Nếu người Việt Nam có ngày Tết cổ truyền, thì người Thái cũng mừng Tết với lễ hội té nước Songkran. Đây là hoạt động truyền thống, được nhiều người dân cũng như du khách viếng thăm xứ chùa vàng mong đợi. Đây chắc chắn là một trải nghiệm tuyệt vời để bạn bắt đầu một năm 2019 đầy phấn khởi và niềm vui.
Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan, nên người dân chọn ngày sinh của Đức Phật để đón chào một năm mới. Từ năm 1941, Hoàng gia Thái quy định Tết Songkran bắt đầu vào ngày 13/4, kết thúc vào ngày 15/4 Dương lịch hàng năm.
Tạt nước là hoạt động chính của Tết Songkran
Từ Tết Songkran xuất phát từ tiếng Phạn, với nghĩa “lúc thời gian chuyển dịch, mặt trời đi từ khu vực Hoàng Đạo sang khu vực Kim Ngưu trong vũ trụ”, mọi người đón mừng Đản sinh Đức Phật bằng việc phun nước vào người nhau để gột rửa hết buồn phiền đón mừng năm mới. Mọi người lên chùa dự lễ tắm Phật và mang trái cây cùng những món ăn chay cúng các vị sư, đồng thời thả chim lên trời phóng sinh, sau đó là chúc thọ cha mẹ, ông bà, rồi lấy nước thơm cho vào phun lên người nhau để chúc phúc.
Người Thái Lan cũng đón 3 ngày Tết như người Việt Nam. Ngày đầu tiên của Tết Songkran là Wan Nao (ngày 13/4) có ý nghĩa như ngày 30 Tết ở Việt Nam, được gọi là ngày chuẩn bị. Ngày này, người dân Thái sẽ nấu nướng, bày biện thức ăn để dâng lên chùa vào sáng ngày tiếp theo.
Tắm Phật bằng nước thơm trong Tết Songkran
Ngày chính của Tết Songkran được gọi là Wan Payawan (ngày 14/4). Trong ngày này, người dân ăn mặc đẹp, dùng bữa cơm gia đình và lên chùa sớm. Sau nghi lễ ở chùa, họ dùng nước thơm lau tượng Phật để tỏ lòng thành kính và cầu may mắn.
Măm cỗ người Thái ngày Tết
Trong ngày Wan Payawan, người Thái Lan không nói những điều xui xẻo, không làm hành động sai hay có ác tâm với người khác.
Ngày cuối cùng của Tết Songkran được gọi là Wan Parg-bpee (ngày 15/4). Trong ngày này, người Thái sẽ đi đến nhà họ hàng lớn tuổi và thực hiện nghi thức “Rod Nam Dam Hua” - nhẹ nhàng rưới nước thơm lên tay những bậc tiền bối. Đây được xem như là cách để bày tỏ tình yêu thương và lòng tôn kính đối với họ.
Lễ rước phật ở Chiang Mai
Ngoài ba ngày Tết Songkran truyền thống trên khắp đất nước Thái Lan cũng có rất nhiều lễ hội để chào đón năm mới ghé sang. Đầu tiên là lễ rước tượng Phật ở Chiang Mai. Vùng đất Chiang Mai được xem là khởi phát lễ hội té nước Songkran của người Thái.
Người dân tham gia lễ rước
Đây là nơi lưu giữ, bảo tồn nhiều hoạt động trình diễn nghệ thuật gắn liền với vương triều Lanna ở Chiang Mai (thế kỷ 13-18). Ngày vui Songkran ở Chiang Mai thường bắt đầu từ 12/4, được gọi là ngày Wan Sungkharn Lohng.
Thành kính cầu nguyện cho một năm mới bình an
Trong ngày này, các gia đình ở Chiang Mai sẽ dọn dẹp nhà cửa, diện quần áo mới và tham gia nghi thức rước tượng Phật quanh thành phố. Đoàn rước thường bắt đầu từ cầu Nawarat, đi tiếp đến cổng thành Thapae, qua các ngả đường và điểm cuối là chùa Wat Prasingh.
Người dân Bangkok tạt nước chúc phúc nhau
Tiếp theo là tham gia Tết Songkran tạt nước ở Bangkok. Ở “thiên đường” mua sắm Bangkok, Songkran có nhiều điểm khác biệt. Những ai muốn tìm hiểu các giá trị văn hoá truyền thống, dân gian có thể ghé thăm nhiều ngôi chùa cổ kính như: Wat Phra Kaeo, Wat Suthat, Wat Arun, Wat Pho…
Chùa Wat Phra Keo nổi tiếng ở Bangkok
Tại đây, du khách không chỉ được vãn cảnh mà còn có cơ hội tìm hiểu tích vua Kabilaprom - người tự cắt đầu mình khi thua cuộc trong lần thách đố cùng hoàng tử Thammaban qua lời kể của các sư thầy.
Đến Bangkok mùa Songkran, du khách sẽ không cảm thấy lạc lõng. Bởi quanh khu vực Banglamphu, quảng trường Rattanakosin, đường Phra Athit, Santhichaiprakan, Wisut Krasat hay phố tây Khao San… là những nơi lễ té nước diễn ra rộn ràng, sôi nổi nhất.
Lễ tạt nước diễn ra đến tận khuya
Ngoài ra nếu không thu xếp kịp chuyến đi vào đúng Tết Songkran, bạn vẫn còn cơ hội trải nghiệm lễ hội té nước tại thành phố biển Pattaya, tỉnh Chonburi. Tại đây, lễ hội Wan Laay (Songkran) được tổ chức sau ngày lễ Songkran chính (18/4-20/4).