Bức tượng đồng chú bé đứng tiểu trở thành biểu tượng của thành phố Brussels
Xét về mặt nghệ thuật, bức tượng không được đánh giá cao như một kiệt tác nghệ thuật, vậy điều gì đã khiến chú bé đứng tiểu trở thành biểu tượng của thủ đô Brussels và hấp dẫn khách du lịch đến vậy? Đó chính là nhờ cách mà người dân địa phương lưu truyền các truyền thuyết về nó. Bên cạnh đó, bức tượng luôn có sự góp mặt trong những dịp lễ hội đã dần trở thành sự gắn bó không thể thiếu đối với thành phố Brussels.
Có rất nhiều câu chuyện xung quanh bức tượng nhỏ này và nhiều ý kiến tranh luận về nguồn gốc mà bức tượng được dựng lên. Có câu chuyện kể rằng, một người cha khi đến Brussels du lịch đã để lạc mất con trai, và sau khi nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của người dân để tìm thấy cậu bé, ông đã dành tặng bức tượng này như là món quà thay cho lời cảm ơn dành cho họ.
Bức tượng Manneken Pis luôn thu hút đông đảo du khách tới tham quan chụp ảnh
Còn có một câu chuyện khác có liên quan đến tinh thần ái quốc được người dân địa phương lưu truyền. Chuyện kể rằng khi quân Tây Ban Nha rút khỏi Brussels, dự tính cho phóng hỏa đốt toàn bộ thành phố bằng một quả bộc phá có sức công phá lớn. Bỗng có một chú bé đã “tè” vào đường dây cháy chậm của quả bộc phá đang xì khói, dập tắt nguy cơ nổ tung gây hỏa hoạn, cứu cả thành phố Brussels không bị thiêu rụi.
Đằng sau Manneken Pis là rất nhiều những giai thoại thú vị
Một dị bản khác mà nhiều người cho là chính truyện, kể về một chú bé tên là Cherria, khoảng 7-8 tuổi, sống trên đường phố này. Hàng ngày Cherria đi học thường gặp một mụ phù thủy và bị bà ta bắt nạt. Tức mình, chú đã leo lên lầu trên “tè” vào đầu mụ. Mụ tóm cổ chú lôi ra góc phố bắt đứng trên bệ đá cao và phải “tè” suốt ngày.
Chính những câu chuyện li kì được lưu truyền như vậy đã khiến cho bức tượng Manneken Pis trở thành điểm đến thu hút khách du lịch, và một biểu tượng thân thuộc trong lòng nhiều người dân thành phố Brussels.
Người dân Brussels không chỉ ngắm nhìn bức tượng và giới thiệu đến bạn bè quốc tế, mà họ còn biến bức tượng trở thành nhân vật đặc biệt trong các sự kiện cũng như các dịp lễ hội của thành phố. Manneken Pis thậm chí còn được mặc trang phục khác nhau trong từng lễ hội.
Bức tượng Manneken Pis phải có đến hơn 800 bộ trang phục đa dạng khác nhau: Từ trang phục của ông già Noel cho đêm Giáng Sinh cho tới quốc phục của các quốc gia trên thế giới. Mỗi năm, bức tượng được thay trang phục khoảng 30 lần tùy vào những sự kiện trọng đại. Vào những dịp đặc biệt, bức tượng Manneken Pis còn phun ra bia với nhiều hương vị, phục vụ người dân địa phương cũng như khách du lịch, trong khi ban nhạc dùng các nhạc khí bằng đồng và bộ gõ chơi ở xung quanh.
Manneken Pis trong trang phục của ông già Noel đã trở thành điểm đến thú vị trong đêm Giáng Sinh
Manneken Pis trong trang phục đội bóng mùa World Cup
Chú bé đứng tiểu cũng từng mặc chiếc áo truyền thống của Việt Nam rồi nhé!
Vào những năm 80, một bức tượng khác được dựng lên gọi là Jeanneke Pis, với ý nghĩa như là người bạn của Manneken Pis. Bức tượng này là tạc khắc một cô bé. Tuy nhiên công trình này ít được biết đến hơn và nằm ẩn trong một con hẻm cách bức tượng Mannekin Pis gần đó.
Bức tượng Jeanneke Pis ra đời để làm bạn với Manneken Pis
Từ quảng trường lớn, du khách chỉ cần đi bộ 350 m dọc theo phố Rue de la Tête d’or đến phố Rue du Midi sẽ nhìn thấy bức tượng Manneken Pis. Bức tượng nằm ở phía tây nam của Tòa thị chính thành phố. Nếu bạn đang ở Grand Place đối diện với Tòa thị chính thì hãy ra theo lối bên trái, bức tượng Mannekin Pis nằm sau Tòa thị chính hai dãy nhà.
Nếu tới thủ đô Brussels của Bỉ thì nhất định phải ghé thăm chụp ảnh chú bé Mannenken Pis nhé!