Nép mình bên dòng Nậm Mu hiền hoà, bản Nà Luồng sở hữu khung cảnh thoáng đãng, nên thơ, cùng với giá trị văn hoá truyền thống lưu giữ từ bao đời nay nên địa danh này ngày càng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước tới tham quan.
Quay lại 300 năm về trước, một bộ lạc người Lào đã tìm tới địa phận ven dãy Hoàng Liên Sơn. Sau đó, họ đã khai phá làm ruộng nước, mở mang cuộc sống mưu sinh mới. Người Lào ở bản Nà Luồng rất chú trọng bản sắc văn hoá. Do vậy, bản Nà Luồng đã hội tụ nhiều yếu tố văn hoá truyền thống. Đối với những du khách ưa thích vẻ đẹp thiên nhiên, muốn sống cùng nét văn hoá thì bản Nà Luồng là địa điểm không thể bỏ qua trong chuyến hành trình về với núi rừng Tây Bắc.
Bản Nà Luồng điểm đến không thể bỏ qua ở Lai Châu
Vẻ đẹp dung dị của bản Nà Luồng đã làm nao lòng bao lữ khách phương xa lần đầu đặt chân tới. Ngay dưới chân cầu là dòng Nậm Mu chảy hiền hoà, cùng với khói lam chiều bốc lên nghi ngút từ những căn nhà sàn nép mình bên sườn núi quả là đậm chất núi rừng Tây Bắc.
Vẻ đẹp dung dị của cây cầu bắc ngang qua dòng Nậm Mu
Lần đầu đặt chân tới bản Nà Luồng bạn sẽ nhìn thấy đàn ông và đàn bàn ở bản ăn mặc rất độc, lạ. Đàn ông mặc quần kiểu chân què lá toạ. Từ phần đầu gối trở xuống, ống quần thu hẹp dần, được thêu nhiều hoa văn. Còn áo của người đàn ông có màu đen, cổ tròn, được cài khuy bạc, có hai túi to trước bụng.
Còn đàn bà ở bản mặc váy ống, được chia thành hai loại. Loại thường ngày, nửa dưới có màu đen, nửa trên có các đường sọc ngang nhỏ nhiều sắc màu. Còn ngày hội, đàn bà ở bản mặc loại váy sắc sảo được thêu nhiều hoa văn hình quả trám hoặc hình con rồng được cách điệu, phần cạp váy có sọc trắng.
Trang sức của người phụ nữ ở bản Nà Luồng
Không chỉ hít hà không khí se se lạnh của miền núi, được thả lỏng cơ thể sau chuỗi ngày làm việc mệt nhọc, đến với bản Nà Luồng, bạn còn được trải nghiệm, hoà với cuộc sống đồng bào nơi đây. Phụ nữ ở làng làm nghề dệt thổ cẩm thủ công. Hình ảnh người phụ nữ bên khung cửi, đứa trẻ bên cạnh, nhìn thôi cũng đủ cảm nhận sự yên bình ở Nà Luồng.
Sản phẩm dệt của người phụ nữ ở Nà Luồng rất sắc sảo, ngang tầm với sản phẩm dệt của phụ nữ người Thái. Ngoài ra, họ còn rất giỏi trong việc trồng dâu, trồng bông, nuôi tằm… Còn đàn ông trong bản rất giỏi trong nghề mộc, đóng đồ gỗ, đan lát, chài lưới.
Người phụ nữ Nà Luồng bên khung cửi dệt vải
Cuộc sống của đồng bào ở bản chủ yếu là tự cung, tự cấp. Thức ăn hàng ngày của họ chủ yếu từ thiên nhiên, nào là rau rừng, cá suối… được chế biến theo phương pháp luộc, rang, hoặc nấu.
Một khi bắt được nhiều cá, không ăn hết, họ liền chế biến thành cách ướp muối làm chua, nướng kẹp lá sả, gói lá vùi tro bếp… Còn các dịp trọng đại như đầu năm, cưới xin, làm nhà mới, trong bữa ăn thường có sự hiện diện của món cá sấy khô nấu đông.
Một khi bạn có cơ hội ghé thăm bản Nà Luồng, bạn có cơ hội tìm hiểu phương pháp canh tác trồng lúa nước, trồng ngô của đồng bào nơi đây. Cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, cộng với khung cảnh các bậc ruộng thang lúa nước, những nương ngô nép mình bên sườn núi cộng với con người hiền lành, hiếu khách… tất cả đã tạo nên tiềm năng phát triển du lịch bản Nà Luồng.