền cũ trở thành hậu cung, vừa hài hòa, vừa không phá vỡ cảnh quan và không gian linh thiêng vốn có. Đền thờ chính tam vị chúa Mường (đệ nhất Tây Thiên, đệ nhị Nguyệt Hồ, đệ tam Lâm Thao) và mẫu thượng ngàn, thượng thiên. Núi Niệm ẩn chứa nhiều huyền tích dân gian. Theo các cụ cao niên kể lại, thời tiền sử núi Niệm nằm giữa vùng núi hoang sơ. Bất chợt một hôm, người dân quanh vùng thấy ba ánh hào quang uốn lượn trên dãy núi rồi cùng đáp xuống và biến mất. Tương truyền đó là hiện thân của tam vị chúa Mường đến giúp dân khai dân, lập ấp. Để tưởng nhớ công lao, nhân dân đã lập đền thờ dưới chân núi. Xưa kia, mỗi lần có việc đại sự của làng, tổng, quan chức địa phương lại đến ngôi đền để khấn, niệm được phù hộ. Nhân dân mỗi khi qua đều nhẩm khấn, niệm. Vì vậy, tên núi Niệm được gọi từ đó.
Động Thông Linh nằm ngay phía bên phải và phía sau đền Niệm. Năm 2009, qua quá trình bới đất để tu bổ đền đã làm lộ ra hang gốc và các ngách với vô vàn nhũ đá, măng đá tuyệt đẹp. Đặc biệt đã phát hiện ra cửa hang thông lên đền Niệm. Du khách như lặng đi vì vẻ đẹp của các nhũ đá, măng đá và cảm nhận như đang lạc vào chốn cung phòng của 3 bà chúa Mường với tán, lọng vàng, giường ngự và vô vàn chùm đèn. Đến với cung phòng thứ hai dài trên 20 m, nơi rộng nhất 6 m, vòm trần cao từ 2 - 14 m, du khách tiếp tục được chiêm ngưỡng thế giới nhũ đá nhưng là cảnh thôn quê trù phú như tạc từ bên ngoài vào. Các khối nhũ mọc so le từ nền động vươn lên như một khu vườn đầy hoa trái xen kẽ các ngôi nhà. Điểm nổi bật tại cung phòng này là hình bóng một cụ rùa khổng lồ, mai ghồ ghề, đầu ngếch lên cao như chờ đợi du khách.
Tiến về cửa hang phía tây - nam của động, theo một cầu thang nhỏ quanh co, du khách bước ra bên ngoài. Đứng ở cửa hang cao hơn mặt ruộng khoảng 15 m sẽ có ngọn gió đồng mang hương thơm của hoa trái xà vào lòng người như đánh thức mọi người về với thực tại để tiếp tục khám phá mái đá Niệm. quần thể hang động núi Niệm có nhiều giá trị về lịch sử, văn hoá, lễ hội và du lịch. Lễ hội đình làng, chùa mà đền Niệm là một thiết chế trong đó là lễ hội lớn của vùng đất Lạc Thủy mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc Mường. Kết nối các điểm du lịch như chùa Tiên, Nhà máy in tiền và có sự quan tâm đúng mức, nơi đây hứa hẹn là điểm thăm quan có sức hấp dẫn du khách.
thuộc địa phận Làng Chùa, xã Phú Thành