Chùa Thông tức Tùng Sơn Tự, tọa lạc trên ngọn đồi cao thuộc thôn Ái Mỗ, xã Trung Hưng (nay là phố Chùa Thông, phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây, Hà Nội).
Theo truyền thuyết, ngôi chùa cổ này là cửa rừng của núi Ba Vì Sơn Tây - nơi phát tích Đức Thánh Tản Viên Sơn - Thần chủ các vị thần nước Nam. Căn cứ vào niên đại ghi trên hai quả chuông còn lưu giữ tại chùa đúc năm Ất Mão 1555, thì chùa được xây dựng vào khoảng năm Canh Tuất 1550 thời vua Lê Trung Tông (1548-1786) thuộc niên đại Thuận Bình (1548-1556), đời thứ 13 nhà Hậu Lê.
Theo các cụ bô lão, sở dĩ chùa có tên chùa Thông vì ngày xưa nơi đây là rừng thông; những cây thông cổ thụ đường kính tới ba, bốn người ôm không xuể, nay không còn nữa chỉ còn một cây lan cổ trên 200 tuổi.
Chùa trải qua nhiều biến cố: năm 1948 giặc Pháp tấn công Sơn Tây đã chiếm chùa Thông làm nơi đóng quân, chiến tranh phá hoại bom Mỹ cũng rơi gần chùa khiến chùa bị hư hại.
Năm 1997, sư thầy Thích nữ Thanh Thủy về trụ trì phát tâm công đức cùng bà con địa phương, thiện nam tín nữ các nơi đồng tâm hiệp lực khởi công xây dựng chùa từ 23/5/2001-19/3/2006 hoàn thành khang trang đẹp đẽ như ngày nay.
Đặc biệt hướng Tây sát chân đồi chùa Thông là những tảng đá đen to khoảng 9 đến 10 khối. Dân địa phương gọi là đá Kim Quy. Nơi đây dòng sông Tích không chạy thẳng qua cánh đồng mà lững lờ uốn quanh dưới chân quả đồi vòng từ Tây sang Bắc rồi rẽ sang phía Đông đồi Thông.
Trong khuôn viên chùa có ngôi đền thờ hai cô cai quản cửa rừng.
Bước qua ngưỡng cửa, tượng Phật hiện ra mỗi pho một vẻ. Tất cả được bài trí cầu kỳ theo ngôi thứ Phật đường.
Tiếp đến tòa Cửu long bằng đồng đỏ do chùa cũ còn lưu lại. Trong động diễn tả cảnh Đức Phật Thích ca Mâu Ni thuở sơ sinh.
Tiếp đến là tượng Đức Phật Di Lặc. Bên trên là tượng Đức Phật Di Đà. Ba pho tam thế: quá khứ, hiện tại và vị lai.
Đặc biệt tượng Đức Phật Thích ca liên hoa bằng đồng nặng 3,79 tấn do thầy Thích nữ Thanh Thủy trụ trì hưng công. Bên tả là tượng Văn Thù Bồ Tát cưỡi sư tử, Bên hữu là tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi Bạch tượng.
Phía trái Tam Bảo có pho tượng lớn, là tượng Hộ Pháp (Ông Thiện) cao 2,79m. Bên phải Tam Bảo là tượng Hộ Pháp (Ông Ác) cao 2,79m. Đặc biệt chùa có ngôi thập điện còn gọi là động Cửu Long (chín con rồng uốn khúc) do chùa cũ để lại. Quanh mặt động là 250 bức tượng lớn, nhỏ.
Tùng Sơn Tự - Chùa Thông đang trở thành một danh thắng cùng với Đền Và, Chùa Mía, Chùa Viên Sơn… hình thành một dãy địa danh nổi tiếng trên đất cổ Sơn Tây - Xứ Đoài.