Chiang Mai – thành phố thứ hai của Thái Lan được mệnh danh là “đoá hồng phương Bắc” không chỉ bởi bề dày văn hoá, ẩm thực đa dạng, phong cảnh yên bình mà còn vì màu sắc rực rỡ của các lễ hội. Và ngày năm mới của Phật giáo là thời gian lý tưởng nhất để tham quan Chiang Mai - thời điểm diễn ra lễ hội Songkran hay còn được biết đến là lễ hội té nước.
Lễ hội Songkran ở Chiang Mai là sự pha trộn giữa văn hoá lễ nghi và niềm vui cộng đồng.
Tết té nước của Thái Lan là ngày lễ mang tính chất cộng đồng nhiều hơn so với Tết cổ truyền của Việt Nam và Trung Quốc – thường hướng về gia đình. Do đó, lễ hội Songkran là một dịp lý tưởng để du khách tới chứng kiến và tham gia ngày hội.
Lễ hội Songkran bắt đầu với việc người dân cầu nguyện ở một trong các ngôi chùa trong thành phố.
Lễ hội Songkran của người Thái diễn ra trước mùa mưa, là dịp mừng năm mới của người Thái. Lễ hội Songkran diễn ra trong ba ngày, bắt đầu vào ngày 13/4 và kết thúc vào ngày 15/4 dương lịch hàng năm. Lễ hội này diễn ra trùng với ngày sinh của Đức Phật (ngày 15/4 dương lịch) nên còn được gọi là Lễ hội Năm mới Phật giáo. Theo truyền thống, lễ hội Songkran còn để cầu nguyện nhằm đánh dấu năm mới của Phật giáo vào ngày 15/4.
Đây cũng là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật, dọn dẹp nhà cửa, té nước vào người cao tuổi nhằm tỏ lòng tôn kính. Trong thời gian lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp cũng được tổ chức. Ngoài ra, người Thái còn nấu các món ăn truyền thống và mặc các trang phục nhiều màu sắc. Đặc biệt, trong tết Songkran, người dân sẽ té nước lên nhau bằng xô, súng phun nước hay bóng... những người càng được té nhiều nước thì càng may mắn.
Khoảng 95% người Thái theo đạo Phạt và Chiang Mai, thành phố có 500 năm lịch sử là thủ đô của vương quốc Lanna cũ, là nơi lưu giữ truyền thống tâm linh và cộng đồng. Và riêng ở Chiang Mai, lễ hội Songkran lại được tổ chức náo nhiệt hơn bao giờ hết.
Ngày đầu tiên là Wan Sungkharn Long, là ngày mọi người dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa, rũ bỏ những cái cũ để chờ đón những điều tốt đẹp trong năm mới.
Ngày thứ 2 là Wan Nao, trong ngày này, người dân Thái Lan sẽ chuẩn bị thật nhiều đồ ăn. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. Ngày Wan Nao tương tự như ngày 30 Tết cổ truyền ở Việt Nam.
Ngày thứ 2 của lễ Songkran, người Thái xây dựng chùa cát tại các đền thờ và mang cờ cầu nguyện làm lễ vật.
Và ngày cuối cùng là ngày Wan Payawan, đây là ngày đầu tiên của năm mới và cũng là ngày Đản sinh của Đức Phật. Mở đầu là một số nghi lễ trên chùa vào lúc sáng sớm, người dân sẽ cúng đồ ăn và quần áo. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước.
Trước kia, vào dịp lễ hội, người Thái thường dùng nước thơm té vào các thành viên trong gia đình với ý nghĩa gột rửa những điều đen đủi trong năm cũ và đón nhận sự may mắn trong năm mới. Sau đó, lễ hội này đã được mở rộng thành lễ hội té nước và thu hút sự tham gia của tất cả mọi người.
Người Thái sẽ đem lễ vật đến cả hai chùa và thăm các nhà sư trong lễ hội.
Lễ hội té nước diễn ra gồm 2 phần: phần lễ và phần hội. Ở phần lễ, người dân thực hiện những nghi thức trang trọng như tắm tượng Phật, còn phần hội là lúc mọi người cùng đổ ra các con đường để té nước. Lễ tắm Phật diễn ra tại các ngôi chùa như: chùa Phra Buddha Sihing, chùa Wat Phrathat Doi Suthep,... Bạn có thể dùng nước hoa nhài té vào tượng Phật để lấy may mắn.
Thái Lan là quê hương của hơn 300.000 nhà sư.
Sau lễ tắm tượng Phật, người dân hào hứng chào mừng năm mới bằng lễ hội té nước truyền thống. Khắp các tuyến phố ngập tràn sự sôi động bởi các nhóm biểu diễn ca múa nhạc truyền thống theo phong cách Lanna. Đây cũng là dịp để bạn thưởng thức các món ăn địa phương đặc sắc và hoà mình vào cùng dòng người tham gia té nước. Tại lễ hội té nước, bạn có thể té nước vào bất kỳ ai và bạn hãy chuẩn bị tinh thần nhé, bởi bạn sẽ bị ướt bởi những người hoàn toàn lạ mặt. Với người Thái Lan, họ quan niệm rằng càng được té nhiều nước thì bạn sẽ nhận được càng nhiều sự may mắn.
Cuộc diễu hành đầy màu sắc trước lễ té nước.
Ở Chiang Mai – thủ đô của Songkran, là nơi tuyệt vời nhất để du khách cùng tham gia vào tết té nước. Chiang Mai cũng là nơi tổ chức lễ hội té nước đầy màu sắc truyền thống vì ở đây, người Thái còn giữ được nhiều phong tục cổ xưa. Người Chiang Mai sửa soạn Tết Songkran từ trước một tháng. Họ lo trang hoàng lại nhà cửa và chùa chiền, sao cho nhà cửa thật lộng lẫy, chùa chiền thật đẹp và uy nghiêm.
Lễ hội té nước được diễn ra trong vòng 3 ngày.
Cả du khách cũng tham gia vào lễ hội té nước.
Với người Chiang Mai, Tết Songkran càng ướt thì họ càng vui và hạnh phúc. Do đó, ai cũng chuẩn bị kỹ các phương tiện té nước vào người nhau. Sau khi mọi người vui thoả với việc chúc phúc nhau bằng nước thì họ mới bắt đầu ăn Tết. Songkran cũng là Tết người Thái nghĩ tới người đã khuất nên họ thường chuẩn bị những bữa ăn thịnh soạn để cúng tổ tiên, rồi tiếp đó mới vui chơi thoả thích. Cũng trong tết té nước, người dân ở Chiang Mai đã làm lễ buộc chỉ cổ tay như một hình thức chúc may mắn trong năm mới.