Banner Movi

Bạn biết gì về món cao lầu Hội An?

Chủ nhật, 21/04/2019, 13:39 GMT+7
Nếu bạn đang băn khoản tìm kiếm một món ăn truyền thống thơm ngon mang nét giao thoa giữa các nền văn hóa của đất nước ta thì hãy đến Hội An cổ kính và thưởng thức ngay món cao lầu nổi tiếng “mỹ vị” nhé.


Du lịch Hội An, bạn sẽ choáng ngợp không bởi vì không gian, sự nên thơ, bình yên của phố xá ở đây mà còn một phần nền văn hóa ẩm thực độc đáo, ấn tượng. Trong vô số các món ăn làm ngây ngất du khách thì cao lầu có lẽ món ăn đáng để nhắc đến nhất.
 
Cao Lầu hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên
Cao Lầu hấp dẫn ngay từ cái nhìn đầu tiên
 
Người ta thường gọi Cao Lầu là cao lương mỹ vị của phố cổ Hội An không phải vì đây là một món ăn đắt tiền. Ấy là vì những món trứ danh khác như mì quảng, bánh quai vạc hay cơm gà bạn còn có thể thưởng thức ở nhiều nơi khác ngaoì Hội An; nhưng đối với Cao Lầu, bạn chỉ thật sự cảm nhận được hương vị đúng chuẩn của nó khi ăn ở phố Hội. Ra khỏi chốn này, dù chỉ vài cây số thôi, dù chế biến bằng cách gì đi nữa thì cũng không thể thưởng thức một tô cao lầu đúng điệu được.
 
 
Cao Lầu là sự kết hợp tài tình giữa sợi cao lầu vàng óng cùng với thịt nạc đùi heo xá xíu, da heo giòn hay là sợi cao lầu chiên, bánh tráng nướng, đậu phộng rang béo ngậy và rau thơm trà quế. Hương vị chính khiến ta mê mẩn món ăn này phải nói đến phần nước dùng, có vị mặn ngọt đậm đà rất vừa miệng và beo béo hấp dẫn vô cùng. Đây chính là nước được tẩm gia vị khi chế biến thịt xá xíu ướp với ngũ vị hương. Vậy nên nếu thịt xíu và nước sốt được nêm nếm đậm đà chuẩn vị thì món Cao Lầu càng  hấp dẫn hơn gấp bội. Cao Lầu phải được thưởng thức lúc nóng, trộn đều tất cả mọi thứ trong tô lên, gắp một miếng đầy đủ và cảm nhận vị dai dai của sợi cao lầu hòa quyện với hương vị thơm ngon khó diễn tả từ thịt xíu và cái mặn ngọt của nước dùng.
 
Sợi cao lầu kết hợp với nước dùng, thịt và rau ngon khỏi bàn
Sợi cao lầu kết hợp với nước dùng, thịt và rau ngon khỏi bàn
 
Thời trước các quán ăn đều được xây dựng hai tầng và chỉ có những nhà buôn giàu có mới được phục vụ tận tình trên tầng cao. Và món Cao Lầu này hay được gọi để đem lên “lầu cao” cho họ thưởng thức. Từ đó mà cái tên Cao Lầu đã ra đời. Không biết thật giả thế nào, nhưng đây là câu chuyện được nhiều người truyền miệng cho đến tận ngày nay, khi có ai đó đến Hội An hỏi đến nguồn gốc cái tên cao lầu thì đều sẽ được gaiỉ thích như vậy đấy. Có lẽ vì điều đó cho nên đến bây giờ, rất nhiều du khách đến Hội An sẽ chọn những quán ăn có vị trí cao để vừa thưởng thức món Cao Lầu hấp dẫn, vừa được chiêm ngưỡng khung cảnh cổ kính, bình yên của phố Hội cho đúng điệu nghệ.
 
Nguồn gốc của cái tên Cao Lầu khá thú vị
Nguồn gốc của cái tên Cao Lầu khá thú vị
 
Tuy nhiên vẫn chưa chứng cứ cụ thể nào về nguồn gốc, xuất xứ của món ăn tuyệt vời này. Phải chăng đây chính là sự giao thoa giữa các nền văn hoá khác nhau? Nếu nói cho vui thì Cao Lầu thì ắt hản món này có từ nước NHật (vì cách làm và hình dánh sợi cao lầu khá giống udon), lâu dần có chút pha theo ẩm thực người Hoa (ăn kèm với thịt và nước sốt xá xíu) và sau này được chế biến thay đổi đi ít nhiều để thưởng thức hợp với người Việt (việc kết hợp với da heo chiên, bánh tráng nướng, đậu phộng rang và rau thơm trà quế). Dù thế nào đi chăng nữa thì chúng ta cũng không thể phủ nhận độ ngon và cầu kì của những đầu bếp đã sáng tạo ra món ăn này.
 
Nguồn gốc của Cao Lầu vẫn là một ẩn số
Nguồn gốc của Cao Lầu vẫn là một ẩn số
 
Những ai đến Hội An chưa từng nếm qua Cao Lầu dễ bị lầm tưởng đây là mì quảng. Vì thực chất, cả hai món đều là món trộn, nước dùng vừa đủ hoặc rất ít, cách trình bày cũng na ná nhau. Tuy nhiên, sợi mì quảng thì mềm, bóng và dài hơn. Nước dùng của mì quảng cũng khác, nhạt vị hơn và nhiều hơn Cao Lầu một ít. Hơn nữa, về bản chất, Cao Lầu không thể gọi là mì. Người địa phương thường gọi những sợi vàng rượm ấy là “bánh Cao Lầu”. Và duy nhất chỉ có Cao Lầu thì mới ăn chung với thịt xá xíu.
 
Ăn một lần khó mà quên được
Ăn một lần khó mà quên được
 
Để làm ra được “thành phẩm” bánh Cao Lầu ngon là cả một quá trình công phu điêu luyện. Đầu tiên người chế biến phải chọn được loại gạo ngon và mang gạo ngâm trong nước tro. Tro này phải là loại tro củi tràm lấy từ vùng đất Cù Lao Chàm. Hơn nữa, muốn giữ được đúng chuẩn vị Cao Lầu truyền thống thì người nấu phải lấy nước ở giếng Ba Lễ, một giếng nước nổi tiếng đã có từ lâu đời ở Hội An để xay gạo. Đây là những bí quyết “để đời” giúp cho sợi Cao Lầu thơm ngon có màu vàng rượm,  dai dai và điều đó cũng giải thích được vì sao ngoài Hội An thì ta không thể thưởng thức món này đúng chuẩn ở bất kì đâu.
 
Bạn đã thử Cao Lầu chưa? Nếu chưa thì chắc chắn có dịp đến Hội An phải một lần thưởng thức món ăn “say đắm lòng người” này đấy.
Trà My
Theo Báo du lịch