Đặt chân xuống sân bay Yangon - sứ xở của những ngôi chùa Vàng khi trời chiều đã chạng vạng, ấn tượng đầu tiên của du khách là cảm giác thanh bình, thân thiện với nhịp sống khoan thai.
Trên đường về khách sạn, dọc 2 bên là những hàng cây xanh rợp bóng, xa xa nhấp nhô rất nhiều ngôi chùa sơn son thếp vàng ánh lên hòa cùng sắc vàng hoang hoải của buổi chiều tà tạo nên bức tranh huyền ảo. Thật uổng công khi phải nhẩm đếm những ngôi chùa vì Yangon có hơn 6000 ngôi chùa. Sáng sớm tinh khôi chúng tôi bị thức giấc bởi từng đàn bồ câu, quạ lao xao náo động cả góc phố. Từ ban công khách sạn lặng ngắm những nóc nhà, dãy phố, một cảm giác thân thuộc gắn bó, ngỡ như ngược dòng thời gian trở về ngõ nhỏ những năm tháng thời bao cấp.
8h sáng Yangon vẫn yên ả, người Myanmar không vội, có phần khá chậm rãi, đường phố vắng vẻ, xa xa thấp thoáng những đoàn sư đi khất thực trong tâm thái an yên, nhẹ nhàng. Người dân luôn chuẩn bị sẵn đồ cúng dường cho sư, có thể là đồ ăn, tiền hay bất cứ thứ gì họ có. Gần 9h sáng, Yangon mới cựa mình tỉnh giấc, phố xá nhộn nhịp đông đúc hơn. Trên đường phố rất dễ bắt gặp những người đàn ông mặc longyi, miệng nhai trầu bỏm bẻm. Hình ảnh những người phụ nữ, đàn ông mặc longyi sắc màu và bôi thanaka dường như là đặc trưng không thể thiếu được tại quốc gia này. Thanaka là loại bột chiết xuất từ cây táo voi, người ta cắt từng khúc thân cây hòa với nước và bôi lên mặt để chống nắng và dưỡng da. Không bỏ lỡ cơ hội, chúng tôi cũng tranh thủ dùng thanakha thay kem chống nắng. Nhưng chính việc này lại mang tới một ngạc nhiên nho nhỏ bởi dù hóa trang thế nào chúng tôi cũng nhận được câu "xin chào" của người dân trên đường phố.
Sau bữa sáng, chúng tôi di chuyển đến địa danh nổi tiếng - chùa Vàng. Đây là kiệt tác kiến trúc với ngọn tháp chính cao tới 99m, được bao phủ hơn 30 tấn vàng, trên đỉnh gắn hàng ngàn viên kim cương và hồng ngọc. Khi tới gần chúng tôi hoàn toàn bị cuốn hút bởi sự đồ sộ, tráng lệ của tòa bảo tháp lấp lánh ánh vàng, dưới ánh sáng mặt trời phản chiếu càng rực rỡ. Chúng tôi mê mẩn ngắm nhìn những đường nét tinh xảo của bức tường đã nhuốm màu thời gian, tìm ra những góc chụp và thời gian lý tưởng để có những bức hình đẹp nhất.
Đến đây mới biết người Myanmar thường xuyên đi chùa, mọi tầng lớp đều đi chùa, chùa là nơi họ ghé thăm khi tan sở, cũng là nơi hẹn hò của các đôi uyên ương. Chùa đông nhất vào thứ 7 và chủ nhật. Trong không gian rộng lớn của chùa, mỗi người chọn một góc riêng cầu nguyện. Đối với họ chùa là chốn linh thiêng nên phải đi chân trần và bắt buộc mặc trang phục kín đáo. Họ đến chùa để cầu bình an chứ không mong giàu sang thăng tiến. Tâm nguyện người Myanmar chỉ làm đủ ăn, còn lại để dành công đức xây chùa hay mua vàng lá tiến cúng, dát tượng. Người Myanmar không giàu nhưng hiếm nơi nào có thể thấy nhiều vàng như thế. Điều khác biệt ở Myanmar là chùa không dành cho sư vì sư chỉ ở trong các thiền viện. Chùa được xây bởi các phật tử công đức. Ở quốc gia này 90% dân số theo Phật giáo, tư tưởng Phật giáo thấm đẫm trong họ. Có lẽ nhờ thế người dân bản xứ đều có tấm lòng yêu thương rộng mở, khắp nơi đâu đâu cũng thấy bình nước thiện nguyện, chia sẻ đồ ăn không chỉ với người mà còn cả với chó, mèo hoang. Những chú chó mèo ở Myanmar vì thế rất dạn dĩ nằm dài trên các lối đi, trên đường hay trong chùa, hay thậm chí quấn quýt theo bước chân du khách.
Điểm dừng chân thứ 2 nổi bật và đáng nhớ nhất của chúng tôi là ngôi chùa Hòn đá vàng, vượt qua chặng đường 25km bằng xe chuyên dụng leo núi. Đây thực sự là trải nghiệm vô cùng khó quên bởi cung đường một chiều gập ghềnh khúc khuỷu, dốc cao dựng đứng, đường lại quá hẹp. Chốc chốc xe phải dừng tại các trạm đón khách và các điểm chờ, tránh. Ở độ cao trên 1000m, cảnh sắc 2 bên đường gợi nhớ Tam Đảo mù sương. Càng lên cao phong cảnh càng quyến rũ, trên đỉnh núi cao sương giăng bảng lảng khắp nơi, những làn sương mong manh mờ ảo nhẹ nhàng bao phủ ngôi chùa, cảnh sắc bình yên trong veo có thể nhận thấy từ những vị trí xa khuất. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên về cách xây dựng tòa tháp cao ngất chênh vênh trên ngọn núi. Không hiểu bằng cách nào mà tòa tháp có thể đứng vững, chống chọi với thiên nhiên và tồn tại dưới sự khốc liệt của thời gian. Trên đỉnh núi, từng nhóm đàn ông nhẫn nại miệt mài dát những lá vàng lên chân tòa tháp; những người phụ nữ chỉ được phép cầu nguyện phía dưới.
Chỉ lưu lại trong thời rất gian ngắn nhưng cảm giác không gian thanh bình ở Myanmar có từ ngàn năm vậy. Được hòa mình trong không gian thiên nhiên thanh bình để thẩm thấu nhịp sống chậm rãi và trải nghiệm những nếp sinh hoạt xưa cũ, tìm thấy sự tĩnh lặng trong tâm hồn là tất cả những gì tôi tìm thấy ở Myanmar.