Những đầu bếp khi đến Đà Lạt du lịch thường cho rằng, nơi đây không chỉ quảng bá thương hiệu ẩm thực địa phương mà còn ngẫu nhiên giới thiệu đặc sản của những vùng miền nơi khác khiến món ăn từ dân dã trở nên nổi tiếng.
Cháo lòng Di Linh Bà Mèn (đường Yersin, Đà Lạt)
Chẳng hạn như bánh căn của Nam Trung bộ, chả ram bắp Quảng Ngãi, bún chả cá Nha Trang... Ngoài ra thì còn có món cháo lòng Di Linh du khách không thể bỏ qua trong cẩm nang ẩm thực của mình khi phiêu lưu đến miền đất lạnh. Dù cũng thuộc tỉnh Lâm Đồng, nhưng cháo lòng Di Linh (của huyện Di Linh) được cả nước biết đến là “nhờ công” của Đà Lạt.
Vẫn như món cháo lòng mà nhiều địa phương trong cả nước thường chế biến, nhưng ở cháo lòng Di Linh có đôi chút khác biệt, sáng tạo và chính những tiểu tiết đó nó đã trở nên nổi tiếng, với bề dày thâm niên hơn 20 năm. Cháo được nấu bằng xương và tủy heo nên rất ngọt. Khi cháo nhừ, người ta cho một lượng huyết hậu (lượng huyết ít ỏi sau cùng khi làm heo) đã đánh sẵn (để không đặc) cho vào cháo lòng. Điều đó làm tăng thêm vị ngọt, đậm đà ở nước cháo vì huyết hậu rất ngọt. Để người dùng không có cảm giác ngán. Cháo lòng Di Linh phải nấu bằng gạo nở (gạo dẻo nhiều nhựa), nước hơi lỏng để có thể húp từng muỗng cháo cảm nhận sự tinh tế ở vị ngọt. Những tép hành lá phần gốc được bỏ vào nồi cháo góp công vị ngon ngọt và gần gũi (vì hầu như món ăn sáng từ phở, hủ tíu, bún riêu… đều không thiếu nguyên liệu này).
Lòng heo khi đã sơ chế nhiều lần với muối và rửa sạch bởi nước lọc thì được đem lên nồi nước luộc riêng. Đặc biệt là phổi phải luộc riêng biệt bằng một nồi khác nữa vì những chất trong phổi ra sẽ làm mất màu của lòng heo. Khi lòng heo luộc chín, đem rửa lại bằng nước lạnh rồi cho vào thau đá bào giúp làm tăng độ giòn. Khi ăn, sẽ trụng lại cho nóng hổi. Đặc biệt, dồi ở món cháo này không làm bằng ruột non như ở nhiều địa phương khác mà làm bằng khấu đuôi heo nên rất giòn dai.
Khi hai công đoạn chính được làm song song đã xong, giờ chỉ việc dùng thôi. Tô cháo lòng Di Linh được rắc chút tiêu và hành lá để tạo vị nồng. Bên cạnh là một dĩa bánh hỏi rắc hành phi, rau xanh, chén nước mắm trong dằm ớt hiểm, cùng với dĩa lòng nghi ngút khói khiến cho vị giác phải thèm thuồng. Giữa cái lạnh của xứ đại ngàn, gắp một miếng lòng chấm nước mắm trong ăn kèm rau sống và bánh hỏi thì còn gì bằng. Húp một muỗng cháo, nhâm nhi ly rượu thuốc hoặc rượu vang nho, cảm giác ngây ngất say theo vẻ đẹp đê mê của Đà Lạt mộng mơ.
Y.T
Theo Báo Du lịch