Đã đến Long Xuyên phải ghé ngang một hàng bún cá, món bún nơi đây có màu vàng của nghệ là điểm đặc trưng cũng như kích thích thị giác hơn. Đây là một món ăn được du nhập từ Cam – pu – chia nhưng qua thời gian để phù hợp hơn với khẩu vị món này được biến tấu và có mùi vị đặc trưng riêng. Bún cá nấu không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công trong chọn nguyên liệu và nêm nếm gia vị.
Bún cá Long Xuyên đậm vị
Trước tiên là mua cá về rửa sạch và luộc, đối với cá lóc khi làm cần chú ý rửa sạch bằng nước sôi và muối vì cá lóc có rất nhiều nhớt nếu làm không sạch sẽ bị tanh. Sau khi luộc chín gỡ bỏ xương, lấy phần thịt cá ướp với bột nghệ và xào sơ cho thấm đều gia vị. Phần nước dùng được nấu từ nước luộc cá và xương heo cho ra nước ngọt nêm nếm gia vị cho vừa ăn. Món này ăn với bún tươi và một số loại rau đặc sản miền Tây như: điên điển, bông súng, rau muống, bắp chuối,…
Bún cá ăn kèm rau sống
Mắm là món ăn đặc trưng của người miền Tây nhưng không phải ai cũng có thể ăn được món này vì mắm làm từ cá sống ủ lên men nên mùi hơi nồng, nếu không quen có thể gây khó chịu. Cuộc sống ngày xưa còn khó khăn nhất là đối với những ngư dân lên đênh trên mặt biển thiếu thốn thức ăn, thì mắm là món ăn có giúp họ vượt qua những ngày cơ cực ấy vì mắm để được lâu, có thể ăn sống với cơm không qua chế biến.
Mắm cá linh nổi tiếng miền Tây
Dần theo thời gian từ những con mắm ấy người miền Tây lại biến tấu để cho ra món lẩu mắm được xem là đặc sản ngày nay. Lẩu mắm có màu nâu và hương thơm đặc trưng từ mắm cá linh, cá sặc. Vị nước sanh sánh đậm vị mắm có vị thơm của tỏi ớt băm nhuyễn kết hợp với sả. Là món lẩu nên kết hợp với nhiều món hải sản như: tôm, cá lóc, mực, thịt heo ba chỉ,… ăn kèm với bún và các loại rau.
Lẫu mắm đậm vị sông nước
Bánh xèo là món chiên được làm từ nguyên liệu chính là bột gạo và bột nghệ; nhân bánh gồm: thịt heo, tôm, giá đỗ… Nhìn chiếc bánh xèo đơn giản nhưng đòi hỏi người làm phải có tay nghề mới làm ra được cái bánh giòn đều không bị dày. Bánh xèo ngon nhất là khi vừa chiên xong, vỏ bánh giòn nhân bánh nóng hỏi. Khi ăn, phải kèm thêm nhiều loại rau như xà lách, rau thơm, tía tô, húng quế, diếp cá, cải bẹ xanh, đọt xoài,… Cuốn bánh xèo với tất cả các loại rau rồi chấm với nước mắm chua ngọt, cắn một miếng thấy vị ngon đến lạ đủ mùi vị hòa lẫn trong miệng mà không phải món nào cũng có được.
Bánh xèo Long Xuyên vàng giòn
Cua đồng là nguyên liệu chế biến nên những món dân dã đồng quê như: dùng để nấu canh rau, bún riêu, cua rang me,… Nhưng ở Long Xuyên, người ta chế biến cua đồng thành một món lạ mà ngon đó là lẩu cháo cua đồng. Món này nấu giống như nấu cháo bình thường nhưng ăn giống như lẩu là để lên bếp cho cháo sôi rồi nhúng các loại rau: mồng tơi, bồ ngót, mướp, rau má,… vào ăn chung nên người ta gọi là lẩu cháo cua đồng.
Lẩu cháo cua đồng
Gỏi sầu đâu là món ăn dân dã được nhiều du khách yêu thích khi đến An Giang. Món ăn này được chế biến từ lá của cây sầu đâu, một loại cây mọc hoang, thân cây to trái nhỏ theo từng chùm. Lá sầu đâu có vị đắng khá khó ăn nhưng khi ăn được sẽ cảm nhận được vị ngon của nó.
Gỏi sầu đâu tương đối dễ làm: lá sầu đâu rửa sạch, chần sơ với nước sôi rồi trộn với khô cá sặc nướng hoặc chiên, xoài sống và dưa leo. Để tạo thêm vị phong phú cho món ăn người ta thường cho thêm thịt ba chỉ, tôm, đậu phộng rang giòn... Gỏi sầu đâu thường ăn với nước mắm me và cơm nóng. Món gỏi có vị đắng, nồng của lá sầu đâu, vị chua của xoài, vị giòn của dưa leo hòa lẫn với vị ngọt của tôm, thịt, cá và vị béo của đậu phộng rang rất kích thích vị giác.
Lẫu sầu đâu cá lò thò tôm thịt
An Giang nổi tiếng về mắm, đặc biệt Long Xuyên nổi tiếng về mắm ruột. Món này không phải ai ở miền Tây cũng biết, đây là loại mắm được làm từ ruột cá ngon, trộn với thính gạo lứt ủ chừng ba tháng. Mắm ruột của Long Xuyên có thể chế biến theo nhiều cách như dùng ăn sống, kho, nấu lẩu hoặc chưng. Mắm ăn kèm với rau thơm và ớt sừng thì tăng thêm vị. Món mắm ruột chưng với thịt ba rọi, hột vịt, rắc chút hành tiêu và vài lát gừng cắt mỏng sẽ làm bạn hao cơm lắm đấy.
Mắm ruột ăn với rau chuẩn vị
Tung lò mò là món ăn không quá phổ biến đối với người miền Tây vì đây là món ăn đặc trưng của người Chăm ở An Giang. Phiên âm theo tiếng Chăm “tung” nghĩa là ruột, “lò mò” là con bò, dịch sát nghĩa Tiếng Việt là lạp xưởng bò. Từ đó, người Kinh quen gọi tung lò mò là món lạp xưởng bò. Cách chế biến như sau: thịt bò loại bỏ hết phần gân, rửa sạch, cắt thành miếng mỏng, ướp với muối, đường cát và một số phụ gia khác, thính gạo.
Ruột bò được rửa sạch lộn mặt trái ra bên ngoài, cạo, rửa sạch với nước muối rồi lộn ngược trở lại, đem phơi cho hơi se mặt rồi đem nhồi thịt ướp vào. Sau đó dùng dây mềm thắt thành từng khúc dài khoảng 3 đốt tay, đem phơi chừng 3 nắng là có thể ăn được.
Tung lò mò nướng
Cà na khi còn non thì vỏ màu xanh, khi chín thì chuyển sang màu vàng, vị ăn chua chua rất hợp để ăn vặt. Cà na đập được chế biến từ quả cà na tươi, sau đó đập dập nhưng không nát, vắt cà na cho ra bớt nước, chà xát để ra hết chất chát trong quả rồi đem trộn với đường, để khoảng vài tiếng là có thể ăn được. Cà na đập ăn với muối ớt là ngon đúng điệu.
Cà na ăn với muối ớt ngon đúng vị
Bánh bò thốt nốt cách làm cũng giống loại bánh truyền thống điều đặc biệt ở đây là nguyên liệu được làm từ đường thốt nốt, loại đường đặc trưng ở An Giang. Qua bàn tay khéo léo của người thợ làm bánh sẽ cho ra món bánh bò thốt nốt có màu vàng ươm, bắt mắt thơm lừng. Bánh mới ra lò xôm xốp mùi thơm, cắn miếng bánh bò, thực khách sẽ cảm nhận được vị ngọt béo của đường hòa với nước cốt dừa hòa lẫn mùi thơm thoang thoảng của đường thốt nốt xốc thẳng lên tận mũi và ăn không thể dừng.
Bánh bò thốt nốt vàng