Với vị trí địa lý giáp ranh đất nước Campuchia, An Giang không chỉ là vùng đất có sự đa dạng văn hóa mà còn có cả nền ẩm thực phong phú. Đây cũng là địa bàn sinh sống của dân tộc Khmer vậy nên nếu có dịp đến đây, bạn đừng bỏ qua món ăn đầy thương nhớ mang tên bánh canh Khmer nhé!
Bánh canh Khmer còn có tên gọi thân thương khác là bánh canh Vĩnh Trung. Nói về nguồn gốc của món ăn này, bà con cô bác ở đây có kể lại rằng loại bánh canh này được một người phụ nữ Khmer tên là Neang Oanh Na chế biến ra cách đây hàng chục năm, vì mê hương vị gạo Neang Nhen. Về sau, có nhiều người đã học cách chế biến loại bánh canh đặc biệt này từ cô Neang Oanh Na và biến nó thành món ăn đặc trưng của vùng.
Tô bánh canh hấp dẫn có nguồn gốc từ cô Neang Oanh Na
Câu chuyện về món bánh canh nức tiếng chỉ đơn giản như vậy thôi. Nhưng nhờ thế An Giang mới có thêm món ăn ngon, đậm vị và chan chứa đến như vậy.
Phiên bản đầu tiên của món ăn này đơn giản lắm, chỉ là món bánh canh cá lóc đồng sau này được thêm thịt bò, heo, tôm, gà theo nhu cầu. Nước lèo được chắt và ninh từ cá lóc đồng, xương heo, xương bò… nên rất ngọt và thơm, tạo nên hương vị khó quên cho món bánh canh Khmer trứ danh này.
Bánh canh Khmer được tạo nên từ nhiều nguyên liệu khác nhau
Sợi bánh canh cũng đủ tạo nên sự khác biệt so với các loại bánh canh khác. Sợi dẹt nhỏ chứ không to tròn như ở nhiều vùng miền khác. Nhìn qua, có lẽ sẽ dễ nhầm lẫn với sợi phở tuy nhiên nó đầy lẳng, trắng nõn, khi ăn có cảm giác trơn tuột, dai mềm và thơm ngon.
Sợi bánh canh thơm ngon, dai và mềm
Thưởng thức bánh canh Khmer ở đâu?
Huyện Tịnh Biên chính là quê hương của bánh canh Khmer. Trên trục đường Lê Lợi, từ trung tâm Tịnh Biên đến biên giới Campuchia, bạn sẽ bắt gặp nhiều tiệm bánh canh với hương vị thơm lừng khó cưỡng suốt dọc đường. Tất cả đều rất đông khách vì có cả dân địa phương và các du khách đều tìm đến đây để thưởng thức bánh canh của người dân Khmer.
Bánh canh cô Mỹ Tiên có tuổi đời khá lâu và luôn trong tình trạng đông khách
Nếu có dịp, bạn hãy đến ăn tại quán cô Mỹ Tiên (43 tuổi) có tuổi đời khá lâu từ năm 1988. Đặc điểm nhận dạng quán chính là tủ bếp đầy ắp thịt được bày bán ngay mặt đường và luôn trong tình trạng bốc khói nghi ngút. Đây là bánh canh nhà tự làm, mang đặc trưng của vùng Vĩnh Trung. Rất đáng để thưởng thức. Quán mở cửa từ 7 giờ đến 19 giờ mỗi ngày. Giá cả vô cùng phải chăng một tô thập cẩm đầy ụ chỉ có giá 30,000 đồng/tô.
Điều gì khiến mỗi du khách đều tìm đến thưởng thức bánh canh Khmer An Giang trứ danh
Chính nhờ thương hiệu bánh canh lâu đời mà nhiều du khách không ngại đường xá xa xôi tìm đến vùng biên giới để thưởng thức. Không chỉ du khách Việt mà còn có cả du khách nước ngoài đều tìm đến đây. Vị ngọt từ nước hầm, nguyên liệu đa dạng, sợi bánh canh thơm ngon cũng là những yếu tố níu chân mỗi thực khách.
Thực khách đã một lần thưởng thức đều cảm thấy nhớ nhung hương vị món bánh canh Khmer
Một điểm cộng khác là món ăn còn tận dụng nguồn thịt ngon và sạch ngay tại địa phương: thịt bò, gà, heo được nuôi tự nhiên ở vùng Bảy Núi; cá, tôm được đánh bắt từ nguồn nước sông Mekong. Bạn cứ yên tâm là thực phẩm luôn đảm bảo vệ sinh an toàn.
Theo nhận xét của nhiều người, bánh canh có vị ngon, dễ ăn. Ăn một lần là cứ muốn ăn mãi. Vậy nên cũng không gì khó hiểu khi món bánh canh này dù xa xôi nhưng lúc nào cũng đắt khách vô cùng.
Bánh canh Khmer - mộc mạc nhưng đậm vị
Mỗi tô bánh canh đều chú trọng vào chất lượng. Tuy rẻ nhưng chất vô cùng. Ăn một lần là nhớ mãi không quên. Thương hiệu lâu đời càng bảo đảm nhiều hơn về độ ngon miệng của món ăn này.
Nếu có dịp đến An Giang thì bạn hãy đừng quên ghé ngay Tịnh Biên để thưởng thức tô bánh canh Khmer danh bất hư truyền này nhé.