Ai Cập từ trước đến nay vẫn luôn là ẩn số với nhiều nhà khoa học và du khách. Một căn phòng bí ẩn, bị quên lãng suốt 2.000 năm, bất ngờ được khai quật ở Ai Cập khiến giới sử học phấn khích và lao vào hành trình đi tìm lời giải.
Trong thung lũng linh thiêng, phía nam nghĩa trang hoàng gia Umm Al-Qaab, ở sa mạc phía tây Abydos, Ai Cập, vô tình, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một loạt các khe hở kỳ lạ trên mặt một vách đá. Đâu ai ngờ những khe hở đó lại mở ra một căn phòng bí ẩn được che giấu suốt 2.000 năm qua, với nhiều bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Nằm gần hai thị trấn El Araba El Madfuna và Balyana của Ai Cập ngày nay, cách khoảng 11km, về phía tây của sông Nile, Abydos là một trong những thành phố lâu đời nhất và quan trọng nhất của Ai Cập cổ đại. Thành phố này là nơi đầu tiên an táng thi hài của hoàng gia Ai Cập. Suốt một thời gian dài, Abydos đã trở thành trung tâm của một giáo phái và là điểm hành hương của những tín đồ thờ thần Osiris, vị thần của địa ngục.
Theo nhận định từ nhà khảo cổ học Mohammed Abd Al-Badea, người dẫn đầu nhóm khảo sát và Mostafa Waziri, tổng thư ký Hội đồng Cổ vật, các khe hở phát hiện trên bề mặt vách đá chính là lối vào bên trong các căn phòng bí ẩn ở Ai Cập, được chạm khắc kỳ công, mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng.
Theo một báo cáo khác từ hãng tin Ahram, một vài căn phòng bí ẩn ở Ai Cập được mở rộng từ những lối mòn, do mạch nước chảy xuyên qua trong suốt hàng ngàn năm. Bên cạnh đó, còn có một vài trục thẳng đứng hệt như dấu tích của những thác nước lớn với lực chảy mạnh.
Những khe hở đưa chân chúng ta đến những gian phòng đá kỳ lạ. Có khe dẫn đến buồng đơn, có khe lại dẫn đến một chuỗi liên kết gồm từ bốn đến năm buồng, được liên kết bằng những ô cửa hẹp, đục xuyên qua vách đá.
Các buồng có chiều cao khoảng 1,2m và phần lớn không được trang trí, chỉ có hai hình nhỏ được chạm khắc trong bức phù điêu ngay cửa ra vào. Bất ngờ hơn, bên trong những căn phòng đá lại có nhiều hốc đá nông như chỗ nghỉ ngơi, nhiều đồ nội thất như ghế dài, hàng ghế lõm hình tròn hoặc mương nước trên sàn và nhiều lỗ nhỏ trên tường ngay dưới trần nhà, mà nhiều chuyên gia khảo cổ cho rằng đó là điểm buộc dây thừng.
Đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm thấy bất kỳ xác ướp nào bên trong. Tuy nhiên, dựa theo những món đồ gốm và tranh tường được tìm thấy trong một căn phòng, các nhà khảo cổ tìm thấy cái tên Khu Khuuu-n-Hor, mẹ của ông là bà Amenirdis, và bà ngoại là Nes-Hor, họ sinh sống ở đây vào thời Ptolemaic, từ năm 332 đến năm 30 TCN.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH CHÂU PHI KHUYẾN MÃI
>> HCM/Hà Nội - Ai Cập - Theo Dấu Nhà Giả Kim 12N11Đ chỉ từ 59,900,000 đồng >> HCM - Cairo - Ốc Đảo Siwa - Du thuyền Sông Nile 9N8Đ chỉ từ 54,900,000 đồng |
Theo một báo cáo trên trang Archaeology News Network, ông Matthew Adams đến từ Institute of Fine Arts of New York University, đồng chỉ huy cuộc thám hiểm, cho rằng các căn phòng bí ẩn bên trong thung lũng Abydos linh thiêng, nằm ở vị trí không tưởng, và vô cùng khó tiếp cận, do đó nó có thể mang ý nghĩa tôn giáo vô cùng lớn.
Một bài báo khác được xuất bản trên tạp chí ESA Academic, nhà khảo cổ Ashraf Aboul-Fetooh Mostafa giải thích rằng những hang động Ai Cập cổ đại là điều khá thường thấy trong cảnh quan thung lũng sông Nile. Chúng có thể được chia thành ba loại: hang động tự nhiên, hang động của những ngôi mộ hoàng gia và hang động có nguồn gốc từ các mỏ đá cổ.
Nhà nghiên cứu giải thích thêm vai trò chức năng của các hang động khác nhau ở từng khu vực khác nhau trên khắp Ai Cập trong suốt nhiều thế kỷ. Chúng phản ánh mối quan hệ của người dân với môi trường. Hơn nữa, tùy vào địa chất của thung lũng sông Nile, hình thái của các hang động và nhiều phong tục cổ xưa khác, các hang động tự nhiên sẽ không được trọng dụng, thay vào đó người ta tự kiến tạo để tỏ lòng thành tâm hoặc có mục đích khác.
Người Ai Cập cổ đại thường để các hang động tự nhiên đơn lẻ. Họ kiến tạo các buồng bên trong nhiều tảng đá ở hai bên thung lũng sông Nile. Các căn phòng nhân tạo này được dùng vào nhiều mục đích chức năng khác nhau. Vài căn phòng được đào trong lòng đất ở rìa sa mạc, gần vùng nước lên, để bảo vệ của cải và cả tính mạng dân cư khỏi lũ lụt. Vài căn phòng đá khác lại là những ngôi mộ được đào trên địa thế cao để chống lại nạn trộm mộ và phá hoại xảy ra trong thời điểm bất ổn chính trị xã hội.
Các nhà khảo cổ học nghiên cứu những căn phòng bí ẩn ở Ai Cập mới được phát hiện và vẫn chưa tìm thấy vết tích lăng mộ. Theo Ashraf Aboul-Fetooh Mostafa, các căn phòng này hẳn dùng cho mục đích kinh tế như khai thác đá trong thời kỳ Pharaon và La Mã hoặc là nơi trú ẩn khỏi sự khắc nghiệt vùng sa mạc.
Cho đến khi căn phòng đá cuối cùng được khai quật và khám phá, thì mục đích ban đầu của những căn phòng bí ẩn ở Ai Cập này sẽ vẫn còn là một câu hỏi không lời giải đáp.
Xem thêm: Theo chân nhà giả kim khám phá ốc đảo Fayoum Oasis Ai Cập huyền diệu |
Danh Bùi